Giữ yên giấc ngủ của Người (Kỳ 11)

06:38 | 24/06/2014

1,607 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Cùng một lúc, tất cả mọi người có mặt đều nghĩ: Chính nơi đây những năm xưa, bóng Bác in lồng lộng trên Quảng trường, Bác tươi cười vẫy chào đồng bào đồng chí. Nơi đây, trên lễ đài, dấu chân Bác như còn ấm nóng, lời nói của Bác như còn vang vọng khắp non sông, động viên quân và dân ta vượt qua bao thử thách khắc nghiệt trong công cuộc kháng chiến cứu nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội.

>> Giữ yên giấc ngủ của Người (Kỳ 10)

Nhưng giữa lúc đó thì một sự kiện đột xuất đã xảy ra khiến họ sững sờ, căm giận. Mặc dầu bị thất bại thảm hại ở chiến trường, bị cả nhân loại tiến bộ lên án mạnh mẽ, nội bộ nước Mỹ mâu thuẫn và chia rẽ sâu sắc, song đế quốc Mỹ vẫn muốn tìm lối ra trong "con đường hầm" ở Việt Nam bằng sức mạnh bom đạn. Ngày 16 tháng 4 năm 1972, Níchxơn ra lệnh ném bom trở lại miền Bắc, đánh phá dã man Hải Phòng và Hà Nội, tiếp đó chúng phong tỏa cảng Hải Phòng và các cửa biển khác của miền Bắc.

Sau khi xem xét một lượt, Bộ Chính trị quyết định tạm dừng xây dựng Lăng theo tiến độ. Chính phủ ta cũng thông báo cho Chính phủ Liên Xô quyết định này, và như vậy mọi công việc đang tiến hành cho công trình cũng đều dừng lại. Đất nước ta lại đương đầu với những thử thách mới: chiến tranh lan rộng ra cả nước. Nhân dân miền Bắc dồn sức đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của Mỹ, tăng cường chi viện sức người và của cho chiến trường. Quân và dân miền Nam liên tục mở những chiến dịch lớn, giáng trả những đòn đích đáng vào cuộc chiến tranh leo thang của chúng.

Cuộc chiến đấu cực kỳ anh dũng của quân và dân hai miền Nam - Bắc nhằm thực hiện lời kêu gọi thiêng liêng của Bác ngày nào "Không có gì quý hơn độc lập tự do... Hà Nội, Hải Phòng có thể bị tàn phá... Nhưng nhân dân ta quyết không sợ. Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn".

Cán bộ, chiến sĩ đơn vị xây dựng Lăng Bác những ngày này chộn rộn không yên. Làm gì đây, trong khi cả dân tộc đang nước sôi lửa bỏng? Chờ đợi đến bao giờ? Có ý kiến đề nghị nên giải tán bộ phận này. Có người đề nghị được ra mặt trận, có người ngỏ lời xin về đơn vị cũ... Trước tình hình đó, Quân ủy Trung ương vẫn quyết định duy trì lực lượng nòng cốt này, tiếp tục chuẩn bị để khi thời cơ đến là có lực lượng làm ngay. Đây là sự chỉ đạo, định hướng rất sáng suốt. Thực tiễn diễn ra khoảng 8 tháng sau đó đã chứng minh tính đúng đắn của quyết định này. Sau khi Hiệp định Pari được ký kết, nếu không có bộ phận "lót ổ" này thì chắc chắn không thể tiến hành thuận lợi việc tiếp tục xây dựng Lăng.

Quang cảnh xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1973

Công việc sau khi có quyết định đình hoãn việc xây Lăng cũng không kém phần khẩn trương phức tạp. Đơn vị triển khai đợt sinh hoạt chính trị ngắn gọn, xác định nhiệm vụ và ổn định tư tưởng cho mọi cán bộ, chiến sĩ. Tiếp đó là những ngày khẩn trương đào hầm hố, tập dượt phòng cháy, chữa cháy để bảo vệ an toàn doanh trại. Và tiếp tục nghiên cứu bản thiết kế kỹ thuật, đàm luận các phương án thi công ngay trên miệng hầm. Tiếng còi báo động của thành phố xen kẽ với tiếng máy bay gầm rú của địch, tiếng súng đủ các cỡ bắn trả giòn giã và đĩnh đạc của quân và dân Hà Nội đã thôi thúc quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị. Trong đợt 12 ngày đêm "Điện Biên Phủ trên không" của Hà Nội, chiến sự xảy ra hết sức ác liệt. Để bảo vệ tuyệt đối an toàn lực lượng, cấp trên đã chỉ thị cho đơn vị sơ tán. Song ở nơi sơ tán anh em cán bộ chiến sĩ vẫn tiếp tục hăng say làm việc.

