Miền Trung nín thở chờ bão

07:28 | 10/11/2013

930 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Các tỉnh thành từ Thanh Hóa đến Bình Định gấp rút chuẩn bị mọi phương án cuối cùng trước khi bão đổ về trong ít giờ tới.

Thanh Hóa:

* Theo thông tin từ Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Thanh Hóa, toàn tỉnh hiện có 7.501 phương tiện nghề cá với 24.733 lao động chuyên khai thác trên biển. Ngày hôm qua 9/11, lực lượng chức năng đã kêu gọi được 7.355 phương tiện với 24.266 lao động vào nơi trú ẩn. 146 phương tiện với 467 lao động còn lại vẫn đang trên biển, trong đó khu vực gần bờ có 140 phương tiện với 428 lao động; 6 phương tiện khác với 39 lao động đang ở vùng biển tỉnh ngoài. Tất cả các phương tiện đang hoạt động trên biển đã nắm được thông tin về cơn bão số 14 và đang khẩn trương vào nơi tránh trú.

Bên cạnh đó, bộ đội biên phòng tỉnh tiếp tục phối hợp với các địa phương ven biển, các lực lượng chức năng và gia đình các chủ phương tiện để thường xuyên liên lạc, kêu gọi các phương tiện nhanh chóng vào nơi trú ẩn gần nhất. Tại các cửa biển, lực lượng chức năng đang quản lý chặt chẽ người, phương tiện, điều tiết việc neo đậu tàu thuyền để hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra khi bão đổ bộ vào đất liền.

Sáng nay 10/11, tại xã đảo Nghi Sơn huyện Tĩnh Gia, hầu hết các tàu thuyền đã tập trung về vịnh Nghi Sơn. Các tàu thuyền ở đây sẽ di chuyển đến các âu tránh bão ở các xã: Hải Bình, Hải Thanh, Hải Hà và dọc sông Yên để tránh bão.

Ông Nghiêm Xuân Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Nghi Sơn cho biết: Toàn bộ 192 phương tiện với 1.400 lao động của xã đã được hướng dẫn đến các nơi tránh trú an toàn trước khi trời tối. Đối với 86 hộ dân với 1.400 ô lồng nuôi cá, xã đang hướng dẫn bà con giằng néo các ô lồng; đồng thời, yêu cầu toàn bộ lao động lên bờ tránh bão trước 17 giờ chiều nay. 416 hộ dân sát mép nước cũng sẽ được di dời đến nơi an toàn. Trường hợp người dân không chấp hành chính quyền sẽ cưỡng chế.

Nghệ An: Công ty TNHH MTV thủy lợi Nam Nghệ An đã khắc phục xong sự cố, bảo đảm an toàn của công trình đập Nghi Công, xã Nghi Công Bắc (huyện Nghi Lộc) có dung tích 2,6 triệu m3 nước, phục vụ tưới tiêu cho 320 ha lúa ở khu vực hạ du sau cơn bão số 11 vừa qua.  Còn tại cống Nghi Quang, xã Nghi Quang, Công ty TNHH MTV thủy lợi Nam Nghệ An cũng đã cho vận hành 12 cửa xả để tiêu nước đệm và mở 1 của cung cho thuyền bè vào tránh bão.

Trước đó, chiều ngày 9/11, đồng chí Trần Hồng Châu, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nghệ An đã đi kiểm tra công tác ứng phó với siêu bão (bão số 14) tại huyện Nghi Lộc và Diễn Châu.

Huyện Nghi Lộc gồm các xã Nghi Quang, Nghi Thiết, Nghi Tiến, Nghi Yên có nhiều hộ dân nằm sát biển. Khi bão đổ bộ kèm theo mưa lớn, nước triều cường dâng cao sẽ gây ngập úng ở các điểm xung yếu. Trong kế hoạch, Nghi Lộc sẽ di chuyển 458 hộ dân với 2018 nhân khẩu đến nơi an toàn.

Tại huyện Diễn Châu, ông Nguyễn Ngọc Võ, Chủ tịch UBND huyện cho biết, ngay khi nhận công điện khẩn của Chủ tịch UBND tỉnh, huyện Diễn Châu đã phân công các thành viên của Ban chỉ huy phòng chống lụt bão huyện xuống tận các xã để chỉ đạo việc kêu gọi tàu thuyền vào bờ trú ẩn, chuẩn bị di dời dân và tổ chức các phương án phòng chống bão.

Tàu cá ngư dân neo đậu tránh bão ở cầu Diễn Kim (Ảnh: báo Nghệ An)

Hiện tại, huyện Diễn Châu đã kêu gọi được 100 tàu cá đánh bắt xa bờ, 300 tàu cá đánh bắt gần bờ về nơi trú ẩn an toàn ở âu thuyền Lạch Vạn. Có 200 chiếc tàu thuyền đang đánh cá ngoài biển đã nhận được lệnh quay vào bờ. Đến trước 16h ngày 9/11, hầu hết các tàu cá của huyện Diễn Châu đều đã tìm được nơi trú ẩn hoặc đưa lên bờ.

