Người dân thờ ơ với quy định đi xe đạp điện phải đội mũ bảo hiểm

07:00 | 08/03/2013

3,688 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) – Từ năm 2010 khi Nghị định số 34/2010/NĐ-CP ra đời đã quy định phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe đạp điện) không đội mũ bảo hiểm hoặc đội mũ bảo hiểm không cài quai đúng quy cách khi tham gia giao thông trên đường bộ. Thế nhưng sau ba năm có hiệu lực, người dân vẫn không biết...

>> Bắt đầu phạt người đi xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm

“Áo trắng" thích xe  không đội mũ bảo hiểm

Vài năm trở lại đây, xe đạp điện, xe máy điện đã và đang trở thành loại phương tiện yêu thích trong bộ phận giới trẻ, đặc biệt là học sinh và nó cũng là phương tiện nhắm đến của người cao tuổi để thay thế cho xe đạp truyền thống và xe máy. Thậm chí loại hình phương tiện này đang lan dần sang giới văn phòng và dường như chỉ chờ đợi sản phẩm có khả năng đáp ứng tốt hơn nhu cầu để bùng nổ.

PV Petrotimes ghi nhận vào trưa ngày 7/3, tại một số tuyến đường trên địa bàn Hà Nội, như: phố Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo, Phố Huế - Hàng Bài, Lý Thường Kiệt… (đây là những tuyến đường có nhiều trường trung học). Xuất hiện hình ảnh những học sinh trong trang phục áo trắng điều khiển những chiếc xe đạp điện đến trường. Người điều khiển loại phương tiện này không đội mũ bảo hiểm, thậm chí, nhiều xe còn chở ba người lượn lách, đánh võng trên đường.

Không khó để bắt gặp hình ảnh học sinh đi xe đạp điện kẹp ba, không đội mũ bảo hiểm.

Tại cổng trường Trung học phổ thông Trần Phú (ở đường Hai Bà Trưng, Hà Nội), từng tốp học sinh mặc áo trắng in rõ phù hiệu của một trường cấp ba, đi xe đạp điện, đầu không đội mũ bảo hiểm, phi xe vù vù đến trường. Cắt mặt dòng phương tiện đang lưu thông trên đường Hai Bà Trưng để lao sang quán nước đối diện cổng trường, học sinh Hùng cùng nhóm bạn hí hửng khoe chiến tích thắng cuộc đua xe đạp điện diễn ra trước đó.

Theo Hùng, trước kia gia đình vẫn thường xuyên giao xe máy cho em điều khiển để đỡ vất vả trong việc đi lại. Tuy nhiên, mỗi lần trên đường, học sinh này đều nơm nớp lo sợ bị cảnh sát giao thông xử phạt các lỗi vi phạm về bằng lái. Vì thế, Hùng đã được bố mẹ “sắm” cho mình chiếc xe đạp điện mà tốc độ không thua kém xe máy lại không sợ công an “hỏi thăm”.

Nhiều học sinh không hay biết về quy định xử phạt này

 

Tương tự như trường Trần Phú, tại cổng trường THPT Kim Liên (Đống Đa, Hà Nội), hình ảnh học sinh diện xe đạp điện đến trường cũng không có gì lạ lẫm. “Vì không có bằng lái xe nên em và các bạn đều được gia đình mua xe đạp điện để tới trường” – Một bạn học sinh tên Thuý chia sẻ.

Làm gì có chuyện đó

Và hiện nay, trên các tuyến phố của Hà Nội, đâu đâu chúng ta cũng có thể bắt gặp những chiếc xe đạp điện tham gia giao thông. Đa số những loại xe này đều gán nhãn mác thương hiệu của những nhà sản xuất xe máy nổi tiếng. Nằm bắt nhu cầu này, các cửa hàng kinh doanh xe đạp điện cũng mọc lên như “nấm sau mưa”.

Qua khảo sát của phóng viên Petrotimes tại một số cửa hàng kinh doanh xe đạp điện  trên phố Nguyễn Lương Bằng, Kim Mã, Bà Triệu cho thấy, những chiếc xe này chủ yếu có nguồn gốc từ Đại Loan. Các sản phẩm này có kiểu dáng tương đồng nhau, nhưng mức giá lại rất khác nhau, mức giá chủ yếu dựa vào loại trữ năng lượng điện chạy xe là pin hoặc ắc quy.

