Những "công trình nghìn năm Thăng Long” bây giờ ra sao? (Bài 3)

06:00 | 06/07/2012

1,102 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Là một trong những công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long Hà Nội, Công viên Hòa Bình với tổng mức đầu tư 282 tỷ đồng, những tưởng sẽ là nơi sinh hoạt cộng đồng lý tưởng cho người dân. Nhưng với những điều đã diễn ra ở đây, xem ra kết quả thật không như mong đợi (!?)

Bài 3: Công viên trăm tỉ “có cũng như không”

>> Bài 1: Quốc lộ 32 – Cung đường “vô địch” về số lần gia hạn

>> Những hình ảnh từ con đường “vô địch gia hạn tiến độ”

>> Bài 2: Đại lộ Thăng Long – Cung đường nghìn tỉ “giả vờ khánh thành”

>> Chùm ảnh: Con đường nghìn tỷ “giả vờ khánh thành”

Xuống cấp, sửa chữa và đìu hiu

Với diện tích đất xây dựng hơn 20 ha, công viên Hòa Bình (Hà Nội) có tổng mức đầu tư 282 tỉ đồng đi vào hoạt động đúng vào dịp Đại lễ nghìn năm Thăng Long- Hà Nội, tháng 10/2010. Công viên có bãi để xe nổi và bãi để xe ngầm rộng 3.000 m2, có biểu tượng của thành phố hòa bình, tượng Hòa Bình cao 7,2 m, đế cao 22,8 m. Các khu vực vui chơi giải trí kết hợp với các công trình phụ trợ, dịch vụ, lưu niệm, chòi nghỉ, bãi đỗ xe hài hòa thống nhất trong cảnh quan cây xanh, hồ nước, tạo sự gần gũi với thiên nhiên.

Sau gần hai năm đưa vào khai thác, Công viên Hòa Bình vẫn trong cảnh "địu hiu chợ chiều”

Công viên Hòa Bình được kỳ vọng sẽ là một điểm vui chơi, giải trí cho người dân Hà Nội và cả nước thế nhưng đến thời điểm hiện nay vẫn ở vào tình trạng “đìu hiu chợ chiều” (!?).

Vào những ngày hè này, trong khi các công viên khác đều trong tình trạng quá tải vì người dân đổ xô đến tránh nắng thì tại Công viên Hòa Bình lại vắng hoe. Ít người tham quan trong khi diện tích lại rộng đã khiến cho công viên có cảm giác văng vẻ. Phải quan sát thật kỹ, chúng tôi mới thấy mấy nữ công nhân lúi húi chăm sóc thảm cỏ bên hồ nước nhân tạo. Xa xa đôi trai gái ngồi lẻ loi trên chiếc ghế đá lạnh lẽo.

Một điều dễ dàng nhận thấy là ở đây hệ thống cây xanh vẫn còn quá nhỏ, một số cây còn gãy đổ, bật gốc sau trận mưa rào… chưa tạo được bóng mát – một yếu tố quan trọng để thu hút người dân.

Ngay sau khí khánh thành (10/2010), đã xuống cấp và phải sửa chữa, (ảnh tư liệu)

Nhìn lại lịch sử ngắn ngủi (chưa đầy 2 năm) kể từ khi đưa vào khai thác đã không dưới một lần báo chí phản ánh về tình trạng xuống cấp ngay sau khi khánh thành. Hệ thống sân lát gạch, bậc tam cấp lún sụt, đọng nước rêu mốc cáu bẩn, đá ốp bong tróc nham nhở…Chưa kịp sử dụng, công viên Hòa Bình đã rơi vào cảnh chắp vá sửa chữa…

Ông Hoàng Trung Linh, một người dân ở xã Xuân Đỉnh chia sẻ: “Tôi không ngờ công viên với mức đầu tư quy mô mà sau hai năm vẫn không thu hút được khách thăm quan”.

Nhớ lại những ngày đầu đi vào khai thác, ông Linh bức xúc nói: Ngay khi đưa vào hoạt động, nhiều hạng mục của công viên đã nhanh chóng xuống cấp. Mặt cổng đá lát bị bong trông rất phản cảm. Phía bên trái mặt cổng chính của công viên có tới hàng chục miếng đá lát bị bong tróc. Bên trong công viên, một số chỗ mặt đá lát sân cũng bị vỡ. Đáng chú ý, đoạn cầu thang dẫn lên ngôi nhà ngồi nghỉ cho khách tham quan móng bị lún và mới được trát lại.”

