Nín thở chờ những tài năng âm nhạc nhí!

06:57 | 04/07/2013

541 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ở lại hay đi tiếp là điều không thể tránh trong mỗi phần thi thố tài năng, thế nhưng sự thật này lại trở nên vô cùng khắc nghiệt đối với... trẻ nhỏ. Chính điều này đã khiến công chúng phải nín thở phấp phỏng chờ đợi... vòng “Đối đầu” của Giọng hát Việt nhí diễn ra vào cuối tuần này.

Kết thúc 5 tập của vòng thi Giấu mặt, các “chiến binh nhí” sẽ bước vào vòng đấu cam go để quyết định người đi kẻ ở. Điều này dường như khắc nghiệt đối với trẻ em – đối tượng vốn còn quá mong manh, trạng thái tâm lý chưa vững vàng thì thật khó có thể chấp nhận những biến cố có thể xảy ra với mình.

Phải thừa nhận rằng, Giọng hát Việt nhí mùa đầu tiên đã đem đến nhiều ngạc nhiên khi phát lộ được những cá tính âm nhạc. Nhìn vào dàn thí sinh bước vào vòng Đối đầu có thể kỳ vọng vào một nền âm nhạc khởi sắc trong tương lai. Xét về mặt bằng chung thì đại đa số các thí sinh đều có giọng hát tốt, đặc biệt là việc thể hiện bản lĩnh sân khấu. Tuy nhiên, vẫn chưa thể nói được điều gì bởi các em còn quá non nớt để chấp nhận một sự thật là mình bị loại, mình bị bỏ rơi... từ chính tay người đã từng lựa chọn mình, giành giật mình. Thế nên, mối nghi ngại về sự tổn thương trong tâm hồn trẻ đã khiến không ít khán giả phấp phỏng.

Điều gì sẽ đến với những em bé vẫn còn rất đỗi mong manh này?

So sánh với một đối tượng khác như Giọng hát Việt thì các thí sinh đã ở độ tuổi trưởng thành, đủ bản lĩnh để đương đầu với những biến cố. Thế mà trong cảnh “chia ly” công chúng còn thường xuyên phải chứng kiến những giọt nước mắt bùi ngùi của Thu Minh hay Hồ Ngọc Hà dành cho học trò của mình. Vậy thử hỏi, với những tâm hồn mong manh như trẻ em thì việc chấp nhận sự thật chắc chắn sẽ nhiều nước mắt. Khán giả - những người yêu thích và theo dõi chương trình đã không dám tưởng tượng cảnh những tài năng nhí này bị loại sẽ như thế nào!

Có lẽ một kịch bản thấm đẫm nước mắt là điều mà BTC mong đợi, chính vì thế mà sẽ có những cao trào được đưa lên đến đỉnh điểm. Cũng không thể trách điều này bởi kịch tính là điều cần có ở mỗi chương trình truyền hình thực tế. Thế nhưng, đã có những bài học nhãn tiền như trường hợp của Lê Nguyễn Quỳnh Anh của Vietnam’s Got Talent. Những lùm xùm không đáng có, những nghi án ở bàn tay sắp đặt của từ phía nhà sản xuất để thu hút sự chú ý vẫn còn là kinh nghiệm xương máu. Chưa cần quy tội lỗi do ai nhưng rõ ràng người bị tổn thương nhất vẫn là những đứa trẻ. Thế nên, với những tâm hồn vẫn còn non nớt như vậy thì bảo vệ là điều đáng làm hơn cả. Nhưng bảo vệ bằng cách nào?

Phải thừa nhận với một chương trình thi thố tài năng âm nhạc nhí thì trước đó Đồ Rê Mí cũng phần nào làm trọn sứ mệnh của mình. Không ít lần khán giả phải chứng kiến cảnh thí sinh khóc òa, hay sụt sùi rời cuộc thi. Nhưng đổi lại các vị giám khảo luôn biết an ủi đúng lúc còn chương trình thì dành nhiều giải thưởng mang tính chất động viện cho các bé. Thiết nghĩ, đó là một điều cần thiết.

Ghi nhận ở The Voice Kids mùa đầu là các vị HLV đã có những cố gắng gần gũi, chia sẻ với các bé. Với phương  châm  HLV không chỉ là người có vai trò định hướng mà còn đóng vai trò là cha, là mẹ, anh chị động viên các bé trong suốt chặng đường diễn ra cuộc thi.

Không biết vòng Đối đầu kịch tính đến đâu nhưng HLV Lưu Hương Giang đã từng tiết lộ trên trang cá nhân: Ngày hôm qua vòng Đối đầu của The Voice Kids diễn ra hay và xúc động ngoài sức tưởng tượng! Ngay từ những phút đầu tiên các huấn luyện viên, các con, các mẹ không thể cầm được nước mắt... Ban tổ chức phải cho dừng lại để làm công tác tư tưởng không ai được khóc sợ các con bị loại bi quan, tủi thân!". Đóng vai “người đàn bà thép” không rớt nước mắt để tránh ảnh hưởng đến tinh thần các bé, quả là điều khó đối với không chỉ HLV Hương Giang mà cả người thân và khán giả yêu quý các bé.

HLV ngoài vai trò định hướng cho thí sinh thì còn đóng vai trò làm cha, mẹ, anh chị...nhằm động viên tinh thần các bé

Bên cạnh đó phụ huynh của các em cũng có vai trò quan trọng vì sau HLV thì phụ huynh luôn là người sát cánh. HLV Hiền Thục từng có chia sẻ rằng: “Sợ nhất là làm việc với phụ huynh của các bé, vì nhiều khi họ còn có áp lực thi thố và đặt nặng thắng thua còn hơn cả chính con em của mình”. Điều gì tạo nên mối nghi ngại này? Rõ ràng The Voice Kids là một sân chơi, tính thương mại cũng đã quá rõ và giải thưởng thì đúng là đáng mơ ước. Vậy, dù vô tình hay hữu ý thì tham vọng muốn con cái mình giành giải cũng trở thành mong muốn của các bậc phụ huynh. Nhưng, thiết nghĩ các bé vẫn còn ở độ tuổi thần tiên thì hãy để các bé bộc lộ hết khả năng cũng như tính cách của mình. Đừng ép buộc các bé theo tính chất ăn thua để làm mất đi sự trong sáng, hồn nhiên của trẻ.

Sự thành công có đến hay không? Ngoài khả năng vốn có của các em, sự dìu dắt của các vị HLV còn là sự động viên của các bậc phụ huynh. Với những tâm hồn dễ bị tổn thương thì sự động viên an ủi tích cực và đúng mực sẽ là liều thuốc tinh thần hữu hiệu hơn cả. Mong rằng ở mùa đầu tiên, Giọng hát Việt nhí sẽ đi đúng với tinh thần tìm kiếm và tôn vinh những tài năng âm nhạc nhí, chứ không giẫm phải vết xe đổ đáng tiếc bởi dù thế nào thì người chịu thiệt thòi nhất vẫn là trẻ thơ.

Huyền Anh