Những khó khăn trong phát triển năng lượng tái tạo tại Colombia

09:09 | 18/08/2023

79 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Vào tháng 5, một diễn đàn về phát triển năng lượng gió và mặt trời, ở tỉnh La Guajira (Colombia), đã bị gián đoạn vì những lời đồng thanh phản đối kịch liệt.
Những khó khăn trong phát triển năng lượng tái tạo tại Colombia
Một trang trại năng lượng mặt trời tại Colombia

Một người trong đám đông thốt lên: "La Guajira không phải để bán!". Đó là một thành viên của cộng đồng người Wayuu của Colombia. Cùng những người khác, họ bày tỏ sự phản đối trước tập thể bộ trưởng năng lượng và giới quan chức địa phương.

Cuộc biểu tình tại Đại học La Guajira là một minh chứng cho những thách thức trước mắt của hơn 10 công ty đa quốc gia và chính phủ của Tổng thống Gustavo Petro, trong công cuộc đi tìm cách khiến Colombia rời bỏ dầu mỏ và than đá, dù ngành năng lượng tái tạo non trẻ đang phải đối mặt với vấn đề chậm trễ trong việc cấp giấy phép môi trường, còn một vài cộng đồng người Wayuu thì liên hồi phản đối.

Kể từ năm 2019, có hơn 50 dự án khả thi về năng lượng mặt trời và gió của các công ty, bao gồm EDP Renewables, Energi, Brookfield Asset Management, AES và Enerfin, đã được công bố tại Colombia, với ý định tạo ra 2,43 GW năng lượng gió và 0,1 GW năng lượng mặt trời.

Tuy đã có kế hoạch đưa chúng vào vận hành trong năm 2022 hoặc 2023, mọi thứ vẫn còn bỏ ngỏ. Các công ty đã không trả lời phỏng vấn về việc này.

Căng thẳng nổ ra khi hạn hán (do ảnh hưởng của hiện tượng thời tiết El Nino) làm cạn kiệt năng lực sản xuất thủy điện tại một quốc gia phụ thuộc vào loại năng lượng này, dẫn đến nguy cơ xảy ra thiếu hụt và chi phí cao.

Tỉnh La Guajira - một tỉnh sa mạc ven biển ở phía đông bắc Colombia, có tốc độ gió cao, ít chướng ngại vật tự nhiên làm cản trở tuabin, và bầu trời thường xuyên rực nắng.

Một số công ty - bao gồm cả Enel của Ý, đã trì hoãn vô thời hạn các dự án ở Colombia, với lý do biểu tình tại địa phương làm cản trở hoạt động đầu tư hàng tỷ USD.

Vào cuối tháng 6, Tổng thống Gustavo Petro và nội các đã dành ra một tuần lễ để đến thăm vùng tỉnh nghèo này. Tuy nhiên, họ không thuyết phục được nhiều người thuộc cộng đồng Wayuu - những người cho rằng giới doanh nghiệp và quan chức đã không xem xét ảnh hưởng của loạt dự án đến truyền thống tâm linh, kế sinh nhai, quyền sở hữu vùng đất của họ và môi trường.

Jose Silva - Giám đốc tổ chức phi lợi nhuận Nacion Wayuu, một nhóm tụ họp 600 trưởng tộc Wayuu, cho biết: “Họ thực hiện loạt dự án đó sau lưng cộng đồng. Chỉ có chính quyền, chính trị gia và doanh nhân ngồi lại đàm phán, chứ không có chủ sở hữu đất đai của tổ tiên họ”.

Tổng thống Petro đảm bảo rằng các dự án sẽ có lợi cho người Wayuu. Tùy theo trường hợp, họ còn được tham gia điều hành.

Mặt khác, ông Silva cho biết, tổ chức của ông đã không gặp được Tổng thống Petro và nội các Colombia trong chuyến thăm. Nhưng đối với những người Wayuu đã gặp được phái đoàn, thì họ cảm thấy "nhiều nghi ngờ hơn là chắc chắn".

Vào tháng 5, Enel đã tạm dừng vô thời hạn công tác xây dựng trang trại gió Windpeshi vì làn sóng biểu tình đã làm dự án bị trì hoãn 3 năm, khiến chi phí vượt quá 250 triệu USD. Windpeshi dự kiến cung cấp đủ năng lượng cho 500.000 ngôi nhà.

Theo Enel, trong nửa số thời gian bị trì hoãn, một nhóm người Wayuu liên tục chặn đường, ngăn cản công nhân đi đến công trường.

Thế nhưng, nhóm người Wayuu nói rằng họ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc sử dụng biện pháp phong tỏa để ngăn chặn vấn đề xây dựng dự án tại vùng đất của họ mà không có sự phê duyệt. Họ cũng chọn biểu tình vì thiếu cơ hội trao đổi.

