Sống thử, hậu quả thật!

06:00 | 20/05/2014

5,680 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Khái niệm sống thử giờ đây đã trở nên quen thuộc với tất cả các bạn trẻ, đặc biệt là giới sinh viên. Sẽ không có gì là lạ nếu vô tình đi vào một xóm trọ nào đó và bắt gặp các cặp đôi sống chung như vợ chồng. Có nhiều bạn trẻ cho rằng, sống thử là điều kiện cần để tiến tới hôn nhân hạnh phúc. Nhưng liệu cặp đôi nào sống thử trước hôn nhân cũng có một cuộc sống hạnh phúc sau này?

Năng lượng Mới số 319

Góp gạo thổi cơm chung

“Sinh viên “sống thử” á? Tưởng chuyện gì, chứ chuyện này thì trong lớp em có dăm cặp như thế. Chuyện về bọn nó có thể kể hàng mấy ngày không hết” - cô em họ tôi, là sinh viên năm thứ ba Đại học KHXH&NV TP HCM quả quyết. Theo chân cô em, chúng tôi bắt đầu thâm nhập vào khu vực sinh sống của hàng ngàn sinh viên ĐH Quốc gia TP HCM, nơi người ta thường gọi bằng cái tên Làng Đại học Thủ Đức.

Chúng tôi tìm đến phòng trọ của N.M.T (21 tuổi), hiện là sinh viên năm 3 Khoa Quan hệ quốc tế - ĐH KHXH&NV TP HCM và cũng là bạn học của cô em tôi. Được biết, T đang sống cùng người bạn gái tên T.M.P (20 tuổi), sinh viên năm hai Trường ĐH Quốc tế.

Nhà tu hành cùng những đứa trẻ bất hạnh bị cha mẹ bỏ rơi

T và P vốn là bạn học cùng trường, yêu nhau từ thời cấp 3. Cả hai may mắn cùng đậu đại học thuộc khối Đại học Quốc gia. Tình yêu ngăn cách sau 1 năm trời nay được rút ngắn, lại không còn chịu sự quản lý của gia đình, P ngay sau khi nhập học đã gật đầu đồng ý dọn về ở chung với người yêu. Lý do lúc ấy cả hai đưa ra vô cùng đơn giản: đằng nào cũng cưới, sống với nhau trước cũng có hề gì. Huống chi sống chung sẽ tiết kiệm được tiền phòng, tiền ăn uống, đi lại, chi tiêu mọi thứ. Và lý do quan trọng nhất là có thể luôn được ở cạnh nhau.

“Nhưng ở trong chăn mới biết chăn có rận” - P thở dài. “Sống chung với nhau được 1 năm thì em nhận ra anh ấy có vô số tật xấu em không chịu được. Đầu tiên là ở bẩn. Ba ngày mới thay áo một lần, lại không chịu giặt ngay”. Ngoài ra, T còn có tính khảnh ăn do được ba mẹ cưng chiều từ nhỏ. Ban đầu người yêu nấu gì T cũng khen tấm tắc, nhưng càng về sau, T càng bắt P phải nấu sao cho đúng ý, nếu không cậu nhất quyết không ăn. Ngoài ra, T còn có tính gia trưởng. Với lý do “để dành tiền cho tương lai sau này”, ngoài tiền học của P, các khoản chi tiêu còn lại đều do T quyết định. “Chính vì thế mà bọn em cãi nhau liên tục. Mới rồi em nhắn tin bảo trưa nay ra ngoài ăn đỡ một hôm, anh ấy nhất quyết không chịu, bắt em về nấu cơm cho đỡ tốn. Thế là em phải trốn về…” - P ấm ức.

Ký túc xá vẫn “sống chung”

Qua P, chúng tôi được biết thêm, không chỉ ở trọ bên ngoài mới có thể “góp gạo thổi cơm chung”. Ngay cả trong ký túc xá, nhiều cặp đôi “mặt dày” cũng thường dắt nhau về ở chung, bất chấp ánh nhìn khó chịu của bạn cùng phòng. Để xác thực điều này, chúng tôi bắt đầu thâm nhập vào khu vực ký túc xá Đại học Quốc gia TP HCM.

Được biết, theo quy định, ký túc xá thường đóng cổng vào lúc 10 giờ đêm. Những ai không có tên trong danh sách sinh viên lưu trú, khi muốn vào phải để lại thẻ sinh viên hoặc chứng minh nhân dân tại phòng bảo vệ. Đến giờ quy định, tất cả những người không ở trong ký túc xá đều phải ra về. Nhưng, quy định dường như chỉ cho có rồi để đó. Bởi lẽ, chúng tôi đi vào ký túc xá rất tự nhiên, chẳng một ai để ý đến.