Diễn Châu có 5 xã ven biển thấp, nếu nước biển dâng cao khoảng  3-5 mét thì sẽ bị ngập sâu. Huyện đưa ra 2 mức di dời dân khẩn cấp trước bão. Mức thứ nhất, nếu nước biển dâng cao từ 1 - 3 mét thì sẽ có khoảng 374 hộ với 1.335 khẩu ở ngoài đê biển của các xã Diễn Hải, Diễn Ngọc, Diễn Thành vào trú ẩn ở các công sở, trường học kiên cố.

Mức thứ 2, nếu nước biển dâng cao hơn 3 mét, sẽ phải di dời khoảng 4000 hộ dân sát bờ biển đến khu vực cao hơn. Việc sơ tán dân sẽ hoàn thành trước 10h ngày 10/11/2013. Huyện Diễn Châu cũng đã chuẩn bị sẵn sàng một cơ số mì tôm, nước sạch để cấp phát cho 5 xã phải sơ tán.

Hà Tĩnh

Toàn huyện Nghi Xuân đã di dời 2.611 hộ với khoảng 9.200 người dân. Trong đó, xã Xuân Hội có 421 hộ, Xuân Trường 267 hộ, Xuân Đan 206 hộ, Xuân Phổ 68 hộ, Xuân Hải 86 hộ, Xuân Yên 157, Xuân Thành 243 hộ....

Bí thư đảng ủy xã Xuân Giang Đinh Văn Lịch cho biết: Đến nay, xã đã cơ bản hoàn tất việc di dời gần 100 người già và trẻ em dân tại "ốc đảo" Hồng Lam về nơi an toàn tại Trường mầm non xã Xuân Giang; 100 tàu thuyền các loại vào âu thuyền trú bão hoặc đưa lên bờ neo đậu chắc chắn. Sau khi người dân di dời, chính quyền địa phương xã Xuân Giang và huyện Nghi Xuân bố trí lực lượng 40 người gồm: công an, bộ đội, dân quân tự vệ tuần tra canh gác 24/24 để bảo vệ tài sản cho người dân ở ốc đảo Hồng Lam.

Theo Phó Chủ tịch huyện Nghi Xuân Phạm Tiến Hưng, hiện 775 tàu thuyền các loại trên địa bàn huyện đã vào bờ trú bão. Trong đó 29 tàu thuyền đánh bắt xa bờ của Xuân Hội và Xuân Giang đã được lệnh lên đường di chuyển sang neo đậu ở Nghệ An. Đặc biệt, đến thời điểm hiện tại toàn bộ người già, trẻ em ở các xã vùng ven sông, ven biển trên địa bàn đã di dời về nơi tạm trú mới.

Tính đến hết ngày 9/11, huyện Kỳ Anh đã huy động lực lượng, phương tiện tổ chức di dời sơ tán 4.054 hộ với 18.549 người ở 18 xã ven biển.

Chủ động chằng chống nhà cửa (Ảnh: báo Hà Tĩnh)

Tại các xã có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt lưu vực sông, hạ du hồ chứa và đặc biệt hạ du các công trình: Thượng nguồn sông Trí, sông Rác, Kim Sơn… cũng đã sơ tán 461 hộ với 1.838 người.

Toàn huyện có 960 tàu thuyền đã về nơi trú ẩn an toàn.

Quảng Bình: Theo báo cáo của chính quyền địa phương và lãnh đạo các đơn vị, lực lượng liên quan, đến thời điểm hiện tại đã có trên 400 phương tiện tàu thuyền đánh bắt thủy hải sản về neo đậu an toàn tại khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão cửa Gianh. Với tinh thần chủ động triển khai phòng chống lụt bão theo phương châm “4 tại chỗ”, chính quyền địa phương huyện Bố Trạch và các ngành, đơn vị liên quan đã phân công lực lượng và điều động phương tiện cắm chốt tại các địa bàn trọng yếu, sẵn sàng ứng cứu nhân dân khi bão đến.

Nhằm tăng cường các giải pháp phòng chống bão số 14, đồng chí Nguyễn Hữu Hoài, Chủ tịch UBND tỉnh đã yêu cầu huyện Bố Trạch và các đơn vị, địa phương phải tập trung bố trí lực lượng để hướng dẫn số phương tiện tàu thuyền còn lại về nơi trú ẩn an toàn trước khi bão đến. Riêng đối với những hộ dân sinh sống xung quanh khu vực đê, kè có khả năng bị ảnh hưởng trực tiếp của bão, chính quyền địa phương và các lực lượng liên quan khẩn trương triển khai phương án di dời dân, bảo đảm cho người dân không bị ảnh hưởng của triều cường và lũ quét, tránh và hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra.

