Những tiết lộ mới về lăng mộ của Mao Trạch Đông

11:33 | 28/03/2019

23,303 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - “Mao Chủ tịch kỷ niệm đường” - lăng của Mao Trạch Đông (mọi người quen gọi “Kỷ niệm đường” là lăng) - nằm phía nam Quảng trường Thiên An Môn, với diện tích 5,74ha. Từ khi xây dựng lăng đến nay đã có hơn 80 triệu người, trong đó hơn 18 triệu là khách nước ngoài, cũng gần 200 nguyên thủ quốc gia đã tới đây tham quan. Nhưng những bí mật của quá trình thiết kế, xây dựng lăng đến nay mới được tiết lộ phần nào.

nhung tiet lo moi ve lang mo cua mao trach dong

Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông

Từ năm 1958, Mao Chủ tịch đã từng vận động hỏa táng và ý nguyện của ông cũng là hỏa tang. Nhưng sau khi ông chết, trong cuộc họp Bộ Chính trị, Hoa Quốc Phong đã đề cập tới việc làm thế nào để bảo tồn di hài của Chủ tịch Mao Trạch Đông? Ngay tại cuộc họp đã có người nhắc tới di ngôn của Mao Chủ tịch là muốn hỏa táng, song ý kiến này lập tức bị bác bỏ. Cuộc họp Bộ Chính trị hôm đó chủ yếu bàn mấy vấn đề:

  1. Cần triệu gấp Mã Yến Long - Kỹ sư khoa Bệnh lý - Bệnh viện Bắc Kinh vào Trung Nam Hải để sửa sang bức ảnh màu chụp Mao Chủ tịch với Níchxơn để làm ảnh mẫu
  2. Xưởng điều hòa khu Tây Thành - Bắc Kinh phải làm gấp rút một phòng lạnh để bảo quản di hài Mao Chủ tịch trong vòng 15 giờ đồng hồ phải xong.
  3. Thành lập gấp một tổ lãnh đạo các viện, trường, bệnh viện do Bộ trưởng Bộ Y tế làm tổ trưởng.
  4. Ngoài việc tiếp thu những kinh nghiệm nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực bảo quản di hài của các nước tiên tiến trên thế giới còn phải tìm hiểu, nghiên cứu, áp dụng những phương pháp ướp xác từ thời Tây Hán…

Ngày 8/10/1976, Bộ Chính trị quyết định xây “Kỷ niệm đường”. Ngày 6/11/1976, Bộ Chính trị quyết định vị trí xây “Kỷ niệm đường” tại phía nam Quảng trường Thiên An Môn. Ngày 9/11/1976, Bộ Chỉ huy công trình “Kỷ niệm đường” do Lý Thụy Hoàn - Bí thư đảng ủy kiêm Tổng Chỉ huy và Cốc Mục - Phó thủ tướng chịu trách nhiệm phần thi công công trình chính thức được thành lập. Và ngày 24/11/1976 công trình vĩ đại này chính thức động thổ. Ngoài Bộ Chỉ huy còn có chuyên gia thiết kế của 8 tỉnh, thành phố hỗ trợ thêm, họ đã phác thảo gần 600 phương án và phương án tối ưu nhất đã được duyệt.

Lượng đất cát phải vận chuyển tại “Kỷ niệm đường” nhiều gấp hơn hai lần so với “Nhân dân Đại hội đường” đường hầm dưới “Kỷ niệm đường” giống đường hầm “Nhân dân Đại hội đường” vì nó có thể thông với tuyến đường sắt trong đường hầm.

Để đảm bảo chất lượng của công trình, Bộ Chỉ huy đã cử một tổ công tác đặc biệt tới hơn 10 kiến trúc cổ nổi tiếng như Cố Cung, Thiên Đàn để tìm hiểu, rút kinh nghiệm cách người xưa đã làm. Cố Cung nằm ở trung tâm thành phố, trước đây Cố Cung có tên gọi Tử Cấm Thành, Là hoàng cung của hai đời Minh và Thanh. Đây là một quần thể cung điện đế vương lớn nhất, hoàn chỉnh nhất hiện còn lưu giữ đến ngay nay. Cố Cung được xây dựng từ năm 1406 nhà Minh năm Vĩnh Lạc thứ tư, với diện tích hơn 720.000m2, hơn 9.000 phòng, tường bao quanh dài khoảng 3km… Thiên Đàn nằm trong Vĩnh Định Môn phía nam thành phố, đây là một quần thể kiến trúc để cúng tế thời cổ lớn nhất mà Trung Quốc còn lưu giữ được cho đến nay. Thiên Đàn được xây dựng năm 1420 nhà Minh năm Vĩnh Lạc thứ 18.

