Nhạc sĩ Hoàng Vân: “Tôi còn mắc nợ Điện Biên”

06:58 | 02/05/2014

1,582 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
“Điện Biên không chỉ lưu giữ thời gian tuổi trẻ đẹp nhất, mà nơi ấy còn là nơi an nghỉ của biết bao đồng đội tôi, hơn cả còn tình quân dân mà suốt cuộc đời này tôi cũng không thể trả...!”- nhạc sĩ Hoàng Vân tâm sự.

- Đã 60 năm trôi qua nhưng ca khúc “Hò kéo pháo” vẫn còn chỗ đứng trong lòng công chúng. Nó đặc biệt ở chỗ, ghi vào lịch sử như một huyền thoại khi là tác phẩm tái hiện kì tích kéo pháo bằng chính sức người của bộ đội ta. Vậy, hoàn cảnh ra đời của ca khúc này, chắc hẳn cũng rất đặc biệt, thưa nhạc sĩ?

- “Hò kéo pháo” ra đời không phải sự ngẫu nhiên mà nó là cả quá trình tích tụ cảm xúc. Bởi nhiều sự kiện xảy ra thời bấy giờ khiến tôi suy nghĩ rất nhiều, đặc biệt là khi được thông tin đồng chí Tô Vĩnh Diện đã hy sinh trên đường kéo pháo ra. Tôi nhớ lúc đó khoảng 3h sáng, cảm xúc thật khó diễn tả, có đau đớn, mất mát... Tôi đành lấy bút ra rồi ghi những dòng đầu tiên vào sổ tay.

Nhạc sĩ Hoàng Vân

Không chỉ riêng đồng chí Tô Vĩnh Diện mà trước đó tôi cũng được nghe kể nhiều về tấm gương các chiến sĩ khác, họ cũng hi sinh thân mình cứu pháo như đồng chí Nguyễn Văn Chức chẳng hạn. Thế là, hình ảnh anh dũng của họ cứ bám riết lấy tôi. Từ những hi sinh ấy, cộng với việc chứng kiến cảnh tất cả các chiến sĩ ta đồng sức, đồng lòng, tập trung cao độ để di chuyển một khẩu pháo... trên địa hình núi rừng hiểm trở, thật không dễ dàng chút nào. Tôi đã nghĩ nếu không chứng kiến tận mắt thì thật khó tin, ấy thế mà bộ đội ta đã làm được. Và rồi hình ảnh tất cả các chiến sĩ cùng đồng loạt hô vang câu hiệu “Hò dô ta, Hò dô ta….”, mỗi lần như vậy pháo lại nhích được lên một chút, thật sung sướng và tự hào lắm.

Hồi đó, tôi cũng còn trẻ thôi nhưng khi nghe câu hiệu lệnh được phát ra để huy động sức kéo, khỏi phải nói không kéo mà khí thế cũng hừng hực lên, rồi những giai điệu đầu tiên của bài ca xuất hiện, tôi đã viết một mạch xong bài hát. Viết  xong tôi lấy que ghim lên vách hầm như một bài báo tường, cũng chẳng thể ngờ vài ngày sau nó đã nhanh chóng được ưa thích và có sức sống đến tận bây giờ.

- Tận kiến những đoàn quân kéo pháo giữa một địa hình núi rừng hiểm trở như thế, điều gì làm nhạc sĩ nhớ nhất?

- Trước khi vào cánh đồng Mường Thanh thì dân công và chiến sĩ ta phải vận chuyển súng ống, đạn dược, lương thực thực phẩm qua con đèo Pha Đin. Đây là con đèo vô cùng hiểm trở, dài cả mấy chục cây số với dốc cao, vực sâu chưa kể ngày đêm vẫn bị máy bay Pháp rình mò, bắn phá, rất nhiều mất mát, hy sinh đã xảy ra ở đây. Nhiều xe ô tô, xe tải, xe vận chuyển gạo bốc cháy ngùn ngụt... Con đường đèo khá dài và nguy hiểm nhưng để đảm bảo yêu cầu bí mật thì các xe kéo pháo phải dừng tại đèo, thay vì vận chuyển bằng xe thì các chiến sĩ phải dùng sức người để kéo. Cứ thế qua các điểm có địa hình nguy hiểm như Nà Tấu, Mường Phăng… rồi về cứ điểm Him Lam, đồi A1… vô cùng vất vả.

Kéo vào đã thế, kéo ra còn vất vả hơn nhiều. Có những khẩu pháo nặng 2,4 tấn chỉ bằng sức người thì thử tưởng tượng nó kinh khủng đến mức nào. Nguy hiểm rình rập trước núi cao, vực sâu, khi máy bay địch gầm rít trên đầu... Thế mà cuối cùng 40 khẩu pháo 75mm và súng cối 120mm vẫn kịp tập trung đồng loạt bắn cấp tập vào cứ điểm Him Lam, mở màn trận Điện Biên Phủ.

Thử hỏi chứng kiến những cảnh tượng lịch sử như thế, không xúc cảm sao được. Nên tất cả những chi tiết đó, cứ đi vào tác phẩm của tôi tự nhiên như thế.

- Nếu được sửa chữa lại, thì nhạc sĩ có muốn sửa chữa một chi tiết nào đó trong ca khúc không?