*  Theo báo cáo nhanh của lãnh đạo huyện Quảng Ninh, hiện nay địa phương đang tích cực triển khai các giải pháp phòng chống bão số 14 gồm: di dời 475 hộ ở các xã Trường Sơn, Hải Ninh, Trường Xuân và vùng thường xuyên bị ngập lụt đến nơi an toàn; bố trí lực lượng công an, quân sự địa phương về trực tiếp tại các vùng xung yếu để chỉ đạo, hỗ trợ và ứng cứu kịp thời; kêu gọi 100% tàu thuyền đánh bắt xa bờ vào các nơi tránh trú bão an toàn, đi đôi  với việc đưa thuyền nhỏ khai thác gần bờ vào sâu đất liền; địa phương cũng đã chuẩn bị dự trữ lương thực, thực phẩm, gồm: gạo, mì tôm, nước uống và cấp về các xã trên địa bàn huyện; chỉ đạo các hộ gia đình chằng chéo nhà cửa, kho tàng; phân công người túc trực tại các cơ sở trường học, trạm y tế, cơ quan, đơn vị; triển khai các phương án bảo đảm an toàn các hồ đập, nhất là đối với hồ Troóc Trâu.

Người dân Quảng Bình khẩn trương chuẩn bị các vật dụng phòng chống bão

Tại huyện Lệ Thủy, hiện địa phương đang thực hiện di dời 975 hộ ở 3 xã Ngư Thủy Bắc, Ngư Thủy Trung và Ngư Thủy Nam đến các địa điểm an toàn; đưa các phương tiện đánh bắt gần bờ vào nơi tránh trú; đối với 882 hộ vùng thường xuyên bị ngập sâu ở các xã vùng giữa và 225 hộ thuộc xã miền núi có nguy cơ bị lũ quét, huyện cũng đã có phương án di dời trong trường hợp khẩn cấp; Bệnh viện Đa khoa Lệ Thủy và Trung tâm Y tế dự phòng chuẩn bị đầy đủ phương tiện, thuốc men để ứng cứu kịp thời; điều động 100% lực lượng công an, quân sự, dân quân tự vệ sẵn sàng cho công tác phòng chống cơn bão số 14…

Hiện, các địa phương đang thực hiện nghiêm túc các công việc sau: tập trung chỉ đạo, sắp xếp và neo đậu an toàn cho tàu thuyền tránh va đập gây thiệt hại về tài sản của nhân dân; kiên quyết không cho người ở lại trên tàu thuyền cũng như các chòi canh nuôi trồng thủy sản trong thời gian bão đổ bộ; nhanh chóng sơ tán dân ra khỏi vùng xung yếu, nhất là đối với các hộ dân ở vùng có nguy cơ xảy ra lũ quét và khu vực có các cột ăngten thu phát sóng; kiểm tra, rà soát lại các hộ có nhà tạm, nhà cấp 4 và kịp thời di dời đến nơi cao ráo đảm bảo tuyệt đối tính mạng của người dân; huy động lực lượng cơ động giúp người dân chằng chéo nhà cửa, trường học, trạm y tế, trụ sở làm việc; quản lý an toàn và điều tiết nước phù hợp tại các hồ đập, tránh xã lũ ồ ạt làm ngập lụt vùng hạ lưu; triển khai thực hiện hiệu quả phương châm “4 tại chỗ”; chú trọng việc dự trữ đầy đủ lượng thực, thực phẩm và phân công lực lượng trực 24/24h nhằm hạn chế mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của nhân dân...

Bố Trạch: Hiện tại đã di dời 650 hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm.

Để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do "siêu bão" số 14 gây ra, huyện Bố Trạch đã chỉ đạo các địa phương tiến hành di dời 650 hộ dân sống trong vùng nguy hiểm là các xã Hải Trạch, Nhân Trạch, Đức Trạch, Đồng Trạch, Mỹ Trạch, Sơn Trạch, Hưng Trạch, Xuân Trạch, Phúc Trạch và thị trấn Hoàn Lão...

Cùng với việc khẩn cấp di dời các hộ dân, đồn biên phòng và các địa phương đã phối hợp kêu gọi 719 tàu đánh bắt xa bờ với trên 8.000 ngư dân về nơi neo đậu an toàn. Các thuyền nhỏ được người dân mang lên tận các bãi cát sâu trong khu dân cư, tránh bị sóng cuốn trôi...

Rút kinh nghiệm từ hai cơn bão số 10 và số 11, người dân các địa phương đã chủ động, tích cực chằng chống nhà cửa với sự chuẩn bị chu đáo hơn. 100% nhà cấp 4 ở các xã vùng biển đã được chằng mái bằng dây thừng cùng bao cát để tránh tốc mái.

