Vụ bê bối của cựu Uỷ viên thường vụ Bộ Chính trị Chu Vĩnh Khang:

Những người phải "chết" theo chủ?

12:20 | 17/08/2014

3,230 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ngày 17-8, tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng đưa tin, hội nghị Bắc Đới Hà (phi chính thức) đã diễn ra thuận lợi và kết thúc sau khoảng nửa tháng nhóm họp. Bởi ngày 16-8, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình đã hội đàm với Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon trước khi tham dự lễ khai mạc Thế vận hội Thanh niên mùa Hè lần thứ II vào tối cùng ngày ở thành phố Nam Kinh.

Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Lưu Diên Đông (phụ trách công tác thể thao) đã tháp tùng ông Tập Cận Bình trong chuyến đi này. Có nhiều vấn đề quan trọng được đề cập và quyết định tại hội nghị Bắc Đới Hà và số phận của ông Chu Vĩnh Khang (nghỉ hưu tháng 11-2012), cựu Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị, Chủ tịch (Bí thư) Ủy ban Chính pháp, Bộ trưởng Công an đã được định đoạt. Kỳ họp năm nay không giống hồi tháng 8 năm ngoái, khi giới truyền thông của người Hoa hải ngoại liên tục đưa tin về ông Giang Trạch Dân, kể cả lúc tới Bắc Đới Hà với đoàn tùy tùng hùng hậu. Nhưng năm nay không có bất cứ thông tin nào về ông Giang Trạch Dân tại hội nghị Bắc Đới Hà.

Nhân dịp này, PetroTimes xin giới thiệu với độc giả bức tranh tổng quan về vụ án được coi là lớn nhất Trung Quốc (sau bè lũ 4 tên), cũng như số phận của 5 thư ký từng “theo hầu” ông Chu Vĩnh Khang, cùng những bóng hồng và thân tín của “ông trùm mật vụ” vang bóng một thời.

Kỳ I: Số phận giống nhau của 5 thư ký

Ngoài các ủy viên Bộ chính trị, còn có sự góp mặt của các nguyên lão đã tề tựu đông đủ tại Bắc Đới Hà để thương đàm một số quyết định quan trọng. Hội nghị Bắc Đới Hà diễn ra trong bối cảnh 2 tổ công tác đặc biệt của Ủy ban Kiểm tra và kỷ luật trung ương đang tới Chiết Giang và Thượng Hải (từ 29-7 đến tháng 9), 2 căn cứ quyền lực của cựu Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch quân uỷ Trung ương Giang Trạch Dân để điều tra. Nhưng Thượng Hải và Chiết Giang cũng từng là 2 địa phương ông Tập Cận Bình làm Bí thư. 2 tổ công tác đặc biệt làm việc độc lập, thu thập tài liệu và tiếp nhận đơn thư tố cáo một cách bí mật. Và sẽ còn nhiều thân hữu của ông Chu Vĩnh Khang tiếp tục bị bắt để điều tra.

Trong số những thân hữu của cựu Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị, dư luận đặc biệt quan tâm tới 5 thư ký của ông Chu Vĩnh Khang. Bởi tuy đảm nhận vị trí thư ký trong các thời kỳ khác nhau, nhưng 5 người kể trên đều có chung một kết cục - đã bị bắt, thẩm vấn và sẽ bị xét xử vì có liên quan tới những việc làm mờ ám, phi pháp với ông Chu Vĩnh Khang. Nếu căn cứ vào thời gian thì Lý Hoa Lâm là anh cả trong số 5 cựu thư ký. Lý Hoa Lâm làm thư ký cho ông Chu Vĩnh Khang từ 1988 đến 1992. Đây là thời gian, ông Chu Vĩnh Khang làm Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC).

Thư ký Lý Hoa Lâm

Tháng 3-1992, Thẩm Định Thành thay thế Lý Hoa Lâm làm thư ký cho ông Chu Vĩnh Khang (1992-1997). Tại thời điểm này, ông Chu Vĩnh Khang là Thứ trưởng Bộ Dầu khí và Tổng giám đốc CNPC. Thẩm Định Thành và Lý Hoa Lâm đều tốt nghiệp Học viện dầu khí Tây Nam. Năm 1998, trước khi trở thành Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường, ông Chu Vĩnh Khang đã bố trí để Thẩm Định Thành làm Phó giám đốc một công ty dầu khí thuộc CNPC.