Tình trạng vắng khách kéo dài trong khi các khu vực giáp nối lại thưa dân cư, cây cối um tùm khiến nơi đây đã trở thành bãi đáp của tệ nạn xã hội. Rải rác đâu đó đã xuất hiện bơm kim tiêm còn dính máu…

Cái có thì không cần – mà cái cần thì không có

Trái ngược với sự vắng bên trong công viên, ngay ở cổng phía Bắc của công viên Hòa Bình hướng ra đường Phạm Văn Đồng tồn tại hàng chục quán nước, hàng ăn “vây hãm” đường vào.

Phía ngoài hàng rào công viên cỏ dại mọc cao quá đầu người.

Có mặt ở công viên Hòa Bình vào khoảng 6h tối người ta mới thấy hết được độ nhếch nhác, biến tướng của công viên. Các hàng quán chắn ngang đường đi, đứng ra giữa đường vẫy chào khách làm ảnh hưởng đến giao thông. Những bãi trông xe trái phép xâu xé hàng trăm mét vỉa hè trước công viên.

Hàng chục quán nước thi nhau dựng ghế, dựng lều, bạt, chế biến đồ, vạch vôi, bãi để xe… làm náo loạn, gây ra cảnh hỗn độn trước cổng. Nhiều người dân quanh đây tỏ ra bức xúc, bất mãn về tình trạng lấn chiếm quá đáng của các chủ hàng quán này.

Ông Nguyễn Văn Hòa, một người dân sống gần công viên bức xúc: Vào công viên thì sượng mặt vì “trai gái âu yếm”, ra ngoài cổng thì nhức tai vì thanh niên tụ tập quán xá văn tục, chửi bậy… Không hiểu đây có còn là công viên nữa không?

Điều đáng nói ở đây là các hàng quán, bãi trông xe lấn chiếm ảnh hưởng giao thông và cuộc sống của người dân nhưng không thấy cơ quan chức năng đứng ra dẹp bỏ. Khi được hỏi thì các chủ hàng ở đây dõng dạc trả lời “Làm luật cả rồi đấy các chú ạ. Không đơn giản mà cứ thích ra ra đây bán được đâu.”

Bên cạnh đó, ngay tại cổng chính (hướng đường Phạm Văn Đồng – PV), vào các buổi tối, xuất hiện nhóm người tự dựng lên một bãi trông xe lớn, chắn ngang cổng ra vào và thu phí với giá cắt cổ.

Bác Hùng – người dân sống quanh công viên chia sẻ: “Tôi sống ở cạnh công viên nên mọi chuyện xảy ra tôi đều nắm rõ trong lòng bàn tay. Hàng ngày, quanh công viên thường xảy ra tình trạng xô xát, đánh nhau của một số đối tượng tranh giành địa bàn bán hàng. Tình trạng này diễn ra thường xuyên và gây mất trật tự công cộng, thế nhưng lực lượng chức năng ít khi thấy xuất hiện để bảo đảm an ninh trật tự cho người dân vào thăm công viên”.

Trong khi đó, một số khu vực ngoài hàng rào lại tồn tại tình trạng cỏ dại mọc um tùm, ngập ngụa rác thải gây ô nhiễm môi trường. Phải chăng, Công viên Hòa Bình là công trình “chín ép” xong bằng được để khai trương kịp thời?

Để Công viên thực sự là không gian sinh hoạt cộng đồng, vì sự mạnh khỏe về mặt tinh thần và thể chất của nhân dân cần ba yếu tố:

Thứ nhất nó không cần to, mà chỉ cần gần nơi tập trung dân cư. Vì là phục vụ đời sống hàng ngày nên cái cần là sự thuận tiện đi lại, sử dụng.

Thứ hai nó không cần nhiều biểu tượng to lớn đắt tiền hoành tráng, mà chỉ cần cái gì đó thân thuộc gần gũi với khu dân cư gần đó.

Thứ ba nó không cần làm đường đi lối dạo cầu kỳ mà chỉ cần đủ ánh sáng về đêm, đủ cây cối, bãi cỏ để người ta thấy đó là không gian tự nhiên, đủ một sân chơi để thanh thiếu niên chơi bóng, và một sân chơi cho trẻ em có vài cái cầu trượt, bập bênh, lốp xe hỏng và hố cát.

Nếu nghĩ về nhu cầu nghỉ ngơi, phát triển, phục hồi sức khỏe tinh thần và thể chất của người dân, không nên làm các công viên cầu kỳ tốn kém như công viên Hòa Bình. Số tiền đầu tư cho công viên Hòa Bình thừa sức trang bị các vật dụng cần thiết cho 100 không gian nghỉ ngơi giải trí của 100 khu ở.

Văn Dũng – Thiên Minh