Đèn kéo quân và bài học đạo hiếu

06:30 | 04/09/2024

489 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Ít ai biết, chiếc đèn kéo quân - món đồ chơi của trẻ em mỗi dịp Trung thu về lại gắn với một câu chuyện đạo hiếu ở vùng đất Tả Thanh Oai (huyện Thanh Oai - Hà Nội).
Đèn kéo quân và bài học đạo hiếu

Những chiếc đèn kéo quân thắp sáng góc sân nhà ông Quyền mỗi tối

Trước vô vàn đồ chơi hiện đại, những cây đèn trung thu cổ truyền tưởng như đã vắng bóng. Vậy nhưng, ở thôn Đàn Viên, xã Cao Viên (huyện Thanh Oai - Hà Nội) vẫn có một ngôi nhà thu hút trẻ nhỏ với sự hiện diện của những đèn kéo quân. Đó là ngôi nhà của nghệ nhân Nguyễn Văn Quyền (87 tuổi) - một trong những người hiếm hoi còn nhớ các bí quyết để làm nên một chiếc đèn kéo quân truyền thống.

Đèn kéo quân và bài học đạo hiếu

Người vùng Tả Thanh Oai có ý niệm rằng, 6 cạnh của đèn kéo quân tượng trưng cho 6 người trong cuộc đời con cái phải thờ phụng, hiếu nghĩa

Theo lời ông Quyền, nguồn gốc đèn kéo quân bắt nguồn từ truyền thuyết về chàng trai nghèo khó tên là Lục Thức mồ côi cha, ở với mẹ, rất hiếu thảo. Dân gian kể, Lục Thức vừa đi học, vừa đi làm xa, mẹ già ở nhà cô quạnh. Thương mẹ, ông làm ra đèn kéo quân để mỗi khi thắp sáng, đèn lại hiện bóng hình quân lính chạy đi chạy lại. Bà nhìn vào đó để vơi nỗi nhớ con. Trẻ con trong xóm thấy thế kéo nhau đến xem đèn, chơi với bà cụ, từ đó trong nhà đầy ắp tiếng cười của trẻ thơ.

Đèn kéo quân và bài học đạo hiếu

Công đoạn dán giấy cho đèn kéo quân

Một hôm nhà vua vi hành qua thấy nhà tranh vách đất dột nát mà rộn rã tiếng cười, liền hỏi thăm người dân. Họ cho biết đó là nhà của Lục Thức, một chàng trai hiếu thảo đã làm ra chiếc đèn để mẹ già được khuây khỏa lúc xa nhà. Nhà vua vào xem thấy đèn làm tinh xảo, nét mặt bà mẹ vui tươi, mãn nguyện bên đám trẻ. Vua cho rằng Lục Thức là người hiếm có, đức độ liền ban khen tấm lòng hiếu thảo. Vua lệnh truyền bá rộng rãi trong nhân dân từ nay trở đi, cứ đến Tết Trung thu, Nguyên đán, Nguyên tiêu, mọi nhà làm đèn kéo quân, trước là trưng bày trang trí, sau là để giáo dục tấm lòng hiếu thảo cho con cháu noi theo tấm gương của Lục Thức. Từ đó, mỗi khi đến Tết Trung thu, nhớ lại sự tích người con hiếu thảo Lục Thức, người dân lại làm ra những chiếc đèn màu rực rỡ với nhiều hình vẽ phong phú.

Đèn kéo quân và bài học đạo hiếu

Trang trí đường viền quanh 6 cạnh của đèn kéo quân

Ông Quyền cho biết, chiếc đèn kéo quân ở làng Đàn Viên có lục giác (6 cạnh) vì dân gian lấy họ Lục của nhân vật Lục Thức để tưởng nhớ về ông. Ngoài ra, người dân ở vùng Tả Thanh Oai còn có ý niệm rằng, 6 cạnh tượng trưng cho đạo hiếu con cái phải thờ, phải kính trọng, hiếu nghĩa 6 người trong cuộc đời là bố mẹ đẻ, bố mẹ vợ (hoặc chồng) và bố mẹ nuôi.

Đèn kéo quân và bài học đạo hiếu

Nghệ nhân Nguyễn Văn Quyền đang khéo léo tạo hình cho những chiếc đèn kéo quân

Đèn kéo quân được làm khá công phu và tỉ mỉ, phải mất 8 tiếng mới có thể hoàn thành. Vật liệu làm đèn cũng phải lựa chọn kỹ lưỡng, phải dùng tre “bánh tẻ”, rồi phơi khô, ngâm nước. Giấy làm đèn là loại giấy dó, giấy nến để hình ảnh được rõ. Bên trong đèn, chính giữa là trục thẳng đứng làm bằng một thanh tre, vót tròn, chốt bằng hai kim nhọn hai đầu. Xung quanh trục đèn là những vòng trụ giấy dán hình người, con vật, cảnh vật... được sắp xếp, gá buộc thành nhiều tầng gọi là các tầng đèn. Ðể chiếc đèn có nhiều hình phong phú, người ta lồng và cắt dán đến 4, 5 tầng.

