Nguồn xét tuyển dôi dư 350 nghìn thí sinh

19:00 | 08/08/2014

954 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Theo số liệu của Bộ Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT), thống kê từ các mức điểm xét tuyển đầu vào thì cả nước dôi dư 350 nghìn thí sinh trong diện xét tuyển và khoảng 300 nghìn thí sinh trượt đại học.

Nguồn tuyển vẫn dồi dào

Năm 2014 lượng hồ sơ giảm 20% so với năm trước, nhưng vẫn đạt 1,05 triệu thí sinh nằm trong diện xét tuyển. 

Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga, Hội đồng thống nhất cao ở ba tiêu chí: Phổ điểm của các khối thi đã công bố khá lý tưởng, dịch chuyển về phía bên tay phải, đó thuận lợi cho việc lấy đầu vào của các trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ). Phổ điểm khối A, A1, B có đỉnh cao hơn năm trước khoảng 3 điểm. Phổ điểm khối C, D tương đương.

Trong buổi họp của của Hội đồng xác định tiêu chí đầu vào ĐH, CĐ đã thảo luận và thống nhất đưa ra mức tối thiểu để học được ở ĐH phải đạt từ 15 điểm trở lên (mỗi môn 5 điểm), tuy nhiên sau khi phân tích kỹ phổ điểm, mức điểm để học ĐH sẽ có ba mức.

Thí sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ 2014

Mức thấp nhất của các khối B là 14 điểm, A, A1, C, D là 13 điểm. Mức hai ứng với trung vị của phổ điểm, khối B là 15 điểm, các khối còn lại là 14 điểm. Mức cao nhất cho các khối lấy tương ứng là : 18 điểm, còn lại các khối 17 điểm (với mức điểm này có khoảng 25-30% số thí sinh đạt được). Hệ CĐ năm nay mức điểm được giữ nguyên như những năm trước đó và chỉ có một mức điểm. Theo đó, khối B là 11 điểm, các khối còn lại (A, A1, C, D) là 10 điểm. 

Với mức tiêu chí tối thiểu để học được ở ĐH thống kê cho thấy có khoảng 60% thí sinh đạt được mức này, tương đương với 650 nghìn thí sinh, trong khi đó chỉ tiêu là 350 nghìn, như vậy có khoảng 300 nghìn thí sinh khác trượt đại học. Với nguồn dôi dư như khoảng 350 nghìn thí sinh thì nguồn xét tuyển sẽ thoải mái hơn. 

Đối với bậc CĐ, có nhiều ý kiến đề nghị giảm thêm so với mức 3 điểm. Nhưng từ thực tế điểm thi của thí sinh, mức điểm cao đẳng lấy từ mức thấp nhất của đại học trừ đi 3 vẫn có 80% thí sinh đạt (từ 10 điểm trở lên). Giảm nữa sẽ cạn nguồn tuyển của TCCN và trường nghề.

Phân khúc nguồn tuyển để xếp hạng trường

Với ba mức “điểm sàn” cho các khối để thấy được các trường tốp trên sẽ chọn mức tiêu chí cao nhất (mức điểm cao nhất), trường trung bình sẽ chọn mức ở giữa (mức hai), các trường mới thành lập và đang trên đà phát triển có thể chọn mức 3 để tuyển. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cũng lưu ý các trường cần hết sức cân nhắc khi chọn lựa mức đầu vào, bởi xã hội cũng dựa vào đây để đánh giá.

Ngoài ra, hiện Bộ GD-ĐT đang trong quá trình xây dựng quy định về xếp hạng các trường đại học để tiếp tới phân hạng các trường. Vì vậy, có nhiều ý kiến băn khoăn về việc 3 tiêu chí xác định đầu vào ảnh hưởng đến việc phân tầng ĐH.

Ông Mai Văn Trinh – Cục trưởng Cục khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT)

Ông Mai Văn Trinh – Cục trưởng Cục khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) lý giải, với các mức tiêu chí được công bố các trường sẽ cân nhắc đối với từng ngành của trường đó để đưa ra mức tiêu chí phù hợp. Điều đó cũng nói lên đẳng cấp của các trường, của ngành đào tạo, tạo động lực bên trong để các trường cố gắng và thí sinh cũng sẽ lựa chọn cho mình những ngành, trường phù hợp hơn.

Ông cũng thông tin thêm: “Mọi thay đổi trong tuyển sinh ĐH, CĐ (tuyển sinh theo khối) năm tới sẽ cần phải chờ những điều thay đổi trong kỳ thi quốc gia trung học phổ thông, khối thi sẽ không còn và các trường có toàn quyền quyết định cách thức tuyển sinh. Việc căn cứ vào ngưỡng xét tuyển chỉ là một trong những tham số để xếp hạng trường. Nên cho dù là hình thức thi nào thì cũng có những tiêu chí hết sức cụ thể để xác định chất lượng thí sinh của trường đó và thực hiện phân tầng. Tùy vào hình thức thi như thế nào sẽ có tiêu chí như thế đó. Việc này sẽ tường minh và rõ ràng”.

Khánh An

Những địa điểm check-in thú vị ở Bình Định

Những địa điểm check-in thú vị ở Bình Định

(PetroTimes) - Không chỉ được ưu ái với thiên nhiên hùng vĩ, nên thơ, Bình Định còn ghi dấu với loạt câu chuyện lịch sử, văn thơ và nền văn hóa độc đáo...