Có thể nói, cuộc đánh phá miền Bắc lần thứ hai của đế quốc Mỹ có làm gián đoạn tiến độ xây dựng Lăng nhưng không hề làm gián đoạn mọi công tác chuẩn bị của cán bộ, chiến sĩ Đoàn Ba Đình. Khẩu hiệu hành động của Đoàn lúc này là: "Hãy tìm ra những thuận lợi từ trong khó khăn", chuẩn bị thật tốt cũng có nghĩa là tạo điều kiện rút ngắn thời gian thi công.

Ngày 25 tháng 10 năm 1972, đồng chí Lê Quang Đạo, thay mặt Quân ủy Trung ương và Tổng cục Chính trị gặp gỡ cán bộ phụ trách xây dựng Lăng. Sau khi nhắc lại nhiệm vụ của quân đội ta được phân công trong xây dựng Lăng Bác, đồng chí căn dặn thêm: Quân đội phải cùng với Bộ Kiến trúc đề xuất các vấn đề trong thiết kế, làm cho thiết kế phù hợp với tình hình, đặc điểm thi công, sử dụng và bảo quản của ta. Kết hợp với nhiệm vụ thi công mà đào tạo đội ngũ cán bộ, công nhân kỹ thuật giỏi, sau này phục vụ lâu dài trong quân đội. Đồng chí Lê Quang Đạo nhấn mạnh: "Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh là công trình đặc biệt, nên tổ chức cũng đặc biệt. Cán bộ, công nhân kỹ thuật tham gia làm Lăng phải có chất lượng chính trị cao, trình độ kỹ thuật giỏi, có sức khỏe, có trình độ văn hóa để tiếp thu khoa học nhanh, phục vụ được lâu dài". Sự động viên của đồng chí Lê Quang Đạo làm cho mọi người phấn khởi, thấy rõ hơn trách nhiệm rất nặng nề nhưng cũng rất vinh quang của mình. Quyết tâm của anh em càng được củng cố để vượt qua những khó khăn, trở ngại trước mắt.

Trong đợt đánh phá đầu tiên hồi tháng 4 năm 1972 vào Hà Nội, không quân Mỹ đã điên cuồng đánh phá bừa bãi không phân biệt các mục tiêu quân sự hay dân sự. Một quả tên lửa của địch đã bắn vào khu Phủ Chủ tịch, gây ra một số thiệt hại. Điều này đã làm cho các đồng chí lãnh đạo suy nghĩ tới việc phải bảo vệ ngôi nhà sàn của Bác. Ngày 18 tháng 4 năm 1972 các đồng chí Hoàng Văn Thái, Kinh Chi, Trần Bá Đặng, giao cho Trung đoàn 259B nhiệm vụ: Thực hiện các biện pháp bảo vệ an toàn ngôi nhà sàn của Bác. Ngày 20 tháng 4 năm 1972, đơn vị bắt đầu thi công, anh em đã làm việc này với tất cả tấm lòng tôn kính Bác sâu sắc và đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Những ngày máy bay B.52 Mỹ rải bom vào Hà Nội hồi cuối 1972, tình hình giao thông ở thủ đô cực kỳ căng thẳng. Nhiều đoạn đường vào thủ đô bị bom cày xới, không đi lại được. Có những hố còn rải rác bom nổ chậm của địch. Cán bộ, chiến sĩ công binh thông thạo rà phá bom mìn của Trung đoàn 259B được điều động tham gia chiến dịch giải tỏa giao thông, sẵn sàng cứu sập, khai thông đường, rà phá bom nổ chậm. Sự lao động cần cù, thông minh và dũng cảm của anh em đã gây được lòng mến mộ của nhân dân thủ đô và nhất là các cán bộ, công nhân viên đường sắt.

Cán bộ, chiến sĩ được điều về Trung đoàn 259B tham gia xây dựng Lăng Bác trong thời gian qua là thời gian có nhiều biến động, trắc trở. Nhưng cũng chính qua đó, bản lĩnh của mọi người được thử thách, tôi luyện. Trong mọi lúc, mọi nơi, họ đều tỏ ra vững vàng, đáng tin cậy, xứng đáng là lực lượng "khung", là "chỗ dựa" cho việc chuẩn bị và thi công Lăng Bác sau này. Một sức mạnh đã hình thành trong họ để đón lấy thời cơ thuận lợi nhất định sẽ đến với họ, đến với toàn dân, toàn quân trong cả nước. Đó là lúc kẻ thù của chúng ta đã đem ra thi thố hết những thủ đoạn xảo quyệt và tàn bạo nhất mà vẫn không tìm ra lối thoát, buộc phải cầm bút ký vào Hiệp nghị Paris.