Sau khi hỏi thăm một vòng, chúng tôi ghi nhận được kha khá trường hợp như P từng nói. Câu chuyện về sinh viên N.T.M.D là một ví dụ. D hiện là sinh viên năm 3 Đại học Kinh tế - Luật.

T.Nhàn (sinh viên năm 1 Trường ĐH KHXH&NV) - bạn cùng phòng với D cho biết: “Em mới chuyển vào ở được mấy ngày đã thấy chị ấy đem bạn trai về. Cứ tưởng đến chơi thôi. Ai dè anh ta ở đến tận tối rồi ngủ lại luôn. Cả đêm 2 người kéo rèm, rục rịch bên trong làm em không ngủ được. Sáng ra, em hỏi mấy chị cùng phòng thì mấy chị bảo, góp ý nhiều lắm rồi, nhưng mãi chị ấy vẫn không nghe. Em mới đến lại nhỏ nhất nên chẳng dám ý kiến nữa”. Theo Nhàn, D là một cô gái đẹp và hiện đại, ngoài “tật” thường xuyên đem bạn trai đến ngủ cùng thì D khá dễ mến, hòa đồng. Vì vậy 9 người bạn kia cũng không ai nỡ “tố cáo” lên Ban Quản lý. Mãi cho đến khi có kiểm tra đột xuất, bị bắt quả tang, D mới buộc phải rời ký túc xá. Nghe đâu hiện tại D đã dọn đến ở chung với bạn trai và một người bạn nữa.

Quần hôn là chuyện bình thường?

Qua câu chuyện trên, chúng tôi lại được biết thêm về một loại hình “góp gạo thổi cơm chung” khác. Đó là cả nam, cả nữ đều sống chung 1 phòng trọ, từ 3, 4 người trở lên. Như trường hợp phòng trọ của bạn L.T.Anh (sinh viên năm 4 Trường ĐH Bách Khoa).

Căn phòng 12m2 nằm trong một khu trọ sát bên ĐH Bách Khoa, là chỗ ăn, ở, sinh hoạt của 5 người, 2 nam, 3 nữ. Trong đó có T.Anh và D.Thư cùng là sinh viên ĐH Bách Khoa, 3 người còn lại gồm em trai T.Anh, em họ của D.Thư và một người bạn khác. Theo T.Anh, sống chung như vậy rất vui và tiết kiệm. Ban ngày, ngoài giờ học, công việc nhà được chia đều cho từng thành viên. Buổi tối, căn phòng được dọn dẹp gọn gàng để lấy chỗ ngủ, con gái 1 góc, con trai 1 góc. Tuy nói vậy, nhưng trong căn phòng chỉ có hơn chục mét vuông, không có gì ngăn cách, việc đụng chạm nhau là điều không thể tránh khỏi.

N.Mai, hàng xóm của T.Anh khi được hỏi đến, lắc đầu: “Mình không biết sự thật là như nào, nhưng cái kiểu ở chung tạp nhạp như vậy, lại đóng cửa im ỉm suốt ngày làm cho người khác dù dễ tính mấy cũng thấy khó chịu”; “Có đêm, mình còn nghe bên đó có tiếng động rất nhạy cảm. Không ai muốn nghĩ xấu cho người khác nhưng rõ ràng nam nữ sống chung như vậy là không bình thường”.

Thời gian gần đây báo chí có nhiều bài lên án kiểu sống “bầy đàn”, “thác loạn” của giới trẻ hiện nay. Liệu T.Anh và nhóm bạn có nằm trong số đó hay không vẫn là một dấu hỏi. Tuy nhiên, dù đúng hay sai, lối sống của nhóm T.Anh cũng đã khiến những người xung quanh không khỏi hoài nghi, bàn tán. Điều này khiến nhóm bạn dường như bị cô lập hoàn toàn khỏi xóm trọ nơi đây.

Những hệ lụy khôn lường

Dạo một vòng qua các phòng khám sản phụ khoa trên TP Hồ Chí Minh vào các ngày đầu tuần, chúng tôi nhận thấy những bệnh nhân đến đây đa số là trẻ và chưa có gia đình đi nạo hút thai.

Có dịp trao đổi với bác sĩ S tại phòng khám sản phụ khoa, chúng tôi mới thấy sự phức tạp về nạn nạo hút thai ở giới sinh viên hiện nay. Trong khoảng 1 giờ đồng hồ, có tới 3 cô gái trẻ vào khám. Các cô chỉ khoảng 19-22 tuổi, cả 3 đều đề nghị được hút thai. Bác sĩ S cho biết thêm, ngoài sinh viên còn có khá nhiều trường hợp các em ở tuổi vị thành niên tự mình đi hút thai. Phần vì sợ cha mẹ, phần lại ngại bạn bè biết nên đi giải quyết một mình. Khi bác sĩ yêu cầu cha mẹ đến thì các em khóc lóc van xin...

