Nét đẹp của những người đương thời

16:58 | 25/07/2017

347 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Nhân kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2017), tôi quyết định đi thăm vài ba nơi có liên quan tới ngày truyền thống này. Tôi đã nghe và đọc nhiều về Côn Đảo, về các bậc lão thành cách mạng đã bị tù đày, hy sinh tại đây, về những chuồng cọp, về nghĩa trang Hàng Dương, về những phút cuối cùng của chị Sáu trước họng súng của kẻ thù... Nay mới có dịp ra đây.

Ra khỏi sân bay đã có xe của khách sạn hẹn đón. Lái xe tuổi khoảng 35, quê ở Quảng Trị, ra đây làm ăn nhờ một người nhà đã định cư tại đảo, say sưa kể về “xứ đảo”, rằng ở đây có hai thế giới: "dương" có 7.000 người nhưng "âm" tới 2 vạn người. Suốt đoạn đường từ sân bay về trung tâm đảo dài 13km trong đầu tôi hình dung người dân ở đây sống trên một nghĩa trang khổng lồ.

Dọc đường cây cối xanh tốt, rừng như là nguyên sinh thi thoảng mới có người qua lại, gần tới trung tâm mới thấy có xe máy và ô tô chạy trên đường và kỳ lạ là không thấy bóng dáng một cảnh sát nào. Lái xe vui tính khoe, chính quyền ở đây thực sự là của dân, vì dân. Những “công bộc” ở đây không bao giờ có “lộc” từ người dân. Dân nhờ gì làm nấy, chẳng bao giờ đòi hỏi, sách nhiễu gì cả mà dân cũng chẳng bao giờ phải “cảm ơn” các anh ấy...

net dep cua nhung nguoi duong thoi

Dọc đường anh bạn lái xe cũng chỉ cho tôi nơi có một bãi dương (cây phi lao) rộng khoảng 8ha, nhưng người Pháp đã chôn ở đây một vạn người, chủ yếu là các nhà cách mạng bị giết hại và chết trong nhà tù, nhưng rồi người Pháp đã ủi xuống biển để lại một vườn cây. Sau này, chính quyền Côn Đảo cũng chỉ tìm được trên 150 bộ hài cốt đưa về Nghĩa trang Hàng Dương. Vườn cây hiện nay gồm cây dương và tràm khoảng vài chục năm tuổi.

Ngay buổi chiều, tôi được mục sở thị những điều anh bạn lái xe nói về “xứ đảo” mình đang sống. Các nơi tham quan, ngay cả chợ, đều không có người trông xe máy. Mọi người không ai bảo ai nhưng xe được xếp hàng rất có trật tự và chỉ cần rút chìa khóa để phòng khi con nít nghịch thôi. Nhân viên khách sạn chân tình khuyên chúng tôi nơi có hàng ăn và nếu muốn ăn đúng sở thích cứ ra chợ mua về tự nấu ăn tại khách sạn. Hải sản ở đây ngon và có lẽ rẻ nhất.

Cũng ngay buổi chiều, tôi vào thăm và thắp hương đền thờ bà Phi Yến, một thứ phi của vua Gia Long, lên thắp hương tại chùa Vân Sơn và lần đầu tiên vào nghĩa trang Hàng Dương.

Cổng vào nghĩa trang cao, rộng nhưng chỉ là một hình chữ nhật nằm ngang rất đơn giản, không hoa văn với hàng chữ màu vàng ngay ngắn “NGHĨA TRANG HÀNG DƯƠNG” trên nền đá màu xám đậm. Trung tâm nghĩa trang là một tượng đài cao vút hình tháp tứ diện, trên đỉnh là cờ đỏ bằng đá đỏ và sao vàng bằng kim loại. Xung quanh đài tưởng niệm là vô vàn ngôi mộ không thành hàng lối, trừ một khu vực ngay kề phía sau, có lẽ đây là những ngôi mộ được quy tập sau này.

Vườn phía trước nghĩa trang là một phù điêu bằng đá mô tả cảnh tù tội, đàn áp... nằm giữa bãi cỏ xanh mướt. Trong nghĩa trang có nhiều cây dương mà gốc tới vài người ôm, có cây do mất thân chủ, những chồi mọc lên đã có đường kính tới cả nửa mét. Nghĩa trang có tên Hàng Dương là bởi những cây này - những “thảo chứng” về tội ác của quân xâm lược đối với các chiến sĩ cách mạng, nơi địa ngục trần gian này.

