"Cuộc chiến" chất bán dẫn (Kỳ III): Hàng trăm tỷ USD "bốc hơi" vì căng thẳng

06:10 | 05/10/2023

149 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Căng thẳng địa chính trị dẫn tới làn sóng chuyển dịch chuỗi cung ứng chất bán dẫn, nhưng thiệt hại kinh tế khổng lồ đã hiện hữu.
Ngành ô tô thế giới là một trong những ngànhchịu tác động sớm nhất từ căng thẳng ngành chip

Giữa cuộc cạnh tranh thương mại Mỹ - Trung, ngành công nghiệp bán dẫn đang trở thành “chiến trường” khốc liệt nhất. Washington tung ra các chính sách cấm vận và dịch chuyển chuỗi cung ứng về nội địa hoặc sang các nước đồng minh; trong khi Bắc Kinh cũng chi hàng trăm tỷ USD để “tự cung tự cấp” nhằm tránh sự lệ thuộc công nghệ vào phương Tây.

Thiệt hại kinh tế lớn

Trong khi lợi ích của dịch chuyển chuỗi cung ứng chất bán dẫn chưa thấy đâu, nhưng thiệt hại kinh tế khổng lồ đang khiến nhiều nước phải đau đầu tìm giải pháp ứng phó. Đài Loan, Hàn Quốc và Nhật Bản bị đặt vào thế khó xử nhất, khi cả ba đều là đồng minh của Mỹ, nhưng phụ thuộc lớn vào nguồn cung của Trung Quốc.

Theo học giả Chris Miller, tác giả của cuốn “Cuộc chiến chip", nếu Mỹ thành công trong việc đưa hoạt động sản xuất chip tiên tiến về nước, thì một hoặc tất cả thị phần của các đồng minh sẽ phải giảm xuống. Nguy cơ này là rõ ràng, bởi một điều khoản trong Đạo luật CHIPS đã quy định rằng để nhận được trợ cấp của Mỹ, các công ty sẽ bị cấm mở rộng hoặc nâng cấp công suất chip ở Trung Quốc trong 10 năm.

Tokyo Electron, một trong những nhà cung cấp thiết bị sản xuất chip hàng đầu thế giới, năm ngoái đã cắt giảm hơn 1,6 tỷ USD dự báo doanh số hàng năm do tác động từ lệnh cấm của Mỹ với Trung Quốc - thị trường lớn nhất của hãng, chiếm tới 28,3% doanh số trong năm 2021.

Việc không thể sản xuất các thiết bị tiên tiến tại Trung Quốc cũng khiến Samsung và SK Hynix – hai nhà sản xuất chip hàng đầu của Hàn Quốc, đối mặt với những khó khăn lớn, khi 40% sản lượng chip của các hãng này đều được làm ra tại các nhà máy hiện đại đặt ở Trung Quốc.

Tại Mỹ, tập đoàn Nvidia ước tính khoảng 400 triệu USD doanh thu của họ tại Trung Quốc đang gặp rủi ro. Kế hoạch sử dụng chip do Trung Quốc sản xuất của Apple cũng đã thu hút sự giám sát chặt chẽ từ Washington. Cả Nvidia và Apple hiện sản xuất lần lượt 20% và 40% chip nhớ của họ tại Trung Quốc.

Ngân hàng Goldman Sachs ước tính có tới gần 200 ngành công nghiệp bị ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu chip bán dẫn. Trong đó, ngành ô tô có thể chịu tác động nặng nề nhất, khi nhiều hãng bị thiếu nguồn cung dẫn tới việc phải cắt giảm sản lượng hoặc đóng cửa tạm thời các dây chuyền sản xuất.

Trong năm 2021, General Motors và Ford Motor chứng kiến lợi nhuận sụt giảm hàng tỷ USD do sản xuất gián đoạn vì thiếu chất bán dẫn. Ông Herbert Diess, Giám đốc điều hành Volkswagen thừa nhận ngành công nghiệp sản xuất ô tô đang trải qua giai đoạn tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng chip.

Vào năm ngoái, công ty tư vấn AlixPartners dự báo tình trạng thiếu hụt chip toàn cầu có thể khiến các hãng ô tô thiệt hại khoảng 210 tỷ USD doanh thu do không thể sản xuất.

Chi phí sản xuất tăng cao

Người sáng lập TSMC, ông Morris Chang, từng cảnh báo rằng năng lực và hiệu quả của chuỗi cung ứng chip sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi cuộc cạnh tranh Mỹ - Trung. Tỷ phú này chỉ ra rằng với cùng một con chip, nếu được sản xuất tại nhà máy của TSMC ở Arizona, thì nó sẽ có giá cao hơn 50% so với khi nó được sản xuất tại nhà máy của công ty ở Đài Loan.

Chưa tính tới các tác động của việc Trung Quốc hạn chế xuất khẩu các sản phẩm đất hiếm thiết yếu, các chuyên gia cảnh báo tỷ suất lợi nhuận của các hãng chip đã bị thu hẹp đáng kể, và có khả năng chi phí sẽ bị chuyển một phần sang người tiêu dùng, đồng nghĩa với giá cả các sản phẩm sẽ gia tăng đáng kể trong tương lai.

Các chuyên gia cảnh báo chi phí sản xuất chip và các thiết bị điện tử sẽ gia tăng trong tương lai
Với cùng một con chip, nếu được sản xuất tại nhà máy của TSMC ở Arizona, thì nó sẽ có giá cao hơn 50% so với khi nó được sản xuất tại nhà máy của công ty ở Đài Loan.

Theo tập đoàn tư vấn Bain & Co., các công ty đúc chip toàn cầu đã tăng giá 10-20% trong năm 2022, và dự báo sẽ thêm các đợt tăng giá khác, dù sẽ ở mức nhỏ hơn từ 5-7%. Đó không chỉ là động thái nhằm bù đắp cho chi phí tăng thêm khi nguồn cung thiếu hụt, các công ty còn cần thêm vốn để đầu tư cho các hoạt động nghiên cứu và sản xuất ngày càng trở nên tốn kém hơn.

Các tấm wafer - vật liệu cơ bản cho sản xuất chip - được dự đoán sẽ tăng lên mức 25.000 USD vào năm 2025, gấp đôi so với giá hiện tại, do nhu cầu tăng trong khi nguồn cung sụt giảm. Kể cả các nguyên liệu cơ bản, như đất hiếm và các thành phần khác cũng tăng giá do căng thẳng gia tăng.

“Các hóa chất được sử dụng để sản xuất chip đã tăng 10-20%… Tương tự, lực lượng lao động cần thiết để xây dựng các cơ sở sản xuất bán dẫn mới cũng bị thiếu hụt, vì vậy, mức lương của họ đang tăng lên”, nhà nghiên cứu Peter Hanbury từ Bain & Co nói.

Theo Diễn đàn Doanh nghiệp

Cạnh tranh công nghệ Mỹ - Trung Quốc: Kỷ nguyên mới trong chiến lược nước lớnCạnh tranh công nghệ Mỹ - Trung Quốc: Kỷ nguyên mới trong chiến lược nước lớn
"Cuộc chiến" chất bán dẫn (Kỳ I): Ai đang dẫn đầu cuộc chơi?