Tuyển sinh vào lớp 10 năm 2018 tại Hà Nội

Những chuyện “cân não”

11:05 | 07/07/2018

462 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Năm 2018, tại kỳ tuyển sinh vào lớp 10, điểm chuẩn “nhảy múa” theo giờ, cùng những chuyện “cân não” để chọn đúng trường, đúng thời điểm… Đó là những gì mà các bậc cha mẹ có con vào lớp 10 phải trải qua. Phóng viên Báo Năng lượng Mới đã có cuộc trò chuyện với các chuyên gia giáo dục về vấn đề này.

Thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie: Không thể vin vào lý do tự chủ!

PV: Trong kỳ tuyển sinh vào lớp 10 vừa qua, có hiện tượng trường dân lập để điểm chuẩn “nhảy múa” khiến nhiều thí sinh đang đỗ thành trượt THPT, gây bức xúc trong dư luận, ông nghĩ gì về sự việc này?

nhung chuyen can nao

Thầy Nguyễn Xuân Khang: Tôi nghĩ rằng, các bậc cha mẹ cũng như dư luận xã hội không bức xúc việc trường thay đổi điểm chuẩn, mà bức xúc bởi cách thay đổi điểm chuẩn bất thường.

Thông thường, trong tuyển sinh, các trường sẽ dựa vào chỉ tiêu được giao và lượng hồ sơ đăng ký vào trường để cân đối tuyển sinh. Nghĩa là khi điểm chuẩn được công bố thì cha mẹ học sinh sẽ mang hồ sơ đến trường đã chọn để nộp hồ sơ cho con em mình. Trường sẽ lấy điểm từ trên xuống đến đúng chỉ tiêu được giao, trong trường hợp đến đúng điểm chuẩn mà chưa đủ chỉ tiêu thì trường sẽ hạ điểm chuẩn lần 1, lần 2 để tuyển thêm các em học sinh đủ điều kiện vào trường. Đó là việc thông thường.

Còn như một số trường mà báo chí phản ánh là bất thường, vì ở đây trường tuyển sinh theo đợt và mỗi đợt điểm chuẩn lại tăng lên. Tôi nói bất thường ở chỗ, thay vì lần sau điểm chuẩn phải hạ, thì trường lại để điểm chuẩn tăng lên, vô hình trung làm mất cơ hội vào trường của nhiều học sinh, gây bức xúc cho cha mẹ học sinh, xung đột trong dư luận xã hội, là điều dễ hiểu.

PV: Còn một số trường tranh thủ lúc chưa có điểm chuẩn đã ồ ạt tuyển sinh và có quy định không hoàn lệ phí tuyển sinh cho các trường hợp có nhu cầu rút lại hồ sơ thì sao, thưa ông?

Thầy Nguyễn Xuân Khang: Thực tế, trường nào làm việc này cũng có lý riêng của họ, vì nhà trường đã có thông báo từ trước rồi. Tôi hiểu mục đích của trường là để buộc cha mẹ học sinh phải cân nhắc cho kỹ, vì nếu có thay đổi nhiều sẽ ảnh hưởng đến quá trình cũng như chất lượng tuyển sinh.

Trong nhiều lĩnh vực thương mại dịch vụ, việc lắng nghe khách hàng là một điều cần thiết. Như Prudential có hẳn một slogan: “Luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu”, hay các doanh nghiệp dịch vụ viễn thông cũng đề rõ phương châm phục vụ là “luôn lắng nghe khách hàng”… Lĩnh vực thương mại người ta làm được như vậy thì tại sao lĩnh vực giáo dục lại không?

Điều đó đúng về lý nhưng không thấu tình, bởi phải thấu hiểu tâm tư nguyện vọng của từng gia đình. Nhiều gia đình không chỉ bố mẹ, thậm chí cả ông bà cũng tham gia vào sự học của con cháu. Trong bối cảnh đó, ngay cả gia đình cũng không thể đồng nhất quan điểm với nhau. Ví như, bố và con thì thích học trường tư thục nhưng mẹ lại muốn con học trường công. Thế mà trường lại không tạo điều kiện cho rút hồ sơ là vô tình không chia sẻ với cha mẹ học sinh. Như vậy, cái tình đã không đạt, dư luận xã hội phản ứng cũng đúng.

