Những sự kiện giáo dục nổi bật năm 2013

07:00 | 22/12/2013

1,381 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Năm 2013 được coi là năm của cải cách và đổi mới toàn ngành giáo dục, đào tạo của Việt Nam, được mang thiết bị ghi âm, ghi hình vào phòng thi, trình độ của học sinh Việt Nam với kết quả khảo sát PISA … được coi là những sự kiện nổi bật năm 2013.

BCH Trung ương ban hành Nghị quyết đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT

Ngày 4/11, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành nghị quyết Hội nghị lần thứ 8, Ban chấp hành Trung ương khóa XI thông qua “Đề án đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Một trong những điểm nhấn của đề án này là sẽ tiến tới giao cho các trường tự chủ tuyển sinh, xây dựng phương án tuyển sinh riêng để thúc đẩy quá trình đổi mới phương pháp dạy và học bậc phổ thông. Trong đề án đổi mới toàn diện giáo dục cũng xác định rõ chuyển từ cung cấp kiến thức cho học sinh sang phát triển năng lực cho học sinh.

Ban chấp hành Trung ương khóa XI thông qua “Đề án đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo".

Trong dự kiến đổi mới, việc áp dụng phương pháp dạy tích hợp sẽ khiến số môn học giảm đi, nội dung được xem xét chu đáo, không chồng chéo. Thiết kế chương trình theo hướng phân hóa sẽ phát huy năng lực riêng từng học sinh. Những điều này sẽ khắc phục tình trạng quá tải như hiện nay.

Sau năm 2015, sách giáo khoa cũng có sự thay đổi để giảm bớt gánh nặng cho học sinh, chương trình, dự kiến chương trình sẽ giảm mạnh đầu các môn học để mỗi học kỳ học sinh không học quá 8 môn học.

Luật Giáo dục Đại học cho phép tự chủ tuyển sinh

Bộ GD-ĐT công bố dự thảo quy định đổi mới tuyển sinh theo tinh thần Nghị quyết TƯ 8 (Khoá XI) quy định của Luật giáo dục ĐH. Đây được coi là mở đầu đột phá trong đổi mới nhằm thay đổi cách dạy, cách thi trong trường phổ thông cũng như trong ngành GD và ĐT.

Thí sinh các trường nghệ thuật tiếp tục"xin" tuyển sinh riêng trong năm 2014.

Bộ GD-ĐT sẽ “mở rộng cửa” cho các trường ĐH-CĐ tự chủ tuyển sinh tiến tới chấm dứt kỳ thi “ba chung”. Mới được công bố chính thức từ đầu tháng 12-2013, đến nay, dự thảo quy định đổi mới tự chủ vẫn đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận xã hội.

Trong năm 2013, Bộ cho phép 10 trường khối văn hóa nghệ thuật được phép tuyển sinh riêng. Đó là các trường Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, Học viện Âm nhạc Huế, Học viện Âm nhạc TP.HCM, Trường ĐH Mỹ thuật Việt Nam, Trường ĐH Sư phạm nghệ thuật T.Ư, Trường CĐ Mỹ thuật trang trí Đồng Nai, Trường CĐ Múa Việt Nam, Trường CĐ Văn hóa nghệ thuật Tây Bắc, Trường CĐ Văn hóa nghệ thuật Việt Bắc.

10 trường tuyển sinh riêng này với các ngành khối văn hóa (khối C) thì xét tuyển dựa vào kết quả theo đề thi tuyển sinh chung của Bộ.

Các ngành nghệ thuật (khối H, N, S) xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT và điểm tổng kết 3 năm học THPT môn ngữ văn, riêng môn năng khiếu sẽ do hiệu trưởng các trường quyết định hình thức và thời gian thi tuyển.

Lần đầu công bố phổ điểm thi ĐH

Năm 2013 là năm đầu tiên Bộ GD-ĐT công bố phổ điểm thi ĐH của từng khối thi. Theo quan niệm chung phổ điểm thi đại học được hiểu là biểu đồ phân bổ điểm thi đại học theo từng môn thi và theo tổng điểm của cả ba môn thi; đây cũng chính là căn cứ giúp Hội đồng điểm sàn xác định điểm sàn thi ĐH, CĐ 2013.

Sau khi công bố điểm sàn với mức điểm tương đương năm trước, Bộ GD-ĐT nhận được nhiều câu hỏi bày tỏ băn khoăn về việc điểm cao nhưng điểm sàn vẫn thấp. Thứ trưởng Bùi Văn Ga giải thích, điểm sàn trước đây dựa chủ yếu vào chỉ tiêu nhưng cách tiếp cận mới dựa vào chất lượng, khả năng thí sinh có thể học tập.

Phổ điểm ĐH khối A trong những năm 2008-2012.