Để công tác phòng chống, ứng phó và khắc phục hậu quả bão số 14 hiệu quả, huyện Bố Trạch đã thành lập 10 đoàn công tác đi về những địa bàn xung yếu để kiểm tra và cùng với người dân ứng phó trước, trong và sau bão...

Người dân tỉnh Quảng Bình đào hầm tránh "siêu bão". 

Huyện Minh Hóa: Theo ghi nhận của phóng viên, công tác phòng chống bão Haiyan trên địa bàn huyện Minh Hóa đang hết sức khẩn trương. UBND huyện đã có cuộc họp với lãnh đạo các phòng, ban, chính quyền các xã, thị trấn để bàn công tác đối phó với siêu bão dự kiến đổ bộ trong ít giờ tới.

Trước diễn biến của cơn bão, người dân toàn huyện đang tích cực gia cố nhà cửa, chuồng trại chăn nuôi. Nhiều người đã đi mua lương thực thực phẩm về dự trữ. Các cây xăng trên địa bàn đông nghẹt người đến mua; nhiều cây xanh ven đường, trong vườn nhà cũng được khẩn trương cắt tỉa. Công tác di dời dân tại những nơi xung yếu đang được triển khai một cách nhanh chóng; hệ thống nhà tránh lũ, các cơ quan, trường học kiên cố cũng đã sẵn sàng để cho người dân vào trú ẩn khi có bão xảy ra. Công điện phòng chống bão của UBND huyện đã được thông báo liên tục trên hệ thống loa phát thanh ở các thôn, bản…

Đồng Hới: Khẩn trương triển khai phương án phòng chống cơn bão số 14

Đồng Hới đã kêu gọi được khoảng 550 tàu thuyền với hơn 2.000 ngư dân vào các khu neo đậu an toàn; có phương án di dời, sơ tán khẩn cấp hàng trăm hộ dân ở vùng cửa sông, ven biển và các hộ dân có nhà cấp 4 không đảm bảo, vùng thường xuyên ngập lụt đến nơi an toàn; cán bộ và nhân dân các địa phương tích cực chằng chống nhà cửa, trụ sở cơ quan, kho tàng và các công trình xung yếu; kiểm tra và chống đỡ hệ thống đường dây và các cột điện, hệ thống cây xanh; Phòng Giáo dục và Đào tạo cũng đã có công văn chỉ đạo các trường học cho học sinh nghỉ học nhằm đảm bảo an toàn...

Trước tình hình diễn biến phức tạp của siêu bão Haiyan, UBND thành phố Đồng Hới yêu cầu, các phòng, ban và các xã, phường cần thực hiện nghiêm túc các công điện của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh và UBND thành phố về thực hiện các phương án phòng chống cơn bão số 14; tổ chức phân công cụ thể cán bộ trực tiếp về chỉ đạo 24/24h tại các xã, phường, thôn, tổ dân phố, nhất là đối với những khu vực ven biển, thường xuyên ngập lụt và sạt lở; chủ động dự trữ lương thực, thực phẩm, nước uống và thuốc men đầy đủ; các xã, phường tập trung phòng chống bão theo phương châm “4 tại chỗ”...

Quảng Trị

Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải cùng lão đạo tỉnh kiểm tra công tác PCLB 

Để kịp thời chỉ đạo các địa phương chủ động ứng phó với siêu bão Haiyan (bão số 14) trước đó, ngày 9/11, đoàn công tác của Chính phủ do Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải dẫn đầu đã kiểm tra công tác PCLB ở tỉnh Quảng Trị.

Tại các điểm sơ tán dân đến tránh trú bão, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải yêu cầu các địa phương tập trung triển khai công tác phòng chống bão; tổ chức chằng chống lại nhà cửa, kho tàng, tiếp tục di dời những người dân còn lại đến trú tránh ở những công trình kiên cố như trường học, đồn biên phòng, trạm y tế và các ngôi nhà kiên cố; bảo vệ tuyệt đối an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân, tài sản của nhà nước. Ưu tiên di dân ở những nơi sát biển đến nơi cao hơn để tránh sóng biển dâng cao. Trong quá trính sơ tán dân, chú trọng đến các đối tượng người già, trẻ em, người tàn tật; đảm bảo đủ lương thực, thực phẩm, nước uống cho nhân dân, không để người dân quay trở lại nhà ở khi cơn bão chưa qua...

Kiểm tra Khu neo đậu tránh trú bão Nam Cửa Việt ở xã Triệu An (huyện Triệu Phong), Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đề nghị bà con ngư dân neo đậu tàu thuyền đúng cách, không để va đập hư hỏng, đảm bảo an toàn phương tiện tàu thuyền; đồng thời tuyệt đối không để người ở lại trên tàu, trên các lồng bè, hồ nuôi tôm sát biển; đề nghị người dân phát huy tinh thần tương thân tương ái, đoàn kết, giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau, cùng nhau ứng phó tốt trước những diễn biến phức tạp của siêu bão Haiyan.

