Quyết chiến với chất cấm

18:03 | 09/04/2012

406 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Bữa cơm của người dân bị đe dọa bởi thông tin thịt nhiễm chất tạo nạc, gạo nghi giả. Trước tình trạng báo động này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát đề nghị các ngành tiếp tục “chiến đấu” với chất cấm trong chăn nuôi và kiểm nghiệm những tin đồn thất thiệt này để có thông tin phục vụ công tác quản lý Nhà nước và cảnh báo cho người tiêu dùng.

Sử dụng chất cấm trong chăn nuôi sẽ bị xử lý nghiêm khắc

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát cho biết, ngay khi Đồng Nai phát hiện có vấn đề chất cấm trong chăn nuôi, Bộ đã chỉ đạo các Cục quyết liệt kiểm tra vấn đề này, 9 phòng thí nghiệm đủ điều kiện phân tích chất cấm. Đoàn công tác do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) thành lập đã tiến hành lấy mẫu thức ăn chăn nuôi, mẫu thịt, gan lợn tại 15 tỉnh ở miền Bắc và duyên hải Nam Trung Bộ (từ Bắc Giang đến Quảng Nam), kết hợp với kết quả phân tích của tỉnh Quảng Ninh và Hà Nam.

Kết quả có 3/136 mẫu được kiểm tra dương tính với chất cấm (chất cấm có trong 2 mẫu thức ăn chăn nuôi, 1 mẫu gan lợn). Số lượng mẫu dương tính ở khu vực phía Bắc và duyên hải Nam Trung Bộ là khá thấp. Bộ đang tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng truy xuất nguồn gốc các vi phạm để xử lý theo pháp luật.

Bộ trưởng băn khoăn, kỳ họp trước Cục Chăn nuôi báo cáo 43% số mẫu dương tính với chất cấm, nay con số đưa ra chỉ 4,8% là thấp hơn nhiều. Vì đâu có sự khác nhau giữa những con số này? Vậy đâu là con số chuẩn?

Giải thích sự khác biệt này ông Nguyễn Xuân Dương – Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, mẫu kiểm tra trong tháng 3/2012 do Chi cục Thú y TP HCM lấy từ các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu đưa về xét nghiệm. Về quy trình, trước tiên người ta dùng phương pháp sàng lọc còn gọi là eliza mang tính chất định tính để loại chất âm tính với chất cấm. Con số 43% là kết quả xét nghiệm bằng phương pháp eliza để định tính chứ không phải định lượng.

Việc công bố một nửa số lượng nhiễm chất cấm trong diện nghi vấn đã gây hoang mang trong dư luận. Ông Dương cho biết, với 3 trường hợp số mẫu vi phạm ở miền Bắc bao gồm 2 mẫu gan lấy ngẫu nhiên ở chợ tại Bắc Ninh và một mẫu thức ăn chăn nuôi lấy ở Hòa Bình, hiện Cục đã yêu cầu thu hồi toàn bộ số thức ăn chăn nuôi này. Ở Đồng Nai, 11 cơ sở chăn nuôi có kết quả dương tính khi xét nghiệm các mẫu nước tiểu, Cục cũng đang hoàn thiện hồ sơ để xử lý; 2 cửa hàng bán thức ăn chăn nuôi có chất cấm cũng đã được chuyển cho công an để truy xuất nguồn gốc và sẽ xử lý theo hình phạt với mức khung cao nhất 25 triệu đồng.

Ông Hoàng Văn Năm, Quyền Cục trưởng Cục Thú y quả quyết, thông tin sàng lọc 43% số mẫu dương tính với chất tạo nạc được đưa ra ban đầu là con số rất đáng báo động. Trong vòng một tháng qua, sau khi tăng cường kiểm tra, thì tỉ lệ số vụ vi phạm đã giảm là thực tế.

Tuy nhiên, ông Năm cho biết, thông thường, chất tạo nạc chỉ được người chăn nuôi đưa vào thức ăn 15-20 ngày trước khi bán lợn, nếu cho ăn sớm quá, lợn sẽ chết. Các chất này đến với người chăn nuôi qua các nguồn phân phối nhỏ lẻ. Khi thông tin này rộ lên đến nay đã được 1 tháng, người dân sợ nên nhiều hộ đã dừng lại không sử dụng nữa, nên tỉ lệ số mẫu dương tính được kiểm tra giảm là đương nhiên.

Kết quả bước đầu này là một sự báo động cho xã hội. Vấn đề bây giờ là phải mạnh tay trong việc xử lý, không coi đây là chiến dịch mà phải làm thường xuyên, liên tục giám sát, theo dõi và xử lý kịp thời. Nếu người chăn nuôi nào mà tái phạm lần 2, phải cương quyết không cho chăn nuôi nữa. Về việc xử lý các cơ sở vi phạm, đoàn kiểm tra lập biên bản, kiến nghị xử lý nhưng việc xử lý là của chính quyền địa phương nên nhiều khi xảy ra tình trạng Cục yêu cầu nhưng chưa có gì để đảm bảo địa phương sẽ thực hiện.

Ông Lê Văn Bầm – Vụ phó Vụ Khoa học công nghệ (Bộ NN&PTNT) cho biết, trong khi các chất Ractopamin bị Bộ NN&PTNT cấm sử dụng thì vẫn được Bộ Y tế đưa vào danh mục sử dụng và có quy định rõ trường hợp sử dụng và hàm lượng. Đây là việc khiến nhiều doanh nghiệp lợi dụng để biện minh rằng Bộ NN&PTNT cấm nhưng Bộ Y tế đâu có cấm.

Thông tin về chất tạo nạc trong chăn nuôi chưa hết nóng thì việc người dân cho rằng một số cơ sở bán gạo giả cũng được quan tâm đặc biệt. Ông Phạm Văn Dư – Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết Cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm (ATVSTP) đã có công văn đề nghị Viện Kiểm nghiệm ATVSTP Quốc gia khẩn trương phân tích 5 mẫu gạo do Cục ATVSTP lấy tại các cơ sở do phóng viên báo chí cung cấp để nhanh chóng có thông tin phục vụ công tác quản lý Nhà nước và cảnh báo cho người tiêu dùng.

Sau quá trình kiểm nghiệm, Viện Kiểm nghiệm ATVSTP Quốc gia đã có kết quả phân tích 5 mẫu gạo nói trên. Theo đó, trong kết quả phân tích 5 mẫu gạo trên có các chỉ tiêu (Protein, tinh bột, Vitamin B1) phù hợp với thành phần gạo Việt Nam, không phải là gạo giả. Không phát hiện chất tẩy trắng, chất đánh bóng trong các mẫu phân tích. Vì vậy thông tin về "gạo giả” tại Hà Nội là chưa chính xác.

Tại cuộc họp về quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm Nông – Lâm – Thủy sản được tổ chức ngày 5/4, Bộ trưởng Bộ NN&PTNN Cao Đức Phát khẳng định, thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị Bộ, Ban ngành cùng vào cuộc kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm các đối tượng sử dụng, buôn bán chất cấm, đặc biệt trong chăn nuôi.