Xẻng xúc đất công binh sử dụng khi xây dựng Lăng Bác năm 1973

V. NGÀY, ĐÊM TRÊN QUẢNG TRƯỜNG BA ĐÌNH

1. Ngày 28 tháng 1 năm 1973, tin ký kết Hiệp định Pari được công bố trên Đài Tiếng nói Việt Nam. Ở nơi sơ tán, cán bộ, chiến sĩ Đoàn Ba Đình rất xúc động, có người nhảy cẫng lên reo hò, có người chạy ào tới ôm ghì lấy bạn tỏ niềm vui sướng, có người giữ khư khư chiếc đài bán dẫn, nghe đi nghe lại lời chị phát thanh viên, nghẹn ngào nước mắt... Bên cạnh niềm vui chung của dân tộc, anh em còn có niềm xúc động riêng dào dạt. Sau bao đêm không ngủ, nhìn về Hà Nội thấy cảnh bom đạn nổ, lửa cháy, máy bay giặc gầm rú, lòng mỗi người như se lại, ai cũng muốn được chia lửa với đồng bào và đồng đội. Ai cũng muốn được sớm về Hà Nội tiếp tục phần công việc còn dang dở của mình. Hôm nay, nguyện vọng đó đang được khơi nguồn.

Đúng 10 giờ sáng, đơn vị được lệnh hành quân gấp về thủ đô. Dọc đường, trên các ngọn cây, trên các nóc nhà, cột đèn... cờ đỏ sao vàng, cờ nửa xanh, nửa đỏ phấp phới bay. Cờ trên các ôtô, cờ trên xe đạp... từng đoàn, từng đoàn chạy trên đường.

Ban Phụ trách xây dựng Lăng họp ngay tối 29 tháng 1 năm 1973. Đồng chí Đỗ Mười sau khi truyền đạt chỉ thị của đồng chí Trường Chinh, đã nhắc nhở các lực lượng xây dựng Lăng: "Không cho phép nghỉ ngơi. Không cho phép chậm trễ". Việc chuẩn bị lực lượng lúc này vô cùng bức xúc. Ngoài nhân lực của Bộ Xây dựng, Nhà nước sẽ lấy thêm người ở các ngành, các địa phương. Lực lượng lắp đặt máy móc thiết bị do Bộ Quốc phòng đảm nhiệm, nếu thiếu người có thể huy động thêm ở các ngành và địa phương khác. Nhà nước sẽ gửi Công hàm đề nghị Liên Xô nối lại mọi công việc xây dựng Lăng như đã thỏa thuận trước đây.

Trong không khí tràn ngập chiến thắng, cả guồng máy được khởi động lại hối hả. Mọi người bắt tay vào việc với những suy nghĩ, tìm tòi để đạt được hiệu suất chất lượng cao nhất, bù lại thời gian đã mất.

Đợt ra quân đầu tiên của Đoàn Ba Đình là tham gia bảo dưỡng ngôi nhà sàn của Bác. Mặc cho bom đạn kẻ thù bao lần giội xuống lòng thủ đô, ngôi nhà sàn vẫn được bảo vệ an toàn và hôm nay được bàn tay cán bộ chiến sĩ chăm chút, thành kính tu tạo. Bác Tôn, các đồng chí Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Võ Nguyên Giáp... đã tới thăm công trình và động viên cán bộ chiến sĩ của Đoàn. Với phong thái ung dung và nụ cười rạng rỡ, đồng chí Trường Chinh nói: "Mỗi lần các cháu được tham gia làm một việc có ý nghĩa như thế này tức là các cháu có thêm một "dấu son" trong cuộc đời mình". Cán bộ, chiến sĩ hôm ấy rất cảm động đối với sự quan tâm chăm sóc của các đồng chí lãnh đạo.

Công tác tuyển chọn người ở các quân chủng, binh chủng được đẩy mạnh. Bộ Quốc phòng giao chỉ tiêu cho các quân chủng, binh chủng, có trách nhiệm tuyển chọn, bảo đảm đúng tiêu chuẩn đã đề ra.

