Phóng viên ảnh - Thế giới trong khoảnh khắc

15:55 | 01/01/2014

1,483 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
"Chụp ảnh chẳng bao giờ dễ hoặc thậm chí khó hơn để bắt được những khoảnh khắc có giá trị” - nhà báo lão làng David Rohde (hai lần Pulitzer) đã viết như vậy trên Reuters (18/12/2013) để nói lên giá trị của phóng viên ảnh và sự cần thiết của nghề phóng viên ảnh.

Năng lượng Mới số 287

David đã đưa ra một trong những ví dụ điển hình về tấm ảnh lịch sử của phóng viên ảnh lừng danh Ron Haviv, hiện trưng bày tại Viện Bảo tàng ảnh Anastasia Photo (New York). Đó là tấm ảnh Ron miêu tả cảnh hỗn loạn tại Panama trong cuộc bầu cử 1989 thời nhà độc tài Manuel Noriega.

Ron kể: Năm 1989, thất bại trước kết quả bầu cử, phe Noriega thực hiện cuộc đàn áp chính trị dã man. Một trong những đối tượng bị tấn công là nhân vật đối lập - ứng cử viên Phó tổng thống Guillermo Ford. Đường phố đầy hơi cay và tiếng súng. Sự việc xảy ra khi một nhóm bán vũ trang khoảng 40 người lao vào tấn công Ford. Sau khi bắn cận vệ của ông, chúng đâm ông túi bụi rồi một gã cầm ống đồng đánh đập nạn nhân. Vụ tấn công chỉ kết thúc khi một vài người lính can thiệp. Mình mẩy đầy máu, Ford bị bắt. Có mặt ngay lúc đó, Ron (lúc đó vừa vào nghề, mới 23 tuổi) đã lập tức bấm máy rồi chạy vội về giao phim cho AFP. Hôm sau, nó xuất hiện trên gần như toàn thế giới. Tổng thống George H. Bush sau này nói rằng, chính bức ảnh của Ron là một phần nguyên nhân tác động khiến ông đẩy nhanh quyết định đưa quân Mỹ vào can thiệp tình hình Panama… 

Nói về lịch sử báo chí thế giới với những bức ảnh chấn động ảnh hưởng lớn thì có lẽ phải kể đến hàng ngàn tấm. Và lịch sử báo chí thế giới còn có nhiều tượng đài bất tử. Henri Cartier Bresson chẳng hạn, người đã lưu lại những khoảnh khắc quan trọng nhất bức tranh thế kỷ XX, từ phong trào kháng Đức của Pháp thời Thế chiến thứ hai, cái chết của vĩ nhân Gandhi đến cuộc cách mạng Mao Trạch Đông... Các bức ảnh báo chí mang đậm chất nghệ thuật của Cartier Bresson đã trở thành “classic”, một kho tàng kinh điển của thể loại báo ảnh. Chúng hoàn hảo, đầy ý nghĩa ẩn chìm và đậm chất thời sự, cái thời sự của dòng thời đại lịch sử mà Henri Cartier Bresson từng trải nghiệm. Ông dùng phim trắng đen. Tuyệt đối kỵ đèn flash. Và cái sự thủ công tỉ mỉ này đã được nâng lên đẳng cấp sáng tạo nghệ thuật đến trình độ điêu luyện. Thậm chí còn hơn vậy: ông từng nói - Nhiếp ảnh là thiền.

Henri Cartier Bresson bị Đức bắt vào tháng 6/1940. Sau hai lần vượt ngục bất thành, ông trốn trại lần thứ ba thành công và trở về Paris. Thời gian này, ông tình cờ đọc được tác phẩm “Zen In The Art Of Archery” của Eugen Herrigel. Cartier Bresson khám phá trong đó một kho tàng vô giá cho nghệ thuật nhiếp ảnh và “ngộ” ra rằng, chỉ khi tập trung sâu - giống như cung thủ tập trung trí não khi sắp buông tên đến đích ngắm, ông mới có thể tạo ra bức ảnh xuất thần và có hồn.

