PGS.TSKH Lê Văn Hoàng:

Nghiên cứu khoa học chưa tương xứng với đầu tư!

06:38 | 24/03/2014

1,740 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Một nông dân ở An Giang tạo ra giống lúa có thể giúp bà con không tốn một giọt thuốc trừ sâu nào. Một nông dân khác ở Hưng Yên tự chế ra loại thuốc trừ sâu thân thiện với môi trường và con người, có thể “uống thử như nhấp rượu”! Một bạn trẻ ở Bến Tre chế ra máy phong điện thắp sáng vùng quê biển Bình Đại; rồi đến máy gặt đập của một anh “hai lúa” ở Cần Thơ… đó là những sáng chế tiêu biểu của những nhà “khoa học chân đất” được dư luận và giới khoa học đặc biệt quan tâm thời gian vừa qua. Những nông dân trên không phải là nhà khoa học, họ cũng không có học hàm, học vị nhưng rõ ràng những sáng chế của họ giúp ích cho cuộc sống rất nhiều. Phó giáo sư, TSKH Lê Văn Hoàng trò chuyện với phóng viên Năng lượng Mới xung quanh đề tài này.

>> Tàu ngầm "quê lúa" chưa ra biển đã bị dọa bắt

Năng lượng Mới số 306

Không ít “viện sĩ” ăn lương mà không làm gì!

PV: Thưa PGS, những sáng chế kể trên có khả năng ứng dụng cao, đáp ứng được nhu cầu thiết thực nhất trong cuộc sống, công việc sản xuất hằng ngày. Điều đó nói lên một thông điệp rằng, làm nghiên cứu khoa học (NCKH) ứng dụng thì phải gắn với nhu cầu thực tiễn cuộc sống chứ không phải là những nghiên cứu “trên mây”! PGS nghĩ sao về điều này?

PGS.TSKH Lê Văn Hoàng: Quá đúng! Nghiên cứu triển khai ứng dụng phải gắn liền với nhu cầu thực tiễn của cuộc sống. Và thường các ý tưởng cho những phát minh sáng chế cũng xuất phát từ sự gắn bó của nhà khoa học với sản xuất.

Tuy nhiên cũng cần nói rõ ở đây về NCKH một chút. NCKH, đặc biệt là nghiên cứu cơ bản thường không thấy lợi ích trước mắt ngay. Nó gắn liền với cuộc sống trong một nghĩa rộng chứ nếu quan niệm NCKH sao cho ra ngô ra khoai ngay thì không hoàn toàn đúng.

Một thời gian dài có không ít nhà quản lý đòi hỏi NCKH phải có sản phẩm cuối cùng ứng dụng vào thực tiễn. Đây là một quan niệm hoàn toàn sai dẫn đến những đề tài được duyệt có những cái tên nghe rất gần với thực tế, nhưng sản phẩm cuối cùng không có giá trị, không có ý đóng góp nào vào mở rộng tri thức nhân loại và không thể triển khai, hay triển khai thất bại vào ứng dụng thực tế. Nhìn ra thế giới, chúng ta thấy một loạt các phát minh vĩ đại có tầm quan trọng cho cuộc sống được bắt đầu bằng nghiên cứu cơ bản. Đơn cử như mạng Internet là do các nhà vật lý năng lượng cao phát minh ra. Hay đơn giản nếu không có các nghiên cứu của các nhà khoa học cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX về thuyết tương đối ta đã không có các ngành công nghệ năng lượng hạt nhân phát triển như bây giờ…

PGS.TSKH Lê Văn Hoàng

Trở lại chuyện NCKH nhằm ứng dụng thực tế cuộc sống. Ngân sách NCKH ở bất cứ quốc gia nào cũng đều chia ra cho nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng, và phát triển công nghệ. Tuy nhiên, ở các nước đang phát triển như Việt Nam thì nên ưu tiên những nghiên cứu triển khai công nghệ, nghiên cứu phục vụ cho phát triển sản xuất, ứng dụng vào thực tế cuộc sống. Đồng thời không bỏ qua những nghiên cứu cơ bản, hàn lâm, mang tính lâu dài. Chúng ta phải biết hài hòa giữa hai lĩnh vực này.

