Mỹ - Trung: Vẫn bất đồng nhưng không thể không có nhau

19:00 | 13/07/2013

521 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) – Giới phân tích đánh giá cuộc Đối thoại chiến lược Mỹ - Trung vừa kết thúc vào ngày 11/7 tại Washington đã diễn ra không mấy “vui vẻ” lắm do việc Washington chỉ trích Bắc Kinh về vụ Edward Snowden, các tranh chấp lãnh thổ ngoài khơi và về vấn đề nhân quyền. Chỉ có cách tiếp cận chung của hai bên với vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên và sự nhất trí bắt đầu đàm phán hiệp định đầu tư là những yếu tố cân đối cho mối quan hệ.

>> Biển Đông: Đến lượt Trung Quốc 'nhắc nhở' Mỹ

>> Mỹ cảnh báo Trung Quốc không nên dùng vũ lực hay đe dọa trong tranh chấp biển đảo

Tổng thống Mỹ Barack Obama phát biểu tại Đối thoại chiến lược Mỹ - Trung lần 5

Dù đây là lần thứ 5 hai nước đối thoại chiến lược và kinh tế nhưng đây là lần đầu tiên, ban lãnh đạo mới của Bắc Kinh đề cập thẳng thắn tới nhiều khúc mắc nan giải trong quan hệ Mỹ  - Trung, đúng như phát biểu khai mạc của Phó Thủ tướng Trung Quốc Uông Dương.

Ông Uông nhấn mạnh, Đối thoại lần này trước hết là phải thẳng thắn và thiết thực, không né tránh vấn đề, nỗ lực tìm ra giải pháp cho các vấn đề trên cơ sở làm rõ các bất đồng. Hai là, cần phải tôn trọng lẫn nhau. Ba là, hai bên cần phải có tầm nhìn xa, quản lý và kiểm soát hữu hiệu các bất đồng. Bốn là, cần phải tìm kiếm điểm chung, gác lại điểm bất đồng.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nói rằng những cuộc đối thoại hằng năm này là một cơ hội để có những cuộc thảo luận thẳng thắn về những mối bất đồng giữa hai nước.

"Chúng ta sẽ không bao giờ đồng ý với nhau về mọi vấn đề và chúng ta sẽ có những cuộc nói chuyện thành thật về những vấn đề đó, những vấn đề mà chúng ta không đồng ý với nhau, bởi vì đó là cách tốt nhất để xử lý một cách xây dựng những sự khác biệt của chúng ta và gia tăng sự hiểu biết lẫn nhau", ông Kerry nói.

Không có gì ngạc nhiên lắm khi Tổng thống Barack Obama tỏ rõ sự thất vọng và quan ngại với thái độ của Trung Quốc khi không chịu dẫn độ cựu nhân viên tình báo CIA Edward Snowden về Hoa Kỳ. Điều này được thể hiện trong tuyên bố của Nhà Trắng sau khi Tổng thống Barack Obama tiếp thành viên đoàn Trung Quốc dự cuộc đối thoại: Phó Thủ tướng Uông Dương và Ủy viên Quốc vụ viện phụ trách đối ngoại Dương Khiết Trì.

Washington cho rằng, chính quyền Hongkong được sự đồng ý của Bắc Kinh khi cho phép cựu nhân viên hợp đồng của CIA bay đi Nga. Đồng thời, giới chức Hoa Kỳ cho biết, Ngoại trưởng John Kerry còn có thái độ mạnh mẽ trong những cuộc thảo luận riêng tư về vấn đề nhân quyền và đã nêu lên “những vấn đề cụ thể” với phái đoàn của Trung Quốc. Đáp lại, ông Dương Khiết Trì bác lại cáo buộc và gọi hành động của chính quyền Hongkong là cách xử lý “không chê trách được”. Ông cũng đề nghị Mỹ giám sát tình hình nhân quyền trong nước thay vì theo dõi Trung Quốc.

Ông Barack Obama cũng có ý cảnh báo Trung Quốc không nên sử dụng vũ lực hay đe dọa láng giềng trong tranh chấp lãnh thổ trên biển Hoa Đông và Biển Đông. Trong khi đó, phái đoàn Trung Quốc coi tuyên bố này như một nỗ lực tiếp theo nhằm "quốc tế hóa" các vấn đề. Không những vậy, sau khi kết thúc Đối thoại, Bộ Ngoại giao Trung Quốc còn “nhắc nhở” Washington nên tôn trọng và thực hiện cam kết không đứng về bất kỳ bên nào trong tranh chấp Biển Đông.

Trong bối cảnh gia tăng một số mâu thuẫn như vậy, một trong những điểm sáng hiếm hoi trong Đối thoại Mỹ - Trung là sự hội tụ trong quan điểm về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Cả hai bên đều nhất trí phải khẩn trương giải trừ hạt nhân trên bán đảo nhưng không rõ là Washington có rút lại đòi hỏi Bắc Kinh phải gây áp lực với chính phủ Bình Nhưỡng hay không.

Bên cạnh đó, Hoa Kỳ và Trung Quốc cũng đồng ý khởi động lại cuộc thương thuyết về một hiệp định đầu tư song phương có thể nới rộng sự tiếp cận thị trường Trung Quốc cho các nhà đầu tư Hoa Kỳ. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc đồng ý thương thuyết về một hiệp định đầu tư nước ngoài vào mọi lĩnh vực trong nền kinh tế của họ.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hoa Kỳ, ông Jack Lew, nói rằng diễn tiến này cho thấy các nhà lãnh đạo mới ở Bắc Kinh đã nhận ra rằng sự tăng trưởng của kinh tế nước họ trong tương lai không thể được đáp ứng bởi các mô thức của quá khứ.

Trong khi đó, Phó Thủ tướng Trung Quốc Uông Dương cho biết Bắc Kinh và Washington đồng ý tăng cường hợp tác trong các lãnh vực quản lý tài chánh, chấp hành luật pháp, mua bán chứng khoán phái sinh và tiêu chuẩn kế toán. Ông nói: "Hoa Kỳ hoan nghênh các tổ chức tài chính Trung Quốc đầu tư vào thị trường Hoa Kỳ. Sự hiểu biết và tin tưởng lẫn nhau là một điều kiện tiên quyết quan trọng để có được sự hợp tác đôi bên cùng có lợi giữa hai cường quốc chúng ta".

Trước thềm cuộc đối thoại, hai bên đã thông báo dự định thúc đẩy các thỏa thuận đạt được giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Barack Obama cách đây một tháng ở California. Tuy nhiên, có lẽ bước duy nhất được làm là quyết định mở đàm phán hiệp định về đầu tư, mặc dù chưa bên nào nêu thời điểm cụ thể khởi đầu đàm phán.

Phía Trung Quốc cho biết họ chờ đợi Hoa Kỳ từ chối chính trị hóa các khoản đầu tư và đối xử phân biệt với các công ty Trung Quốc trên thị trường Mỹ. Tuy nhiên, liệu phía Mỹ có đảm bảo cho các công ty Trung Quốc có quyền bình đẳng như doanh nghiệp Anh hoặc Nhật cũng như Trung Quốc có loại bỏ hạn chế sự hiện diện hơn nữa của các công ty Mỹ tại Trung Quốc hay không? Đó là những gì mà hai cường quốc Thái Bình Dương cần tiếp tục thương thảo nhưng có thể khẳng định rằng, dù vẫn còn nhiều bất đồng nhưng họ không thể không cần nhau!

Linh Linh (tổng hợp)