Nhật Bản và Trung Quốc - sự hòa hoãn mang tính chiến thuật?

13:45 | 26/10/2018

434 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Quan hệ Nhật Bản-Trung Quốc nguội lạnh kể từ năm 2012, sau biến cố Tokyo quốc hữu hóa quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, mà Bắc Kinh đòi hỏi chủ quyền. Trong 7 năm liền, hai nền kinh tế thứ hai và thứ ba thế giới đã không hề có cuộc gặp thượng đỉnh song phương nào.
nhat ban va trung quoc ke thu cua ke thu la ban tam thoi
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Chủ tịch Tập Cận Bình chào xã giao bên lề thượng đỉnh G20 tại Hamburg, Đức năm 2017

Ngày 25/10/2018, Chủ tịch Tập Cận Bình đã tiếp đón Thủ tướng Shinzo Abe tại Bắc Kinh, chính thức chấm dứt chuỗi ngày lạnh nhạt giữa hai cường quốc châu Á.

Vì sao lại có chuyển biến này? Theo các nhà bình luận, việc Nhật Bản và Trung Quốc xích lại gần nhau là do chính sách đối ngoại khác thường của Nhà Trắng và chủ trương bảo hộ mậu dịch của Mỹ hiện nay. Là một đồng minh truyền thống của Hoa Kỳ, Thủ tướng Shinzo Abe công du Trung Quốc vào lúc Mỹ và Trung Quốc đang lao vào một cuộc chiến thương mại và Washington "tấn công" Bắc Kinh trên nhiều mặt trận. Tương tự như Bắc Kinh, Tokyo cũng là nạn nhân của các biện pháp bảo hộ mà chính quyền Tổng thống Trump đang áp dụng. Một chuyên gia về Nhật Bản thuộc Đại học Bắc Kinh, được báo Japan Times trích dẫn, cho rằng "đôi bên cần có nhau" và sưởi ấm quan hệ song phương là điều cần thiết hơn bao giờ hết trong bối cảnh "chính sách của ông Donald Trump về châu Á gây nhiều lo ngại".

Nhưng chủ đề được bàn thảo nhiều trong cuộc họp thượng đỉnh này là vấn đề kinh tế, thương mại. Những chủ đề nhạy cảm khác như tranh chấp lãnh thổ, lịch sử, quân sự và chiến lược được gạt qua một bên. Chỉ cần nhìn vào phái đoàn 500 doanh nhân Nhật Bản tháp tùng ông Abe tới Bắc Kinh lần này đủ cho thấy mục đích của chuyến thăm Bắc Kinh của Thủ tướng Nhật.

Về kinh tế, Nhật Bản không thể lơ là với Trung Quốc, thị trường gần 1 tỷ rưỡi người tiêu dùng và cũng là đối tác thương mại và kinh tế hàng đầu của nhiều tập đoàn xứ hoa anh đào. Ngoài ra, Tokyo vẫn còn choáng váng vì bị Mỹ bỏ rơi khi quyết định rút khỏi Hiệp định Tự do mậu dịch Xuyên Thái Bình Dương (TPP). Sau cùng, từ mùa xuân năm nay, điểm tựa của Nhật là Mỹ, lại liên tục dùng lá bài kinh tế và thương mại để hù dọa Tokyo.

Nếu Trung Quốc đang không dính vào cuộc chiến thương mại với Mỹ thì có lẽ còn lâu mới có cuộc gặp Thủ tướng Nhật Bản ngày 25/10/2018. Bắc Kinh cần đến Nhật Bản, đối tác và cũng là đối thủ trong vùng Đông Bắc Á, trong lúc Washington liên tục tăng thuế nhập khẩu nhắm vào hàng Trung Quốc bán sang Hoa Kỳ. Để bảo đảm cho tăng trưởng quốc gia, để đối phó với những đòn tấn công liên tục từ phía một tổng thống chủ trương bảo vệ quyền lợi của nước Mỹ trên hết, ông Tập Cận Bình đang cần có thêm đồng minh trong vùng châu Á, mà Nhật Bản là một yếu tố không thể thiếu.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng đang muốn hối thúc Nhật tham gia, ít nhất cũng về mặt biểu tượng, vào một số dự án trong kế hoạch đầy tham vọng “Một vành đai, một con đường”. Theo chuyên gia về quan hệ quốc tế Akio Tahakara, Đại học Tokyo, Trung Quốc vốn có thói quen tìm đến Nhật Bản, khi quan hệ với Hoa Kỳ bị trục trặc. Nhà nghiên cứu Giulio Pugliese, King’s College, ở Luân Đôn, trong một hội thảo cách đây ít tuần, đã tóm lại quan hệ Nhật-Trung trong một câu: “Đó là sự hòa hoãn mang tính chiến thuật”.

Câu hỏi đặt ra là giai đoạn hòa dịu nhất thời này có thể kéo dài bao lâu, nếu căng thẳng bùng lên tại Biển Hoa Đông hay trong vấn đề Đài Loan? Điều cơ bản nhất là Nhật Bản đang hết sức lo ngại trước sức mạnh đang lên của Trung Quốc, muốn thay thế vị trí lãnh đạo của Mỹ tại khu vực. Chiến lược của Nhật là tìm cách đối trọng lại với Trung Quốc. Cụ thể là tham gia vào Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), một thỏa thuận tự do mậu dịch không có Trung Quốc. Hay liên minh với các quốc gia trong vùng cũng chia sẻ nỗi lo ngại này, như Ấn Độ, Úc và một số quốc gia Đông Nam Á. Tokyo cũng chủ trì dự án “khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và mở” để đối lại tham vọng Con đường tơ lụa mới của Bắc Kinh.

Ngoài ra, Thủ tướng Abe cũng phải thận trọng, tránh để thái độ thân thiện với Bắc Kinh khiến tổng thống Mỹ phẫn nộ, bởi đến nay, ông Donald Trump vẫn treo lơ lửng quyết định đánh thuế nhôm, thép và nhất là xe hơi Nhật bán sang thị trường Mỹ. Đó là chưa kể an ninh của Nhật được đặt trong tay Hoa Kỳ và Washington có thể dùng lá bài này để chi phối đối thoại Nhật - Trung.

Theo nhà nghiên cứu Giulio Pugliese, ngoài đợt hòa hoãn hiện nay vì lý do kinh tế, thương mại, không có bất kỳ cấu trúc mang tính xây dựng nào cho phép Tokyo và Bắc Kinh thiết lập được quan hệ mang tính tin cậy kể cả hiện tại lẫn trong tương lai gần.

nhat ban va trung quoc ke thu cua ke thu la ban tam thoiiPhone của ông Trump bị Nga, Trung Quốc nghe lén thế nào
nhat ban va trung quoc ke thu cua ke thu la ban tam thoiCựu tướng Mỹ cảnh báo về chiến tranh Trung - Mỹ
nhat ban va trung quoc ke thu cua ke thu la ban tam thoiAi đứng sau sức mạnh hải quân Trung Quốc?

H.Phan

AFP