Dân gian kể, Lục Thức vừa đi học, vừa đi làm xa, mẹ già ở nhà cô quạnh. Thương mẹ, ông làm ra đèn kéo quân để mỗi khi thắp sáng, đèn lại hiện bóng hình quân lính chạy đi chạy lại. Bà nhìn vào đó để vơi nỗi nhớ con.

Ông Quyền bảo, các công đoạn có cái khó mà cũng có cái dễ. Biết làm thì dễ mà không biết làm thì khó. Đầu tiên phải dựng khung, sau đó mới dán giấy bên trong để hiện hình bóng lên, rồi trang trí bên ngoài. Trang trí thì ai cũng làm được, chủ yếu phải làm khung cho vững chắc và chuẩn. Những đèn làm lệch tâm, chỉnh có khi mất cả buổi mới chạy. Khi làm tán, cánh tán phải khoanh đều thì thắp nến sẽ quay đều. Nếu làm khung không ngay ngắn, không xác định được phương thẳng đứng thì chong chóng méo mó, cánh không khoanh đều sẽ không quay được.

Đèn kéo quân và bài học đạo hiếu

Ông Quyền thường dạy đám trẻ trong xóm cắt dán hình tượng tranh Đông Hồ và những sinh hoạt thường ngày vùng quê Đồng bằng Bắc Bộ để làm quân chạy

Ông Quyền chia sẻ, ngoài bài học về đạo làm con đối với bậc sinh thành, chiếc đèn kéo quân còn gợi niềm tự hào về quê hương, đất nước qua những câu chuyện được kể từ các hình cắt hay còn gọi là “quân” phản chiếu trên tấm giấy mờ của đèn như: Phù Đổng Thiên Vương; Con Rồng cháu Tiên; Sơn Tinh, Thủy Tinh, Chử Đồng Tử... cho đến hình ảnh con lợn âm dương, chú bé thổi sáo trên lưng trâu... vốn quen thuộc, gắn liền với văn hóa nông nghiệp lúa nước.

Đèn kéo quân và bài học đạo hiếu

Để thuận tiện cho việc sử dụng, ông Quyền còn chế tạo con quay và ánh sáng bằng pin để trẻ em an toàn hơn khi chơi, tránh bị cháy nổ

Tối đến, sân nhà ông Quyền vui như ngày hội đêm rằm bởi lũ trẻ trong làng Đàn Viên lại kéo đến chơi đèn. Những chiếc đèn kéo quân không chỉ mang đến một thứ ánh sáng chuyển động bắt mắt mà khi chơi, con trẻ còn được học một bài học sâu sắc về lòng hiếu thảo.

Ông Quyền phấn khởi khi gần đây, Nhà nước đã rất quan tâm đến việc bảo tồn, phát triển trò chơi dân gian. Cùng với đó là niềm đam mê đồ chơi truyền thống trong cộng đồng cũng được đánh thức một phần. Nhờ vậy, số lượng người tìm đến đặt mua đèn kéo quân của ông ngày càng đông hơn.

Đèn kéo quân và bài học đạo hiếu

Những chiếc đèn kéo quân chuyển động bắt mắt rất thu hút lũ trẻ thôn Đàn Viên

Ghi nhận công lao của ông trong việc gìn giữ đồ chơi truyền thống, năm 2019, ông Nguyễn Văn Quyền vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú ở loại hình Tri thức dân gian. Đó là động lực để ông tiếp tục gìn giữ và nuôi dưỡng niềm đam mê dù cuộc sống có lúc thăng trầm.

Cầm chiếc đèn đang làm dở trên tay, ông Quyền bảo: “Không có gì tự dưng xuất hiện trên nhân gian này cả, ví dụ như chiếc đèn kéo quân này, dựa vào đó người ta dạy con trẻ biết về đạo nghĩa làm người, biết trọng chữ hiếu, thờ mẹ kính cha”. Với ông Quyền, bảo tồn một món đồ chơi dân gian như thế là việc làm cần thiết, không chỉ là nét văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc mà còn làm cho những Tết Trung thu vẹn nguyên phong vị cho những người hay hoài niệm và đủ đầy niềm vui cho tuổi thơ.

Đèn kéo quân và bài học đạo hiếu

Trẻ em thôn Đàn Viên trông trăng phá cỗ dưới những chiếc đèn Trung thu truyền thống

Từ câu chuyện đạo hiếu của Lục Thức, trẻ em vùng ven kinh kỳ Thăng Long xưa mới có bài đồng dao rằng: “Khen ai khéo xếp í a cây đèn kéo quân/ Voi giấy ngựa giấy chạy vòng quanh/ Nào xe, nào pháo, nào quân tướng/ Í a tít mù lòng vòng quanh”.

Trịnh Thông Thiện