Các nhà quản lý vĩ mô của Việt Nam thực ra cũng đã cân đối điều đó và trong “miếng bánh” dành cho NCKH thì phần để nghiên cứu thực tế ứng dụng là rất lớn so với NCKH cơ bản. Nhưng nguyên nhân từ đâu mà những đầu tư đó không dẫn đến kết quả mong muốn, vì sao ta không thấy bóng dáng rõ rệt của các ứng dụng NCKH vào cuộc sống. Đó là một vấn đề đáng bàn!

PV: Mỗi năm ngân sách Nhà nước chi ra 2% GDP cho khoa học công nghệ và phần lớn trong số đó là dành cho NCKH ứng dụng. Song, rất ít các nghiên cứu có giá trị thực tế ra đời từ các tháp ngà của các viện nghiên cứu. Nguyên nhân là vì sao, thưa PGS?

PGS.TSKH Lê Văn Hoàng: So với nhiều nước thì 2% GDP cho phát triển khoa học và công nghệ từ ngân sách Nhà nước là không nhiều. Đó là chưa kể ở các nước phát triển còn có nguồn kinh phí từ các công ty tư nhân. Tuy nhiên với Việt Nam khi còn rất nhiều vấn đề trước mắt cho giáo dục, y tế, xóa đói giảm nghèo, phát triển cơ sở hạ tầng, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ… thì kinh phí dành cho NCKH và phát triển công nghệ ở mức 1.500 tỉ mỗi năm có thể nói là không nhỏ. Tuy nhiên hiệu quả thu lại rất thấp là do một loạt các nguyên nhân.

Nguyên nhân đầu tiên là do nguồn tiền đầu tư quá dàn trải. Kinh phí NCKH được rải về các bộ, trường, viện, các sở KHCN và thậm chí cho các tổ chức xã hội trong khi không có cơ chế quản lý hay đơn giản là cơ chế để có thông tin về năng lực NCKH của các cơ sở được phân bố kinh phí. Đặc biệt là rất nhiều viện nghiên cứu có một lượng không nhỏ các “viện sĩ” ăn lương và hoàn toàn không hoạt động nghề nghiệp. Chi phí lương cho các viện cũng ngốn phần lớn kinh phí dành cho phát triển khoa học và công nghệ.

Tàu ngầm Trường Sa của kỹ sư Nguyễn Đức Hòa (Thái Bình)

Một phần lớn kinh phí đầu tư cho mua sắm thiết bị nhưng lại thiếu đầu tư tương ứng cho con người vận hành thiết bị và triển khai nghiên cứu trên các máy móc thiết bị hiện đại đó. Thêm nữa là cơ chế phân bố kinh phí NCKH cho các đề tài rất bất hợp lý nếu không nói là cực kỳ phi lý. Trong đó gồm có: quy trình xét duyệt đề tài, cách thành lập hội đồng khoa học, quy trình nghiệm thu sản phẩm khoa học, định nghĩa về sản phẩm khoa học. Sự lạc hậu trong các quy trình đó dẫn đến chuyện người làm thật, có hiệu quả lại không hoặc khó đến được với nguồn kinh phí, trong khi không ít những người dễ dàng có kinh phí nhưng lại là chuyên gia vẽ dự án, vẽ kết quả.

