Xây dựng Bảo tàng Lịch sử quốc gia vào lúc này:

Nên và… chưa nên?

00:11 | 16/09/2012

1,035 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Rất hay! Việc xây dựng bảo tàng là rất nên bởi sẽ thể hiện được trọn vẹn lịch sử một quốc gia, một dân tộc. Tuy nhiên, trong lúc chúng ta cần “thắt lưng buộc bụng” như hiện nay thì rõ ràng chưa nên xây vội.

Sau hơn 6 năm chờ đợi, cuối cùng Bảo tàng (BT) Lịch sử Quốc gia cũng được Bộ Xây dựng - đơn vị được Chính phủ giao trọng trách là chủ đầu tư đã trình Bộ Kế hoạch - Đầu tư dự án xây dựng với tổng mức đầu tư lên tới 11.277 tỉ đồng. Trong tổng mức đầu tư nói trên, điều đáng lưu ý là chưa có chi phí dự án thành phần đầu tư xây dựng nội dung và hình thức trưng bày do Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch thực hiện. Nếu tính cả khoản này, người ta ước tính số tiền đầu tư cho công trình còn đội lên nhiều nữa. Tuy nhiên, trong thời điểm kinh tế đang khó khăn, suy thoái như hiện nay, việc xây dựng BT Lịch sử Quốc gia với số tiền hàng chục nghìn tỉ đồng như vậy có nên không?

Mô hình Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Sau khi đi thăm BT Cách mạng Việt Nam và BT Lịch sử Việt Nam vào thập niên 90 của thế kỷ trước, Tổng bí thư Đỗ Mười khi đó đã nhận ra sự trùng lặp và bất cập ở hai BT này đó là, mặc dù danh nghĩa khác nhau, hình thành và phát triển khác nhau nhưng BT Cách mạng Việt Nam và BT Lịch sử Việt Nam lại giới thiệu và trưng bày hiện vật của cùng những giai đoạn phát triển đất nước, đặc biệt là các giai đoạn kháng chiến chống thực dân Pháp, Mỹ... Mà ngay cả cái tên của hai BT: “Cách mạng” và “Lịch sử” cảm nhận đến cùng thì cũng là cùng chủ đề, “dòng chảy” với nhau, nằm trong “Lịch sử” là “Cách mạng”. Nói đến “Cách mạng” là nói đến những giai đoạn nhất định của “Lịch sử”. Cho nên không thể tách rời hai chủ đề cũng như hai BT này, mà ngược lại phải hợp nhất làm một để giới thiệu, trưng bày ở BT thành một thể thống nhất, một dòng chảy có hệ thống từ thuở khai thiên lập địa đến chống giặc ngoại xâm bảo vệ bờ cõi và phát triển đất nước. Nếu không làm như vậy là lãng phí, là sai về ý tưởng, quy trình. Nhưng trên hết tất cả những điều ấy, đất nước chúng ta chưa có một BT lịch sử mang tầm cỡ quốc gia để nhìn vào đó có thể khái quát lịch sử của một dân tộc nên việc sáp nhập để ra đời một BT Lịch sử Quốc gia là ý tưởng chính xác, phù hợp với bối cảnh hội nhập, giao lưu toàn cầu về văn hóa, xã hội... Nhận thức rõ điều này, việc sáp nhập hai BT đã được quyết định nhanh chóng và đến năm 2006, dự án xây dựng BT Lịch sử Quốc gia đã được phê duyệt với mục đích: Tạo lập một công trình văn hóa có tầm quan trọng, ý nghĩa to lớn, lâu dài về chính trị - tư tưởng, văn hóa - xã hội...

Theo dự án trên, BT Lịch sử Quốc gia được chọn xây dựng trên mảnh đất rộng 10ha, nằm trong Công viên Hữu Nghị, thuộc khu đô thị mới tây Hồ Tây ở Cổ Nhuế, Xuân Đỉnh, Từ Liêm, Hà Nội, nơi nằm trên tuyến giao thông chính của thành phố, có cảnh quan thiên nhiên phù hợp... Nó được xây dựng theo thiết kế của Công ty Nikken Sekkei Ltd, Nhật Bản sau khi thiết kế này dành giải nhất trong số 18 thiết kế BT Lịch sử Quốc gia. Thiết kế đó mang dáng dấp phương Đông, rất gần gụi với kiến trúc cổ của Việt Nam và có ý nghĩa sâu sắc khi lấy ý tưởng từ quan niệm: “Con rồng cháu tiên”, “Mẹ Âu Cơ đẻ ra 100 trứng”. Đặc biệt, thiết kế của BT còn lấy cảm hứng chủ đạo từ cây tre - nguyên vật liệu xây dựng truyền thống của người Việt cổ để tạo nên những thanh nan đan xen với nhau tầng tầng lớp lớp ôm lấy BT như một cái áo và phát triển ra phía trước ngày một rộng, nhằm làm nổi bật ý nghĩa: Việt Nam ngày một phát triển và tiến ra Biển Đông một cách mạnh mẽ.

Nói về quy mô, ý nghĩa... rõ ràng BT Lịch sử Quốc gia là một công trình trọng điểm và phải làm. Nhưng làm khi nào, trong bối cảnh hoạt động chung của các BT ra sao thì là điều lại phải bàn. Nếu theo dự án xây dựng BT Lịch sử Quốc gia mà Bộ Xây dựng trình Bộ Kế hoạch - Đầu tư thẩm định, bắt đầu từ tháng 11 năm nay khởi công đến tháng 7-2016 sẽ nghiệm thu và bàn giao cho chủ quản lý sử dụng công trình là Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch. Như vậy, hiện nay là thời điểm xây dựng công trình và điều này có thích hợp không? Chắc chắn là không bởi đây đang là giai đoạn vô cùng khó khăn của đất nước - kinh tế suy thoái, lạm phát cao, phục hồi kinh tế mang dấu hiệu yếu ớt, nợ xấu tràn lan chưa có phương pháp giải quyết, nhiều doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản... Đặc biệt nhiều công trình xã hội về y tế, giáo dục... còn đang thiếu trầm trọng và nhiều công trình cần nâng cấp lập tức để giúp cho các vấn đề dân sinh, an sinh xã hội được bảo đảm, nâng cao chất lượng... Với 11.277 tỉ đồng đầu tư vào một công trình chỉ để... ngắm trong giai đoạn này, thử tính nếu xây dựng trường học ở vùng sâu, vùng xa sẽ có rất nhiều ngôi trường mới mọc lên cho các em ở đây học tập đỡ vất vả. Hoặc nếu để xây dựng những cây cầu bắc qua các con sông thay vì phải đi phương tiện thô sơ và lúc nào cũng có nguy cơ “thủy thần” rình rập như: đò, phà, thuyền thúng... như hiện nay thì cũng không ít, làm giảm thiểu những tai nạn về sông nước không đáng có xảy ra. Và chắc chắn các cơ sở y tế ở vùng sâu, vùng xa cũng đang cần đầu tư để công tác khám chữa bệnh cho người dân được thuận lợi, thoát khỏi cảnh đơn sơ, thiếu thốn về trang thiết bị...

Ngay TS Vũ Thế Long, một người từng công tác trong ngành khảo cổ học, rất rành rẽ các hoạt động của bảo tồn, bảo tàng cũng nhận định với báo giới rằng: “Tôi thấy việc triển khai dự án xây dựng BT Lịch sử Quốc gia lúc này là bất hợp lý. Xây BT là để lưu giữ lại những hiện vật của lịch sử. Thế nhưng, nên xây dựng như thế nào, vào thời điểm nào lại là chuyện khác. Giữa lúc kinh tế đang khó khăn như thế này mà lại triển khai xây dựng bảo tàng là điều không nên, còn nhiều việc khác cần làm hơn”.

Nhà sử học Lê Văn cũng đồng quan điểm khi cho biết: “Tôi nghĩ việc xây dựng BT để lưu giữ lại những hiện vật lịch sử là tốt. Song sẽ tốt hơn nữa khi chúng ta nghĩ ra cách làm thế nào để hằng năm, sau mỗi kỳ thi tốt nghiệp và đại học sẽ không còn cảnh hàng nghìn thí sinh bị điểm 0 môn lịch sử mà không cần phải tốn kém đến hàng chục nghìn tỉ đồng như dự án xây dựng BT Lịch sử Quốc gia”.

Bên cạnh những quan điểm trên, còn có ý kiến cho rằng, hiện nay hoạt động BT đang lâm vào tình trạng vắng khách tham quan, hiện vật không lấy đâu ra để trưng bày. Ngay BT được đầu tư hàng nghìn tỉ đồng như BT Hà Nội khánh thành nhân kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, xây xong rồi bỏ không vì không có hiện vật trưng bày. Bởi vậy, khoan xây dựng BT Lịch sử Quốc gia để nghiên cứu, tìm hiểu kỹ trước khi xây dựng, nhằm khi hoàn thành công trình đưa vào hoạt động không bị rơi vào tình cảnh “vắng như chùa bà đanh” như nhiều BT hiện nay. 

Sau khi thông tin Dự án xây dựng BT Lịch sử Quốc gia đầu tư 11.277 tỉ đồng được đăng tải rộng rãi trên các phương tiện truyền thông, nhiều bạn đọc cũng bày tỏ quan điểm không thống nhất với việc “khởi động” dự án vào lúc này. Tuy nhiên, cho đến lúc bài báo này lên khuôn thì chúng tôi nhận được tin là dự án mang tầm cỡ quốc gia này đã được tạm lùi thời gian. Rất hay! Việc xây dựng bảo tàng là rất nên bởi sẽ thể hiện được trọn vẹn lịch sử một quốc gia, một dân tộc. Tuy nhiên, trong lúc chúng ta cần “thắt lưng buộc bụng” như hiện nay thì rõ ràng chưa nên xây vội.

Tú Anh

(Năng lượng Mới số 155, ra thứ Sáu ngày 14/9/2012)