Vào tháng 7, Tổng thống Colombia cho biết: “Chúng tôi đã giải quyết được trục trặc của một số dự án và muốn thúc đẩy tất cả số dự án đó”. Dù vậy, mục tiêu đưa 6 GW công suất tái tạo vào vận hành trong nhiệm kỳ của ông “sẽ gặp nhiều khó khăn”.

Ông Erik Hoeg - Đại sứ Đan Mạch tại Colombia, nói với Reuters rằng các công ty Đan Mạch và nhiều công ty khác từ châu Âu đang có "sự quan tâm đáng kể" đến Colombia, nhưng: "Chúng tôi nán lại một chút đối với một vài trường hợp cần đến khung quy định rõ ràng, ví dụ như về điện gió ngoài khơi".

Ông cũng cho biết thêm, Colombia phải mở đối thoại với những cộng đồng người bản địa, và không nên đánh mất cơ hội trở thành nước xuất khẩu năng lượng tái tạo.

Gia tăng xung đột trong khu vực

Như La Guajira, Chile cũng đang vấp phải những thách thức này. Tại đây, các nhóm cộng đồng người bản địa đang lên tiếng phản đối hoạt động phát triển lithium. Tương tự, tại Mexico, hàng chục dự án về năng lượng gió, mặt trời và năng lượng tái tạo khác đang chờ được cấp giấy phép môi trường.

Theo người Wayuu, việc xây dựng đe dọa cây cối và động vật hoang dã, đồng thời làm hư hại khu vực đồng cỏ của hàng trăm con dê, giết chết nguồn thức ăn thiết yếu của con người và xâm phạm lãnh thổ linh thiêng, nơi chôn cất tổ tiên của họ.

Ông Silva nói thêm, xung đột xung quanh những dự án đã gây ra ít nhất 10 cái chết của những người trong cộng đồng do ông làm đại diện, vì các công ty đã vô tình thương lượng với nhiều kẻ giả danh chủ đất thay vì chủ sở hữu tài sản thực tế, gây nên bạo lực.

Bà Joanna Barney - một nhà nghiên cứu tại tổ chức phi chính phủ Indepaz, cũng xác nhận điều tương tự.

Năng lượng tái tạo có tính chất thân thiện với môi trường hơn. Tuy nhiên, chúng đang phải đối mặt với những rào cản thường thấy trong nhiều dự án dầu mỏ và khai thác khoáng sản - nguồn thu nhập hàng đầu lâu nay của Colombia.

Theo bà Alexandra Hernandez - Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Tái tạo Colombia (SER), các vấn đề về cấp giấy phép môi trường cũng đã làm nhiều dự án bị trì hoãn.

Thật vậy, giấy phép cho hai trang trại gió của EDP Renewables (Bồ Đào Nha) đã bị cơ quan môi trường của Colombia từ chối. Theo họ, công ty không xác định được những tác động tiềm ẩn tại những khu vực cho xây dự án (bao gồm cả tác động lên việc lưu thông) và phân định chính xác diện tích cần được bảo vệ.

Gió và mặt trời chiếm chưa đến 1% (chỉ khoảng 300 MW) tỷ trọng cơ cấu năng lượng hiện tại của Colombia. Trong khi đó, thủy điện chiếm 70%.

SER - đại diện cho hơn 90 công ty, cho biết các dự án tái tạo có thể sản xuất ra 20.000 MW, tức điện năng đủ cho 11 triệu người (gần 1/4 dân số).

Mỗi MW cần số tiền đầu tư từ 700.000 đến 1 triệu USD, nâng tổng chi phí lên 20 tỷ USD cho hoạt động phát triển năng lượng tái tạo trên toàn Colombia. Khoảng 65% số dự án đang nằm trong giai đoạn làm hồ sơ pháp lý, còn một số khác thì đã bị trì hoãn từ nhiều năm.

Ông Alejandro Lucio - chuyên gia tư vấn cho các công ty năng lượng tái tạo tại văn phòng tư vấn Optima Consultores, cho biết: “Các dự án không đi vào hoạt động. Có vẻ như chúng sẽ cần thêm 2 năm. Các nhà đầu tư không muốn chờ đợi nữa”.

Shell chốt hợp đồng LNG dài hạn với một quốc gia Bắc PhiShell chốt hợp đồng LNG dài hạn với một quốc gia Bắc Phi
Exxon không còn mặn mà với các dự án ở Colombia?Exxon không còn mặn mà với các dự án ở Colombia?
Nạn trộm cắp dầu bùng phát ở ColombiaNạn trộm cắp dầu bùng phát ở Colombia

Ngọc Duyên

AFP