Phần lớn sinh viên khi phát hiện mang bầu đều lập tức tìm đến bệnh viện mong phá bỏ. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào bác sĩ cũng đồng ý cho nạo thai. Cụ thể là khi cái thai đã quá lớn. Đơn cử như trường hợp cô sinh viên Đ.T.Trinh (24 tuổi).

Trinh kể, trước đây cô yêu một anh đồng hương học cùng trường tên Nam. Trọ học được 2 năm thì 2 người quyết định dọn về sống chung với nhau. Chuyện gì đến đã phải đến, 1 năm sau cô có thai. Khi phát hiện ra, cái thai đã quá lớn. Nhờ sự động viên của bác sĩ, cùng với sự ủng hộ của Nam, Trinh đã quyết định giữ lại đứa con. Vậy là suốt quãng thời gian năm thứ 3 đại học, Trinh vác bụng bầu đến lớp. Dưới ánh mắt khinh miệt, soi mói của bạn bè, Trinh kiên quyết giả câm, giả điếc cho đến khi con chào đời. Về phần Nam, khi ấy phải bảo lưu kết quả học, đi làm thêm kiếm tiền cho Trinh sinh nở.

Đến nay, con trai Trinh đã được 1 tuổi, cô và Nam cũng đã quay lại trường hoàn tất chương trình học. Khi được hỏi có hối hận về việc “sống thử” ngày trước không, Trinh thú nhận: “Giờ mới thấy mình dại. Giá như suy nghĩ chín chắn hơn thì giờ cả hai đều đã đi làm ổn định và có khi đã cưới nhau rồi. Thằng bé do một năm đầu thiếu sữa nên còi cọc mãi. Do lỗi của mình làm tội cho con”.

Tất nhiên, những trường hợp như Trinh và Nam là rất hiếm. Bởi không phải ai cũng có đủ quyết tâm và nghị lực đương đầu với những thử thách như vậy, nhất là khi tuổi đời còn quá trẻ. Đa phần, các bạn đều tìm cách trốn chạy, bỏ lại sau lưng những sinh linh bé nhỏ do chính mình dứt ruột sinh ra.

M là sinh viên, cô “yêu” một người đàn ông tên N. Đến khi hay tin M có thai, N tìm cách tránh né. Vòng bụng ngày một lớn hơn, M đành cuốn hành lý, giấu gia đình, tìm đến cửa chùa Diệu Pháp, nhờ các ni sư cưu mang, giúp đỡ. Qua 5 tháng sống nương tựa tại chùa, M được mẹ tròn con vuông. Sau khi sinh nở, M liền bỏ con đi mất biệt. Đau lòng hơn, một trường hợp khác là nữ sinh viên tên N.T.K, học ngành du lịch, lỡ lầm sống thử. Phát hiện có thai, K bị người yêu ruồng bỏ. Nhục nhã ê chề, K uống rất nhiều thuốc, cố phá bỏ cái thai nhưng không thành. Đến lúc sinh nở, đứa trẻ bị ảnh hưởng, cơ thể biến dạng, khiến đầu bé rất to và dài, nhưng tay chân chỉ bé xíu. K cũng để con lại chùa, trốn đi không một lời từ biệt.

Cứ thế, ngày lại ngày, cửa chùa Diệu Pháp lại lần lượt cưu mang những đứa bé được sinh ra từ tủi nhục, từ số phận không may mắn. Bên cạnh đó, tại các trung tâm nhân đạo hoặc trung tâm bảo trợ xã hội khác, người ta có thể dễ dàng bắt gặp rất nhiều hoàn cảnh trẻ sơ sinh bị bỏ rơi. Không ít trẻ bị bỏ rơi ở ven đường, công viên hoặc bị bỏ trong thùng rác, nhà vệ sinh công cộng... đã mất mạng. Những đứa trẻ đáng thương đều bị ruồng bỏ bởi chính người cha, người mẹ lỡ lầm trong các cuộc tình chóng vánh. Đây là một thực trạng đáng buồn và cần lên án. Thiết nghĩ, đã đến lúc chúng ta phải cùng nhìn nhận lại vấn đề giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản đến vị thành niên, để có những biện pháp ngăn chặn, đẩy lùi vấn nạn này.

Nguyên Phương