'Ngâm cứu' nước cờ Syria của Putin

07:16 | 16/10/2015

5,282 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Gần như im lặng trước các đợt tấn công của Nga tại Syria, châu Âu đã lên tiếng nhưng lại là…ủng hộ Moskva. Không kích Syria là một nước cờ cao tay của Tổng thống Putin với cả thế giới Tây phương.
ngam cuu nuoc co syria cua putin

Hôm qua, Ngoại trưởng Đức Frank Walter Steinmeier cho rằng việc tìm kiếm một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng tại Syria không thể không tính tới vai trò của Nga. Phát biểu trước Quốc hội Đức, ông Steinmeier nói, các bên liên quan, trong đó có Nga, cần tìm kiếm một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng chính trị đã kéo dài hơn 4 năm qua tại Syria.

Ông Steinmeier cũng nhấn mạnh Nga và Mỹ không nên để chiến dịch quân sự mà hai nước đang tiến hành trên lãnh thổ Syria hiện nay leo thang thành một cuộc xung đột giữa hai nước.

Có thể hiểu đây là một sự ủng hộ của Đức với chiến dịch không kích của Nga tại Syria.

Để có được kết quả này, cần phải xem Tổng thống Putin đi nước cờ Syria như thế nào.

Sau khi sáp nhập bán đảo Crưm vào năm ngoái, Nga bị các nước phương Tây trừng phạt qua biện pháp phong tỏa kinh tế. Lệnh cấm vận và sự sụt giá dầu đã gây thiệt hại cho kinh tế Nga và ảnh hưởng đến uy tín của Tổng thống Putin. Vì vậy, Putin cố gây chia rẽ khối phương Tây, giữa Mỹ và các nước châu Âu, bằng mồi nhử là năng lượng rẻ cho châu Âu. Chuyện ấy xảy ra cả năm rồi và nay đang có yếu tố mới là vụ khủng hoảng vì di dân tràn vào châu Âu, một vụ khủng hoảng làm niềm tin của người dân châu Âu vào lãnh đạo cũng lung lay.

Ông Putin đã tìm ra cơ hội khi thấy Chính quyền Obama bất định tại Syria giữa hai mục tiêu là 1) chặn đà bành trướng của tổ chức IS và 2) lậ đổ Al-Assad tại Syria, với hai giới hạn là không thả quân vào trận địa mà chỉ không kích, và không thể huấn luyện các lực lượng vũ trang chống IS lẫn al-Assad.

Lúc này Tổng thống Putin đưa quân vào Syria, liên kết với chính quyền Iraq, với Iran và tổ chức Hezbollah do Iran yểm trợ, nhằm 1) bành trướng thế lực tại sân sau của mình ở Trung Ðông, 2) tạo thế mạnh để thương thảo với các nước về một giải pháp chính trị - có hay không có al-Assad - tại Syria, và 3) mặc cả với Mỹ về chuyện tháo gỡ cấm vận vì vụ Ukraina.

Từ nay đến cuối năm, Putin cần ly gián khối Âu-Mỹ để châu Âu khỏi gia hạn đạo luật cấm vận vào tháng 1/2016. 3 quốc gia được ông Putin chiêu dụ là Ðức, Pháp và Italia nhằm trung hòa hay vô hiệu hóa chủ trương triệt để chống Nga của Ba Lan và ba nước Cộng Hòa vùng Baltic, là Estonia, Latvia, Lithuania. Phản ứng của Đức như đầu bài đã cho thấy ông Putin thành công. Trong khi, dư luận Mỹ quá tập trung vào vụ Syria nên ít nhìn ra khía cạnh châu Âu trong cuộc chiến tại Syria của nước Nga.

Bị chìm trong làn sóng thời sự đang sôi động tại Trung Ðông là tình hình bất ổn tại Ukraina khi dân chúng sẽ đi bầu vào ngày 25/10 này. Số phận và kinh tế Ukraina tùy thuộc vào hiệp ước ngưng bắn rất mong manh với Nga và vào việc Tổng thống Putin đòi Chính quyền Kiev 3 tỷ USD sẽ đáo hạn vào tháng 12/2015. Ngoài các đợt tấn công lực lượng vũ trang thân phương Tây chống chính quyền al-Assad tại Syria, ông Putin đang đẩy Ukraina vào cảnh vỡ nợ để phá rối kế hoạch cấp cứu tài chính của IMF.

Riêng tại Trung Ðông, đòn tấn công của Nga còn gây khó cho NATO, đang yểm trợ Ukraina và các nước Baltic mà lại bị phân tán khi một thành viên Hồi giáo ở miền Nam là Thổ Nhĩ Kỳ bị uy hiếp. Bằng một đòn Syria, Putin gây lúng túng nhiều mặt cho chính quyền Obama.

Nh.Thạch

Năng lượng Mới (Theo AFP, AP, Reuters)