Tại địa bàn các xã vùng núi xung yếu như Hướng Linh, Hướng Phùng, Hướng Việt đang đứng trước nguy cơ sạt lở đất, đá và lũ quét khi bão đổ bộ vào. Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã kiểm tra điểm sạt lở thôn Xa Bai (xã Hướng Linh) ước tính trên 3000 m2 đất, do đó phải cắm biển báo nguy hiểm để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông; kiểm tra tình hình tại đập thủy điện Rào Quán và các tuyến sông suối xung yếu trên địa bàn.

Tại huyện Đakrông, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh  Mai Thức đã tiến hành kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng chống bão Haiyan tại địa bàn các xã Đakrông, Tà Long, A Vao, đặc biệt là các xã nằm trong vùng có nguy cơ xảy ra ngập úng, lũ quét như xã Mò Ó, Ba Lòng, Triệu Nguyên và hệ thống công trình thủy điện trên địa bàn. Đối với các công trình thủy điện cần phối hợp với chính quyền các địa phương có phương án phòng ngừa, đảm bảo an toàn hồ đập và bảo vệ tài sản, tính mạng cho người dân.

Tàu thuyền vào nơi neo đậu tránh trú bão tại xã Triệu An (Triệu Phong)

Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh, đến 19 giờ tối qua (9/11(, toàn bộ 2.508 tàu, thuyền của tỉnh Quảng Trị đã vào bờ neo đậu, trú ẩn an toàn, trong đó có 2.486 tàu thuyền neo đậu tại các bến trong tỉnh, có 10 tàu, thuyền của các tỉnh bạn cũng đã vào neo đậu trú tránh bão an toàn. Tỉnh chỉ đạo đến 21 giờ đêm nay, tất cả ngư dân trên thuyền phải lên bờ đến nơi an toàn để tránh trú bão. Tổ chức di dời 20.502 hộ với tổng cộng 80.107 nhân khẩu đến nơi tránh trú bão an toàn. Toàn tỉnh có 130 hồ thủy lợi, 1 công trình thủy lợi thủy điện và 204 đập dâng đã được gia cố và bảo vệ nghiêm ngặt. Công tác di dời dân tránh bão vẫn đang được triển khai ngay trong đêm nay cho đến 7 giờ sáng ngày 10/11 sẽ hoàn tất công tác di dời. Toàn bộ tài sản của người dân và cơ quan công sở đã được chằng chéo cẩn thận, sẵn sàng ứng phó với bão Haiyan có thể đổ bộ vào Quảng Trị.

Thừa Thiên Huế:

UBND TP Huế đã  triển khai các phương án phòng chống bão. Theo đó, các địa phương, cơ quan, ban ngành, đơn vị trên địa bàn tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về diễn biến của bão đến tận người dân; khẩn trương kiểm tra, bảo vệ các kho tàng, nhà xưởng, công sở, trường học, các công trình đang thi công; giằng chống nhà cửa, chặt tỉa cành cây, đảm bảo an toàn giao thông, an toàn lưới điện, thông tin liên lạc, chủ động chuẩn bị các điều kiện để thực hiện có hiệu quả phương châm “4 tại chỗ”.

Tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh di dời được hơn 29.000 hộ dân với hơn 113.000 nhân khẩu ở các vùng xung yếu, vùng sạt lở, ngập lũ nơi an toàn trước khi bão đổ bộ.

Giúp dân chằng chống nhà cửa tại xã Quảng Ngạn (Quảng Điền)

Lực lượng vũ trang thành phố, UBND các phường sẵn sàng lực lượng, phương tiện trực tìm kiếm cứu nạn và xử lý các tình huống. Các doanh nghiệp viễn thông, các đơn vị có hệ thống cột an ten tổ chức kiểm tra để có giải pháp đảm bảo an toàn hệ thống cột an ten và các thiết bị đi kèm, thông báo và sơ tán các hộ dân gần khu vực các cột an ten có nguy cơ mất an toàn...

Các thành viên Ban chỉ huy PCBL thành phố về cơ sở kiểm tra, giám sát lại công tác giằng chống nhà cửa, dự trữ lương thực, thuốc men và các nhu yếu phẩm khác. Hiện, các địa phương đã dự trữ trên 412 nghìn kg gạo, 721.580 gói mì ăn liền, 1.896 áo phao và 262 ghe thuyền...

Toàn TP Huế có 4.855 hộ với 16.804 khẩu cần sơ tán, di dời đến nơi an toàn. Trong đó, số hộ cần sơ tán tại chỗ là 1.007 hộ, số hộ cần di dời là 2.258 hộ.