Bên trái lối vào là mộ chị Võ Thị Sáu nằm cách lối đi chính khoảng 30m. Đây là ngôi mộ lớn nhất và được ốp đá đen đẹp nhất trong nghĩa trang. Bia mộ là ảnh chị Sáu khắc bằng đá trắng với dòng chữ: Anh hùng Liệt sĩ Võ Thị Sáu (1933-1952). Trên mộ lúc nào cũng đầy hoa trái. Trước khi ra đảo, tôi được biết người ra viếng nghĩa trang và mang lễ vật ra làm lễ thường tiến hành vào ban đêm từ 11 giờ đến 1 giờ sáng. Lúc này được coi là thời điểm linh thiêng nhất để làm lễ. Buổi sáng hôm sau và đêm tiếp theo, tôi lại ra nghĩa trang thắp hương.

Tôi đã tới nhiều nghĩa trang trong cả nước để thắp hương tưởng niệm. Tôi cũng có cậu em vợ là liệt sĩ hy sinh tại chiến trường Nam Lào và được quy tập về Nghĩa trang Hướng Hóa - Quảng Trị. Ở đâu tôi cũng thấy lạnh lẽo, u tịch và thấy gai gai nơi xương sống. Nhưng lạ thay, ở nghĩa trang Hàng Dương cả ngày và đêm, tới đây, tôi lại có cảm giác ấm cúng, nhưng rất linh thiêng, trang nghiêm. Nhất là về đêm, người tới thắp hương “bà Sáu” đông nghịt nhưng không chen lấn, ồn ào. Người ta đồn rằng, “bà Sáu” rất thiêng, cứ thành tâm cầu khấn xin cái gì cũng được... Ngày nay, người dân xứ đảo coi “bà Sáu” và bà Phi Yến như các vị thành hoàng của đảo. Nhiều người còn thề thốt rằng: “Thề có bà Sáu chứng giám” thay cho câu cửa miệng “thề có trời đất”... Một chiến sĩ cộng sản kiên cường được người dân tôn sùng như một vị thánh. Chuyện chỉ có ở Côn Sơn.

Nửa đêm, chờ thắp hương mộ chị Sáu tôi cầm một bó hương đã châm sẵn đi thắp hương cho các ngôi mộ quanh đó. Nghĩ rằng các ngôi mộ gần mộ chị Sáu đã có nhiều người thắp hương, tôi một mình tìm vào nơi gần hàng rào vắng vẻ để thắp hương cho những ngôi mộ xa nhất. Tưởng rằng chỉ có mình làm việc ấy, thật không ngờ đang có các thanh niên nam có nữ có đang thắp hương trong đó, nơi vắng lặng và chỉ có ánh sáng mờ mờ, nhưng các ngôi mộ thì đỏ hương. Ấm lòng biết bao. Thật bất ngờ đối với các thanh niên chỉ đáng tuổi con cháu mình lại có việc làm đẹp đến thế!

Rời Côn Đảo, tôi thấy như mình vừa tới một xứ sở xa lạ, một thế giới khác hẳn nơi mình đang sống, xô bồ, chen lấn, chộp giật, cái xấu luôn rình rập đâu đó và ước ao bao giờ, bao giờ...? Nhưng trong tôi vẫn tin tưởng rằng con cháu chúng ta sẽ xây dựng được một xã hội tốt đẹp, bởi đó là quy luật phát triển của xã hội: Cái thiện thắng cái ác.

net dep cua nhung nguoi duong thoi
Tiết mục song ca của một thương binh và nữ thầy thuốc tại Trung tâm chăm sóc người có công tỉnh Thái Bình.

Trở về nhà, 3 ngày sau, tôi cùng các hội viên Hội Hoa lan Thái Bình tới tri ân các thương binh đang được chăm sóc tại Trung tâm chăm sóc người có công tỉnh Thái Bình. Trên đường đi, tôi được Giám đốc Trung tâm Nguyễn Văn Hóa kể về cuộc sống của anh và các cán bộ, công nhân viên tại đây. Nhưng trăm nghe không bằng thấy tận mắt. Được biết rằng, Giám đốc đã chọn khoảng 30 người tỉnh táo hơn trong số trên 60 thương binh bị tổn thương thần kinh đang được chăm sóc tại Trung tâm để gặp gỡ, giao lưu cùng chúng tôi. Tôi bước vào hội trường từ phía cuối với ý tưởng được bắt tay chào hỏi từng người một. Vô cùng đau xót khi cúi mình đưa tay tận mặt các anh mà chỉ nhận được cái nhìn vô cảm, nhưng khi bắt tay thì cứ như muốn giữ bàn tay tôi mãi mãi không muốn buông ra. Nhiều trường hợp phải có người chăm sóc nhắc nhở như quát to, thậm chí đập nhẹ vào vai giục “bắt tay kìa”, anh mới ngơ ngác như tìm một cái gì ở cõi hư vô và vồ vội lấy bàn tay tôi…