- Nó là mạch nguồn cảm xúc thì cứ để nó tự nhiên. Tôi đã viết với những tiếng lòng trong rộn rã như thúc giục, như khẩn trương mà các đồng đội của tôi đang có vậy nên cứ để cảm xúc làm chủ.

- Vậy cảm xúc của nhạc sĩ thế nào khi ca khúc được đích thân Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp chọn để phổ biến toàn quân?

- Đó là một niềm vinh dự, vì khi viết ca khúc này đơn giản tôi nghĩ là viết cho tiếng lòng của mình tôi. Không ngờ sau đó đích thân Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã yêu cầu phổ biến bài hát trong các đơn vị. Đã rất nhiều lần ca khúc được cất lên mà cả người nghe và người hát đều xúc động đến rơi nước mắt. Bản thân tôi chứng kiến cảnh tượng đó càng xúc động. Chính ca khúc cũng đã đem đến cho tôi nhiều vinh dự.

Sau chiến thắng Điện Biên bài hát được trao giải nhất lại Đại hội Liên hoan toàn quân. Tôi cũng được hưởng Huân chương chiến công hạng 3 và huy hiệu chiến sĩ Điện Biên. Sau nữa, tôi được cử đi học ở Nhạc viện trung ương Trung Quốc. Vậy nên, không sai khi nói Hò kéo pháo chính là bước mở đường cho sự nghiệp sáng tác âm nhạc của tôi.

Cảnh kéo pháo trong Chiến dịch Điện Biên Phủ

- Không phải ngẫu nhiên mà hình ảnh Điện Biên cứ được trở đi trở lại trong các sáng tác của nhạc sĩ. Còn nhớ, năm 2010, Điện Biên cũng là cảm hứng để nhạc sĩ hoàn thành Đại hợp xướng “Bài ca Điện Biên” sau 10 năm ấp ủ?

- Đến tận bây giờ thì Điện Biên vẫn là nơi gợi cho tôi nhiều cảm hứng sáng tác nhất. Trong chiến tranh thì hẳn nhiên rồi, sau này hòa bình nhiều lần trở lại chiến trường xưa, tôi lại không cầm được cảm xúc, giai điệu của “Hò kéo pháo” cứ dâng lên trong lồng ngực thôi thúc tôi viết và viết. Có thể khẳng định, được sống trong những ngày tháng đó là may mắn cho cuộc đời tôi, và tôi luôn nghĩ sẽ phải trả nghĩa cho mảnh đất đó. Đại hợp xướng “Bài ca Điện Biên Phủ” gồm 4 chương dày dặn mà tôi đã tâm huyết viết trong hơn chục năm để cho ra đời cũng là vì muốn trả nghĩa đó. Bài ca Điện Biên giúp tôi kể về những ký ức đẹp đẽ về chiến thắng Điện Biên đã lùi xa nhưng hảo sảng thì mãi mãi.

Tâm huyết với nơi này là thế nhưng đến tận bây giờ, tôi vẫn cảm thấy mình “mắc nợ” mảnh đất ấy. Chính nơi tuyến lửa ấy là nơi tôi đã được cống hiến tuổi thanh niên cho đất nước, nơi tôi được chứng kiến sự phi thường mà những người con anh dũng của dân tộc đã ngã xuống. Những hy sinh của họ, thì chẳng giấy bút nào có thể lột tả được hết, cũng chẳng bao giờ nói hết được...

- Vậy mới nói, chiến tranh là khốc liệt, là hy sinh, là mất mát nhưng có mặt nơi tuyến lửa, được chứng kiến thời khắc lịch sử của dân tộc lại là một may mắn của người nghệ sĩ, thưa ông?

- Đối với tôi thì đúng là thế, bởi với một người nghệ sĩ thì chất liệu sáng tác là một điều quan trọng. Tất nhiên ở thời điểm đó, hoàn cảnh chiến tranh thì xung trận vừa là nghĩa vụ nhưng với thanh niên thời bấy giờ thì chẳng ai có thể ngồi yên và ai cũng có cách thể hiện tình yêu với tổ quốc của riêng mình. Đến bây giờ tôi nghĩ ai đã được sống trong những thời khắc ấy, tuy có khốc liệt, có mất mát… nhưng nó vẫn là quãng thời gian đẹp nhất của cuộc đời mỗi người. Còn với tôi, không phải ngẫu nhiên mà Điện Biên cứ trở đi, trở lại, bởi mảnh đất ấy đối với tôi không chỉ lưu giữ thời gian tuổi trẻ đẹp nhất, mà nơi ấy còn là nơi an nghỉ của biết bao đồng đội tôi, hơn cả còn tình quân dân mà suốt cuộc đời này tôi cũng không thể trả...!

Vâng, xin cảm ơn nhạc sĩ!

Huyền Anh(Thực hiện)

 

Hầm chôn chất thải hạt nhân đầu tiên trên thế giới

Hầm chôn chất thải hạt nhân đầu tiên trên thế giới

(PetroTimes) - Nằm sâu 450m dưới lòng đất đảo Olkiluoto (Phần Lan), Onkalo - hệ thống lưu trữ và xử lý chất thải hạt nhân đầu tiên trên thế giới sắp hoàn thành...