Ông Nguyễn Đại Vui, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền khẳng định: Huyện đã chỉ đạo các địa phương rà soát, có phương án di dời dân vùng thấp trũng, ven biển, ven sông suối lên tránh, trú bão tại những nhà kiên cố. Lương thực, thực phẩm, nước uống cũng phải chủ động để không một người dân nào đói, rét trong mưa bão.

Theo dự kiến, Phong Điền có hơn 2.343 hộ dân phải di dời đến nơi an toàn khi bão số 14 đổ bộ vào đất liền. Phong Điền cũng đã ra thông báo, ưu tiên người già, trẻ em được di dời trước, số còn lại đến cuối ngày 10/11 buộc phải di dời, cương quyết không để một ai ở lại khi bão lũ đến. Hiện, Phong Điền đã chuẩn bị dự trữ 65 tấn gạo, 1.759 thùng mì tôm, 1.000 gói lương khô, 930 lít dầu hỏa, 1510 lít dầu dizen, 500 lít xăng và nhiều nhu yếu phẩm khác, ông Vui cho biết thêm.

Người dân Phong Điền chằng chống nhà cửa trước khi bão đổ bộ

Quảng Nam: Ban PCLB tỉnh cho biết, tính đến 17 giờ chiều hôm qua 9/11, cả tỉnh đã sơ tán được 21.000 hộ với 99.163 người dân ở vùng nguy hiểm thuộc 10 huyện, thành phố đến nơi trú bão an toàn. Kế hoạch đến trước 19 giờ sẽ sơ tán toàn bộ 45 hộ với 163.529 dân đến nơi an toàn.

Hội Chữ thập đỏ tỉnh cũng đã dự trữ sẵn 200 tấn gạo, 100 thùng mì tôm, nước uống, thuốc men… sẵn sàng hỗ trợ cho người dân trong và sau bão.

Hàng ngàn người dân được sơ tán đến khu vực an toàn

Thành phố Đà Nẵng: Đã lên phương án sơ tán các hộ dân vùng ven biển với hơn 74.000 người đi tránh bão. Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão thành phố cho biết sẽ đưa hết những ngư dân ở lại tàu thuyền đến nơi an toàn trước khi bão vào, thậm chí phải thực hiện cưỡng chế, tuyệt đối không để ngư dân dưới tàu thuyền.

Quảng Ngãi:

Đến thời thời điểm này, để chủ động đối phó với cơn bão Haiyan, xã Nghĩa Phú đã dự trữ 3 tấn gạo, 100 thùng mì, 50 thùng nước khoáng và nhiều nhu yếu phẩm, thuốc men để cung cấp cho người dân phải di dời tránh bão.

Toàn xã Nghĩa Phú có 145 hộ ở 4 thôn được xác định phải di dời, trong đó đặc biệt nhất là là 76 hộ với 379 khẩu 2 thôn Cổ Lũy Nam và Cổ Lũy Làng Cá phải di dời khẩn cấp.

Đối với xã Nghĩa An, chính quyền địa phương đã rà soát tất cả 3.876 cần di dời ra khỏi địa bàn xã. Đến 17 giờ chiều nay, xã Nghĩa An kết thúc di dời dân và tàu thuyền. Các trường học  trên địa bàn cũng đã chuẩn bị sẵn để di chuyển dân vào tránh trú. Chính quyền địa phương cũng đã kêu gọi tàu thuyền đến các khu vực tránh trú bão an toàn.

Tại vũng neo trú tàu thuyền An Hải, gần 400 phương tiện tàu cá đang hoạt động trên biển đã vào nơi tránh trú an toàn, trong đó có gần 40 phương tiện tàu cá đang khai thác hải sản tại ngư trường Trường Sa cũng đã kịp chạy về cập đảo tìm nơi tránh trú an toàn.

Xác định bão số 14 có  khả năng đổ bộ trực tiếp vào đảo Lý Sơn vào rạng sáng  10.11, Ban chỉ huy PCLB&TKCN huyện Lý Sơn đã khẩn trương họp bàn để có biện pháp đối phó với bão, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền để người dân chủ động chằng chống nhà cửa.

Các địa phương còn tổ chức đoàn phân công lực lượng xuống địa bàn để kiểm tra, đôn đốc theo dõi, nắm tình hình công tác phòng chống bão, tổ chức di dời trên 40 hộ dân sống ở các vùng nguy hiểm có nguy cơ sạt lở cao về nơi tránh trú an toàn, đảm bảo về tài sản cũng như tính mạng cho người dân khi mưa bão đổ bộ vào đảo trong đêm tối.