“Cách tính này ưu tiên cho chất lượng nguồn tuyển chứ không phải do chỉ tiêu. Số dư dôi là hơn 238.000 thí sinh nhưng không phải tất cả vào đại học. Các trường dựa vào năng lực đào tạo để tuyển đủ chỉ tiêu từ cao xuống thấp”, Thứ trưởng Bùi Văn Ga nói.

Ông giải thích thêm, nếu tính điểm sàn dựa vào chỉ tiêu thì cần tính toán phức tạp, dựa vào nhiều tiêu chí nên có những ý kiến khác nhau về mức độ hợp lý của điểm sàn. Chính vì vậy, năm nay, hội đồng điểm sàn đã xác định dựa trên phổ điểm của thí sinh. Đây là cách tính đơn giản, minh bạch, khách quan, công khai, xã hội có thể kiểm tra.

Cho phép mang thiết bị ghi âm, ghi hình vào phòng thi

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2013, Bộ GD-ĐT chính thức cho phép thi sinh mang máy ghi âm, ghi hình vào phòng thi. Các vật dụng thí sinh được phép mang vào phòng thi gồm cả các loại máy ghi âm và ghi hình chỉ có chức năng ghi thông tin mà không truyền được thông tin và không nhận được tín hiệu âm thanh, hình ảnh trực tiếp nếu không có thiết bị hỗ trợ khác. Với quy định này, đây cũng là lần đầu tiên Bộ chính thức thừa nhận tính hợp pháp thiết bị này trong phòng thi.

Thí sinh đã chính thức được mang máy ảnh, máy ghi âm vào phòng thi.

Quy định này được đưa ra sau vụ bê bối thi cử tại trường THPT Dân lập Đồi Ngô (Lục Nam, Bắc Giang) vào kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2012. Cụ thể, ngày 5/6/2012, kỳ thi tốt nghiệp THPT ở hội đồng thi trường Đồi Ngô, một học sinh đã dùng bút gắn camera ghi cảnh gian lận thi cử trong phòng thi ở cả 6 môn thi.

Video được công bố đã gây chấn động trong ngành giáo dục và dư luận cả nước bởi vì từ trước đến nay chưa từng có vụ gian lận thi cử nào “trắng trợn” đến thế. Sau sự việc, 42 cán bộ, giáo viên, nhân viên bị kỷ luật.

Cộng điểm cho bà mẹ Việt Nam anh hùng

Vào đầu tháng 7, Bộ GD-ĐT ban hành thông tư sửa đổi bổ sung nhóm đối tượng hưởng chính sách ưu tiên trong tuyển sinh đại học. Một trong điểm đặc biệt của thông tư này chính là việc cộng điểm cho bà mẹ Việt Nam anh hùng đi dự thi đại học. Ngay sau đó dư luận đã tranh luận gay gắt về nhóm đối tượng được Bộ GD-ĐT cộng điểm. Nhiều người cho rằng, bà mẹ Việt Nam anh hùng đều ở độ tuổi 80, 90. Ở  độ tuổi “gần đất xa trời” ít có trường hợp nào đi dự thi đại học, việc cộng điểm này không khả thi.

Dư luận phản ứng rất gay gắt trước thông tư cộng điểm cho bà mẹ Việt Nam anh hùng.

Giải thích cho việc cộng điểm này, Bộ GD lý giải rằng anh hùng trước đây mà ngay bây giờ, người mẹ có con hy sinh được xác nhận liệt sĩ cũng được gọi là bà mẹ Việt Nam anh hùng.

Như vậy, 40 tuổi, 50 tuổi, 60 tuổi, thậm chí là nhiều hơn nhưng người ta muốn đi học thì không ai ngăn cấm được vì là học tập suốt đời. Bên cạnh đó, quy định này thể hiện nghĩa tình xã hội đối với những người hy sinh vì đất nước, vì độc lập dân tộc.

Sau đó gần 1 tuần, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT lại ra thông tư bãi bỏ đối tượng ưu tiên bà mẹ Việt Nam anh hùng được cộng điểm thi đại học với lý do quy định này không phù hợp với thực tế.

Bỏ chấm điểm cho học sinh lớp 1

Bộ GD-ĐT cho biết, bắt đầu từ năm học 2014, đối với lớp 1, giáo viên sẽ không chấm điểm trong suốt kỳ học mà chỉ nhận xét năng lực học tập của học sinh. Nếu chấm điểm, giáo viên không nên thông báo điểm số cho gia đình học sinh. Giáo viên tuyệt đối không có biểu hiện so sánh giữa các học sinh, chê trách học sinh trong bất kỳ hoàn cảnh nào, với bất kỳ động cơ nào.

Giáo viên không được so sánh và chê trách học sinh lớp 1.

Ngoài ra, các trường đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra, đánh giá học sinh. Thực hiện đánh giá học sinh theo hướng động viên, khuyến khích, ghi nhận sự tiến bộ hằng ngày của từng học sinh, giúp học sinh cảm thấy tự tin và vui thích với các hoạt động học tập.

