Nạn đánh cắp cổ vật lộng hành ở Syria

18:30 | 01/10/2013

568 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Nội chiến diễn ra nhiều tháng nay ở Syria đã dẫn đến bùng nổ một cách nguy hiểm việc cướp bóc, buôn lậu cổ vật Syria. Sáu kỳ quan của Syria trong danh sách UNESCO đã bị tổn hại. Những hiện vật cổ khác bị bán với giá rẻ để đổi lấy vũ khí.

 

Một di tích của Syria được UNESCO công nhân đã bị phá hủy

Viện bảo tàng ngoài trời, như người ta thường gọi Syria, có thể hóa ra sạch bách chẳng còn hiện vật nào. Kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột vũ trang vào năm 2011, nhiều di tích văn hóa tại đất nước này đã bị phá hủy. Những gì còn chưa biến khỏi mặt đất thì bị bọn cướp vơ vét trắng trợn.

Trách nhiệm hủy diệt di sản văn hóa thuộc về cả hai phía xung đột: quân đội Syria bắn vào pháo đài cổ còn quân nổi dậy lấy đó làm nơi ẩn nấp. Đồng thời, cả hai đều tích cực sử dụng sự tàn phá di sản văn hóa Syria vào mục đích tuyên truyền.

Theo tính toán sơ bộ, trong thời gian diễn ra cuộc xung đột vũ trang ở Syria tối thiểu đã có 1/3 bảo tàng địa phương bị cướp phá. Nhiều di tích lịch sử, một số trong đó đã được liệt kê vào danh sách Di sản toàn thế giới của UNESCO, đã bị hủy hoại tổn thất nghiêm trọng. Đa số các hiện vật vốn được cần mẫn thu thập gìn giữ cẩn thận trong suốt 150 năm khai quật và thám hiểm liên tục, nay xuất hiện tại chợ đen của các nước láng giềng với Syria. Mất mát về các giá trị văn hóa trong khu vực hiện nay thật sự bức xúc - như bà Elena Melkumian chuyên viên nghiên cứu hàng đầu của Viện Phương Đông học (thuộc Viện Hàn lâm khoa học LB Nga) nhận định.

“Bọn đạo tặc cướp phá các nhà thờ Hồi giáo, bảo tàng và thư viện. Toàn bộ những đồ ăn cướp đều bị chúng đem đi. Trong quá trình chiến sự các di tích kiến trúc văn hóa độc đáo bị phá hủy. Chẳng hạn, thiệt hại rất nặng với thành phố Aleppo. Mà ở đó có rất nhiều đối tượng thuộc danh sách Di sản thế giới của UNESCO. Tại các thành phố khác của Syria cũng phá hủy những di tích là đại diện cho giá trị văn hóa tinh thần vô giá của toàn nhân loại”.

Ngay từ đầu, cuộc xung đột Syria đã thu hút sự chú ý của giới buôn lậu chuyên nghiệp và sẽ không ngại dùng mọi cách để chiếm những hiện vật quí báu. Giám đốc Viện nghiên cứu Trung Đông Evgeny Satanovsky nhận xét: “Không phải ngẫu nhiên mà hàng nghìn chiến binh từ Iraq, Afghanistan, Libya kéo về đây. Cuộc đấu tranh giành tự do từ chế độ độc tài và sự cướp bóc tài sản văn hóa thường bị nhầm lẫn bởi rất khó tách biệt. Trong những năm tháng đấu tranh cho tự do khỏi chế độ Gaddafi, chế độ Saddam, chế độ Najibullah, hầu như tất cả các viện bảo tàng quốc gia và các khu khảo cổ đều bị cướp bóc. Sự hiện diện của các tay buôn lậu chuyên nghiệp như vậy trên lãnh thổ Syria tạo điều kiện mở ra phạm vi rất rộng để bổ sung hàng hóa cho "chợ đen khảo cổ học” thế giới”.

Việc buôn bán cổ vật Syria hiện nay có qui mô chưa từng thấy, với khối lượng vượt quá 2 tỷ USD. Dù sao chăng nữa, các chuyên viên vẫn hy vọng rằng chí ít là một phần di sản toàn thế giới qua thời gian sẽ được hoàn trả. Tuy vậy không có gì đảm bảo. Bà Elena Melkumian khái quá: “Hiện có rất nhiều nhà sưu tập quan tâm đến đối tượng nghệ thuật phương Đông và Hồi giáo. Vì vậy, các hiện vật có thể trôi nổi ở bất cứ đâu. Đôi khi quả thực có thể tìm thấy bằng cách nào đó và đưa trở về nguồn. Nhiều hiện vật trong số đó đã được liệt kê vào danh mục bảo tàng, nhờ thế có thể giúp nhận biết. Nhưng khi còn tiếp diễn ra hoạt động chiến sự thì chuyện đó khó có thể xảy ra. Tôi tin chắc rất nhiều thứ hiển nhiên sẽ đơn giản là mất đi vĩnh viễn”.

Cuộc xung đột ở Syria diễn ra liên tục từ tháng 3/2011. Cho đến nay, 11 di tích ở Syria thuộc về thời đại La Mã, khởi nguyên Kitô giáo và Vương triều Hồi giáo Arập Umayyad đã ở tình trạng đổ nát toàn bộ hoặc một phần đáng kể. Còn trong số thiệt hại không thể khắc phục có tòa pháo đài thế kỷ thứ X ở Aleppo và nhiều điểm nữa. 

Th.Long

RIA Novosti, AFP