Mở lại chợ truyền thống vẫn chậm

14:32 | 03/10/2021

126 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Thông tin từ Bộ Công Thương cho biết, một số tỉnh, thành phố đang quá thận trọng khi mở lại chợ truyền thống. Việc tăng cường kiểm soát phòng dịch là cần thiết nhưng cũng cần khẩn trương hơn để lưu thông hàng hóa, phục vụ đời sống nhân dân.

Thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP, về việc hỗ trợ phục hồi kinh tế tháo gỡ khó khăn phục hồi sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân, trong thời gian quan nhiều tỉnh, thành phố đã nỗ lực mở lại chợ truyền thống, tăng cường lưu thông hàng hóa, phục vụ đời sống nhân dân sau thời gian thực hiện giãn cách xã hội.

Tại Thành phố Đà Nẵng, mặc dù từ ngày 30/9, Thành phố cho phép mở lại chợ truyền thống nhưng lượng người dân đi chợ còn chưa nhiều, một số nơi vẫn thực hiện đi chợ 3 ngày/lần. Một số chợ vẫn chưa bố trí đủ 50% số lượng gian hàng/quầy hàng do chưa bảo đảm các quy định về phòng, chống dịch. Chợ đầu mối Hòa Cường cũng đã mở cửa trở lại, nhưng chỉ được phép hoạt động khu vực bán sỉ từ 2h-9h sáng và chỉ được tập kết hàng hóa trong sân, Sở Công Thương sẽ thực hiện đánh giá sau 7 ngày thực hiện để có chỉ đạo phương án tiếp theo. Trong ngày 1/10, chợ đầu mối Hòa Cường mới chỉ có 01 hộ kinh doanh.

Ngoài ra, còn có tình trạng một số hộ kinh doanh, người dân tự phát tập trung giao nhận hàng hóa, buôn bán bên ngoài khuôn viên chợ đầu mối Hòa Cường, không bảo đảm quy định phòng, chống dịch, Sở Công Thương đã đề nghị quận Hải Châu kiểm tra, kiểm soát tình trạng trên.

Mở lại chợ truyền thống vẫn chậm
Chợ truyền thống có vai trò đặc biệt quan trọng trong chuỗi lưu chuyển hàng hóa tại Việt Nam.

Từ ngày 01/10, hàng loạt hệ thống siêu thị, điểm bán lẻ tại TP Hồ Chí Minh đã mở cửa đón khách. Dự đoán nhu cầu mua sắm sẽ tăng, các hệ thống phân phối đã có kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng cho trạng thái bình thường mới sau thời gian giãn cách. Hàng hóa đa dạng, dồi dào, nhất là các mặt hàng thực phẩm tươi sống (thịt heo, thịt bò, cá, rau củ quả…). Hầu hết các siêu thị đều áp dụng nghiêm các quy định phòng, chống dịch như yêu cầu giãn cách, khách hàng phải có “thẻ xanh COVID”.

Lượng khách đến siêu thị mua hàng không đông, chủ yếu do người dân còn e ngại tình hình dịch bệnh nên hạn chế ra đường và không còn tâm lý lo lắng thiếu hụt hàng hóa khi Thành phố quay trở lại trạng thái bình thường mới… Giá bán tại các siêu thị vẫn tương đối ổn định, một số siêu thị còn có chương trình khuyến mãi, giảm giá với một số mặt hàng.

Mặc dù Thành phố Hồ Chí Minh đã cho phép mở lại chợ truyền thống với điều kiện bảo đảm các tiêu chí về phòng dịch, tuy nhiên, đến ngày 1/10/2021, trên địa bàn Thành phố vẫn còn 219/234 chợ truyền thống tạm ngưng hoạt động do hiện nay, Ủy ban nhân dân Thành phố Thủ Đức và các quận - huyện đang yêu cầu các chợ xây dựng Kế hoạch/Phương án hoạt động an toàn, đáp ứng yêu cầu tại Bộ tiêu chí đánh giá hoạt động an toàn trong phòng, chống dịch COVID-19 tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thương mại trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh (Quyết định số 3328/QĐ-BCĐ ngày 15/9/2021).

Tại 14 chợ đang hoạt động (chủ yếu tại các “vùng xanh” trên địa bàn huyện Củ Chi và Cần Giờ, riêng 01 Chợ Bà Chiểu, quận Bình Thạnh vẫn hoạt động, chủ yếu kinh doanh mặt hàng trái cây), các địa phương thực hiện phát phiếu đi chợ cho người dân nên sức mua tương đối ổn định. Các điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa nông sản, thực phẩm tại 03 chợ đầu mối vẫn duy trì hoạt động, góp phần cung ứng hàng hóa cho thành phố và các tỉnh lân cận. Tổng lượng hàng đưa về cung ứng và tiêu thụ cho thị trường Thành phố trong ngày 30/9 và sáng 01/10 tăng 0,3% so với hôm trước, ước đạt 5.137,9 tấn/ngày.

Tương tự, tại một vùng dịch khác là Bình Dương, trên địa bàn tỉnh hiện có 30/97 chợ truyền thống, 11/11 siêu thị và 220/221 cửa hàng tiện lợi đang hoạt động, trong đó các cửa hàng tiện lợi trên địa bàn các phường “khoá chặt, đông cứng” tại thành phố Thuận An, Dĩ An và Tân Uyên hoạt động theo hình thức bán hàng trực tuyến, không bán hàng tại chỗ.

Thực hiện theo hướng dẫn tại Kế hoạch số 2066/KH-SCT ngày 14/9/2021 của Sở Công Thương Bình Dương về việc rà soát, đánh giá chấm điểm theo Bảng tiêu chí đánh giá nguy cơ lây nhiễm Covid-19 cho các chợ truyền thống đáp ứng đủ điều kiện an toàn Covid được phép 3 hoạt động trở lại sau thời gian giãn cách, đến nay có 11 chợ đã xây dựng phương án và đăng ký hoạt động trở lại. UBND thành phố Thuận An và thị xã Tân Uyên đã thực hiện cấp phát toàn bộ gói lương thực, thực phẩm cho người dân (100% kế hoạch) tại 15 phường thực hiện “đông cứng, khoá chặt”.

Các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh Bình Dương vẫn duy trì tổ chức các điểm bán hàng bình ổn thị trường cố định và lưu động, cửa hàng 0 đồng; Chợ ngoài trời phục vụ người dân trong thời gian triển khai phương án phục hồi hoạt động của các chợ truyền thống. Nhìn chung, hệ thống các chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi vẫn đảm bảo cung ứng đủ hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân và các doanh nghiệp thực hiện “03 tại chỗ” trên địa bàn tỉnh. Giá nhiều mặt hàng thiết yếu trong ngày 01/10/2021 ổn định.

Tùng Dương

TP Hồ Chí Minh sẵn sàng mở lại chợ truyền thống TP Hồ Chí Minh sẵn sàng mở lại chợ truyền thống
TP HCM dự kiến nới lỏng lưu thông và mở lại nhiều hoạt động từ 0h ngày 1/10 TP HCM dự kiến nới lỏng lưu thông và mở lại nhiều hoạt động từ 0h ngày 1/10
Cần nhanh chóng mở lại chợ phục vụ người dân Cần nhanh chóng mở lại chợ phục vụ người dân
Người dân Hà Nội yên tâm mua sắm Người dân Hà Nội yên tâm mua sắm