Báo cáo thường niên Kinh tế và Thương mại Việt Nam 2023:

Chuyển đổi số với phát triển bền vững

18:19 | 02/04/2024

1,154 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Ngày 2/4, Trường Đại học Thương mại tổ chức lễ công bố Báo cáo thường niên Kinh tế và Thương mại Việt Nam 2023 với chủ đề “Chuyển đổi số với phát triển bền vững”.
Chuyển đổi số với phát triển bền vững
PGS.TS Nguyễn Hoàng, Hiệu trưởng Trường Đại học Thương mại phát biểu khai mạc buổi lễ

Phát biểu khai mạc buổi lễ, PGS.TS Nguyễn Hoàng - Hiệu trưởng Trường Đại học Thương mại cho biết, Báo cáo thường niên Kinh tế và Thương mại Việt Nam là một sản phẩm khoa học nằm trong Chương trình khoa học & công nghệ trọng điểm giai đoạn 2018-2025 của Trường Đại học Thương mại.

Đây là năm thứ 6 liên tiếp, Trường Đại học Thương mại cụ thể hóa trách nhiệm học thuật của mình, bằng ấn phẩm Báo cáo thường niên Kinh tế và thương mại Việt Nam 2023 “Chuyển đổi số với phát triển bền vững”, thể hiện quan điểm khách quan và độc lập đối với các vấn đề kinh tế, thương mại trong nước và quốc tế.

PGS.TS Nguyễn Hoàng bày tỏ tin tưởng, buổi lễ công bố là diễn đàn hiệu quả cho các nhà nghiên cứu, các nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý cùng nhau chia sẻ quan điểm và ý kiến. Từ đó, làm giàu hơn nữa các giá trị khoa học và thực tiễn của báo cáo.

Chuyển đổi số với phát triển bền vững
PGS.TS Nguyễn Hoàng - Hiệu trưởng Trường Đại học Thương mại cùng GS.TS Đinh Văn Sơn - chủ biên Báo cáo thường niên Kinh tế và Thương mại Việt Nam 2023 công bố Báo cáo.

Báo cáo thường niên Kinh tế và Thương mại Việt Nam 2023 “Chuyển đổi số với phát triển bền vững” được kết cấu gồm 5 phần chính. Trong đó, phần 1 về bối cảnh kinh tế thế giới năm 2023, trình bày bức tranh toàn cảnh và những nét nổi bật về kinh tế thế giới trong bối cảnh chuyển đổi số và phát triển bền vững.

Phần 2 về tổng quan kinh tế Việt Nam năm 2023, trình bày bức tranh toàn cảnh và những nét nổi bật về kinh tế Việt Nam trong bối cảnh chuyển đổi số và phát triển bền vững.

Phần 3 về thương mại Việt Nam năm 2023, nhằm khái quát, phân tích và đánh giá về tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ, cân đối cung cầu của một số mặt hàng thiết yếu, thị trường và chủ thể tham gia thương mại; phương thức, loại hình và nhượng quyền thương mại; phát triển một số loại hình hạ tầng thương mại, cán cân thương mại, xuất nhập khẩu hàng hóa theo mặt hàng, thị trường, chính sách quản lý và phát triển xuất nhập khẩu hàng hóa.

Phần 4 của báo cáo đề cập tới vấn đề chuyển đổi số và phát triển bền vững.

Phần 5 về dự báo và hàm ý chính sách năm 2024, trên cơ sở phân tích, đánh giá thay đổi cấu trúc kinh tế thế giới và Việt Nam những năm qua, cũng như xu hướng của nền kinh tế, biến động về chính trị thế giới và cơ hội, thách thức đối với Việt Nam. Phần này của báo cáo đã đưa ra những dự báo về kinh tế, thương mại và một số hàm ý chính sách áp dụng cho Việt Nam năm 2024 và những năm tiếp theo.

Báo cáo là một kênh tham khảo tin cậy, với nhiều thông tin và khuyến nghị chính sách hữu ích về các vấn đề căn bản của kinh tế và thương mại Việt Nam cho các nhà nghiên cứu khoa học và các nhà quản lý, cơ quan hoạch định chính sách.

Chuyển đổi số với phát triển bền vững
PGS.TS Phan Thế Công trình bày Báo cáo thường niên Kinh tế và Thương mại Việt Nam 2023.

