Mỹ tham gia chống hải tặc Đông Nam Á

11:09 | 11/10/2014

606 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Mỹ vừa trở thành thành viên của Thỏa thuận Hợp tác khu vực về chống hải tặc và cướp có vũ trang nhằm vào Tàu thuyền ở châu Á (ReCAAP).

Động thái này phù hợp với tư duy chiến lược “xoay trục” tới châu Á của Mỹ, trong bối cảnh cướp biển tăng mạnh ở Đông Nam Á. Một phần ba lượng hàng vận chuyển bằng đường biển của thế giới đi qua eo biển chiến lược Malacca và eo biển Singapore, những nơi giờ trở thành điểm nóng về hải tặc.

Vụ cướp mới đây nhất xảy ra với tàu chở dầu Sunrise 689 của Việt Nam. Con tàu này rời Singapore hôm 3/10 trước khi biến mất khỏi màn hình radar do bị bắt cóc. Sau khi rút một số dầu trên tàu, chúng đã thả các thủy thủ ra. Con tàu hiện đã neo ở cảng Vũng Tàu.

Trả lời phỏng vấn qua điện thoại của phóng viên Tuần báo Thương mại hôm thứ năm, Chuẩn đô đốc Ngô Ngọc Thu, Phó chỉ huy cảnh sát biển Việt Nam, nói: “Các vùng lãnh hải Đông Nam Á chưa bao giờ an toàn đối với tàu thuyền. Đặc biệt, vùng biển giáp ranh giữa Việt Nam và Malaysia càng không an toàn. Mặc dù các nước trong khu vực đã cố đảm bảo an ninh trên biển, các vụ bắt cóc vẫn xảy ra”.

my tham gia chong hai tac dong nam a

Tàu thuyền khắp khu vực đi qua eo biển Malacca



Các vụ bắt cóc tàu trong khu vực tăng lên, ít nhất sáu vụ cướp hàng trên biển tính từ tháng tư đến tháng bảy, theo báo cáo của Cơ quan Hàng hải quốc tế (IMB) ở Kuala Lumpur.

Trong vụ cướp tàu Sunrise 689, thuyền phó Phạm Văn Hoàng nói anh tin rằng bọn cướp là người Indonesia. Hãng tin AP dẫn lời anh Hoàng nói qua điện thoại: “Chúng gí dao vào họng chúng tôi và đe dọa giết nếu chúng tôi kháng cự”.

Sunrise 689 là tàu chở dầu thứ 12 bị cướp ở Đông Nam Á từ tháng tư đến nay. IMB cho biết các vụ cướp biển tăng đều đặn khắp Đông Nam Á, đặc biệt ở eo biển Malacca bận rộn nằm giữa Singapore, Indonesia và Malaysia, bất chấp những nỗ lực khắc phục vấn đề này của khu vực.

Trên toàn cầu, nạn hải tặc ước tính làm ngành công nghiệp vận tải biển mất 8 tỷ đôla mỗi năm.

Việc Mỹ trở thành thành viên của ReCAAP sẽ “cho phép chúng tôi hỗ trợ hợp tác đa phương trong việc xử lý các mối đe dọa chung từ bọn cướp biển chống lại tàu bè trong tuyến đường biển trọng yếu và các vùng biển của khu vực”, báo Diplomat hôm 10/10/2014 dẫn lời một quan chức ngoại giao Mỹ nói như vậy.

Mỹ lần đầu tiên tuyên bố ý định gia nhập ReCAAP từ năm 2012. ReCAAP là một tổ chức đa phương ít được biết đến ở châu Á. Tổ chức này không phải là một tổ chức quân sự hay là một đối thủ với những tổ chức khác như ASEAN, SCO hoặc SAARC, mà đơn giản chỉ là một tập hợp các quốc gia với nhiệm vụ chỉ nằm trong phạm vi chống cướp biển và bảo vệ an ninh cho những tuyến đường biển trọng yếu.

Việc thành lập ReCAAP là một việc làm rất cần thiết một phần bởi sự trỗi dậy của nạn cướp biển theo sau Cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997. Thỏa thuận ReCAAP được ký tháng 11/2004 và được chính thức thực thi năm 2006 với các thành viên hiện nay bao gồm cả Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Úc cùng nhiều thành viên khác. Đáng chú ý, Indonesia và Malaysia không phải là thành viên của ReCAAP, cho dù vị trí địa lý của họ gần những nơi xảy ra các vụ cướp ở Đông Nam Á. Các nước bên ngoài khu vực cũng tham gia tổ chức này gồm có vương quốc Anh, Hà Lan, Đan Mạch và Na Uy. Mỹ giờ là thành viên thứ 20 của ReCAAP.

Theo Công an TP HCM