Nguyên nhân thứ hai là thiếu sự bảo hộ bản quyền trí tuệ. Khi bảo hộ sản phẩm trí tuệ kém sẽ không tạo nên động lực cho người sáng tạo. Phát triển kinh tế tri thức bắt buộc phải kèm theo sự bảo hộ sở hữu trí tuệ. Đơn cử như chuyện sáng tạo ra máy gặt đập hay thuốc trừ sâu mới chỉ là giai đoạn đầu tiên của sản phẩm mà thôi. Phải tiếp tục nghiên cứu lợi ích thế nào, kiểm nghiệm nó rồi đưa vào ứng dụng đại trà. Những người nông dân chỉ làm ở giai đoạn đầu tiên, mà chưa kịp làm đến những công đoạn sau thì đã bị bắt chước, thậm chí họ cũng chưa nghĩ đến việc phải đăng ký bản quyền. Hệ thống luật pháp của ta chưa bảo hộ quyền sáng tạo đó một cách hiệu quả.

PV: Trách nhiệm của Nhà nước trong vấn đề hỗ trợ “nhà khoa học chân đất” nghiên cứu, hoàn thiện sản phẩm, đầu ra sản phẩm là khỏi phải bàn. Nhưng thực tế cho thấy, điều đó gần như còn đang rất khiêm tốn. Theo PGS, giải pháp cho vấn đề này thế nào?

PGS.TSKH Lê Văn Hoàng: Không phải chỉ riêng người nông dân mà bất cứ kỹ sư nào cũng vậy. Khi sáng tạo ra sản phẩm thì từ ý tưởng đi đến triển khai thực tế là một chặng đường dài. Phát minh ra một sản phẩm có ý tưởng đặc sắc đã rất khó, đưa sản phẩm đó trở thành một thương phẩm còn khó vạn lần. Điều đó đòi hỏi rất nhiều kỹ năng, kiến thức mà không phải người nông dân nào cũng có. Đó là chưa kể kinh phí để triển khai nghiên cứu, hoàn thiện sản phẩm, quảng bá sản phẩm. Do đó cần phải có một chiến lược hỗ trợ ở tầm vĩ mô.

Ví dụ như bạn đưa ra chuyện người nông dân chế tạo thuốc trừ sâu không độc có thể uống được. Nhưng đó là anh ta làm nhỏ cho vườn nhà mình. Nếu làm đại trà, công nghiệp thì thế nào? Giá thành ra sao? Kế hoạch sản xuất hay tìm nguồn nguyên liệu thế nào? Đó là chưa kể có thể giá thành sản phẩm thuốc trừ sâu này sẽ đắt hơn thuốc trừ sâu truyền thống. Lúc đó xét về lợi ích quốc gia lâu dài trong bảo vệ môi trường, an toàn sức khỏe con người thì Nhà nước có trợ giá ra sao để kích thích phát triển?...

Cho nên giải pháp cho vấn đề theo tôi bao gồm các biện pháp sau. Một là, khuyến khích sự gắn kết giữa các viện nghiên cứu với nông dân để các ý tưởng của người nông dân có thể trở thành các dự án nghiêm túc được tài trợ kinh phí.

Hai là, không nhất thiết đòi hỏi sản phẩm nghiệm thu của các dự án đó là sản phẩm đã ra thực tế, mà nên là các sản phẩm trí tuệ đăng ký bản quyền.

Thứ ba, là tiếp tục hỗ trợ cho doanh nghiệp nghiên cứu phát triển sản phẩm trên cơ sở mua bản quyền các phát minh sáng chế để có các thương phẩm cuối cùng đến tay nông dân.

Tôi nghĩ các tổ chức xã hội như Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên và đặt biệt là truyền thông hãy làm các cầu nối, tư vấn cho người nông dân liên kết với các viện nghiên cứu, làm cho các nghiên cứu gắn liền với thực tế sản xuất của người nông dân. 

PV: Trong các công trình NCKH ra đời từ các tháp ngà của viện nghiên cứu có rất nhiều công trình không có giá trị. Thực trạng này là một chỉ dấu đáng buồn về tình hình NCKH và năng lực của các nhà NCKH ở nước ta, thưa PGS?