PGS.TS Phan Thế Công đại diện trình bày Báo cáo thường niên Kinh tế và Thương mại Việt Nam 2023 cho biết, Báo cáo thường niên Kinh tế và Thương mại Việt Nam được nghiên cứu dựa trên những số liệu và minh chứng có chọn lọc từ các tổ chức cung cấp dữ liệu chính thống và tin cậy; nghiên cứu những vấn đề ngắn hạn nhưng trong tầm nhìn trung và dài hạn với cấu trúc thống nhất bao gồm: Bối cảnh kinh tế thế giới và Việt Nam; Các khía cạnh quan trọng phản ánh tình hình kinh tế và thương mại vĩ mô hàng năm.

Đặc biệt, báo cáo có lựa chọn những vấn đề chuyên sâu theo từng năm liên quan đến chủ đề của báo cáo. Chủ đề cho năm 2023 là “Chuyển đổi số với phát triển bền vững”, trên cơ sở những dự báo kinh tế - thương mại để đề ra hàm ý chính sách phát triển kinh tế và thương mại Việt Nam cho năm tiếp theo.

Báo cáo tiếp cận khoa học, phân tích và nhận định các vấn đề về kinh tế và thương mại dựa trên những cơ sở lý thuyết đã được thừa nhận rộng rãi, các mô hình dự báo kinh tế mới; tiếp cận phù hợp với quan điểm, đường lối của Đảng và Nhà nước ta hiện nay.

Chuyển đổi số với phát triển bền vững
Toàn cảnh lễ công bố

Tại “Báo cáo thường niên Kinh tế và Thương mại Việt Nam 2023”, nhóm biên soạn đã sử dụng mô hình kinh tế lượng cấu trúc và kết hợp ý kiến chuyên gia để đưa ra các kịch bản dự báo cho kinh tế Việt Nam năm 2024. Cụ thể:

Kịch bản cơ sở: Kịch bản cơ sở là kịch bản có nhiều khả năng xảy ra nhất. Với kịch bản cơ sở, các dự báo chỉ tiêu sẽ ở mức phù hợp với xu hướng phục hồi kinh tế và các giả thiết bên ngoài đã đặt ra. Tăng trưởng GDP Việt Nam đạt mức tăng 5,78% năm 2024.

Kịch bản tăng trưởng cao: Đây là kịch bản cũng có thể xảy ra nếu những diễn biến sắp tới về địa chính trị trên thế giới tích cực hơn. Diễn biến kính tế trong nước có nhiều thuận lợi. Kinh tế của các nước đối tác thương mại lớn của Việt Nam phục hồi tích cực, thúc đẩy sản xuất trong nước. Trong kịch bản này, tăng trưởng kinh tế sẽ đạt mức 6,21% năm 2024.

Kịch bản tiêu cực: Những diễn biến phức tạp của địa chính trị, kinh tế thế giới cũng như ảnh hưởng của biến đổi khí hậu sẽ tiếp tục khiến kinh tế thế giới rơi vào khó khăn. Kinh tế trong nước bị nhiều tác động tiêu cực và cộng thêm với những vấn đề nội tại của nền kinh tế có thể khiến tăng trưởng kinh tế Việt Nam tiếp tục đạt thấp trong năm 2024. Theo đó, với kịch bản này, tăng trưởng năm 2024 được dự báo ở mức tăng 5,21%.

Về thương mại Việt Nam năm 2024, báo cáo cũng đưa ra các kịch bản dự báo gồm: Kịch bản cơ sở: là kịch bản có nhiều khả năng xảy ra nhất. Với kịch bản cơ sở, các dự báo chỉ tiêu sẽ ở mức phù hợp với xu hướng phục hồi kinh tế và các giả thiết bên ngoài đã đặt ra. Tăng trưởng GDP Việt Nam đạt mức tăng 5,78% năm 2024 và GDP bình quân đầu người theo USD đạt khoảng 4.607 USD/người/năm.

Với kịch bản này, chỉ số CPI bình quân năm 2024 so với cùng kỳ khoảng 3,71%. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 760,15 tỷ USD, tăng 11,62% so với năm 2023, trong đó xuất khẩu tăng 10,84%; nhập khẩu tăng 12,46%.

Kịch bản tăng trưởng cao: Đây là kịch bản cũng có thể xảy ra nếu những diễn biến sắp tới về địa chính trị trên thế giới tích cực hơn. Diễn biến kinh tế trong nước có nhiều thuận lợi. Kinh tế của các nước đối tác thương mại lớn của Việt Nam phục hồi tích cực, thúc đẩy sản xuất trong nước.