Ông Trần Ngọc Nguyên-Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn cho biết, đến thời điểm này công tác phòng chống bão tại địa bàn huyện đảo đã cơ bản hoàn tất, toàn bộ tàu cá đã vào nơi neo đậu an toàn, gần 4.000 nhà dân đã được chằng chống đảm bảo, việc di dời dân ra khởi vùng nguy hiểm đến 17 giờ ngày 9.11 đã cơ bản hoàn tất.

Để tránh thiệt hại do siêu bão Haiyan (bão số 14), các địa phương ven biển ở huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa cũng đã khẩn trương tổ chức các lực lượng tuyên truyền cho người dân chằng chống nhà cửa và chuẩn bị sơ tán khi bão vào, chuẩn bị các phương tiện cứu hộ, cứu nạn và trực sẵn sàng cứu nạn khi có lệnh. (Xem chi tiết bài phản ánh "Các địa phương ven biển chuẩn bị ứng phó với siêu bão Haiyan")

Tại TP Quảng Ngãi để đối phó với siêu bão Haiyan nhiều người dân  đổ xô đến các cửa hàng vật liệu để mua bao cát về chằng chống nhà cửa chống bão và dầu hỏa để dự trữ phòng khi cúp điện.

Thiếu tá Nguyễn Văn Nam, đang công tác tại đảo Song Tử Tây thông tin cho Báo Quảng Ngãi điện tử: Chấp hành mệnh lệnh chỉ đạo của Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân, Bộ Tư lệnh Vùng 4, từ ngày 7/11, cán bộ, chiến sĩ, nhân dân tại xã đảo Song Tử Tây đã chủ động tích cực làm tất cả các biện pháp để phòng, chống siêu bão.

Hệ thống nhà cửa, các công trình chiến đấu đã được chằng buộc chắc chắn; các vật chất từ nơi có thể bị ngập úng được đưa về nơi an toàn, các tổ công tác chống sập, chống ngập, cứu hộ, Quân y cấp cứu đã chuẩn bị đày đủ vật chất sẵn sàng làm nhiệm vụ.

Hiện trong Âu tàu xã đảo Song Tử tây có 64 tàu cá (Bình Định 27, Quảng Ngãi 28, Quảng Nam 04, Phú yên 05).  Đảo đã hoàn thành công tác di dời 736 ngư dân từ tàu lên đảo (Bình Định 224, Quảng Ngãi 334, Quảng Nam 144, Phú Yên 34) được bố trí nơi ăn, nghỉ chu đáo; quân y đã khám, cấp phát thuốc cho 30 ngư dân. Đối với nhân dân và các cháu nhỏ sinh sống trên đảo đã được di dời đến vị trí an toàn.

Khánh Hòa:

Trung tá Nguyễn Văn Dũng, Chính trị viên phó đảo Song Tử Tây cho biết: Từ trưa hôm qua (9/11), trên các đảo Song Tử Tây, Sơn Ca, Len Đao, Sinh Tồn Đông... mưa bắt đầu xối xả, gió giật cấp 9 cấp 10.

Tàu của ngư dân được bộ đội Hải quân hướng dẫn, giúp đỡ neo đậu tại âu tàu đảo Song Tử Tây.

Trên đảo Song Tử Tây, quân và dân hối hả vận chuyển đồ đạc về vị trí an toàn, dưới âu tàu, bộ đội dầm mình trong mưa gió, giúp tàu thuyền của các ngư dân neo đậu, chằng buộc phương tiện.

Trung tá Nguyễn Đức Dụ, Đảo trưởng đảo Sinh Tồn Đông, cho biết: Chúng tôi cảm nhận rõ sự nguy hiểm của siêu bão qua tiếng gió và tiếng sóng xô bờ ầm ầm. Hiện gió ở đây giật khoảng cấp 8, sóng cấp 7. Cán bộ, chiến sĩ trên đảo đã chuẩn bị chu đáo mọi mặt, sẵn sàng đối phó các tình huống để hạn chế thấp nhất thiệt hại khi bão đi qua.

Đại úy Hà Ngọc Tuấn, Chính trị viên đảo Len Đao cho biết, mặc dù trời mưa mỗi lúc một to, gió lớn nhưng các chiến sĩ của đơn vị vẫn đang đội mưa chằng buộc hệ thống cửa sổ, quạt gió, pin năng lượng mặt trời....

Bình Định

Hiện trên địa bàn tỉnh đã có 46 hồ chứa đã đầy nước và qua tràn. Để đảm bảo an toàn cho hồ chứa, Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi tỉnh đã xả nước hồ chứa Định Bình với lưu lượng 254 m3/giây, xả hồ Vạn Hội lưu lượng 6 m3/giây.

Bộ đội và dân quân địa phương dồn cát vào bao giúp dân giằng mái nhà chống bão

Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Chỉ huy PCLB- TKCN tỉnh đã phân công cán bộ xuống các địa phương, cơ sở để kiểm tra, chỉ đạo công tác ứng phó với bão, chuẩn bị sơ tán, bảo vệ dân... Đến chiều 9.11, có 67 tàu/521 ngư dân của tỉnh còn nằm trong khu vực nguy hiểm của bão Haiyan đã liên lạc được với ngành chức năng.