Thư ký Thẩm Định Thành

Người thay thế Thẩm Định Thành làm thư ký cho Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Chu Vĩnh Khang là Ký Văn Lâm. Ký Văn Lâm làm thư ký lâu nhất cho ông Chu Vĩnh Khang (10 năm) - từ Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường (1998), Bí thư tỉnh ủy Tứ Xuyên (1999), đến Bộ trưởng Công an (2002-2007). Tháng 7-1989 (23 tuổi), tuy tốt nghiệp Học viện địa chất Vũ Hán, nhưng Ký Văn Lâm lại được điều về công tác tại Bộ Tài nguyên và Môi trường. Trước khi trở thành thư ký cho ông Chu Vĩnh Khang (tháng 8-1998), Ký Văn Lâm trải qua khá nhiều công việc và môi trường công tác - từ chuyên viên khoa học của Trung tâm nghiên cứu chính sách pháp quy, đến Phó chủ nhiệm Văn phòng Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường.

Thư ký Ký Văn Lâm

Sau khi không làm thư ký cho ông Chu Vĩnh Khang, Ký Văn Lâm được bổ nhiệm làm Chủ nhiệm Văn phòng Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường (tháng 12-2008), rồi Phó Bí thư, Thị trưởng thành phố Hải Khẩu (2008-2010). Ngày 31-1-2013, Ký Văn Lâm được bổ nhiệm làm Phó tỉnh trưởng Hải Nam. Ký Văn Lâm được thăng chức nhanh đến nỗi các quan chức của tỉnh Hải Nam ví ông là “người từ trên trời rơi xuống”. Nhưng chỉ hơn 1 năm sau (18-2-2014), Ký Văn Lâm đã bị bắt để điều tra.

Thư ký “tạm thời” Quách Vĩnh Tường

Dư Cương là thư ký cuối cùng, còn ông Quách Vĩnh Tường được coi làm thư ký “tạm thời”. Ngày 2-7, Văn phòng Giám sát thuộc Ủy ban Kiểm tra và kỷ luật Trung ương thông báo, 3 quan chức gồm cựu Phó tỉnh trưởng Hải Nam Ký Văn Lâm, cựu Phó Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Chính pháp Trung ương Dư Cương và ông Đàm Hồng thuộc Cục Cảnh vệ của Bộ Công an đã bị khai trừ khỏi Đảng và cách chức do tham nhũng.

Dư Cương - thư ký cuối cùng

Trước đó (9-4), Ủy ban Kiểm tra và kỷ luật trung ương khai trừ đảng và chuẩn bị truy tố cựu phó Tỉnh trưởng Tứ Xuyên Quách Vĩnh Tường. Quách Vĩnh Tường bị bắt từ tháng 6-2013 do vi phạm nghiêm trọng kỷ luật dù đã nghỉ hưu - bị cáo buộc trực tiếp hối lộ một khoản tiền lớn và lạm dụng quyền lực để thu lời bất chính. Theo giới truyền thông, sau khi Quách Vĩnh Tường bị bắt, Ký Văn Lâm và Du Cương cũng bị bắt cùng một ngày với cùng tội danh. Cả 5 thư ký đều bị cáo buộc lạm dụng chức quyền mưu lợi cá nhân, đưa và nhận hối lộ, thông dâm với nhiều phụ nữ.

Chủ tịch Ủy ban Chính pháp Mạnh Kiến Trụ vừa chủ trì hội nghị cán bộ lãnh đạo các cơ quan Chính pháp Trung ương, để thông báo tình hình điều tra đối với người tiền nhiệm Chu Vĩnh Khang. Cán bộ lãnh đạo các cơ quan Chính pháp Trung ương đều nhất trí ủng hộ việc Trung ương lập án điều tra đối với ông Chu Vĩnh Khang. Trước đó (trong 2 ngày 30 và 31-7), tờ Nhân dân nhật báo đăng bài "Quản lý Đảng nghiêm ngặt - kiên định bất di bất dịch" và "Trừng trị tham nhũng, được lòng dân", trong đó đề cập tới quyết định lập án điều tra ông Chu Vĩnh Khang.

(Còn tiếp)

Tân Hồng - Tiên Du