Quy định xử phạt xe không "chính chủ": Bỏ hay không bỏ?

22:00 | 11/03/2013

905 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Tại Hội nghị lấy ý kiến về dự thảo nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong giao thông đường bộ, đường sắt được tổ chức vào chiều 11/3, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng khẳng định: “Quá trình thực hiện quy định xử phạt hành vi không sang tên đổi chủ phương tiện cho thấy tính khả thi không cao nên đề nghị không đưa vào dự thảo Nghị định”.

Bộ GTVT: Chưa nên thực hiện...

Theo dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ - đường sắt của Bộ Giao thông Vận tải soạn thảo và chờ lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức và người dân. Từ ngày 1/7/2013, xe không sang tên đổi chủ, không đóng phí bảo trì sẽ chính thức bị xử phạt. Tuy nhiên, quy định xử phạt xe không sang tên đổi chủ phương tiện đang có nhiều ý kiến trái chiều, mâu thuẫn nhau.

Theo bà Lê Minh Châu, Phó vụ trưởng Vụ An toàn giao thông, Bộ Giao thông Vận tải, sau khi dự thảo lần hai của Nghị định được đăng tải lấy ý kiến người dân, cơ quan này đã nhận được 300 ý kiến. Trong đó, đa số không đồng tình khi đưa mức xử phạt người chưa sang tên đổi chủ vào Nghị định vì cho rằng các văn bản pháp lý để người dân đi sang tên xe chưa đầy đủ nên sẽ bất hợp lý nếu phạt.

“Thậm chí, ngay các thành viên, đại diện các Bộ, ngành trong Ban soạn thảo cũng còn có những ý kiến trái chiều” – Bà Lê Minh Châu cho hay.

Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng: Quy định phải tránh gây phiền hà, ảnh hưởng đến người dân.

 

Đề cập đến vấn đề chưa xử phạt xe không sang tên đổi chủ vào thời điểm này, đại diện khá nhiều Bộ, ngành đồng tình. Vụ An toàn giao thông đề xuất, trong dự thảo Nghị định lần này chưa nên đưa ra nội dung xử phạt xe không “chính chủ”.

Theo đại diện Vụ An toàn giao thông đánh giá, mặc dù trong các văn bản pháp luật có quy định xử phạt về việc đăng ký phương tiện như tại Nghị định 45 ban hành năm 2003 và trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác. Tuy nhiên, hệ thống văn bản hướng dẫn hiện nay có nhiều vấn đề bất cập, chưa rõ ràng. Chỉ khi nào có đầy đủ, hoàn thiện hệ thống văn bản hướng dẫn cũng như mức lệ phí sang tên đổi chủ giảm xuống thì sẽ bổ sung quy định xử phạt này.

Còn bà Nguyễn Thị Kim Thoa - Vụ trưởng Vụ pháp luật Hình sự - Hành chính (Bộ Tư pháp) cho rằng: Các cơ quan liên quan cần phải tính đến tính khả thi của quy định xử phạt hành vi không sang tên đổi chủ. Hành vi không chuyển nhượng xe nên gom lại một số trường hợp như phạt nguội, gây tai nạn giao thông thì mới xử phạt thêm việc sang tên đổi chủ.

Đồng quan điểm với đại diện các đại biểu trên, ông Nguyễn Văn Quyền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam bày tỏ, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu có hình thức cụ thể hơn để quản lý rõ ràng, minh bạch thì mới đưa quy định xử phạt hành vi không sang tên đổi chủ phương tiện vào Nghị định. Nếu xử lý hết các đối tượng đi xe trên đường về sang tên đổi chủ thì rất rắc rối và mất thời gian.

Đồng quan điểm trên, bà Trịnh Minh Hiền, Vụ trưởng Pháp chế (Bộ Giao thông Vận tải) cũng cho rằng: “Hành vi phạt người chưa sang tên đổi chủ là chính xác, song hiện nay hệ thống văn bản pháp luật hướng dẫn người dân đi sang tên phương tiện chưa thật rõ ràng nên dự thảo Nghị định chưa nên đưa nội dung phạt hành vi này vào”.

