Phát triển kinh tế số và xã hội số: Mang nền tảng số đến hộ gia đình

19:03 | 14/09/2023

524 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Ngày 14/9, tại Nam Định, đã diễn ra Diễn đàn Quốc gia Phát triển Kinh tế số và Xã hội số lần thứ I với chủ đề “Mang nền tảng số đến hộ gia đình” với mục tiêu của phát triển kinh tế số, xã hội số, đưa nền tảng số vào từng gia đình là làm cho người dân giàu có hơn, hạnh phúc hơn nhờ công nghệ số.

Phát biểu tại diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng cho biết Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã nhấn mạnh kinh tế số phải trở thành động lực chính cho tăng trưởng nhanh và bền vững, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Chiến lược quốc gia về phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đặt mục tiêu đến năm 2025, tỷ trọng kinh tế số đạt tối thiểu 20% GDP, đến năm 2030 đạt tối thiểu 30%. Trong đó, kinh tế số của từng ngành, từng lĩnh vực năm 2025 đạt tối thiểu 10%, đến năm 2030 đạt tối thiểu 20%.

Để đạt mục tiêu năm 2025 như Chiến lược đã đề ra, Bộ trưởng cho biết kinh tế số phải tăng trưởng gấp 3-4 lần so với tăng trưởng GDP, tức là khoảng 20 - 25%/năm. Đây là một nhiệm vụ khó khăn, thách thức, cần có giải pháp đột phá mới có thể đạt được.

Phát triển kinh tế số và xã hội số: Mang nền tảng số đến hộ gia đình
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại diễn đàn.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, để kinh tế số Việt Nam phát triển thì cần xây dựng thể chế số, hạ tầng số, và niềm tin số. Kinh tế số phải dựa trên đổi mới sáng tạo, phải tích hợp kinh tế số vào mọi ngành, mọi lĩnh vực, quản trị số và phải đào tạo kỹ năng số, phát triển nhân lực số và đặc biệt là thu hút nhân tài số.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: "Phát triển kinh tế số nhằm mục đích làm cho người dân giàu có hơn; phát triển xã hội số là làm cho người dân hạnh phúc hơn nhờ công nghệ số. Mỗi gia đình, mỗi người dân được tiếp cận với công nghệ số và được tham gia và thụ hưởng lợi ích từ chuyển đổi số. Công nghệ số, các nền tảng số hiện diện trong từng hộ gia đình, hiện diện trong mọi hoạt động của từng người dân".

Đây cũng là mục tiêu quan trọng, bất biến trong quá trình phát triển kinh tế số của Việt Nam. Các công nghệ số, nhất là trí tuệ nhân tạo, phải được sử dụng một cách đúng đắn, có đạo đức để hướng tới thực hiện những mục tiêu vì con người, Bộ trưởng nói.

Phát triển kinh tế số và xã hội số: Mang nền tảng số đến hộ gia đình
Toàn cảnh diễn đàn

Phát biểu tại diễn đàn, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh cho biết, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư gắn với chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số, chính phủ số đã và đang trở thành động lực chính dẫn dắt xu thế phát triển kinh tế thế giới và mỗi quốc gia. Đồng chí Trần Tuấn Anh đánh giá cao nỗ lực của Bộ TT&TT cũng như UBND tỉnh Nam Định trong việc tổ chức diễn đàn; đồng thời mong muốn đây sẽ là sự kiện thường niên, tạo chuyển đổi sâu sắc về nhận thức, hành động và huy động được sự tham gia toàn diện của người dân, doanh nghiệp và các cơ quan Nhà nước cùng thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số.

Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, mục tiêu mà Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số, xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Chính phủ đề ra là thách thức lớn trong bối cảnh tiến trình chuyển đổi số trên toàn quốc còn gặp nhiều khó khăn.

Do đó, để tìm ra những giải pháp đột phá phát triển kinh tế số, xã hội số, diễn đàn cần tập trung thảo luận về định hướng chiến lược phát triển kinh tế số, xã hội số của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; các xu hướng phát triển kinh tế số gắn với phát triển thương mại điện tử ở nông thôn, phổ cập chữ ký số và các công nghệ tài chính số, dữ liệu số trong tiến trình chuyển đổi số.

Đồng thời, diễn đàn cần làm rõ các vướng mắc, đề xuất phương án tháo gỡ khó khăn trong quá trình phát triển kinh tế số, xã hội số theo 6 nhiệm vụ quan trọng là đẩy mạnh tuyên truyền, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm; xây dựng nền tảng khoa học đổi mới sáng tạo; thúc đẩy công nghệ số; hoàn thiện nền cơ sở dữ liệu số; đồng bộ các giải pháp chuyển đổi số nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, và xây dựng hệ sinh thái công dân số.

Trong khuôn khổ diễn đàn quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số lần thứ I, ngoài phiên cấp cao còn có 3 hội thảo chuyên đề gồm “Phát triển đổi mới sáng tạo trở thành động lực xây dựng nền kinh tế số”; “Phát triển ngành công nghiệp công nghệ số trở thành ngành công nghiệp nền tảng thúc đẩy quá trình xây dựng kinh tế số, xã hội số toàn dân, toàn diện” và “Dữ liệu và trí tuệ nhân tạo phục vụ phát triển kinh tế số, xã hội số”.

Song song các phiên thảo luận, hội thảo, diễn đàn còn tổ chức trưng bày triển lãm về các ứng dụng công nghệ trong phát triển kinh tế số như thanh toán kỹ thuật số, ví điện tử; thanh toán tiếp xúc và không tiếp xúc; NFC (kết nối trường gần); chữ ký số; công nghệ chuỗi khối; thương mại điện tử; hệ sinh thái số; an toàn thông tin…

Theo ước tính và báo cáo của Bộ TT&TT, tỷ trọng kinh tế số trong GDP đã tăng từ 11,91% năm 2021 lên đạt 14,26% trong năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023 đạt khoảng 14,96%.

Năm 2022 có hơn 1.400 doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có doanh thu từ thị trường nước ngoài, tăng gần 20% so với năm 2021.

N.H

Doanh nghiệp đánh giá cao sự quyết liệt, chủ động, sáng tạo, linh hoạt trong công tác điều hành của Chính phủDoanh nghiệp đánh giá cao sự quyết liệt, chủ động, sáng tạo, linh hoạt trong công tác điều hành của Chính phủ
Kinh tế số và kinh tế xanh cần sự song hànhKinh tế số và kinh tế xanh cần sự song hành
[PetroTimesMedia] Quan hệ Đối tác Kinh tế số - Kinh tế xanh Việt Nam - Singapore tiếp tục được thúc đẩy triển khai hiệu quả[PetroTimesMedia] Quan hệ Đối tác Kinh tế số - Kinh tế xanh Việt Nam - Singapore tiếp tục được thúc đẩy triển khai hiệu quả
Thúc đẩy hợp tác kinh tế xanh, kinh tế số Việt Nam - SingaporeThúc đẩy hợp tác kinh tế xanh, kinh tế số Việt Nam - Singapore