PGS.TSKH Lê Văn Hoàng: Tôi hoàn toàn nhất trí đánh giá của bạn về những nghiên cứu không có giá trị trong hệ thống hàn lâm Việt Nam. Điều này cho thấy từ lâu là tình trạng phát triển khoa học công nghệ Việt Nam đáng báo động. Tuy nhiên, trong khoảng 5 năm trở lại đây, cũng có một sự khởi sắc khi các quy trình quản lý kinh phí NCKH được cải thiện, nhất là sự ra đời của Quỹ NCKH NAFOSTED như đem lại một luồng gió mới. Nhiều tiến sĩ trẻ đã trở về Việt Nam sau khi được đào tạo. Nhiều nhóm nghiên cứu hình thành ở các trường đại học, các viện nghiên cứu làm việc theo các chuẩn mực quốc tế… Nhưng để vực dậy cả nền khoa học cần rất nhiều nỗ lực của từng nhà khoa học và lãnh đạo ở tầm vĩ mô.

Máy bay của thợ máy Nguyễn Văn Thắng (Hà Nội)

Tôi đã nói về nguyên nhân dẫn đến đầu tư cho NCKH không hiệu quả. Đi sâu hơn một chút vào một khía cạnh thì thấy nền khoa học Việt Nam không phát triển trước tiên là do các trường đại học yếu kém. Đại học theo như đúng nghĩa của nó là nơi làm ra tri thức chứ không phải chỉ đơn thuần truyền đạt kiến thức. Trong một thời gian dài, nhiều quan niệm chỉ phát triển đại học như một nơi đơn thuần nhai lại kiến thức, thậm chí cả những kiến thức lỗi thời. Việc kiếm sống làm sói mòn ý chí tiến thủ, ý chí phát triển nghề nghiệp của các giảng viên đại học. Kế đến là giáo dục phổ thông không hun đúc cho những đam mê, hoài bão khoa học cho số đông học sinh.

Một trong những cái sai lầm của chúng ta nữa là quan niệm về bằng cấp tiến sĩ. Chúng ta có khuynh hướng đào tạo thật nhiều tiến sĩ cho đủ chuẩn về số lượng trong đào tạo mà quên rằng từ tiến sĩ đến nhà khoa học là một khoảng cách dài cần đầu tư. Cho nên chúng ta có số lượng đông mà thiếu những nhà khoa học đầu ngành như những người thủ lĩnh kiến tạo nền khoa học. Ngoài ra nhà quản lý khoa học cũng đóng vai trò đặt biệt trong guồng máy. Nhà quản lý khoa học phải là nhà khoa học. Có thể họ không thực sự là nhà khoa học xuất sắc nhưng có kỷ năng quản lý. Tuy nhiên ở nhiều cơ sở hiện nay thì ngược lại, quản lý khoa học nhưng không hề biết gì về khoa học mà chỉ đơn thuần có cái bằng tiến sĩ để chuẩn hóa. Điều đó làm hạn chế tầm nhìn của nhà quản lý trong lĩnh vực rất đặc thù là quản lý và phát triển chất xám.

Tàu ngầm Trường Sa là sản phẩm mang tính hy vọng

PV: Thưa PGS, tôi muốn nhắc đến những sáng chế quan trọng hơn, gây xôn xao dư luận gần đây như là máy bay mini và tàu ngầm mini của những anh nông dân, kỹ sư “chân đất”. Không ai nghi ngờ tinh thần tiên phong, dám nghĩ, dám làm, hy sinh ngày công, tiền của của họ với những sản phẩm như thế. Riêng PGS chia sẻ gì về những sản phẩm này?

PGS.TSKH Lê Văn Hoàng: Không phải chỉ có các sáng chế được đưa lên trên truyền thông  và khá ồn ào kiểu như làm ra điện từ nước, nông dân làm máy bay, tàu ngầm mà các phát minh trong khoa học cơ bản như: Lý thuyết tâm vũ trụ, chứng minh mặt trời quay quanh quả đất… thường được gửi cho cộng đồng các nhà vật lý, tôi chỉ có thể nói một từ là: vớ vẩn! 

