Nga giảm lượng khí đốt cung cấp cho châu Âu

14:48 | 19/06/2022

595 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Nga đang cắt giảm lưu lượng khí đốt đến châu Âu thông qua đường ống Nord Stream-1 giữa lúc nước này và phương Tây tiếp tục căng thẳng vì cuộc khủng hoảng Ukraine.
abc

Ngày 17/6 vừa qua, Nga đã giảm 50% lượng khí đốt cung cấp cho Ý và Slovakia, đồng thời cắt đứt hoàn toàn dòng chảy tới Pháp.

Theo hãng tin AP, Moscow trước đó ngắt toàn bộ dòng khí đốt đến Ba Lan, Bulgaria, Phần Lan, Hà Lan và Đan Mạch, cũng như giảm nguồn cung đến Áo và một số nước Đông Âu.

Tập đoàn Gazprom cũng thông báo cắt giảm 60% lượng khí đốt đến Đức trong tuần này. Gazprom nói rằng lý do cắt giảm là Nord Stream 1 cần được tiến hành bảo trì, trong khi thiết bị cần cho việc này đang bị giữ ở Canada do các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck đã lên tiếng bác bỏ cáo buộc từ phía Nga cho rằng biện pháp trừng phạt của phương Tây là nguyên nhân và nhấn mạnh hành động của Moscow nhằm gây bất ổn và tăng giá khí đốt. Thủ tướng Ý Mario Draghi cũng không đồng tình với giải thích của Gazprom và nhấn mạnh đó là "quyết định chính trị".

Động thái mới nhất của Nga cho thấy kịch bản sử dụng khí đốt luân phiên ở châu Âu có thể trở thành sự thật. Theo các nhà phân tích, các nước châu Âu có thể gặp khó trong nỗ lực dự trữ đủ khí đốt để đáp ứng nhu cầu vào mùa đông tới, hãng Bloomberg cho hay.

Trong trường hợp lượng khí đốt dự trữ này buộc phải được sử dụng, các chính phủ sẽ bắt đầu kiểm soát hoạt động phân phối khí đốt trong vòng vài tháng tới.

Công ty Nghiên cứu Wood Mackenzie nhận thấy, nếu Nga cắt đứt hoàn toàn đường ống cung cấp khí đốt chính, châu Âu sẽ cạn kiệt nguồn cung vào tháng 1/2023.

Ngoài ra, giới chuyên gia cũng cho rằng, động thái của Nga sẽ khiến giá khí đốt tăng vọt, gây thêm áp lực cho kinh tế châu Âu.

Tờ The Washington Post mới đây đưa tin, một số quốc gia, như Đức và Ý, đang xem xét các hạn chế bắt buộc đối với tiêu thụ năng lượng. Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cũng kêu gọi các nhà lãnh đạo lên kế hoạch sử dụng khí đốt luân phiên. Một giải pháp khác của châu Âu là tăng cường tìm kiếm nguồn cung thay thế.

Ngày 15/6, EU và 2 đối tác tiềm năng Israel, Ai Cập đã ký biên bản ghi nhớ về vấn đề cung cấp khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG).

Bình An