Tại sao một số nước Đông Nam Á mua tàu ngầm?

09:24 | 09/01/2014

6,018 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Theo tờ New York Times (Mỹ), trong những năm gần đây, hầu hết các quốc gia châu Á đều đã và đang mở rộng ngân sách cũng như tăng khả năng quốc phòng. Riêng ở Đông Nam Á, không khó để nhận thấy, khu vực này đang có một cuộc chạy đua mua sắm tàu ngầm.

"Hố đen đại dương" - tàu ngầm lớp Kilo (HQ-182 Hà Nội) đã hiện diện ở Cam Ranh

Ngày 1/1/2014, Việt Nam đã nhận được chiếc tàu ngầm phi hạt nhân tấn công lớp Kilo thuộc dự án 636 đầu tiên trong đơn hàng 6 tàu ngầm lớp Kilo mà Việt Nam đặt mua của Nga (mang tên HQ-182 Hà Nội). Chiếc cuối cùng trong đơn hàng này dự kiến sẽ được chuyển giao vào năm 2016.

Trước Việt Nam, Indonesia, Singapore và Malaysia là 3 quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á sở hữu hạm đội tàu ngầm và hiện đều đang có kế hoạch tăng cường sức mạnh tác chiến dưới biển của mình.

Hải quân Malaysia vào năm 2002 đã ký một hợp đồng mua 2 tàu ngầm tấn công lớp Scorpene của Pháp với giá 1,1 tỷ USD. Hai tàu ngầm này đều được biên chế sử dụng trong Hải quân Malaysia vào các năm 2007 và 2009.

Trong khi đó, Indonesia đang hy vọng sẽ thay thế 2 tàu ngầm phi hạt nhân Type 209 đã lão hóa của mình. Jakarta cũng có kế hoạch đến năm 2020, sẽ mở rộng biện đội tàu ngầm lên 12 chiếc. Hiện nay, công ty đóng tàu STX của Hàn Quốc đang hợp tác với Công ty công nghiệp quốc phòng của Indonesia, đóng 3 tàu ngầm kiểu Type 209 cho nước này và dự kiến bàn giao từ năm 2015-2016. Ngoài ra, có thông tin cho biết, Indonesia cũng quan tâm tới tàu ngầm Kilo thuộc dự án 636 của Nga.

Không nằm ngoài xu hướng đó, mặc dù đã sở hữu 6 tàu ngầm phi hạt nhân thuộc lớp Challenger và Archer mua từ Thụy Điển, Singapore vẫn muốn tăng cường sức mạnh tàu ngầm của mình. Cuối tháng 11/2013, Singapore tuyên bố nước này đã ký hợp đồng mua 2 tàu ngầm Type 218SG mới từ công ty ThyssenKrupp của Đức. Điều khoản của hợp đồng này bao gồm việc bảo dưỡng và đào tạo thủy thủ tàu tại Đức. Tàu ngầm của Singapore sẽ được trang bị hệ thống đẩy không khí độc lập, dự kiến sẽ được bàn giao vào năm 2020.

Ngay cả Myanmar - một đất nước vừa mới mở cửa hội nhập với thế giới cũng còn dự định xây dựng lực lượng tàu ngầm vào năm 2015.

Bên cạnh Myanmar, Thái Lan cũng tỏ rõ quyết tâm khi công bố kế hoạch mua 3 tàu ngầm trong 10 năm tới. Thậm chí, nước này đã bắt đầu xây dựng một trung tâm huấn luyện tàu ngầm và căn cứ tàu ngầm tại Sattahip, tỉnh Chonburi. Căn cứ này dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 3/2014 và được trang bị một đội huấn luyện chỉ huy tàu ngầm.

Chỉ có Philippines hiện nay là chưa mua tàu ngầm mới.

New York Times nhận định, việc các quốc gia Đông Nam Á trang bị tàu ngầm cho thấy các nước này có tiền, nhưng họ không trang bị tàu ngầm để chống lại nhau. Việc mở rộng, tăng cường trang bị tàu ngầm là một phản ứng trước sự không chắc chắn ngày càng tăng trong phân bố quyền lực ở khu vực. Điều này chủ yếu gây ra bởi sự tăng cường hiện diện và phô trương sức mạnh của lực lượng hải quân Trung Quốc trên Biển Đông và Ấn Độ Dương trong những năm gần đây.

Tuy nhiên, tờ báo cho rằng, việc các nước Đông Nam Á tăng cường sức mạnh tàu ngầm khó có khả năng khiến Trung Quốc ngừng mở rộng hải quân. Thay vào đó, Bắc Kinh sẽ tăng cường khả năng chống tàu ngầm của mình. Và mỗi sự mở rộng chỉ làm gia tăng sự nghi ngờ và căng thẳng trong khu vực, trong khi hòa bình và ổn định mới là nền tảng để phát triển kinh tế.

Minh Châu

 

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps