Miền Trung và Nam Bộ đối phó với bão số 1

07:59 | 01/04/2012

777 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Theo tin từ Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia, sáng 1/4, bão số 1 (bão Pakhar) đi qua khu vực huyện đảo Phú Quý (Bình Thuận), sau đó sẽ hướng thẳng về vùng bờ biển từ Bình Thuận đến Bến Tre.

Các tàu đánh bắt hải sản neo đậu ở huyện đảo Phú Quý để tránh bão

Để chủ động đối phó với bão và hạn chế thấp thiệt hại về người và tài sản, các địa phương đã khẩn trương sơ tán, di dời dân ở các vùng có nguy cơ chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão, kêu gọi, hướng dẫn tàu thuyền trú tránh bão đồng thời nghiêm cấm các tàu thuyền ra khơi.

Tàu thuyền đang đánh bắt hải sản đã vào bờ ở huyện đảo để tránh bão số 1

Tại huyện đảo Phú Quý, Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão huyện tăng cường thông báo bằng xe loa và các phương tiện thông tin đại chúng. Nhà dân và các cơ quan, đơn vị đã hoàn thành công tác chằng chống nhà cửa, lồng bè nuôi thủy sản.

Toàn huyện hiện có hơn 1.300 tàu thuyền với hơn 5.300 lao động, trong đó thuyền neo đậu tại các bến bãi 780 chiếc, kéo lên bờ 340 chiếc, 174 thuyền đã di chuyển vào cảng Phan Thiết trú ẩn.

Những hộ dân ở các vùng xung yếu cũng được vận động di dời đến các trường học và nhà dân kiên cố đảm bảo an toàn. Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Phú Quý kiểm tra chặt chẽ và không cho người ở lại trên các tàu thuyền và lồng bè.

*Theo ông Nguyễn Xuân Diệu Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Thủy lợi – Ủy viên Thường trực Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương, cơn bão số 1 là cơn "bão lạ” trong vòng 42 năm qua, xuất hiện ở Vĩ độ thấp ảnh hưởng trực tiếp tới vùng biển Bình Thuận – Bà Rịa -Vũng Tàu.

Theo dự báo sáng ngày 1/4, bão số 1 sẽ vào bờ, nếu tốc độ nhanh bão sẽ vào bờ lúc nửa đêm. Vì vậy, việc di dời dân ở các khu vực bão đổ bộ phải thực hiện kiên quyết, các địa phương phải chuẩn bị phương án di dân tới vùng an toàn gần nhất khi bão đổ bộ tới.

Hướng đi của bão số 1

*Theo Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn TP HCM, hiện bão số 1 đang tiến về đất liền, hướng vào khu vực ven bờ từ tỉnh Bình Thuận đến Bến Tre. Rạng sáng 1/4, tâm bão chỉ còn cách bờ chừng 140km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 9, cấp 10. Dự báo đến 13h ngày 1/4, bão số 1 sẽ tiến vào đất liền và có thể suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.

Theo dự báo vùng ven biển các tỉnh từ Ninh Thuận đến Bà Rịa-Vũng Tàu có gió mạnh dần lên cấp 6, giật cấp 7, cấp 8 trong các ngày 31/3 và 1 – 2/4 nên UBND TP HCM đã chỉ đạo cấm tất cả tàu thuyền trên vùng biển Cần Giờ ra khơi.

Tính đến ngày 31/3 chỉ còn 15 phương tiện công suất lớn (trên 90 CV) với hơn 200 thuyền viên hoạt động trên biển; trong đó 8 phương tiện đã có nơi neo đậu, 7 phương tiện còn đang hoạt động. Hiện các cơ quan chức năng đã liên hệ với các phương tiện trên nhanh chóng tìm nơi trú bão.

*Trung tâm Phòng chống lụt bão miền Trung và Tây Nguyên (đóng tại Đà Nẵng) cho hay, hiện có 4 tàu cá của ngư dân các tỉnh Quảng Ngãi, Phú Yên và Khánh Hòa đang bị sự cố trên biển do ảnh hưởng của cơn bão số 1.

*Tại Bình Thuận, để giúp ngư dân đối phó với cơn bão số 1, bộ đội biên phòng tỉnh Bình Thuận đã phối hợp với các địa phương ven biển, ven sông kêu gọi tàu thuyền vào bờ, tìm nơi tránh bão an toàn tại các huyện Hàm Tân, Hàm Thuận Nam, Tuy Phong, Thị xã Lagi và thành phố Phan Thiết.

Bộ đội biên phòng tỉnh đã tổ chức bắn pháo hiệu, hướng dẫn tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết cách phòng tránh bão, đồng thời tham gia chằng chống nhà cửa, đưa người dân đến những nơi an toàn, đề phòng lũ quét, sạt lỡ đất. Bộ đội Biên phòng tỉnh còn điều động 100 cán bộ, chiến sĩ cùng các phương tiện vận chuyển tàu sắt, ca nô, xe cứu thương… nhằm ứng cứu khi bão đến và hướng dẫn bà con ngư dân sắp xếp neo đậu tàu thuyền vào nơi tránh trú bão, kéo phương tiên lên bờ.

*Chiều 31/3, đoàn Ban phòng chống lụt bão Trung ương đã làm việc với Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu về tình hình triển khai công tác phòng chống bão số 1.

Tính đến thời điểm hiện tại, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã xây dựng xong phương án sơ tán dân cư khi bão số 1 đổ bộ trực tiếp lên đất liền. Theo đó, xác định di dời dân ở các khu vực vùng trũng thấp, vùng cửa sông, ven biển…đến nơi an toàn khi có bão.

Cụ thể, sẽ di dời dân ở 4 khu vực huyện, thị gồm: TP Vũng Tàu, huyện Long Điền, huyện Đất Đỏ, huyện Xuyên Mộc với tổng số hộ sẽ di dời là 46.920 hộ; Huy động lực lượng bộ đội khoảng 600 chiến sĩ và đầy đủ các vật tư phương tiện,sẵn sàng các phương án ứng cứu nếu bão xảy ra. Các cơ quan thường trực phòng tránh lụt bão của tỉnh và các địa phương trực 24/24 giờ.

Theo số liệu từ bộ đội biên phòng vào trưa 31/3 có 2.752 tàu cá với 14.653 ngư dân đã vào bờ tránh bão. Trong đó, có 2.336 tàu cá với 11.605 ngư dân trong tỉnh và 416 tàu cá với 3.048 ngư dân khác tỉnh.

Hiện vẫn còn khoảng 2.848 tàu cá với 21.152 ngư dân đang hoạt động trên vùng biển của tỉnh chưa vào bờ. Số tàu cá này đều đã nắm rõ thông tin về tình hình diễn biến của cơn bão số 1 trên biển Đông và bảo đảm liên lạc thông suốt với gia đình cũng như các cơ quan chức năng, Trung tâm tìm kiếm cứu nạn của tỉnh.

Trước đó, sáng 31/3, sau nghi thức chào mừng Liên hoan Diều quốc tế Vũng Tàu lần IV diễn ra tại Vungtau Intourco resort, ông Hồ Văn Niên – Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban tổ chức liên hoan đã thông báo dừng tất cả các hoạt động của liên hoan để tập trung vào công tác phòng chống cơn bão số 1 theo dự báo sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tỉnh BR-VT.

Theo ông Hồ Văn Niên, việc bảo đảm an toàn tính mạng cho nghệ nhân các đoàn, du khách phải được đặt lên hàng đầu. Vì thế, từ 14 giờ chiều cùng ngày, Ban tổ chức đã huy động 3 xe ô tô lớn di dời 80 nghệ nhân diều quốc tế lên TP.Hồ Chí Minh. Đối với các đoàn diều ở các tỉnh thành lân cận, phải nhanh chóng trở về nhà để sẵn sàng ứng phó nếu bão đổ bộ.

Ông Hồ Văn Niên cũng chỉ đạo Sở VHTTDL gửi thông báo khẩn tới các cơ sở lưu trú du lịch yêu cầu chủ động kế hoạch phòng chống bão, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của khách du lịch.

*Để chủ động đối phó với bão số 1 đang diễn biến phức tạp, đến 18h tối nay, 2 huyện ven biển của tỉnh Tiền Giang là Gò Công Đông và Tân Phú Đông đã tổ chức cho hơn 11.000 hộ dân di tán đến nơi ở an toàn, tránh bão. Đây là số hộ có nhà ở ngoài đê, ven cửa sông rất nguy hiểm khi có bão đổ bộ vào. Trong đó, ở huyện Gò Công Đông có 9.500 hộ dân, huyện cù lao Tân Phú Đông có 1.800 hộ dân đã di tán.

T.V (Tổng hợp)