Trong đó, loại xe chạy pin có giá cao khoảng 11 đến 15 triệu đồng, tùy thuộc vào dung lượng pin đi được quãng đường bao nhiêu km. Còn những chiếc xe chạy ắc quy giá khoảng 7-10 triệu đồng. Loại xe chạy pin khỏe nhất trên thị trường có thể đi đường quãng đường 20-30 km có giá trên 11 triệu đồng, trong đó rất ít loại trội hơn có thể đi được 35-40 km thì có giá lên tới 14,5-15 triệu đồng, cùng chế độ bảo hành 6 tháng, hoặc 12 tháng. Dù là xe chạy bằng pin hay ắc quy thì vận tốc của những chiếc xe này cũng có thể chạy được 30 - 40 km/h.

 

Xe đạp điện, phương tiện ưa chuộng của học sinh

Chính vì những tính năng vượt trội như không cần đổ xăng, tốc độ gần bằng xe máy, không cần bằng lái, tốc độ chạy gần bằng xe máy, kẹp ba vô tư, lạng lách trên đường mà không bị lực lượng cảnh sát giao thông “hỏi thăm”… Xe đạp điện đang được giới trẻ Hà Thanh yêu quý, đặc biệt là tầng lớp học sinh.

Nhưng họ đâu biết rằng, ngay từ năm 2010 khi Nghị định số 34/2010/NĐ-CP ra đời đã quy định rằng: Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe đạp điện) không đội mũ bảo hiểm hoặc đội mũ bảo hiểm không cài quai đúng quy cách khi tham gia giao thông trên đường bộ.

Mặc dù quy định có từ ba năm trước, nhưng không hiểu lí do vì sao khi hỏi những người đi xe đạp điện đều “ú ớ” không hề hay biết về quy định phải đội mũ bảo hiểm hay mức xử phạt khi vi phạm luật giao thông đường bộ.

Bạn Trần Trọng Bắc (một học sinh trường THPT Trần Phú) cho hay: “Em rất thích đi xe đạp điện đến trường vì không lo các chú công an bắt”. Nhưng khi chúng tôi nói về quy định bắt buộc phải đội mũ bảo hiểm thì em Bắc liền bày tỏ thái độ và khẳng định rằng: “Làm gì có chuyện đó. Chỉ xe máy mới bị các chú công an bắt thôi chứ”.

Giống như học sinh Bắc, một học sinh nữ khác cho biết, quy định về việc đi xe máy phải đội mũ bảo hiểm thì em có biết, còn đi xe đạp điện phải đội mũ bảo hiểm thì em chưa nghe bao giờ.

 

Xe đạp điện bị kiểm tra, xử phạt vì không đội mũ bảo hiểm

Trước thực trạng này, lãnh đạo Phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội cho hay, Phòng CSGT Hà Nội sẽ ra quân xử lý các trường hợp tham gia giao thông bằng xe đạp điện vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Trong đó chú trọng đến lỗi điều khiển xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm.

Cụ thể, lực lượng Cảnh sát giao thông sẽ tập trung xử lý các hành vi vi phạm trên địa bàn đối với những trường hợp: Điều khiển xe đạp, xe máy đi hàng ba trở lên; Người điều khiển, người ngồi trên xe đạp điện, chở người ngồi trên xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm hoặc đội mũ bảo hiểm không cài quai đúng quy cách khi tham gia giao thông.

Thời gian thực hiện từ 10h -14h các ngày từ 7 – 9/3, lực lượng chức năng sẽ tập trung tuyên truyền trên các tuyến tuần tra kiểm soát, chủ yếu nhắc nhở và cảnh cáo. Từ 10h đến 14h các ngày 10 – 16/3, Cảnh sát giao thông tập trung xử lý bằng phương pháp kiên quyết lập biên bản phạt hành chính các hành vi vi phạm của người điều khiển, người ngồi trên xe đạp máy, xe đạp điện.

Thiên Minh