Những đồng chí được tuyển chọn tham gia xây dựng Lăng Bác đã thật sự là niềm vinh dự của đơn vị. Họ vô cùng cảm động trước những tấm lòng của cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị gửi gắm vào họ. Những cuộc liên hoan, tiễn đưa, những lời dặn dò, chỉ bảo của cán bộ chỉ huy và lãnh đạo, sự lưu luyến của đồng đội... thật sự là những kỷ niệm động viên họ trước cuộc chiến đấu mới mà họ có vinh dự tham gia. Cho tới bây giờ, nhiều cán bộ, chiến sĩ còn nhắc lại những giờ phút cảm động, thiêng liêng không thể nào quên đó. Các chiến sĩ Quân khu 4 nhớ mãi buổi lễ dâng hương tại nhà Bác trước lúc lên đường ra Hà Nội. Quân khu Việt Bắc tổ chức cho anh em đi thăm bảo tàng cách mạng của địa phương mình, như nhắc nhủ anh em hãy xứng đáng với truyền thống của một địa danh đã từng được gọi là "cái nôi của cách mạng". Và còn biết bao nhiêu hình ảnh cảm động khác nữa!

Đối với quân đội ta, Hiệp định Pari được ký kết không có nghĩa là nhiệm vụ của quân đội bớt nặng nề. Các lực lượng vũ trang ở miền Bắc vẫn phải nêu cao cảnh giác, cầm chắc tay súng. Nhiệm vụ giải phóng miền Nam, giành độc lập, thống nhất, toàn vẹn cho Tổ quốc vẫn là nhiệm vụ chính trị số một của quân đội. Do vậy, mặc dầu đã cố gắng tới mức cao nhất, quân đội vẫn không cung cấp đủ số lượng công nhân kỹ thuật theo yêu cầu. Được sự đồng ý của Nhà nước, một lực lượng đáng kể công nhân kỹ thuật ở các ngành dân sự đã "biệt phái" vào quân đội để tham gia thi công lắp ráp công trình Lăng. 90 công nhân kỹ thuật có tay nghề bậc cao của các ngành Điện - Than, Cơ khí - Luyện kim, Công nghiệp nhẹ, Giao thông vận tải, Lương thực - Thực phẩm, Vật tư, Hóa chất, Thủy sản và các thành phố Hà Nội, Hải Phòng... đã được tuyển lựa bổ sung cho Đoàn Ba Đình làm nhiệm vụ. Cuối năm 1973, lực lượng công nhân kỹ thuật lắp ráp thiết bị của Lăng đã lên tới 484 người.

Lực lượng thi công phần xây dựng của công trường - người anh em sinh đôi với công trường lắp cũng hình thành nhanh chóng. Bộ Kiến trúc xác định lấy công trường 57 làm nòng cốt. Các địa phương cũng mong mỏi được góp phần xây Lăng Bác. Để đáp ứng nguyện vọng chính đáng đó, Ban Phụ trách xây dựng Lăng đã gửi công văn tới các tỉnh, thành phố và đặc khu trực thuộc Trung ương huy động 1.200 thợ xây. Chỉ một tháng sau, tất cả các địa phương đều cử đầy đủ những công dân ưu tú của mình đi nhận nhiệm vụ. Hà Nội, Hải Phòng có vinh dự và trách nhiệm đóng góp nhiều nhất, mỗi thành phố 100 người; Vĩnh Phú - đất tổ Hùng Vương 50 người; Nghệ An - quê Bác 90 người; đất lửa Vĩnh Linh cũng cử người có tay nghề nổi tiếng đi xây dựng Lăng Bác...

Với nguyện vọng thiêng liêng và quyết tâm không gì sánh nổi của nhân dân cả nước ta trong những ngày này, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã ký quyết định lấy ngày 2 tháng 9 năm 1973 là ngày khởi công. Ngày 2 tháng 9 năm 1975 là ngày hoàn thành đưa công trình vào hoạt động.

Quyết định còn ghi:

"Cùng với việc hoàn thành xây dựng công trình Lăng, phải hoàn thành cải tạo Quảng trường Ba Đình và vườn hoa tiếp giáp Lăng trước ngày 2 tháng 9 năm 1975...".

Song song với công tác chuẩn bị trong nước, Ban Phụ trách xây dựng Lăng cử gấp đoàn cán bộ đi Liên Xô để bàn bạc với các cơ quan hữu quan của Liên Xô về những vấn đề thiết kế thi công Lăng, vườn hoa tiếp giáp và Quảng trường Ba Đình theo kế hoạch khởi công và hoàn thành như đã quy định. Để tạo thuận lợi cho đoàn làm việc, Phó thủ tướng Lê Thanh Nghị viết thư gửi đồng chí Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô Nôvicốp đề nghị Liên Xô tiếp tục các công việc giúp đỡ về xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, công việc diễn ra gặp không ít khó khăn. Trước đây ta thông báo với bạn chủ trương tạm dừng xây Lăng không có thời hạn. Kế hoạch năm 1973 của bạn không có danh mục công việc này, vì vậy việc điều chỉnh kế hoạch của bạn gặp nhiều khó khăn, nhất là vật tư và thiết bị.