Bản thân tôi từ xưa đến nay không làm như thế. Trường Marie Curie có thông báo rất rõ về các đợt tuyển sinh. Đợt 1, đợt 2 diễn ra bao lâu, chỉ tiêu thế nào… đều được thông báo rõ từ sớm. Mà điểm lấy đợt 2 bao giờ cũng thấp hơn đợt 1 và luôn lưu ý rõ ràng là sau khi nhập học nếu có cơ hội khác phù hợp hơn, cha mẹ muốn rút hồ sơ thì nhà trường sẽ hoàn trả toàn bộ kinh phí đã nộp.

Việc giữ lại lệ phí nộp hồ sơ không phải là cách tốt, thậm chí có thể làm tổn hại đến uy tín của nhà trường. Tôi hiểu, trường nào có quy định không trả lại lệ phí tuyển sinh không phải mục đích vì tiền, mà trường đó muốn ổn định trong tuyển sinh. Thế nhưng, đó không phải lựa chọn đúng đắn. Trong những thời điểm như vậy thì việc hoàn trả hồ sơ và lệ phí cho học sinh còn phải kịp thời, chứ đừng nói đến việc có trả hay không trả. Bởi trả chậm là làm mất cơ hội của học sinh và cũng vô tình tước đi cơ hội của học sinh khác muốn được vào học tại trường.

PV: Chính vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng, các trường dân lập đang được tự chủ quá mức, thưa ông?

Thầy Nguyễn Xuân Khang: Không phải như vậy, pháp luật hiện hành đã quy định trường ngoài công lập được tự chủ về những vấn đề này. Nhưng không phải luật có, quy chế có là trường muốn làm gì cũng được. Nhà nước cho trường một hành lang pháp lý thoải mái, tức là trường được tự chủ, nhưng tự chủ không có nghĩa là trường muốn làm gì cũng được.

nhung chuyen can nao nhung chuyen can nao
Thí sinh dự thi vào lớp 10 tại Hà Nội

Như trường hợp giữ lệ phí tuyển sinh, tôi thấy về lý là trường không sai. Bởi ở đây là trường có thông báo trước và về luật trường được làm như vậy. Ở đây, tôi chỉ nói đến nên hay không nên mà thôi. Bởi, trong nhiều lĩnh vực, việc lắng nghe khách hàng là một điều cần thiết. Như Prudential có hẳn một slogan: “Luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu”, hay các doanh nghiệp dịch vụ viễn thông cũng đề rõ phương châm phục vụ là “luôn lắng nghe khách hàng”… Lĩnh vực thương mại người ta làm được như vậy thì tại sao lĩnh vực giáo dục lại không? Sao chúng ta không hiểu đến nội bộ của từng gia đình, hiểu được tâm lý của những ông bố, bà mẹ? Vậy mới nói, có những cách tốt hơn để tuyển sinh thì sao chúng ta lại chọn những cách không tốt để tổn hại đến uy tín của nhà trường?

PV:Vậy Trường Marie Curie đã làm như thế nào, thưa ông?

Thầy Nguyễn Xuân Khang: Trường chúng tôi có uy tín vì chúng tôi thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của từng gia đình. Từ những thấu hiểu như vậy, trường mới có những hành động đúng đắn và có hiệu quả. Suốt nhiều năm qua, từ việc thấu hiểu nên trường nhận được những hiệu ứng tích cực từ học sinh, cũng như các bậc cha mẹ. Từ đó, bản thân các thầy cô giáo trong trường cũng cảm thấy đó là nguồn động lực để mình muốn làm việc tốt hơn.

Tôi có một nguyên tắc để mọi người cùng đồng thuận: Minh bạch và công bằng. Đơn cử như việc thông báo điểm chuẩn, phải thông tin rõ ràng điểm đợt 1, đợt 2, nhập học như thế nào? Bởi một sai sót nhỏ cũng có thể làm mất đi cơ hội tốt của học sinh. Còn trong lĩnh vực tuyển sinh, tôi tuân thủ các nguyên tắc như đúng chỉ tiêu, giữ đúng sĩ số của lớp học. Ví dụ, chỉ tiêu 1 lớp 10 chỉ được tuyển sinh trong biên độ cho phép là 30 + 2, tức là một lớp có cao nhất là 32 em học sinh, thì không thể tuyển đến 33, 34 học sinh vào một lớp được. Nhiều trường hợp đã đủ chỉ tiêu, có trường hợp “ông này, bà kia” xin xỏ nhưng tôi vẫn nhất quyết từ chối. Có những cái thuộc vào nguyên tắc thì mình phải tuân thủ, bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng đào tạo.

