Người "giữ hồn" đèn kéo quân đất Hà Thành
Về thăm ngôi nhà nhỏ của cụ Quyền, thôn Đàn Viên (Cao Viên, Thanh Oai, Hà Nội) trong những ngày cận kề Tết Trung thu, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước những chiếc đèn kéo quân lớn nhỏ rực rỡ sắc màu được bày ra sân nhà, phòng khách... Trẻ nhỏ thì háo hức mang cả tre nứa, giấy dán tới xin cụ Quyền dạy làm đèn kéo quân, đèn ông sao.
![]() |
Nghệ nhân Nguyễn Văn Quyền đang khéo léo tạo hình cho những chiếc đèn kéo quân. |
Mặc dù năm nay đã 77 tuổi, nghệ nhân Nguyễn Văn Quyền đang cặm cụi chẻ từng thanh tre, cắt từng cánh chong chóng giấy để lắp đèn kéo quân - món đồ chơi cụ đam mê và học cách làm từ thuở bé.
Đèn kéo quân (còn gọi là đèn cù) là một loại đồ chơi bằng giấy phổ biến trong nhiều dịp lễ tết, nay chỉ còn xuất hiện trong dịp Tết Trung thu. Hình ảnh trên cây đèn thường nói về việc nghĩa, về những đoàn quân lính xung trận (nguồn gốc của tên gọi “kéo quân”), về sau người ta mở rộng nhiều đề tài khác như thêm ông quan trạng vinh quy bái tổ, cảnh tứ linh nhảy múa, nông dân làm ruộng, mục đồng chăn trâu…
Nói về nguồn gốc của đèn kéo quân, cụ Quyền cho hay: “Đèn kéo quân gắn liền với chữ hiếu, xưa có gia đình nghèo, bố mất sớm, mẹ già ốm yếu nên người con phải đi làm cả ngày để lấy tiền thuốc thang cho mẹ. Nhìn mẹ ở nhà cô đơn một mình, người con nghĩ ra việc làm chiếc đèn kéo quân tặng mẹ, quả thật từ ấy người mẹ phấn khởi, vui vẻ hơn. Tiếng lành đồn xa, vào đúng dịp Rằm Trung thu nhà vua đi qua, nghe câu chuyện này ban thưởng và tuyên dương hành động của người con, cũng kể từ đó người dân bắt đầu làm đèn kéo quân mỗi dịp Trung thu về”.
![]() |
Một chiếc đèn kéo quân |
Với cái nghề phết hồ, quấn giấy, buộc nan theo cụ Quyền gần hết cuộc đời. Giống như một thú vui, một đam mê, chơi đèn kéo quân là cả một nghệ thuật, bởi nếu không sử dụng đúng cách, đặt đèn nghiêng, trục không thẳng đứng thì tán đèn không thể quay được. Cụ Quyền tâm sự, làm một chiếc đèn kéo quân mất ít nhất 4 - 5 tiếng đồng hồ tùy vào kích cỡ, cộng với nhiều nguyên vật liệu như tre, giấy, khi bán ra chỉ được 100.000-120.000 đồng/chiếc.
Thế nhưng, cụ vẫn làm nghề, chủ yếu để con cháu biết đến món đồ chơi thú vị của cha ông và thỏa mãn niềm vui được ngắm những hình ảnh như đi cấy, đi cày, chị Hằng, chú Cuội, chọi trâu, kéo co, đấu vật… đầy chất dân gian được trang trí chạy vòng vòng quanh ánh sáng của ngọn nến vào mỗi dịp Trung thu.
![]() |
Cũng chính vì lòng đam mê và nhiệt huyết với nghề làm đèn kéo quân mà nhiều năm nay, ngôi nhà của cụ Quyền đã trở thành “địa chỉ đỏ” cho nhiều đoàn học sinh, sinh viên đến tham quan, tìm hiểu về nghề làm đèn kéo quân. Khi chúng tôi có mặt tại nhà cụ Quyền, cũng là lúc gia đình cụ đón hơn 50 em nhỏ của một trường mần non trong nội thành đến học làm đèn.
Đặc biệt, trung thu năm nào cụ Quyền cũng được Bảo tàng Dân tộc học, Trung tâm văn hóa bảo tồn phố cổ ở phố Mã Mây và Hàng Đào mời đến để giới thiệu, truyền đạt ý nghĩa và cách làm đèn kéo quân cho học sinh, sinh viên cùng với các nghệ nhân khác.
Cụ Quyền tâm sự: “Nhìn thấy các cháu nhỏ háo hức, mải miết cắt dán rồi trầm trồ thích thú với những món đồ tự tay mình làm ra, tôi vui lắm, chỉ mong dạy được nhiều cháu biết làm đèn để giữ gìn thứ đồ chơi dân gian truyền thống này”.
Dịp Tết Trung thu này, cụ Quyền xúc động khi ngoài người tìm đến đặt mua đèn, còn có người đến xin học nghề để bảo tồn và phát triển giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. “Học làm đèn không khó, cũng không có bí quyết gì đặc biệt cần phải giấu, phải giữ. Tôi chỉ mong ngày càng có nhiều người chơi đèn kéo quân. Có ai muốn học nghề, tôi sẵn sàng truyền dạy, chỉ mong cái nghề làm đèn này đừng theo tôi về với các cụ”- cụ Quyền chia sẻ.
Nguyễn Hoan
-
Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một
-
Quy hoạch điện VIII điều chỉnh: Phát triển tối đa các nguồn điện từ năng lượng tái tạo
-
Tổng duyệt diễu binh, diễu hành kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước
-
Người lao động là "chiến sĩ tiên phong" trong kỷ nguyên số và trí tuệ nhân tạo
-
Bình Thuận, Lâm Đồng, Đắk Nông phối hợp xây dựng chính quyền địa phương 2 cấp