Những đứa con chào đời nhờ khoa học

10:51 | 07/06/2012

617 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Vấn đề hiếm muộn không đơn thuần chỉ là vấn đề sức khỏe mà còn là vấn đề xã hội vì liên quan đến hạnh phúc gia đình của các cặp vợ chồng. Khi tỉ lệ hiếm muộn ngày càng tăng thì áp lực của nó với đời sống gia đình ngày càng trở nên nặng nề. Tuy nhiên, nhờ sự phát triển của kỹ thuật hỗ trợ sinh sản đã đem lại niềm vui được làm cha, làm mẹ cho nhiều cặp vợ chồng.

Áp lực mang tên “hiếm muộn”

Lập gia đình, có con là ước mơ của tất cả các cặp vợ chồng, nhưng không phải ai cũng may mắn thực hiện được ước mơ được xem là quá đỗi bình thường của nhiều người. Rất nhiều cặp vợ chồng đã không may rơi vào trường hợp bị hiếm muộn, vô sinh và họ cũng không tránh khỏi hoang mang, lo lắng với nguy cơ đổ vỡ hạnh phúc gia đình.

Cặp song sinh chào đời nhờ kỹ thuật hỗ trợ sinh sản

Ngày nay, số lượng các cặp vợ chồng hiếm muộn ngày càng gia tăng. Trung bình mỗi ngày Bệnh viện Từ Dũ tiếp nhận khoảng 200 lượt bệnh nhân đến khám và tư vấn về hiếm muộn. Trong khi đó, cách đây 10 năm mỗi ngày chưa tới chục người đến khám. Bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết – Phó Giám đốc kiêm Trưởng khoa Hiếm muộn Bệnh viện Từ Dũ cho biết: Hiện nay, tỉ lệ hiếm muộn trên cả nước chiếm đến hơn 10%, nguyên nhân của hiếm muộn thường 30% là do người vợ, 30% do người chồng, 30% từ cả 2 vợ chồng và 10% không rõ nguyên nhân. Riêng tại Bệnh viện Từ Dũ, ghi nhận tỉ lệ vô sinh không rõ nguyên nhân trung bình là 12%.

Hơn 10.000 trẻ chào đời nhờ khoa học

Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng, Chủ tịch Hội nội tiết Sinh sản và Vô sinh TP HCM kể lại: Cách đây 15 năm, với sự giúp đỡ nhiệt tình của nhóm chuyên gia người Pháp đến từ đại học Nice Sophia Antipolis và giáo sư Trần Đình Khiêm, nhóm nghiên cứu tiên phong trong lĩnh vực thụ tinh trong ống nghiệm đã nỗ lực vượt qua những trở ngại rất lớn như thiếu thốn về con người, cơ sở hạ tầng, máy móc thiết bị, hóa chất, thuốc, để tạo nên một kỳ tích của y học Việt Nam là thực hiện kỹ thuật hỗ trợ sinh sản.

Tính đến nay, Việt Nam đã có 15 trung tâm thực hiện kỹ thuật hỗ trợ sinh sản và hơn 10.000 em bé ra đời từ các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản. Việt Nam hiện là một quốc gia đi đầu khu vực Đông Nam Á về khả năng thực hiện các kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và trở thành trung tâm đào tạo, chuyển giao công nghệ của khu vực Đông Nam Á. Trong năm 2011, một trung tâm giảng dạy, đào tạo thụ tinh trong ống nghiệm quốc tế cũng đã được thành lập. Bác sĩ của Việt Nam được mời tham gia giảng dạy kỹ thuật hỗ trợ sinh sản tại các khóa học quốc tế ở Trung Quốc, Singapore, Thái Lan…

Hiện nay, các trung tâm hỗ trợ sinh sản của Việt Nam đã thực hiện được hầu hết các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản chuyên sâu như: kỹ thuật bơm tinh trùng vào bào tương trứng, trích tinh trùng điều trị vô sinh nam, trưởng thành trứng trong ống nghiệm, đông lạnh phôi…

Với sự phát triển của kỹ thuật hỗ trợ sinh sản Việt Nam, nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn trên thế giới cũng đến Việt Nam để điều trị. Chỉ tính riêng khoa hiếm muộn của Bệnh viện An sinh, trong năm 2011 đã có 101 cặp vợ chồng nước ngoài đến khám và điều trị, trong đó có những bệnh nhân đến từ các quốc gia y học phát triển mạnh như: Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Đức, Nga.

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng: Chương trình hỗ trợ sinh sản của Việt Nam sau 15 năm phát triển đã đạt được trình độ trong khu vực và tiệm cận với trình độ phát triển của thế giới trong một số kỹ thuật chuyên biệt. Với những kết quả này, chương trình hỗ trợ sinh sản Việt Nam đang đứng trước một cơ hội phát triển mới trong tương lai nếu tiếp tục được quan tâm, hỗ trợ đầu tư của Nhà nước và xã hội.

Tuy nhiên, chữa hiếm muộn hiện nay vẫn rất tốn kém, không phải ai cũng theo đuổi được. Hiện nay, thụ tinh trong ống nghiệm là phương pháp phổ biến để điều trị vô sinh nhưng với chi phí từ 30.000 – 40.000 triệu đồng/lần thụ tinh, chưa tính các chi phí xét nghiệm ban đầu thì không phải gia đình nào cũng có điều kiện để thực hiện, chưa kể tỉ lệ thành công của phương pháp này chỉ khoảng 30 – 40% nên nhiều người làm 2 – 3 lần mới thành công. Những trường hợp được tư vấn áp dụng phương pháp bơm tinh trùng thì chi phí thấp hơn khoảng 5 – 8 triệu đồng/lần bơm, nhưng tỉ lệ thành công chỉ khoảng 20%. Với chi phí khá cao, nên hầu như chỉ những gia đình có điều kiện kinh tế khá giả mới có thể theo đuổi các phương pháp chữa trị hiện đại, còn nhiều gia đình khó khăn vẫn chỉ có thể trông chờ vào vận may.

Mai Phương

Năng lượng Mới số 126, ra thứ Ba ngày 5/6/2012