Nhằm huy động mọi cố gắng cao nhất của cả hai bên phục vụ cho công trình, đồng chí Vương Quốc Mỹ phái viên của Ban phụ trách xây dựng Lăng được cử sang Liên Xô để phổ biến ý kiến của Ban Phụ trách cho đoàn ta và làm việc thêm với bạn. Phó thủ tướng Đỗ Mười điện ủy nhiệm Đại sứ Võ Thúc Đồng ký nghị định thư giữa hai nước. Nghị định thư ghi rõ:

"Xét thời gian xây dựng Lăng ngắn và khẩn trương, phía Việt Nam trong trường hợp cần thiết sẽ tìm tại chỗ một số vật tư thiết bị thuộc diện Liên Xô cung cấp năm 1973 để khởi công...". Sau đó Liên Xô sẽ hoàn lại cho Việt Nam những vật tư thiết bị nói trên".

Vấn đề nan giải nhất là thiết bị lắp đặt trong Lăng. Dù khó khăn đến đâu, bạn sẽ cố gắng khắc phục. Nhưng còn một số chủng loại thiết bị tối tân, bạn đặt chế tạo tại một số nước, thời gian sẽ phụ thuộc vào người sản xuất ở các nước này.

Nghị định thư ngày 7 tháng 6 năm 1973, một lần nữa thể hiện tình hữu nghị vĩ đại, tình đồng chí thắm thiết giữa hai Đảng và nhân dân hai nước Việt - Xô. Nhân dân Liên Xô thấm nhuần tinh thần quốc tế vô sản của Lênin vĩ đại, vượt lên mọi khó khăn, tạo mọi điều kiện thuận lợi để nhân dân ta thực hiện nguyện vọng thiêng liêng mà hơn một năm trước đây kẻ thù đã làm gián đoạn. Nghị định thư này tạo cơ sở vững chắc để công trình Lăng có thể khởi công đúng thời gian quy định.

Cả công trường 75808 sôi động với khẩu hiệu "Tất cả cho ngày khởi công. Các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước tuy bộn bề công việc vẫn dành cho công trường sự chỉ đạo thường xuyên, trực tiếp giải quyết những vấn đề vượt quá khả năng của Ban Chỉ huy công trường. Ngày 11 tháng 5 năm 1973, Phó thủ tướng Lê Thanh Nghị điện cho đại sứ Võ Thúc Đồng yêu cầu chuyên chở gấp cọc bản thép về nước bằng cách đề nghị các đồng chí Liên Xô đưa vào kế hoạch quá cảnh qua Trung Quốc. Ở trong nước cũng sẽ trao đổi thêm với Trung Quốc về vấn đề này.

Đồng chí Đỗ Mười cũng điện cho đồng chí Võ Thúc Đồng đề nghị bạn gửi gấp chuyên viên đóng cọc và bản thiết kế thi công đóng cọc sang Việt Nam chậm nhất là đầu tháng 7 năm 1973 để có thể thi công sớm, tranh thủ đổ bê tông móng công trình trước mùa mưa lũ năm tới. Đồng chí Đỗ Mười còn điện cho Thường trực Đại sứ quán ta tại Liên Xô yêu cầu chuyển các bơm hút nước hố móng về nước bằng đường sắt, đôn đốc ngay việc chuyên chở cọc bản thép từ cảng Ođétxa về công trình... Sự quan tâm chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước thực sự đã tháo gỡ những khó khăn tưởng chừng như bế tắc.

Ngày 18 tháng 6 năm 1973, một ngày không bao giờ quên đối với các chiến sĩ và công nhân công trường. 8 giờ sáng hôm ấy, các đồng chí Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Hoàng Quốc Việt, Võ Nguyên Giáp... đã cùng với đại diện cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên xây dựng Lăng tiến hành tháo dỡ lễ đài Ba Đình cũ. Đồng chí Trường Chinh xúc động nhắc lại công lao trời biển của Bác Hồ, ý nghĩa của việc xây dựng Lăng của Người, và nhắc nhở cán bộ, chiến sĩ, công nhân tham gia xây dựng công trình lịch sử này hãy xứng đáng với sự tin cậy và mong mỏi của toàn dân. Trong không khí trang nghiêm và thành kính, các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta - những học trò trung thành và gần gũi của Bác, đã trực tiếp tháo gỡ mảnh bê tông nơi Bác đã từng đứng chủ trì các ngày lễ lớn của dân tộc.

(Xem tiếp kỳ sau)