Quảng bá du lịch quá… hời hợt?

11:16 | 15/09/2015

897 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Một trang web thuộc Trung tâm Công nghệ thông tin (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) vừa khiến dư luận xôn xao với việc sử dụng ảnh chợ nổi ở Thái Lan khi giới thiệu về chợ nổi Cái Bè (Tiền Giang). Sai sót này đã được “đổ” cho “cậu đánh máy” là một biên tập viên của trang web, thế nhưng, nếu không tỉnh táo và nghiêm túc nhìn nhận, đánh giá lại cách làm và quảng bá du lịch hiện nay, thì có lẽ du lịch Việt Nam mãi mãi… bị nhầm.

Quảng bá sai 60%

Vừa qua, trang web www.vanhoa.gov.vn của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) đã quảng bá về Chợ nổi Cái Bè (Tiền Giang) trong bài viết “Chợ nổi Cái Bè - điểm du lịch độc đáo của miền Tây Nam bộ” vào ngày 28-8-2015. Truyền thông qua Internet, qua các trang web là một cách làm hiệu quả và có sức lan truyền mạnh mẽ, đồng thời góp phần thúc đẩy du lịch phát triển. Đó là ở trường hợp “bình thường”, nhưng đây lại là một bài viết “bất thường” về mặt hình ảnh. Trong năm bức ảnh minh họa chỉ có… hai bức là hình ảnh con thuyền, trái cây, áo bà ba... đặc trưng vùng sông nước Nam bộ. 3 bức ảnh đều có phối cảnh, trang phục, tàu bè không phải của Việt Nam, càng không phải người dân Cái Bè.

Không khó khăn gì để phát hiện hình ảnh “chợ nổi Cái Bè” thực chất lại chính là chợ nổi Damnoen Saduak và Khet Taling Chan của Thái Lan và chợ nổi Nam Kalimantan của Indonesia. Lúc này, dư luận mới “ngã ngửa” phát hiện trang web của Bộ VH-TT&DL đã sử dụng triệt để Google để quảng bá du lịch Việt Nam, nhưng lại “bé cái nhầm”.

Tuy nhiên, đây đâu phải lần đầu tiên trang web của Bộ VH-TT&DL nhầm lẫn trong việc sử dụng hình ảnh minh họa thông tin du lịch. Trước đó, vào tháng 2-2014, trong bài viết “Tiền Giang giới thiệu về Tiền Giang” hình ảnh minh họa sông nước Tiền Giang cũng là hình ảnh chợ nổi Damnoen Saduak. Và bức ảnh này lại xuất hiện một lần nữa trong bài viết “Chợ nổi Cái Bè - điểm du lịch độc đáo của miền Tây Nam bộ” mới đây. Trên trang web www.vietnamtourism.gov.vn của Tổng cục Du lịch thì bức ảnh này lại được minh họa cho chợ đêm... Bến Tre (!).

Bên cạnh đó, cũng có rất nhiều công ty du lịch Việt Nam đang dùng chính những hình ảnh chợ nổi Thái Lan để quảng bá... chợ nổi Cái Bè. Trang www.sinhcafetourist.com.vn, trang www.kimstravel.com.vn, trang www.muachung.vn... đều dùng hình ảnh chợ nổi Damnoen Saduak của Thái Lan để quảng bá tour chợ nổi Cái Bè (Tiền Giang).

Về vấn đề này, người phát ngôn Bộ VH-TT&DL Phan Đình Tân cho biết địa chỉ vanhoa.gov.vn là website của Trung tâm công nghệ thông tin - một cơ quan trực thuộc bộ, nhiều khả năng các nhân viên phụ trách không nắm rõ nguồn gốc, xuất xứ của những hình ảnh này dẫn đến việc dùng sai hình ảnh. Ông cũng khẳng định: “Tôi đã yêu cầu kiểm tra ngay lập tức phản ánh mà báo Tuổi Trẻ nêu, nếu đúng những hình ảnh đang sử dụng là của Thái Lan thì phải gỡ bỏ và dùng trở lại các hình ảnh đúng với nội dung bài viết”.