Bộ Công an: Nên giữ...

Mặc dù đại đa số các đại biểu bày tỏ quan điểm không đồng tình khi đưa quy định xử phạt người chưa sang tên đổi chủ vào nghị định. Tuy nhiên, phía cơ quan Bộ Công an cho rằng, phương tiện không sang tên đổi chủ nên đưa vào Nghị định này. Thậm chí, sau năm 2014 mới tiến hành xử phạt đối với các phương tiện đã mua bán, chuyển nhượng mà không sang tên đổi chủ khi một số thông tư sẽ có hiệu lực.

Đại tá Trần Sơn Hà - Phó Cục trưởng Cục cảnh sát giao thông Đường sắt - Đường bộ (Bộ Công an) khẳng định: “Hành vi không chuyển quyền sở hữu với phương tiện đã được quy định trong Luật Giao thông đường bộ. Quan điểm của Bộ Công an vẫn đề nghị đưa hành vi này vào Nghị định xử phạt lần này vì trong các văn bản quy phạm pháp luật cũng đã có quy định, cần tránh tình trạng luật không chuẩn, không đi vào cuộc sống và cũng tránh tình trạng đưa vào nhưng khi ban hành thì không thực hiện được”.

Nhiều ý kiến trái chiều trong việc xử phạt hành vi không sang tên đổi chủ phương tiện.

 

Theo ông Hà, việc xử phạt xe không chính chủ không phải là mới. Sở dĩ việc này vừa qua có nhiều ý kiến khác nhau và không đồng tình là do từ khi Nghị định 71 nâng mức phạt cao lên cho nên dân mới có ý kiến.

Thượng tá Đỗ Văn Cương, Vụ Pháp chế, Bộ Công an, cho biết để đảm bảo thuận lợi cho người dân đi sang tên phương tiện, Bộ đã ban hành Thông tư 12 sửa đổi thông tư 36 trước đây, sẽ có hiệu lực từ 1/7. Bộ cũng có lộ trình cho phương sang tên đổi chủ đến hết 2014, sau thời gian đó mới xử phạt xe không sang tên đổi chủ. Do vậy, quy định để cho chủ phương tiện đi sang tên xe đến nay đã đầy đủ. "Việc phạt người không sang tên phương tiện là đúng, bây giờ chúng ta cần quan tâm là mức phạt như thế nào cho hợp lý”, thượng tá Cương nêu ý kiến.

Chờ Chính phủ quyết?

Trước những ý kiến trái chiều, mâu thuẫn nhau giữa đại diện các cơ quan Bộ Công an và Bộ Giao thông Vận tải về quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ - đường sắt, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng: “Xây dựng Nghị định xử phạt với mục tiêu nâng cao tinh thần trách nhiệm của người thực thi công vụ, đồng thời nâng cao ý thức chấp hành của người dân. Quy định phải tránh gây phiền hà, ảnh hưởng đến người dân. Mục tiêu của chúng ta không phải là xử phạt. Tất cả các quy định không phải để xử phạt mà là để nâng cao ý thức chấp hành của người dân, tránh khuynh hướng không quản được thì phạt”.

Đề cập đến việc xử phạt hành vi không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định, Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định: “Việc không chuyển quyền sở hữu phương tiện đã được quy định tại các Nghị định trước. Trong quá trình thực hiện Nghị định 71/2012 do mức phạt tăng cao, điều khoản thực hiện khó, tính khả thi lại không cao. Bởi vậy, quy định này sẽ đưa ra khỏi dự thảo Nghị định này để tiếp tục nghiên cứu đồng bộ, tính khả thi cao thì mới bổ sung hoặc đưa vào văn bản khác.”

 “Trong khi, quy định này cần trao đổi minh bạch, kỹ lưỡng hơn. Nếu trong trường hợp các Bộ, ngành vẫn còn ý kiến trái chiều nhau thì sẽ báo cáo Chính phủ để biểu quyết” - Bộ trưởng Đinh La Thăng kiến nghị.

Thiên Minh