Nỗi buồn chợ nổi Cái Răng

08:49 | 13/09/2017

5,497 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Hơn 100 năm hình thành và phát triển, chợ nổi Cái Răng trở thành biểu tượng du lịch đặc trưng của TP Cần Thơ, là điểm du lịch hấp dẫn với du khách trong và ngoài nước. Nhưng niềm vui luôn đi kèm với nỗi buồn...

Nét văn hóa đẹp

Ở miền Tây Nam bộ có nhiều chợ nổi, nhưng phong phú hơn cả có lẽ là chợ nổi Cái Răng. Chợ được hình thành vào những năm đầu của thế kỷ XX, trước khi xuất hiện các chợ nổi Ngã Bảy (Hậu Giang), Ngã Năm (Sóc Trăng). Chợ nằm trên trục đường thủy sông Cần Thơ - kênh Xáng Xà No nên rất thuận tiện cho việc giao thương, buôn bán với các tỉnh lân cận và cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Đây là lý do chợ nổi Cái Răng có quy mô lớn và sầm uất nhất so với các chợ nổi trong vùng.

Hàng hóa được bày bán ở chợ nổi rất phong phú, gồm nhóm hàng nông sản; nhóm hàng thủ công, gia dụng; nhóm hàng thực phẩm chưa chế biến và chế biến sẵn; hàng gia dụng thiết yếu hằng ngày… Hình thức chào hàng khá độc đáo ở chợ nổi Cái Răng là sử dụng cây bẹo. Người bán loại hàng nông sản nào thì treo loại hàng đó lên một cây sào trên ghe để chào hàng. Chỉ cần nhìn vào những cây bẹo đó chúng ta sẽ biết chủ hàng bán những gì, có thể là những loại trái cây tươi ngon như bưởi, dưa hấu, thanh long, chôm chôm, xen lẫn những mặt hàng nông sản như bí đỏ, cải bắp, hành…

noi buon cho noi cai rang
Tài nguyên du lịch lớn của ĐBSCL - chợ nổi Cái Răng khiến du khách ái ngại khi sản phẩm nghèo nàn, môi trường mất vệ sinh

Để đến được chợ nổi Cái Răng, người ta phải dậy từ khá sớm, vì chợ bắt đầu họp từ 5 giờ, đông đúc nhất là 7-8 giờ và khoảng 8-9 giờ thì vãn. Khi chợ bắt đầu hoạt động cũng là lúc tiếng sóng, tiếng máy nổ, tiếng xì xèo buôn bán, tiếng cười nói của mọi người làm cho khu chợ trở nên náo nhiệt. Len lỏi quanh những chiếc thuyền của người dân và thương lái là những chiếc thuyền của khách du lịch, đến đây ngoài nhu cầu tham quan, tìm hiểu, thưởng thức những món ngon, họ còn mong muốn mua một chút quả về làm quà cho bạn bè và người thân.

Còn lắm băn khoăn

Được đánh giá là một trong những tài nguyên du lịch lớn của ĐBSCL nhưng gần đây, nhiều du khách đến chợ nổi Cái Răng nói riêng và chợ nổi miền Tây nói chung đều tỏ ra ái ngại. Nguyên nhân là do sản phẩm nghèo nàn, môi trường mất vệ sinh. Thêm nữa, một trong những hạn chế lớn nhất của chợ nổi miền Tây là thiếu điểm vui chơi giải trí, sản phẩm du lịch chưa hấp dẫn. Đặc biệt là không có sản phẩm lưu niệm mang tính đặc trưng. Trong đó, điều đáng nói nhất là không ít du khách đến chợ nổi Cái Răng cảm thấy thất vọng về tình trạng mất vệ sinh.

Theo khảo sát của Viện Kinh tế - Xã hội TP Cần Thơ, có 51% khách du lịch quốc tế rất thích cảnh quan độc đáo của hoạt động mua bán trên sông. Tuy nhiên, hiện nay chợ nổi Cái Răng đang đối mặt nhiều nguy cơ làm mất đi nét đẹp vốn có. Tình trạng ô nhiễm môi trường nước càng trở nên trầm trọng. Phần lớn người dân cứ thản nhiên thải rác xuống sông. Ngoài các loại rác như rau, củ, vỏ trái cây... thì nilon, vỏ hộp cơm cũng nổi lềnh bềnh khắp nơi. Ước tính trung bình mỗi ngày có khoảng trên dưới 1 tấn rác trực tiếp thải xuống lòng sông. Điều này khiến nhiều du khách tỏ ra ngao ngán, họ không cảm nhận được điều gì đặc sắc từ chợ nổi so với những gì được quảng cáo, vì thế chợ nổi không đủ sức kéo họ quay lại thêm một lần nữa.

Hiện nay chợ nổi Cái Răng đang đối mặt nhiều nguy cơ làm mất đi nét đẹp vốn có. Tình trạng ô nhiễm môi trường nước càng trở nên trầm trọng.

Cách đây vài chục năm, nhóm họp chợ nổi Cái Răng có 500-600 tàu, ghe, đến nay chỉ còn khoảng 350-400 tàu, ghe. Về lý thuyết, nếu mỗi năm chợ nổi giảm 20-30 tàu, ghe thì đến năm 2035-2040 chợ nổi Cái Răng sẽ biến mất. Nhiều chuyên gia cho rằng, khả năng này rất có thể xảy ra bởi phương thức thương lái bao tiêu, mua trái cây tại vườn, đang là xu thế mạnh, cộng với sự hoàn thiện các mạng lưới giao thông bộ. Để níu giữ thương hồ, UBND TP Cần Thơ đã chỉ đạo quận Cái Răng miễn phí neo đậu trên sông cho các phương tiện. Đồng thời, miễn giảm học phí cho con em các chủ phương tiện để họ yên tâm mua bán.

Suy cho cùng, vấn đề cấp thiết lúc này chính là yếu tố "con người". Hoạt động chợ nổi chắc chắn sẽ hấp dẫn trở lại nếu có sự quản lý chặt chẽ và khoa học. Nói cách khác, là bộ mặt của du lịch địa phương, chợ nổi phải được “chăm sóc” bởi bàn tay của cấp quản lý có thể đưa ra những hoạch định, những chiến lược. Ngành du lịch, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ du lịch phải khắc phục ngay những hạn chế đó để có thể khai thác nét văn hóa chợ nổi Cái Răng xứng với tiềm năng vốn có.

Tùng Lâm