PV: Xin cảm ơn ông.

GS.TSKH Phạm Tất Dong, Phó chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam: Không tự chủ theo kiểu… liều lĩnh!

nhung chuyen can nao

Việc một số trường ngoài công lập có những điều luật riêng trong kỳ tuyển sinh vừa qua, tôi thấy không hợp lý, gây áp lực cho các em học sinh cũng như phụ huynh.

Tôi nghĩ rằng, sau sự việc này, không chỉ Hà Nội mà các sở GD&ĐT địa phương cũng cần có sự can thiệp trong công tác tuyển sinh đầu cấp tại các trường THPT ngoài công lập, bảo đảm quyền lợi cho học sinh.

Hiện nay, tôi thấy các cơ quan chức năng này có vẻ “buông lỏng” quản lý. Thông thường, một công dân có nghĩa vụ đóng thuế, trong thuế có những phúc lợi xã hội mà y tế, giáo dục là nhu cầu thiết yếu người dân phải được hưởng. Lẽ ra, phải có đủ trường học để cho học sinh được đi học. Đằng này, các em không được học trường công mà phải thi tuyển vào các trường dân lập, như thế chẳng phải là đóng thuế hai lần sao?

Tôi nghĩ, việc này nhà Nhà nước cũng phải có quy chế, nếu không đủ trường công, những trường tư cũng cần có chỉ tiêu cho những trường hợp khó khăn theo học. Nghĩa là chỉ tiêu vào trường tư là bao nhiêu, phải được công bố rõ ràng, trong đó suất dành cho các em học sinh có điều kiện khó khăn là bao nhiêu?

Các cơ chế hoạt động riêng của các trường dân lập, theo tôi cần phải quy định rõ ràng hơn. Bởi hành lang pháp lý hiện nay, có vẻ nới lỏng cho các trường, đặc biệt các trường có yếu tố nước ngoài.

nhung chuyen can nao
Phụ huynh nộp hồ sơ tại Trường THPT Lương Thế Vinh

Khi xảy ra những vấn đề gây bức xúc dư luận xã hội như tình trạng tuyển sinh lớp 10 vừa qua, lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội cần lắng nghe để giải quyết. Nếu khó khăn, vướng mắc thì phải báo cáo với Bộ GD&ĐT, nếu Bộ GD&ĐT không giải quyết được thì đề xuất lên Quốc hội. Trong trường hợp dân chưa hiểu, thì phải giải thích, người ta bảo: “Nói phải củ cải cũng phải nghe”.

Một nền giáo dục để dân quá bức xúc thì nền giáo dục đó phải xem lại.

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT: Môi trường giáo dục không có chỗ cho những mánh khóe

nhung chuyen can nao

Trường hợp một số trường THPT dân lập thay đổi điểm chuẩn liên tục hay giữ lệ phí nhập học của học sinh… trong kỳ tuyển sinh vào lớp 10 vừa qua, tôi cho rằng đó không phải là những trường đã vì học sinh, vì sự nghiệp giáo dục. Bởi, nếu nghĩ cho học sinh thì họ sẽ không có những “mánh” như vậy. Cách làm này khiến người ta liên tưởng đến kiểu mua bán hàng hóa ngoài thị trường, khách mua hàng thì phải đặt cọc. Điều này, không nên có trong môi trường giáo dục.

Sở dĩ xảy ra những chuyện như vậy là do luật của ta chưa quy định chặt chẽ và các cấp quản lý giáo dục cũng chưa có chế tài cụ thể để xử lý các trường hợp như vậy, thành ra họ cứ tự định ra rồi làm. Lẽ ra cả xã hội, ngành giáo dục và các trường phải tập trung suy nghĩ thế nào cho các cháu đang trong độ tuổi đi học có thể tập trung học tập chứ không phải nghĩ rằng: À, đây là cơ hội kiếm tiền, để rồi khiến các cháu học sinh phải phân tâm, phụ huynh phải cân não, xã hội bấn loạn như vậy.

