Những hé lộ về căn cứ tình báo Pine Gap của Mỹ ở Australia

09:47 | 09/10/2011

822 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Đi sâu vào khu vực sa mạc Outback hoang vu của Australia, đập vào mắt người ta là hình ảnh một căn cứ do thám của Mỹ được dựng lên vào lúc cao trào của cuộc Chiến tranh Lạnh và giờ đây, căn cứ này lại hướng sự chú ý của nó sang các kẻ thù đang phát triển của Mỹ ở châu Á cũng như các kho vũ khí tại châu lục này.

Trạm vệ tinh tại căn cứ quân sự Pine Gap, miền trung Australia

Được các điệp viên thuộc một số cơ quan tình báo nhạy cảm nhất của Mỹ quản lý, trạm vệ tinh Pine Gap trên có liên quan tới một số cuộc xung đột lớn nhất trong những thời gian vừa qua. Quả thực, trạm vệ tinh này từng có vai trò trong các cuộc chiến ở Iraq, Afghanistan và khu vực Balkan cũng như đóng vai trò rất lớn trong chiến dịch truy tìm trùm mạng lưới khủng bố quốc tế Al Qaeda là Osama bin Laden. Tuy nhiên, vai trò này lại rất ít được thừa nhận cho tới khi David Rosenberg, một trong những điệp viên cấp cao nhất làm việc tại nơi đây vừa mới tiết lộ thông tin về căn cứ này trong cuốn tự truyện của mình.

Nhà phân tích tình báo David Rosenberg đã có 18 năm công tác tại căn cứ nằm cách Alice Springs 20 km về phía Nam trên, làm việc cùng với những điệp viên tối mật của Cơ quan an ninh quốc gia (NSA), nơi tập trung những người ưu tú về phân tích thông tin tình báo.

Chính thức được biết tới với tên gọi là “Cơ sở nghiên cứu không gian quốc phòng chung”, căn cứ Pine Gap trên là một trong những địa điểm thu thập thông tin tình báo lớn nhất của Washington, theo dõi vũ khí và chặn bắt tín hiệu liên lạc thông qua một loạt vệ tinh địa tĩnh.

Australia cũng có tham gia quản lý căn cứ trên và có quyền tiếp cận tài liệu thu thập được từ năm 1980.

Ban đầu, căn cứ trên được xây dựng như là một thứ vũ khí trong cuộc chiến tranh gián điệp của Mỹ với Nga và nó chính thức đi vào hoạt động năm 1970. Tuy nhiên, Rosenberg cho biết hiện căn cứ này đang hướng vào “cuộc chiến chống khủng bố” do Mỹ cầm đầu và sự lớn mạnh về quân sự ở châu Á. Rosenberg cho hay: “Đó là một khu vực lớn trên thế giới mà ở đó có các nước sản xuất vũ khí, những nước có các chương trình mà Mỹ và Australia quan tâm”.

Điệp viên lão luyện trên đã có một thỏa thuận bí mật suốt đời với NSA, theo đó ông không được tiết lộ thông tin mật và bị hạn chế phát ngôn về khoảng thời gian ông ở Pine Gap. Mặc dù vậy, ông vẫn khẳng định CHDCND Triều Tiên và Trung Quốc nằm trong số những mục tiêu bị giám sát. Ông nói: “Tôi cho rằng bất kỳ nước nào có lực lượng quân đội hùng hậu và là một nước sản xuất vũ khí lớn thì luôn sẽ là tâm điểm chú ý cho cộng đồng tình báo này và Trung Quốc dĩ nhiên đang phát triển và phát triển rất nhanh. Có những diễn tiến mà chúng tôi đang theo dõi”.

Rosenberg còn cho biết thêm Ấn Độ và Pakistan cũng là “những nước rất đáng quan tâm” khi New Delhi tiến hành vụ thử hạt nhân gây ngạc nhiên vào năm 1998, qua mặt cả những nhà phân tích tình báo ở Pine Gap.

Nửa cuối thời gian công tác của Rosenberg tại căn cứ bí mật này, mà người dân địa phương gọi đây là “Căn cứ không gian”, chủ yếu tập trung vào cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan cũng như chiến dịch tập trung mạnh mẽ vào mạng lưới Al Qaeda sau các vụ tấn công 11/9/2001 ở ngay trong lòng nước Mỹ. Rosenberg nhớ lại thời gian đó như là khoảng thời gian buồn bã nhất trong sự nghiệp của mình khi các nhà phân tích tình báo sục sạo cả khu vực này để tìm đầu mối về điều gì sẽ xảy ra tiếp theo, dù biết ngay là Al Qaeda phải chịu trách nhiệm về vụ tấn công này và lo ngại chúng sẽ lại tấn công.

Ông Rosenberg cho hay: “Trong khi những vụ tấn công này đang xảy ra, thì chúng tôi dĩ nhiên phải suy nghĩ xem có bao nhiêu hành động đồng thời hoặc gần như là đồng thời khác sắp xảy ra? Chúng ta không biết có bao nhiêu vụ tấn công khác đã được lên kế hoạch trong ngày ấy”.

Việc chậm trễ đã khiến cho bin Laden và các thủ lĩnh khác của Al Qaeda trốn thoát và đây cũng được coi là sự “thất bại tình báo quan trọng” khi mà các điệp viên của căn cứ này phải mất tới 10 năm truy tìm bin Laden và Rosenberg lại không được chứng kiến ngày bin Laden bị tiêu diệt ở Pakistan hồi tháng Năm vừa qua. Đây là điều mà Rosenberg coi là một trong số ít những điều đáng tiếc nhất trong cuộc đời mình.

Điệp viên của căn cứ này phải mất tới 10 năm truy tìm bin Laden và Rosenberg lại không được chứng kiến ngày bin Laden bị tiêu diệt ở Pakistan hồi tháng Năm vừa qua.

Rosenberg nhận định “cuộc chiến tranh trên mạng”, ví dụ như vụ tin tặc được nhà nước tán đồng và công nghệ di động ngày càng phát triển cho phép kích nổ một quả bom điều khiển từ xa qua điện thoại di động, là một mặt trận lớn tiếp theo cho cộng đồng tình báo.

Cuốn tự truyện của Rosenberg đem lại cái nhìn sâu sắc hiếm hoi về một thế giới tình báo quân sự đầy bí ẩn, thảo luận về những mối nghi ngờ lan rộng trong giới tình báo về những cáo buộc liên quan tới vũ khí hủy diệt hàng loạt dẫn đến cuộc xâm lược Iraq. Cuốn sách này đã qua 16 lần kiểm duyệt do bốn cơ quan tình báo tiến hành trước khi được xuất bản.

Vân Chi (Theo AFP)