Hè 1948, ông chuẩn bị sang Ấn Độ để ghi lại sự kiện nước này giành độc lập. Nhờ vợ (Ratna Mohini - vũ công, nhà thơ người Java), Cartier Bresson được gặp Gandhi. Thật là định mệnh lịch sử. Không đầy một giờ sau cuộc gặp, Gandhi bị ám sát và ống kính Cartier Bresson lại trở thành nhân chứng cho lễ tang Gandhi. Tháng 1/1949, ông đến Bắc Kinh, chứng kiến cảnh hoang tàn cuối cùng của lực lượng Quốc dân đảng, trước khi đoàn quân Mao Trạch Đông kéo về thủ đô.

Từ 1948-1951, ông sống chủ yếu tại châu Á; có trở về Paris để cùng Giám đốc Nghệ thuật Efstatios Eleftheriades chuẩn bị cho ra mắt tập ảnh “Images a la Sauvette” (3 năm sau, ông tung ra tập “Les Europeens”). Giữa thập niên 50, ông là nhiếp ảnh gia đầu tiên được mời đến Liên Xô (Tạp chí Life đã mua các bức ảnh Liên Xô với giá 40.000USD). Năm 1962, ông có mặt tại Cuba khi xảy ra cuộc khủng hoảng tên lửa. Như lần sang Liên Xô sau này (1972), lần đó, Cartier Bresson cũng bị CIA tình nghi và bí mật theo dõi...

Dù thế nào, thời của Ron (sinh năm 1965), Nick Út (sinh năm 1951) hay Henri Cartier Bresson (1908)… máy ảnh còn là thiết bị chưa phổ biến. Bây giờ, điện thoại thông minh tích hợp camera tràn lan. Không chỉ chụp ảnh, điện thoại còn có thể post lên mạng hay chia sẻ cho nhiều người tức thì. Những khoảnh khắc giá trị mà Ron hay Nick chụp được bây giờ có thể dễ dàng được thu vào ống kính của bất kỳ người nào. Chẳng phải tự nhiên mà hồi đầu năm nay, tờ Chicago Sun-Times đã xóa sổ toàn bộ phòng phóng viên ảnh với 28 người (tháng 11/2013, dưới áp lực liên đoàn, Chicago Sun-Times mới thuê lại hai người). Đâu chỉ Chicago Sun-Times, U.S. News and World Report rồi Newsweek cũng bắt đầu áp dụng chế độ hợp đồng ngắn hạn đối với phóng viên ảnh. Và vô số nhật báo, tạp chí, hãng thông tấn, trong đó có Reuters, phải tinh giảm số phóng viên ảnh.

Hạ tuần tháng 11/2013, Trung tâm Nghiên cứu Pew cho biết, số phóng viên ảnh, họa sĩ trình bày và phóng viên video đã bị sa thải nhiều hơn bất kỳ đồng nghiệp nào khác trong làng báo nói chung. Tính toàn nước Mỹ, số nhà báo làm ở “mảng” ảnh đã bị giảm đến 43%, từ 6.171 năm 2000 còn 3.493 năm 2012. Tuy nhiên, David Rohde cho rằng, ảnh của xã hội cộng đồng chụp “văn nghệ” cho vui từ điện thoại để chia sẻ trên Facebook không thể so sánh với ảnh của giới phóng viên chuyên nghiệp được đào tạo hẳn hoi. 9 trong 10 bức ảnh lọt vào “Top 10 Photos of 2013” của Time đều là sản phẩm của phóng viên ảnh chuyên nghiệp. 

Điều đó hẳn nhiên không sai, xét về góc độ báo chí chuyên nghiệp, khi mà hàng tỉ tỉ bức ảnh Facebook chỉ toàn chụp những cảnh vô thưởng vô phạt không có một chút ảnh hưởng đối với xã hội. Dù thế nào, với sự bùng nổ lấn át của “báo xã hội” hay “báo cộng đồng”, như chúng ta đang thấy trên các trang mạng xã hội, yếu tố chuyên nghiệp cũng phải nhường bước và bị lép vế. Có một sự thật rất rõ là những người như Ron và Nick đã không còn duy trì vị trí “độc quyền”!

Cao Trí