Nỗ lực điều tiết giao thông sau Tết

10:10 | 29/01/2012

860 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Sau Tết, người dân đồng loạt trở lại nơi lao động, học tập, làm việc, gây ra tình trạng ùn tắc giao thông tại nhiều nơi, đặc biệt là trên Quốc lộ 1A và cửa ngõ các thành phố lớn. Các cơ quan chức năng đã tăng cường lực lượng, nỗ lực hạn chế tối đa tình trạng này.

Ùn tắc nhiều điểm trên Quốc lộ 1A

Từ khoảng 11h trưa ngày 28/1, hầu hết các cầu trên quốc lộ 1A đi qua địa phận tỉnh Vĩnh Long và tỉnh Tiền Giang đều bị kẹt xe. Đặc biệt, tại cầu Mỹ Thuận – nơi tiếp nhận người và phương tiện lưu thông từ các tỉnh Vĩnh Long, Trà Vinh, một phần Đồng Tháp và các tỉnh phía Nam sông Hậu, kẹt xe kéo dài tới hơn 1 km từ trạm thu phí về cả hai phía Vĩnh Long và Sa Đéc (Đồng Tháp).

Lực lượng Cảnh sát giao thông đường bộ trạm cầu Mỹ Thuận và Cảnh sát giao thông TP Vĩnh Long đã có mặt ngay tại hiện trường để phân luồng, điều tiết và hướng dẫn giao thông nhưng khoảng 2 giờ sau tình hình lưu thông mới tạm thời được trật tự hơn.

Ùn tắc giao thông tại cầu Mỹ Thuận. - Ảnh: Thanh Niên

Riêng phía bên này cầu Mỹ Thuận, việc lưu thông trên tuyến đường Quốc lộ 1A từ tỉnh Vĩnh Long và đi qua các tỉnh, thành của khu vực đồng bằng sông Cửu Long thông thoáng hơn.

Ngay từ sáng 28/1, Phòng Cảnh sát Giao thông đường bộ – đường sắt (Công an tỉnh Tiền Giang) đã bố trí lực lượng trực điều tiết giao thông từ ngã ba Trung Lương đến cầu Mỹ Thuận, huy động cả các cán bộ, chiến sĩ nữ cảnh sát giao thông để làm nhiệm vụ đảm bảo an toàn giao thông trên quốc lộ 1A.

Tuy nhiên, lực lượng Cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ ở các huyện Châu Thành, Cai Lậy, Cái Bè vẫn phải làm việc vất vả cả ngày. Nguyên nhân chủ yếu do lượng xe lưu thông rất nhiều, cộng thêm ý thức chấp hành luật lệ giao thông của một số tài xế xe tải, xe khách chưa tốt, chạy lấn vào đường dành riêng cho xe 2, 3 bánh, gây cảnh ùn tắc giao thông nhiều đoạn trên Quốc lộ 1A, nhất là ở những đoạn có cầu hẹp.

Trong khi đó, từ 17h chiều 28/1, trên tuyến Quốc lộ 1A đoạn đi qua địa phận tỉnh Ninh Bình, bắt đầu từ cầu Đoan Vỹ giáp ranh với tỉnh Hà Nam trải dài tới cầu Gián Khẩu (huyện Gia Viễn), đi qua huyện Hoa Lư và thành phố Ninh Bình đã xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông cục bộ.

Lực lượng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Ninh Bình và công an các huyện, thị, thành phố đã huy động toàn bộ quân số ra đường điều tiết giao thông, thậm chí phải mặc áo mưa chuyên dụng đứng làm cọc tiêu ở giữa tim đường để hướng dẫn các phương tiện tham gia giao thông đi đúng làn đường quy định.

Sau 20h cùng ngày, hiện tượng ùn tắc mới từng bước được cải thiện.

Các bến tàu, bến xe hoạt động hết công suất

Tại Hà Nội, chiều 28/1, số lượng người và phương tiện từ các địa phương đã tăng mạnh. Từ khoảng 15h, nhiều tuyến quốc lộ hướng về Hà Nội đã bắt đầu xảy ra ùn tắc cục bộ như Quốc lộ 21A đoạn qua trạm thu phí Vĩnh Lộc, Quốc lộ 3 đoạn qua Sóc Sơn, Quốc lộ 2 đoạn giao cắt với đường cao tốc Thăng Long – Nội Bài, Quốc lộ 5 đoạn qua thị trấn Trâu Quỳ – Gia Lâm, Quốc lộ 1B đoạn qua Pháp Vân, Cầu Giẽ…

Lực lượng Cảnh sát giao thông nhiều địa phương huy động tối đa lực lượng để giải tỏa ùn tắc.

Các bến xe Hà Nội đã hoạt động hết công suất với số lượng hành khách đổ về bến tăng đột biến. Tại Bến xe phía Nam, từ khoảng 10h sáng đến 17h chiều, xe khách ngoại tỉnh nối đuôi nhau vào bến trả khách khiến lượng khách trong bến có lúc bị ùn ứ.

Tại TP HCM, ông Nguyễn Văn Thành, Phó Trưởng ga Sài Gòn cho biết lượng hành khách đang trở về ga khá đông. Mỗi ngày nhà ga đón khoảng 14 đoàn tàu Thống Nhất và tàu địa phương từ các tỉnh miền Bắc, miền Trung với khoảng hàng chục ngàn lượt người.

Còn ông Thượng Thanh Hải, Phó Giám đốc Bến xe miền Đông thông tin trong ngày 28/1 có khoảng 1.500 xe từ các tỉnh miền Bắc, miền Trung và Tây Nguyên đưa khoảng 45.000 lượt hành khách trở về bến.

Tại Cà Mau, ông Võ Văn Tiến, Phó Trưởng bến xe khách Cà Mau, cho biết trong ngày mùng 6 Tết, lượng khách đổ về từ rất sớm gây ra cảnh ùn ứ. Từ 1h sáng đến khoảng 16h chiều ngày mùng 6 Tết, đã có 175 lượt xe từ 29 – 45 chỗ xuất bến tại bến xe khách Cà Mau vận chuyển hơn 3.000 hành khách đến TP HCM và các tỉnh miền Đông Nam bộ.

Đến 17h chiều cùng ngày tại bến xe khách Cà Mau vẫn còn khoảng hơn 2.000 lượt hành khách đã mua vé xong nhưng chưa có xe đi.

Theo dự báo của các bến xe, nhà ga, trong những ngày tới, lượng hành khách trở về các bến sẽ tiếp tục đông.

Theo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