Mở đầu buổi giao lưu văn nghệ là tiết mục song ca của một nữ thầy thuốc xinh đẹp và một thương binh có dáng người cao, nước da sạm nắng. Anh luôn có nụ cười như ngây dại. Họ song ca, họ hát không đồng nhịp, nhưng mà rất say sưa và cũng cầm tay nhau lượn một vòng vài bước nhảy. Người thương binh cầm tay cô gái như một vật quý, không muốn buông ra, kể cả lúc không còn là động tác cần khi biểu diễn, như muốn giữ mãi, giữ mãi... ngay cả khi bài hát đã kết thúc. Tôi thật sự bất ngờ khi các tiết mục tiếp theo là múa, là hát của các thanh niên nam nữ rất trẻ trung, xinh đẹp đang công tác tại Trung tâm.

Tôi suy nghĩ rất nhiều về họ, và tự hỏi sức mạnh nào, sự hấp dẫn nào, cái gì đã đưa họ về đây hàng ngày, hàng giờ sống với những người mà cuộc sống vô thức nhiều hơn là tỉnh táo? Các cháu phải chăm sóc họ như chăm sóc những đứa trẻ nhưng lại có thân hình to khỏe hơn cả chính mình, nên sự cố có thể xảy đến bất cứ lúc nào. Nếu nói vì đồng lương thì quyết không phải, vì họ chỉ là viên chức với hệ số phụ cấp ưu đãi có 0,7 lương cơ bản, còn Giám đốc lại chỉ có 0,5. Vậy thì họ vì cái gì? Câu trả lời chỉ là từ trái tim họ, từ sâu thẳm tâm hồn họ là tình yêu, là ý thức trách nhiệm, là những tấm lòng vàng, là sự quả cảm, là... rất nhiều lý do khác cao đẹp từ tâm hồn họ từ ý chí của họ.

Được mời nói vài lời trong buổi giao lưu ấy, tôi cũng làm cái công thức cám ơn sự hy sinh của các thương, bệnh binh đã hy sinh thân mình cho Tổ quốc, cho chúng tôi được sống như hôm nay. Nhưng tôi đã dành những lời tốt đẹp nhất, chân thành cảm xúc nhất đối với các cán bộ, nhân viên ở đây, hằng ngày thay chúng tôi, giúp chúng tôi chăm sóc những người đã hy sinh cuộc đời mình cho đất nước. Đặc biệt là các cháu nam nữ thanh niên tuổi đời còn rất trẻ đang làm việc tại đây.

Đồng cảm xúc với tôi là các bạn đồng hành. Tôi đã nghe họ hát nhiều, nhưng lạ thay, chưa bao giờ thấy họ hát hay đến thế. Nét mặt xúc động nhưng họ hát bằng tiếng hát từ trái tim mình những bài hát về những năm tháng không thể nào quên, về người chiến sĩ năm xưa, về những dấu chân tròn trên cát, về những người mẹ trông con từ chiến trường về, về Sài Gòn trong ngày vui thống nhất và nhớ tới Bác Hồ trong ngày vui đại thắng... Cả hội trường vui lên, sôi động lên, quên đi nỗi buồn, quên đi đớn đau vì bệnh tật. Và thật tuyệt vời khi tôi thấy không còn những cái nhìn ngây dại như lúc mới bước vào hội trường.

Chúng tôi được đưa đi thăm nơi ăn ở của các thương, bệnh binh. Tới nhà ăn, chúng tôi mới thực sự cảm động khi bên cạnh những người đàn ông đủ mọi lứa tuổi, nét mặt vô cảm là những “chiến sĩ áo trắng” bón cho họ từng thìa cơm... Tuy một lần nữa cay cay con mắt nhưng thật ấm lòng khi hiển hiện nơi đây là cả một thế hệ mới rất có ý thức với cuộc đời này.

Có đi mới thấy. Nhân ngày 27/7 năm nay, tôi phát hiện ra rằng, bên cạnh những xô bồ chen lấn, những việc làm xói mòn lòng tin, thì vẫn còn hiển hiện nơi đây những nhân cách, những truyền thống tốt đẹp uống nước nhớ nguồn của dân tộc còn trường tồn và tôi tin rằng cái đẹp của cuộc sống sẽ được nhân lên mãi mãi!

Nguyễn Xuân Nhự