bao gio quang ba du lich het hoi hot
Khách du lịch quốc tế tại Lào Cai

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam, cho biết: “Tôi đã yêu cầu Giám đốc Trung tâm thông tin của Tổng cục kiểm tra và gỡ bỏ ngay những hình ảnh không đúng này. Không thể chấp nhận việc sử dụng hình ảnh quảng bá du lịch bằng hình ảnh nước ngoài. Không thể để những lỗi như thế này có thể xảy ra lần nữa”.

bao gio quang ba du lich het hoi hot

Ấn tượng video quảng bá "Hello Vietnam"

(Petrotimes) - Trên nền bài hát “Hello Vietnam” (Xin chào Vietnam), clip quảng bá du lịch Việt Nam dưới đây đã gây ấn tượng với nhiều người xem, gợi nhắc tình yêu đối với mảnh đất máu thịt mà cha ông đã tạo dựng bao đời...

bao gio quang ba du lich het hoi hot

Quảng bá du lịch Việt - tư duy "bóng chuyền"

(Petrotimes) - Một công ty du lịch Hàn Quốc đưa ra clip quảng bá về du lịch Nha Trang - vùng biển du lịch nổi tiếng của Việt Nam không chỉ hấp dẫn khách nước ngoài mà ngay cả người Việt Nam cũng quan tâm. Tại sao vùng biển du lịch của nước mình mà xưa nay ngành du lịch địa phương cũng như trong nước không làm nổi một clip quảng bá hay như thế? Có vẻ như “quả bóng” đã được tung vào “sân” và được “chuyền” qua “chuyền” lại nhiều cấp, nhiều cơ sở, để rồi rút cuộc cũng “trăm sự tại không có tiền”…

bao gio quang ba du lich het hoi hot

Du khách quốc tế trải lòng về chuyện "một đi không trở lại” Việt Nam

Theo thống kê gần đây nhất (năm 2010), tỉ lệ khách du lịch quốc tế quay trở lại Việt Nam là 5% trong khi với Thái Lan, tỉ lệ này là 50%. Chỉ cần thế thôi là Việt Nam và ngành Du lịch mãi mãi sẽ phải đi tìm những khách du lịch mới, bởi vì có rất nhiều du khách đã “một đi không trở lại” sau khi đặt chân lên mảnh đất hình chữ S.

Bao giờ thôi hời hợt?

Tình trạng dễ dãi trong việc sử dụng ảnh minh họa trong các bài viết của nhiều website trực thuộc bộ này và ở hàng loạt website khác cho thấy chuyện tôn trọng bản quyền hình ảnh sẽ còn là một câu chuyện dài và những sai sót “của biên tập viên” đến mức “râu ông nọ cắm cằm bà kia” sẽ còn tiếp diễn.

Tuy nhiên, câu chuyện “bé cái nhầm” của trang web www.vanhoa.gov.vn của Bộ VH-TT&DL lại hoàn toàn trái ngược với những gì dư luận được biết và được nghe về việc quảng bá du lịch Việt Nam tới bạn bè quốc tế. Còn nhớ tại một tọa đàm được tổ chức trong khuôn khổ Hội chợ du lịch quốc tế VITM 2015, ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam (VNAT) thừa nhận Việt Nam nằm trong nhóm 5 điểm đến hàng đầu Đông Nam Á nhưng khoảng cách giữa Việt Nam và 3 nước đứng đầu là Malaysia, Thái Lan, Singapore khá xa. Theo ông Tuấn, thời gian tới, sức ép cạnh tranh với 3 nước trên cũng như các đối thủ mới nổi như Campuchia, Lào, Myanmar sẽ là thách thức lớn đối với du lịch Việt Nam.

Lý giải nguyên nhân thua kém của du lịch Việt Nam, ông Tuấn đổ lỗi cho kinh phí xúc tiến, quảng bá của du lịch nước ta rất hạn chế; cơ chế hoạt động kém linh hoạt; không có văn phòng đại diện du lịch ở nước ngoài nên việc thông tin và hỗ trợ du khách không thực hiện đầy đủ khiến khách du lịch lựa chọn các điểm đến khác thuận lợi hơn. Ngoài ra, thủ tục nhập cảnh Việt Nam khó khăn khiến cho lợi thế cạnh tranh bị hạn chế.

