Mô hình phòng khám bác sĩ gia đình: Khó trăm bề

17:28 | 28/12/2017

593 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Đề án xây dựng và phát triển mô hình phòng khám bác sĩ gia đình, thực hiện thí điểm tại 8 tỉnh, thành phố trong cả nước đã được 3 năm. Nhưng những kết quả ban đầu không được như mong muốn. 

Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh - Bộ Y tế Lương Ngọc Khuê cho biết: Có 8 tỉnh, thành phố triển khai thí điểm đề án xây dựng phòng khám bác sĩ gia đình bao gồm: Hà Nội, Thái Nguyên, Hải Phòng, Thừa Thiên - Huế, Khánh Hòa, TP HCM, Cần Thơ và Tiền Giang đã thành lập được 350 cơ sở khám chữa bệnh gia đình trên các địa bàn. Tuy nhiên thực tế triển khai mô hình này đang gặp nhiều khó khăn, hiệu quả rất hạn chế.

Thiếu cơ chế, chính sách

Một mô hình “hợp tình hợp lý” đã được áp dụng thành công ở nhiều nước trên thế giới, vậy mà lại không “định hình” nổi ở Việt Nam. Nguyên nhân nào? Nhiều đại diện ngành y tế ở các địa phương trong diện triển khai thí điểm đều trả lời: Bởi thiếu đủ thứ.

Trước tiên là về cơ chế, chính sách. Như đại diện Sở Y tế Khánh Hòa trình bày: Thách thức lớn nhất của địa phương khi thực hiện mô hình là cơ chế, chính sách cho cán bộ y tế trong mạng lưới phòng khám bác sĩ gia đình chưa cụ thể, chưa khuyến khích được hoạt động của đội ngũ này.

mo hinh phong kham bac si gia dinh kho tram be

Tiếp đến là những rào cản vô hình nhưng lại khó vượt qua. Đó là việc phân quy định tại Thông tư 40/2014 của Bộ Y tế tạo rào cản cho bệnh nhân khi muốn khám chữa bệnh tại tuyến xã. Đại diện Sở Y tế Khánh Hòa cho biết, hiện địa phương này chưa có sự kết nối tiếp nhận giữa hệ thống chuyển tuyến của phòng khám bác sĩ gia đình. Đại diện Sở Y tế Hải Phòng thì cho rằng, Bộ Y tế cần có quy định bác sĩ tuyến tỉnh, tuyến Trung ương khi trả bệnh nhân về cho phòng khám bác sĩ gia đình quản lý cần quy định rõ cơ quan nào chi trả cho hoạt động y tế dự phòng, BHYT…

Qua thực tế triển khai mới nhận ra “lỗ hổng” khá lớn xuất phát từ việc chưa xây dựng được quy chế phối hợp, chuyển tuyến và trao đổi thông tin phù hợp giữa các phòng khám bác sĩ gia đình với hệ thống khám chữa bệnh trong quá trình quản lý, điều trị cho bệnh nhân. Việc thanh toán BHYT các dịch vụ tại phòng khám bác sĩ gia đình còn gặp nhiều khó khăn, phí dịch vụ khám chữa bệnh tại nhà còn mang tính tự phát, chưa nằm trong diện được thanh toán BHYT.

Đó là chưa nhắc tới tình trạng các phòng khám bác sĩ gia đình hầu hết chỉ có trang thiết bị phục vụ khám chữa bệnh thông thường như ống nghe, nhiệt kế, đèn pin, búa phản xạ.

Hơn nữa, nguồn nhân lực có chuyên môn về y học cũng thiếu và yếu một cách rõ rệt. Nhiều người cho rằng, Bộ Y tế cần có cơ chế ưu tiên đào tạo và tuyển dụng bác sĩ gia đình, y sĩ, điều dưỡng y học gia đình; đào tạo bác sĩ gia đình ngay ở bậc đại học; bổ sung tín chỉ y học gia đình trong chương trình đào tạo y sĩ, điều dưỡng.

Người bệnh chưa tin tưởng

Đã thiếu thốn, khó khăn trăm bề nhưng đối với các cá nhân và cơ sở bác sĩ gia đình, điều nản lòng nhất là nhiều người vẫn chưa hiểu đúng về đội ngũ bác sĩ gia đình. Có không ít người quan niệm đó chính là những bác sĩ khám tại nhà, “bác sĩ nghiệp dư”, “bác sĩ trôi nổi”…

Đại diện Sở Y tế TP HCM cho biết, người bệnh không đến với phòng khám bác sĩ gia đình của trạm y tế phường, xã vì chưa tin tưởng vào chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh tại đây. Ngoài ra, người dân đã quen với việc khám chữa bệnh miễn phí tại trạm y tế nên không muốn chi trả theo giá dịch vụ.

Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Thúy - Phó trưởng phòng Tổ chức - Sở Y tế Cần Thơ cũng nhận định: Hoạt động của phòng khám bác sĩ gia đình gặp nhiều khó khăn do người dân vẫn còn xa lạ về hình thức hoạt động mô hình này. Họ quan niệm đơn giản đó là bác sĩ đến nhà thăm khám bệnh nhân. Trong khi đó, đến giờ vẫn chưa thấy có kênh tuyên truyền nào hiệu quả để người dân thật sự tin tưởng và tìm đến hệ thống chăm sóc sức khỏe gia đình tại các phòng khám này.

Phòng khám hay trạm y tế?

Có thực tế là chức năng và hoạt động của phòng khám bác sĩ gia đình hiện đang chồng chéo với trạm y tế ở các địa bàn thực hiện thí điểm. Ở nhiều nơi, bác sĩ trưởng trạm y tế đồng thời phụ trách phòng khám bác sĩ gia đình.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn: Phải đẩy nhanh tốc độ bao phủ dịch vụ y tế có chất lượng, song song với bao phủ BHYT. Tốc độ bao phủ y tế không phải là vấn đề khó khăn nữa, quan trọng là bao phủ dịch vụ y tế.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Nam Hùng - Giám đốc Sở Y tế Thừa Thiên - Huế còn đề cập đến việc chưa thực hiện được hồ sơ bệnh án điện tử, nên mối liên hệ chia sẻ dữ liệu giữa phòng khám bác sĩ gia đình với các cơ sở y tế khác, đặc biệt là với y tế tuyến trên về diễn biến bệnh lý của người bệnh không được cập nhật tốt.

Ông Đinh Thanh Hưng - Giám đốc Bệnh viện Quận Tân Phú, TP HCM cũng nhận định: Muốn phát triển, nhân rộng mô hình phòng khám bác sĩ thì ngành y tế nên tính đến sự liên thông giữa các tuyến cho người dân theo chứ hiện nay chưa có sự liên thông nào. Người dân mắc bệnh được trạm y tế phường chuyển lên bệnh viện quận, bệnh viện quận không biết thông tin sức khỏe trước đó của người bệnh này, hoặc khi cần chuyển người bệnh lên tuyến trên cũng không có một đầu mối để chuyển.

Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Ninh Hòa, Khánh Hòa cũng thừa nhận: “Trong số 4 trạm y tế xã có thực hiện mô hình phòng khám bác sĩ gia đình, có nơi suốt hai năm không gửi, không chuyển đi điều trị được bệnh nhân nào”. Theo như mục tiêu trong đề án đưa ra, thì giai đoạn 2016-2020 là giai đoạn nhân rộng mô hình trên toàn quốc. Thế nhưng, nếu tình trạng “khó trăm bề” vẫn cứ tồn tại thì mục tiêu của đề án khó thành hiện thực.

Minh Vân