“Kỷ niệm đường” được xây dựng rất công phu, phần cửa lớn phía bắc, nam do 4 tổ với hơn 100 thợ điêu khắc của 18 tỉnh, thành phố và quân đội đảm trách. Bên trong lăng xếp 13 phiến đá Thanh Tùng được gửi từ Diên An tới để kỷ niệm 13 năm Mao Chủ tịch đã ở đây. Sáu chữ lớn trước cửa lăng: “Mao Chủ tịch kỷ niệm đường” được tạc bởi Hán Bạch Ngọc, cột trụ lớn tại gian chính cao tới 18m được tạo bởi 44 phiến đá bát giác hoa cương (44 phiến đá này được chọn từ hơn 6.000 phiến đá chuyển từ huyện Nam An tỉnh Phúc Kiến tới, đây là loại đá quý của vùng này, nó còn có tên gọi “Tuyền Châu Bạch”), ngoài ra còn dùng đá của Tứ Xuyên, Hàng Châu, Tân Cương, Phòng Sơn…

Trên tường có bức gấm thêu “Tổ Quốc Đại Địa” dài 24m, cao 7m do họa sĩ Hoàng Vĩnh Ngọc tạo nên (câu “Tổ Quốc Đại Địa” do Hoàng Vĩnh Ngọc trích từ câu thơ “Vấn thương mang đại địa, thùy chủ trầm phù” của Mao Chủ tịch). Bức gấm trên đã được 43 nữ công vùng Yên Đài tỉnh Sơn Đông thêu, họ đã dùng tới 500kg sợi (1 kg Trung Quốc bằng 1/2kg của ta) với hơn 1.200 màu sắc khác nhau để tạo nên bức gấm đó. Bộ quần áo mà Mao Chủ tịch đang mặc là do Điền A Đồng, một thợ may nổi tiếng của tiệm thời trang Hồng Đô - Bắc Kinh trực tiếp mua vải, cắt và may theo mẫu quần áo của Tôn Trung Sơn.

Lăng của Mao Chủ tịch là lăng thứ tư trên thế giới sau lăng Lênin, lăng Đimitơrốp và lăng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Quan tài pha lê của Lênin chỉ có thể nhìn rõ bên trong từ hai phía tả, hữu, nhưng quan tài pha lê của Mao Chủ tịch có thể nhìn rõ từ 5 hướng không cần tới đèn chiếu. Người phụ trách việc nghiên cứu, chế tạo chiếc quan tài pha lê cho Mao Chủ tịch là Tiêu Ương, hiện là Bí thư thành phố Trùng Khánh. Thủy tinh được lấy từ đảo Hải Nam (phải mất 39 ngày thảo luận mới đi đến quyết định lấy thủy tinh ở đảo Hải Nam). Một chiếc quan tài pha lê phải dùng ít nhất tới 10 tấn thủy tinh loại một, sau khi có thủy tinh, các lò luyện ở Bắc Kinh, Thượng Hải, Cẩm Châu, Tứ Xuyên và Giang Tô bắt đầu hoạt động.

Có một điều thú vị mà rất ít người biết tới, đó là họ đã chế ra 2 chiếc quan tài pha lê. Chiếc thứ 2 được cất dưới hầm ngầm “Kỷ niệm đường”, nó được dùng để khâm liệm Tống Khánh Linh, Diệp Kiếm Anh và Hồ Diệu Bang khi họ qua đời.

Tháng 3/1977, Cục Quản lý đã thành lập đơn vị bảo vệ lăng gồm 250 người (họ chủ yếu được chọn từ Đội 8341 - Đội 8341 là đội bảo vệ Mao Chủ tịch, phiên hiệu 8341 do chính Mao Chủ tịch đặt khi ông vào Trung Nam Hải ngày 9/9/1949. Số 8341 do một đạo sĩ viết cho Mao Chủ tịch khi Mao hỏi đạo sĩ rằng ông có thể giữ vững quyền lãnh đạo đất nước trong bao nhiêu lâu? Và số 8341 đã được giải khi Mao Chủ tịch qua đời (Mao Chủ tịch chết ngày 9/9/1976, thọ 83 tuổi (1893-1976) ông đã lãnh đạo đất nước 41 năm từ 1935-1976).

Chỉ huy trưởng đơn vị cảnh vệ này là Tăng Thiệu Đông - Phó Tư lệnh khu Vệ Tuất - Bắc Kinh. Đúng 2 giờ sáng ngày 20/8, di hài Mao Chủ tịch chính thức nhập quan. Và cũng chính việc bảo vệ cũng như việc bảo quản di hài Mao Chủ tịch được giữ bí mật tuyệt đối (chỉ có những người có trách nhiệm trực tiếp mới được biết) nên có nhiều lời đồn đại, ví dụ như năm 1984, khắp Trung Quốc xôn xao trước tin: di hài Mao Chủ tịch bắt đầu bị thối rữa, khó mà duy trì, bảo quản được như trước…

Nhưng theo bà Từ Tĩnh - một trong những người phụ trách Cục Quản lý thì: “Theo kiểm tra định kỳ gồm nhiều ban, ngành cùng chế độ kiểm định nghiêm ngặt (kiểm tra độ dài, trọng lượng thân thể Mao Chủ tịch) thì hiện chưa có hiện tượng bị thu nhơ hay giảm trọng lượng thân thể, lại càng không có dấu hiệu thối rữa”. Cũng theo bà Từ Tĩnh cho biết thì từ năm 1984 họ không được Trung ương cấp kinh phí, mọi chi tiêu thường nhật hoàn toàn dựa vào số tiền còn lại cộng với tiền cho thuê quay phim, chụp ảnh, tiền bán hàng lưu niệm… Theo ước tính, chi phí mỗi năm cho việc bảo quản di hài Mao Chủ tịch tốn tới hàng trăm triệu nhân dân tệ.

V.H

(Theo sách Trung Quốc)

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

(PetroTimes) - Lễ hội Holi của người Hindu, còn được gọi là Lễ hội Màu sắc, báo trước sự khởi đầu của mùa xuân.