Mỹ bị cô lập trước AIIB

09:43 | 31/03/2015

1,115 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Mỹ tưởng như đã chịu đủ vố đau khi các nước đồng minh Anh, Pháp, Đức tuyên bố tham gia Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) theo khởi xướng của Trung Quốc. Thế nhưng, có vẻ các đồng minh vẫn chưa chịu “tha” cho Washington. Mới đây, ngày 29/3 và trước đó ngày 26/3, hai đồng minh thân cận của Mỹ là Hàn Quốc và Úc lại tiếp tục tuyên bố gia nhập thể chế tài chính mới này.

Mỹ bị cô lập trước AIIB

Như vậy, chỉ trong 2 tuần, đã có đến 6 đồng minh của Mỹ tham gia AIIB, mặc cho những bất bình công khai của quốc gia này.

Thông báo gia nhập AIIB của Hàn Quốc đã đẩy giá cổ phiếu của nhiều công ty sắt thép nước này tăng mạnh. Tham gia AIIB sẽ đem lại nhiều lợi ích cho ngành công nghiệp Hàn Quốc. Một quan chức giấu tên trong Bộ Tài chính Hàn Quốc cho biết việc gia nhập AIIB cũng sẽ đem lại lợi ích cho nhiều ngành khác như truyền thông, vận tải và năng lượng. Seoul sẽ gia nhập vào AIIB như một thành viên sáng lập bằng cách thông qua các điều khoản, muộn nhất là cuối tháng 3. Bộ Tài chính Trung Quốc cho phép bất kì quốc gia nào ký kết bản ghi nhớ về việc tìm hiểu ngân hàng AIIB trước 31/03 sẽ trở thành thành viên sáng lập AIIB. Sự phân biệt này sẽ tạo cho các quốc gia “sáng lập” có sức ảnh hưởng mạnh hơn trong ngân hàng nhất là khi nó ngày càng lớn mạnh, phát triển và như vậy sẽ thu hút được nhiều thành viên tham gia vào thời điểm này. Hiện nay, số lượng các quốc gia và vùng lãnh thổ đăng ký để trở thành sáng lập viên của thể chế này đã lên tới 37.

Cả Úc và Hàn Quốc đều đã phải chịu nhiều áp lực từ phía Mỹ ngăn chặn tham gia AIIB. Một phần lo lắng của Mỹ về ngân hàng mới này, theo Thư ký Kho bạc Nhà nước Jack Lew, đó là bởi tiêu chuẩn quản lý kém của ngân hàng, đồng thời sự thiếu phù hợp với định mức cho vay toàn cầu. Ngoài ra, một mối lo khác lớn hơn và cũng là đương nhiên, đó là việc AIIB dường như muốn tách Mỹ khỏi các đồng minh.

Ngoài ra, theo Thủ tướng Úc Tony Abbott, một số điều khoản quan trọng trong bản ký kết vẫn chưa được thống nhất, trong đó có việc Ban giám đốc được nắm đa số quyền điều hành, mà như vậy thù đồng nghĩa với việc sẽ không có quốc gia nào điều khiển ngân hàng này cả.

Mỹ luôn cho rằng AIIB sẽ là đối thủ của Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) - một tổ chức được thành lập trên ý tưởng của Anh và Mỹ. ADB đã cùng WB thiết lập nên luật chơi tại châu Á hàng thập kỉ nay. Tuy nhiên, những “đối thủ” chính của AIIB cũng đã nêu lên sự cần thiết phải có một thể chế mới như AIIB để giải quyết sự thiếu hụt trong việc cho vay ở khu vực. Chủ tịch WB Jim Yong Kim đã lên tiếng ủng hộ AIIB vào năm ngoái. Chủ tịch ADB, ông Takehiko Nakao cũng đã nhận xét rằng việc sáng lập AIIB là điều “dễ hiểu” đối với thực tế khu vực hiện nay.

Những quan ngại của Mỹ không đủ sức ngăn cản ý muốn gia nhập AIIB của nhiều nước. Thổ Nhĩ Kỳ - một trong những thành viên chủ chốt của NATO đã tuyên bố sẽ tham gia ngân hàng mà Trung Quốc sáng lập này.

AIIB là cú tạt ngang đầy thách thức của của Trung Quốc trong việc dẫn đầu và quản lý sự tăng trưởng của một thể chế rất có thể sẽ trở thành một trong những thể chế quan trọng toàn cầu. Nó khiến kế hoạch “tái cân bằng” (tên mới của “trục châu Á”) của Mỹ vốn đang bị chững lại do chưa được “quan tâm đúng mức” cũng như chưa xác định được chiến lược cụ thể thì nay lại tiếp tục vướng thêm khó khăn, khi mà rất nhiều nước châu Á, trong đó có cộng đồng ASEAN và đa số các đồng minh của Mỹ ủng hộ tham gia ngân hàng này.

Đã đến lúc Washington phải thôi gây áp lực cho quốc gia khác về vấn đề AIIB, dừng soi mói điểm yếu kém của thể chế này, bởi dù có làm cách nào thì lợi ích riêng của mỗi quốc gia vẫn là mục tiêu tối thượng trong quan hệ quốc tế. Washington sẽ không thể ngăn cản tiến trình gia nhập một cách tự nhiên này.

Hà My (tổng hợp)