Xin đừng vội hiểu lầm ý tôi chê bai, bài xích những sản phẩm đó. Ý tôi, nó vớ vẩn ở khía cạnh NCKH thật sự. Để làm ra một sản phẩm có thể chạy được bạn chỉ cần gõ google là ra vô vàn chỉ dẫn. Nhưng làm một sản phẩm đáp ứng các yêu cầu công nghệ thì cần cả một nền khoa học phát triển, một nền công nghệ tiên tiến. Nếu làm được dễ dàng vậy, chúng ta chẳng phải mất tiền tấn mua tàu ngầm Kilô làm gì!

Máy phát điện bằng gió của trai làng Trần Thanh Thành

Tôi tôn trọng các sản phẩm đó, con người đó. Vì đó là kết quả của sự đam mê, ý chí thật sự. Với tính cách đó, hoàn cảnh khác, điều kiện, kiến thức khác thì biết đâu chúng ta có những phát kiến tuyệt vời. Thêm nữa, họ sử dụng tiền của chính mình cho đam mê của mình, không sử dụng ngân sách, tiền đóng thuế của nhân dân. Bản thân tôi quí trọng người chế tạo ra tàu ngầm hay máy bay ở khía cạnh đó. Còn nếu bàn chuyện đem ngân sách Nhà nước ra đầu tư cho những dự án kiểu như vậy thì quả thực vớ vẩn!

PV: Nói như PGS thì chẳng khác nào chúng ta chỉ nên nhìn nhận những sản phẩm gây ồn ào dư luận vừa qua như tàu ngầm mini, máy bay mini ở góc độ là những trò chơi mô hình thôi! Vậy có “quá đáng” quá không thưa PGS?

PGS.TSKH Lê Văn Hoàng: Nó là những sản phẩm nghiệp dư, còn nói kiểu khuyến khích là sản phẩm mang tính hy vọng. Các sản phẩm chuyên nghiệp cần những công nghệ cao, những bí quyết mà phải mất nhiều năm với nguồn lực lớn, đội ngũ khoa học công nghệ hùng hậu. Không đơn giản khi Nga là một nước phát triển như vậy lại đặt Pháp đóng cho 2 tàu sân bay.

Biết rằng, khi nhìn qua mấy nước bên cạnh, ví dụ như Hàn Quốc chúng ta vẫn mơ sẽ có nhưng tên tuổi như Sam Sung nhưng tình thế Việt Nam chúng ta hiện nay là phải mua công nghệ và tiếp tục ươm mầm ước mơ qua những sản phẩm nghiệp dư sinh viên. Chúng ta mua vệ tinh phục vụ cho kinh tế trước mắt trong khi tài trợ nhóm sinh viên thử nghiệm vệ tinh mô hình, tham gia các giải thưởng quốc tế.

Ai cũng có quyền đam mê và chúng ta tôn trọng những người bỏ tiền túi cho đam mê của mình. Chỉ nên quản lý về vấn đề môi trường và tạo điệu kiện để các thử nghiệm đó thật an toàn. Và xin các bạn đừng quá tốn giấy mực cho việc kêu gọi hỗ trợ đầu tư những sản phẩm đó!

PV: Cảm ơn PGS về cuộc trò chuyện này!

“Nhìn chung, mật độ các sáng kiến được đưa vào cuộc sống của Việt Nam không cao. Các dẫn chứng mà bạn đề cập hiện nay là quá ít so với một số dân gần 90 triệu. Tuy nhiên, sự chú ý của xã hội đến nghiên cứu khoa học, đặc biệt là các sáng kiến của nông dân là một dấu hiệu tích cực đáng mừng. Sáng tạo là động lực để phát triển, tôi bao giờ cũng có cảm hứng khi đọc về những sáng kiến có tính ứng dụng cao của nông dân gần đây. Là người làm khoa học tôi hiểu những khó khăn để đi đến thành quả sáng tạo. Tôi thán phục sự say mê của những nhà phát minh “chân đất” đó!” - PGS.TSKH Lê Văn Hoàng


Lê Trúc (thực hiện)