Trong kịch bản này, tăng trưởng kinh tế sẽ đạt mức 6,21% năm 2024 và GDP bình quân đầu người theo USD đạt khoảng 4.659 USD/người/năm. Chỉ số CPI bình quân năm 2024 so với cùng kỳ khoảng 4,23%. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 790,56 tỷ USD, tăng 16,08% so với năm 2023, trong đó xuất khẩu tăng 15,28%; nhập khẩu tăng 16,95%.

Kịch bản tiêu cực: Những diễn biến phức tạp của địa chính trị, kinh tế thế giới cũng như ảnh hưởng của biến đổi khí hậu sẽ tiếp tục khiến kinh tế thế giới rơi vào khó khăn. Kinh tế trong nước bị nhiều tác động tiêu cực và cộng thêm với những vấn đề nội tại của nền kinh tế có thể khiến tăng trưởng kinh tế Việt Nam tiếp tục đạt thấp trong năm 2024.

Theo đó, với kịch bản này, tăng trưởng năm 2024 được dự báo ở mức tăng 5,21% và GDP bình quân đầu người theo USD đạt khoảng 4.556 USD/người/năm. Chỉ số CPI bình quân năm 2024 so với cùng kỳ khoảng 3,34%. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 737,35 tỷ USD, tăng 8,27% so với năm 2023, trong đó xuất khẩu tăng 7,52%; nhập khẩu tăng 9,08%.

Trong đó, theo các chuyên gia, để đạt được mục tiêu cao nhất cho tăng trưởng về xuất nhập khẩu thì cần phải thực hiện nhiều chính sách được phân chia cụ thể theo từng lĩnh vực, từng vấn đề từ thị trường đến hoạt động doanh nghiệp…

PGS.TS. Phan Thế Công cho biết, báo cáo đã chỉ ra 6 nhóm chính sách cho phát triển xuất nhập khẩu, cụ thể gồm các nhóm chính sách về: phát triển thị trường xuất khẩu; phát triển bền vững nguồn hàng xuất khẩu; xúc tiến thương mại, xúc tiến xuất khẩu; phát triển chuỗi cung ứng; phát triển cơ sở hạ tầng thương mại và dịch vụ logistics phục vụ hoạt động ngoại thương; hỗ trợ doanh nghiệp xuất nhập khẩu; quản lý nhập khẩu.

Trong đó, liên quan đến nhóm chính sách về cơ sở hạ tầng, báo cáo của trường Đại học Thương mại kiến nghị Chính phủ cần tăng cường thực hiện đầu tư công cho các dự án phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ cho hoạt động xuất nhập khẩu.

Trong đó, bao gồm: xây dựng, mở rộng, nâng cấp các tuyến đường bộ, đường sắt, cảng biển và sân bay để tăng cường khả năng vận chuyển hàng hóa và dịch vụ; đầu tư vào cơ sở hạ tầng kho bãi, trung tâm phân phối và hệ thống quản lý logistics để cải thiện quá trình vận chuyển và lưu trữ hàng hóa; cải thiện cơ sở hạ tầng và dịch vụ tại các cảng biển và cửa khẩu để tăng cường khả năng xử lý hàng hóa và hỗ trợ cho hoạt động xuất nhập khẩu...

Đặc biệt là cần cải thiện quy trình hải quan và thông quan, tạo ra các khu vực đặc khu logistics nhằm phát triển các dịch vụ hỗ trợ logistics; thúc đẩy chuyển đổi số, thực hiện dịch vụ logistics trên các nền tảng số hóa để nâng cao chất lượng và hiệu suất của dịch vụ…

Để hỗ trợ doanh nghiệp xuất nhập khẩu, theo các chuyên gia, cần thực hiện các chính sách hỗ trợ về tài chính để nâng cao năng lực; đồng thời xây dựng và triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu vượt qua rào cản kỹ thuật và các biện pháp phòng vệ thương mại, đẩy mạnh xuất khẩu…

Theo số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố, tính chung quý I/2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 178,04 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, số liệu xuấn nhập khẩu trong quý đầu tiên của năm mới đạt được khoảng 22,5% so với mức kỳ vọng cả năm ở kịch bản tăng trưởng cao.

N.H

Dự báo kinh tế 2024: Còn ẩn số nhưng sẽ tốt hơn năm 2023Dự báo kinh tế 2024: Còn ẩn số nhưng sẽ tốt hơn năm 2023
Kỳ vọng chính sách tiền tệ sẽ nới lỏng hơn nữa trong năm 2024Kỳ vọng chính sách tiền tệ sẽ nới lỏng hơn nữa trong năm 2024
Kinh tế Việt Nam 2024: Hướng tới đỉnh cao hơnKinh tế Việt Nam 2024: Hướng tới đỉnh cao hơn

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc