Xung quanh cuộc khủng hoảng tại Ukraina:

Nga ra tối hậu thư cho Pháp về Mistral

11:45 | 16/11/2014

1,873 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Thời hạn chót mà Pháp phải giao chiến hạm đa năng Mistral là cuối tháng 11 này. Nếu Pháp không tôn trọng hợp đồng sẽ bị Nga kiện và đòi bồi thường.

Nga ra tối hậu thư cho Pháp về Mistral

Tàu chiến Mistral

"Chúng tôi đã chuẩn bị các phương án khác nhau. Nga sẽ chờ đến hết tháng này, sau đó sẽ nêu những khiếu kiện nghiêm túc” - hãng tin RIA Novosti dẫn nguồn tin cao cấp từ Điên Kremlin. Nguồn tin tuyên bố, các chuyên viên Nga đang phân tích mức độ thiệt hại từ việc không hoàn thành hợp đồng.

Trước đó, Phó Thủ tướng Nga Dmitry Rogozin, chuyên trách giám sát tổ hợp công nghiệp-quân sự Nga cho rằng Nga đã nhận được từ hãng đóng tàu DCNS (cơ sở thực hiện hợp đồng Mistral) lời mời vào ngày 14/11 sẽ bàn giao cho Nga chiếc tàu sân bay chở trực thăng đầu tiên loại Mistral (tên Nga là Vladivostok) và hạ thủy con tàu thứ hai (Sevastopol). Nhưng đến hạn không thấy động tĩnh gì từ phía Pháp. Giám đốc DCNS đã bị cách chức hồi tuần trước vì đã “tự ý” mời Nga đến nhận tàu.

Hợp đồng về đóng hai tàu sân bay chở trực thăng loại Mistral giá 2 tỷ euro đã được ký kết vào tháng 6/2011 giữa Rosoboronexport của Nga và công ty Pháp DCNS. Theo các điều khoản, thời hạn bàn giao con tàu đầu tiên là ngày 1/11/2014, nhưng các bên có thể dịch chuyển mốc bàn giao thông qua bàn bạc nhất trí với nhau.

Trong trường hợp không hoàn thành hợp đồng, số tiền bồi thường và tiền phạt có thể đến 3 tỷ euro. Ngoài ra, nếu không giao tàu, thì hình ảnh và uy tín Pháp, trong tư cách nhà xuất khẩu, sẽ bị tổn hại và ngân sách quốc phòng Pháp cũng bị hao hụt. Bên cạnh đó, khoảng 300 lao động trên công trường đóng tàu Saint Nazaire bị đe dọa. Theo ông Thomas Gomart, chuyên gia thuộc Viện Quan hệ Quốc tế Pháp, thì các yêu cầu chính trị nội bộ có thể thắng thế đối với các thách thức địa chiến lược. Sự sống còn của tổ hợp công nghiệp quân sự phụ thuộc vào việc thực hiện các hợp đồng quan trọng này. Chính vì thế, bên quân đội Pháp, nhất là Hải quân, người ta vẫn tin tưởng là hợp đồng giao tàu sẽ được thực hiện, vì theo họ, tàu Mistral không phải là một vũ khí chiến lược.

Chưa kể hợp đồng này lúc thương thảo không có kèm điều khoản về bối cảnh quan hệ giữa Nga và Ukraina.

Mistral là loại tàu chiến lớn nhất, chỉ sau hàng không mẫu hạm Pháp Charles-de-Gaulle, dài 199m, trọng tải 21 ngàn tấn, có tốc độ di chuyển là 19 hải lý/giờ. Là tàu chỉ huy kiêm vận tải chuyển quân, Mistral có thể chở được 450 binh sĩ, 16 trực thăng hạng nặng, 2 xe lội nước hoặc 4 thuyền đổ bộ. Tàu cũng có thể chở được tới 60 xe bọc thép hoặc xe tải hậu cần. Trên tàu có một bệnh viện 69 giường, với hai phòng giải phẫu.

Ngay trước khi ký hợp đồng đóng tàu cho Nga, vào năm 2011, chủ đề này đã gây tranh luận tại Pháp, nhiều sĩ quan cao cấp lo ngại chuyển giao công nghệ cao cho Nga. Bây giờ, nếu giao tàu chiến cho Nga, Pháp sẽ bị Mỹ và châu Âu chỉ trích, đặc biệt là từ phía nước vùng Baltic và Ba Lan. Nguy cơ là Pháp có thể không được tham gia các hợp đồng hiện đại quân đội Ba Lan, trị giá hàng chục tỷ euro. Nếu không giao tàu cho Nga thì Pháp lại bị thiệt hại nặng nề cả về kinh tế và uy tín.

Hiện Pháp chưa có phản ứng gì trước tối hậu thư của Nga về thời hạn bàn giao tàu chiến Mistral.

Nh.Thạch

tổng hợp