Tôi không tán thành cách đó. Tôi nhắc lại đây là sơ hở trong quản lý, khi ngành giáo dục chưa có những chế tài cụ thể. Điểm chuẩn do Sở GD&ĐT quản lý thì phải có quy định yêu cầu tất cả các trường phải chờ công bố điểm chuẩn từ Sở. Các trường công hay tư đều chưa được tuyển sinh. Sau khi công bố, các trường mới được áp dụng điểm chuẩn để tuyển sinh theo chỉ tiêu mà Sở đã quy định cho các trường. Như vậy, làm sao có sự việc xảy ra như vừa qua. Những người làm quản lý phải lường trước được tình hình như vậy.

Tôi biết, các trường có lý do tự chủ, nhưng tự chủ không đồng nghĩa với tự do, tùy tiện mà tự chủ phải nằm trong khung khổ pháp lý. Một trường tự chủ được giao tự chủ tuyển sinh, nhưng tôi xét thấy tự chủ trong giới hạn điểm chuẩn chứ không phải anh thích làm sao thì làm. Tự chủ trong những chế tài nhất định mà Nhà nước quy định để đảm bảo cho việc giáo dục có chất lượng.

Tôi nghĩ các trường dân lập thay vì nghĩ đến những mánh khóe tuyển sinh thì cần nâng cao chất lượng đào tạo, nâng cao chất lượng nhà giáo cũng như nâng cao tư cách đội ngũ quản lý… Như vậy, mới thu hút học sinh. Các trường dân lập sẽ gặp nhiều áp lực về tài chính nhưng không phải vì thế mà anh bất chấp chạy theo thị trường. Tài chính là cần thiết nhưng không phải mục tiêu chi phối, khi trường làm tốt về chất lượng thì tự khắc sẽ có mục tiêu tài chính tốt hơn.

Nhân dịp này, chúng ta có thể thực hiện Nghị quyết 29 của Chính phủ bằng cách tăng cường tuyên truyền cho học sinh rằng: Không chỉ có một con đường học lên trường công, mà có thể bắt đầu từ nhiều con đường khác. Điều tôi muốn nhắc đến ở đây là phải phân luồng. Theo tôi, cấp THPT hiện nay chưa thực hiện đầy đủ Nghị quyết 29, vì Nghị quyết 29 có nói học cấp THCS là phải phân luồng học sinh và đến cấp THPT việc phân luồng đã phải rõ ràng. Một luồng tiếp tục học lên đạt trình độ nghiên cứu chuyên sâu, một luồng trở thành kỹ thuật viên, một luồng trở thành công nhân lành nghề. Hiện nay, có thuận lợi là ở các địa phương đều có trung tâm cộng đồng hướng nghiệp, trung tâm giáo dục thường xuyên… Thế nhưng, cấp THPT lại chưa làm được điều này.

Thời gian tuyển sinh vào lớp 10 vừa qua, nhiều cha mẹ ở Hà Nội khóc dở mếu dở khi đi đăng ký học lớp 10 cho con vào Trường THPT Tạ Quang Bửu mà điểm chuẩn liên tục “nhảy múa”.

Sáng 30/6, nhà trường thông báo điểm trúng tuyển vào lớp 10 là 46 điểm. Buổi chiều cùng ngày, điểm chuẩn đã tăng lên 49 điểm. Nhà trường thông báo, điểm chuẩn này được áp dụng trong chiều 30/6 và chỉ nhận duy nhất 30 hồ sơ đạt mức điểm trên. Đến sáng 1/7, điểm chuẩn đã tăng lên 50,5 điểm. Nhiều cha mẹ bức xúc vì con mình từ “đỗ” thành “trượt”'.

Kỳ tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2018-2019 tại Hà Nội, điểm chuẩn “nhảy múa” như sàn chứng khoán khiến bậc cha mẹ “bấn loạn” là điều không thể chấp nhận trong môi trường giáo dục. Ngay sau khi báo chí phản ánh, Sở GD&ĐT đã yêu cầu các trường phải hoàn trả phí ghi danh cho các trường hợp học sinh muốn rút hồ sơ.

Huyền Anh