Bộ GD cho rằng, ở lứa tuổi của các học sinh không nên đặt nặng vấn đề điểm trác lên hàng đầu mà phải tạo cho học sinh phấn khởi mỗi khi đến trường lớp. Việc bỏ quy định cũng nhằm giảm áp lực cho học sinh về điểm số.

Việt Nam đạt giải cao tại các kỳ thi Olympic

Năm 2013, đã có 34 học sinh Việt Nam đoạt huy chương vàng, bạc, đồng trong kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế.

Ngô Phi Long được trao tặng Huân chương lao động hạng Ba.

Trong số đó, nổi bật có học sinh Ngô Phi Long, được mệnh danh là “cậu bé vàng” Vật lý của Việt Nam đã được trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba vì những thành tích cao liên tiếp: Huy chương Vàng các cuộc thi Olympic Vật lý Quốc tế 2012, 2013, Huy chương Vàng Olympic Vật lý Châu Á 2013.

Đội tuyển Olympic Quốc tế môn Toán học năm vừa qua cũng gây ấn tượng mạnh mẽ khi mang về ba huy chương vàng, ba huy chương bạc cho Việt Nam.

Học sinh Việt Nam đạt kết quả cao tại kỳ khảo sát PISA

Theo kết quả đánh giá học sinh quốc tế PISA (Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế OECD) được công bố ngày 3/12, trình độ Toán học của học sinh Việt Nam đứng thứ 17 thế giới, cao hơn nhiều nước phát triển như Anh, Pháp, Mỹ.

Việt Nam xếp thứ 8 về Khoa học (528 điểm), thứ 17 về Toán (511 điểm) và thứ 19 về Đọc hiểu (508 điểm). Riêng khu vực Đông Nam Á có 5 nước tham gia gồm Việt Nam, Singapore, Thái Lan, Malaysia và Indonesia thì Việt Nam đứng thứ 2 sau Singapore.

Bảng tổng sắp 3 môn trong PISA 2012.

Nhiều người tỏ ra bất ngờ bởi kết quả này. Họ cho rằng, nền giáo dục của Việt Nam còn thấp, môn Khoa học không được đưa vào chương trình học nên khó có thể có được một kết quả khả quan như vậy.

Tiến sĩ Lê Thị Mỹ Hà, Giám đốc Quốc gia PISA Việt Nam cho hay, kết quả PISA cao là một sự bất ngờ. Có nhiều yếu tố để ảnh hưởng tới kết quả, chẳng hạn học sinh mệt không thích làm bài thì nền giáo dục nước đó tốt đến mấy thì kết quả cũng ở mức độ vừa phải kể cả các nước có nền giáo dục tiên tiến như Anh, Mỹ.

Báo cáo trên công bố 3 năm/lần dựa theo các cuộc khảo sát trên hơn 500.000 học sinh ở độ tuổi 15 tại 65 quốc gia, khu vực và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Lần đầu tiên Bộ GD-ĐT thu hồi bằng tiến sĩ

Dựa vào kết luận về việc thanh tra đơn tố cáo “đạo văn” đối với bằng tiến sĩ của ông Hoàng Xuân Quế - Phó Viện trưởng Viện Tài chính-Ngân hàng, ĐH Kinh tế quốc dân, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã ra Quyết định “Huỷ bỏ học vị tiến sĩ đối với ông Hoàng Xuân Quế”.

Ông Hoàng Xuân Quế đã bị thu hồi bằng Tiến sĩ.

Ngay sau đó, Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước đã ra văn bản quyết định hủy bỏ công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh PGS đối với ông Hoàng Xuân Quế. Ông Quế đã có đơn khởi kiện quyết định về việc thu hồi bằng tiến sĩ do Bộ trưởng Bộ GD và ĐT ban hành ra Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội và đã được tòa thụ lý.

Bảo mẫu hành hạ trẻ mầm non bị phát hiện và khởi tố

Thời điểm gần cuối năm hình ảnh và thông tin về vụ việc các quản lý và bảo mẫu có hành vi bạo hành trẻ mầm non được phản ánh trên báo chí và mạng xã hội đã gây căm phẫn trong dư luận xã hội.

Hàng loạt sự cố xảy ra tại các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập khiến dư luận hoang mang.

Bảo mẫu Nguyễn Lê Thiên Lý và quản lý nhóm lớp mầm non Lê Thị Đông Phương đã có hành vi đánh đập và hành hạ dã man các trẻ mầm non tại trường Mầm non tư thục Phương Anh (đường Hiệp Bình, phường Hiệp Bình Phước quận Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh). Cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam hai đối tượng về hành vi “hành hạ người khác”.

Khánh An

Những địa điểm check-in thú vị ở Bình Định

Những địa điểm check-in thú vị ở Bình Định

(PetroTimes) - Không chỉ được ưu ái với thiên nhiên hùng vĩ, nên thơ, Bình Định còn ghi dấu với loạt câu chuyện lịch sử, văn thơ và nền văn hóa độc đáo...