Cụ thể, tổng doanh thu của ngành du lịch VN cả năm khoảng 700 triệu USD, kinh phí quảng bá xúc tiến du lịch VN chỉ khoảng 1,5 triệu USD mà còn phải chi cho rất nhiều hoạt động liên quan nên rất khó trong công tác quảng bá. Trong khi đó, lãnh đạo VNAT nhấn mạnh Thái Lan mỗi năm bỏ ra 86 triệu USD cho xúc tiến du lịch, Singapore 100 triệu USD, Malaysia 130 triệu USD. Và vì thế, theo ông Tuấn,cũng không khó để lý giải cho tình trạng 7 tháng đầu năm 2015, khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt 4.398.202 lượt, giảm 9,4% so với cùng kỳ năm 2014. Kêu khó và xin kinh phí, thế nhưng thiết nghĩ, việc sử dụng hình ảnh chuẩn của Việt Nam thay vì “vay mượn” nước bạn thì không cần số tiền kinh phí quá lớn như vậy.

Tuy nhiên, qua câu chuyện này chúng ta cũng có thể nhìn thấy vấn đề nghiêm trọng. Thứ nhất, nước bạn Thái Lan đã có hình thức quảng bá du lịch hiệu quả đến nỗi một nhân viên văn phòng ở Việt Nam cũng thấy hình ảnh chợ nổi quá đẹp, quá quen thuộc và sử dụng chúng để minh họa cho chợ nổi của đất nước mình. Thứ hai, đó là sự hời hợt của lãnh đạo ngành Văn hóa nói chung và ngành du lịch nói riêng; cũng như sự thiếu trách nhiệm của một cán bộ du lịch đối với công việc của mình.

Trang web của Bộ VH-TT&DL không phải trang web duy nhất rơi vào tình trạng “web tĩnh”. Bởi khi rất nhiều nơi, rất nhiều bộ ban ngành đua nhau lập trang web để cho… oách, cho vui chứ ít ai quan tâm tới việc duy trì và phát triển trang web ra sao, càng không ai chú ý tới việc sử dụng hiệu quả trang web cho mục đích thông tin. Vì thế, rất nhiều trang web trở thành “web chết”.

Tuy nhiên, việc có quá nhiều “web chết” là điều không thể chấp nhận đối với ngành du lịch. Bởi ngoài mục đích “làm đẹp” cho cơ quan chủ quản, trang web này còn có nhiệm vụ cung cấp thông tin cho khách du lịch trên thế giới, góp phần quảng bá du lịch Việt và là cầu nối thiết thực, hiệu quả giữa Việt Nam với khách quốc tế. Mỗi bài viết đăng lên phải bằng niềm tự hào về đất nước mình. Mỗi bức ảnh phải là bản sắc quê hương chứ tuyệt nhiên không thể mang tính minh họa.

Vấn đề này tưởng như rất nhỏ, nhưng thực chất lại chỉ ra một thực trạng đáng báo động, đó là tư duy làm du lịch “một chiều”, theo xu hướng “hữu xạ tự nhiên hương” chứ không quan tâm, không sáng tạo của một bộ phận cán bộ có trách nhiệm. Du lịch phải là văn hóa, mà văn hóa thì phải tinh tế chứ không thể thông qua sự minh họa.

Có thể nói sự “lầm lẫn” của chính cơ quan có thẩm quyền cũng như các công ty du lịch trong việc sử dụng hình ảnh trong các bài viết mang tính quảng bá du lịch là khó có thể chấp nhận được. Bởi các thông tin trên Internet thường có tính lan truyền rất nhanh và khó kiểm soát; vì vậy việc nhầm lẫn với tần suất dày đặc khiến người ta không khỏi đặt vấn đề về tri thức văn hóa, sự động não hay lòng tự trọng của những người làm du lịch Việt Nam. “Ngành công nghiệp không khói của Việt Nam” đang có bước phát triển và chuyển mình rất đáng kể, tuy nhiên sự bứt phá và gây ấn tượng mạnh thì chưa thể đạt được. Một phần, có lẽ bởi chính tư duy “mang tính minh họa ấy” - mà bức ảnh trên chỉ là một ví dụ.

Khánh An

Hầm chôn chất thải hạt nhân đầu tiên trên thế giới

Hầm chôn chất thải hạt nhân đầu tiên trên thế giới

(PetroTimes) - Nằm sâu 450m dưới lòng đất đảo Olkiluoto (Phần Lan), Onkalo - hệ thống lưu trữ và xử lý chất thải hạt nhân đầu tiên trên thế giới sắp hoàn thành...