Trong đó khu vực quần đảo Hoàng Sa có 3 tàu/24 người di chuyển về phía Bắc vĩ tuyến 180N; khu vực quần đảo Trường Sa 64 tàu/407 người đã vào các đảo: Song Tử Tây 27 tàu/213 người; Trường Sa Đông 10 tàu/84 người, đảo An Bang 6 tàu/43 người, đảo Phan Vinh, Tốc Tan, Tiên Nữ 21 tàu/157 người đã neo đậu giằng buộc an toàn. Nhóm 273 tàu cá/3.897 người  đã sang vùng biển Malaysia tránh bão. Khu vực phía Nam từ Phú Yên đến Kiên Giang có 1.986 tàu/14.376 người làm nghề câu mực, đã vào bờ neo đậu tránh trú an toàn. Khu vực phía Bắc từ Quảng Ngãi đến Quảng Ninh có 183 tàu/1.273 người. Các tàu này đang trên đường chạy vào bờ tránh bão. Ngoài ra, có 4.836 tàu/22.201 người hoạt động khai thác thủy hải sản ven bờ đã về nơi neo đậu trong tỉnh.

Theo đại tá Trương Đức Nghĩa, Tổng Công ty Viễn thông Quân đội - Chi nhánh Bình Định đã điều 2 canô cao tốc cùng phối hợp với các lực lượng của tỉnh để sẵn sàng ứng phó với bão Haiyan.

Công an tỉnh tổ chức quán triệt nhiệm vụ cho 208 cán bộ chiến sĩ Đội xung kích phòng chống lụt bão được tuyển chọn từ các đơn vị thuộc cơ quan CA tỉnh và cấp phát phương tiện, dụng cụ nhằm đảm bảo phòng chống bão lũ, cứu hộ cứu nạn hiệu quả. Sáng 10/11, lực lượng này ứng trực tại cơ quan CA tỉnh sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ khi có yêu cầu. Các đơn vị nghiệp vụ, CA huyện thị xã, TP cũng đã kiểm tra công tác đảm bảo phương tiện tại chỗ, triển khai lực lượng phối hợp với ngành chức năng kiểm tra các hồ thủy lợi, bám sát địa bàn, nắm tình hình trong nhân dân, sẵn sàng tham gia di dời nhân dân khỏi vùng nguy hiểm do lụt bão gây ra. Cảnh sát giao thông cũng đã kiểm tra các tuyến đường đảm bảo cho việc thực hiện phương án chống ùn tắc đường do lụt bão; Cảnh sát đường thủy phối hợp với Bộ đội Biên phòng tuyên truyền hướng dẫn ngư dân neo đậu tàu thuyền tránh bão. Cảnh sát kinh tế phối hợp với các cơ quan doanh nghiệp kiểm tra công tác bảo vệ kho tàng…Cùng với việc khẩn trương triển khai phòng chống lụt bão, các đơn vị, CA địa phương cũng đã tăng cường các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh với bọn tội phạm lợi dụng thời tiết bất ổn để hoạt động phạm pháp.

Bộ Chỉ huy BĐBP Bình Định phối hợp với Cảnh sát đường thủy Bình Định bố trí lực lượng cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ chốt chặn kêu gọi tất cả các tàu thuyền, hướng dẫn bà con ngư dân vào khu vực neo đậu để tránh bão an toàn.  Đồng thời Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh chỉ đạo các Đồn, Trạm các phòng, ban trực quân số và cử 2 tàu tuần tra, 4 canô và 2 trung đội sẵn sàng trực 24/24 giờ để ứng phó khi có yêu cầu.

*  Trường ĐH Quy Nhơn tổ chức sơ tán 108 sinh viên ở tầng 5 thuộc C4 sang tầng trệt C5 ký túc xá của Trường nhằm đảm bảo an toàn tính mạng cho sinh viên khi có mưa bão Haiyan xảy ra. Tầng 5 thuộc C4 có trần thạch cao đã cũ, nóc lợp bằng mái ngói nên nguy cơ đổ vỡ rất cao khi có mưa bão lớn. Được biết, toàn trường nghỉ làm việc, nghỉ dạy và học trong 2 ngày 9 và 10/11.

* Do những ngày mưa vừa qua, tại xã vùng cao Canh Liên, huyện Vân Canh có mưa to đến rất to, gây sạt lở trên 400 m3 đất, đá thuộc 2 tuyến đường bê tông nông thôn dẫn đến trung tâm cụm xã, đoạn dốc làng Cà Bưng và tuyến đường làng Chồm đi Canh Tiến. Ngoài ra, mưa lũ còn làm sập mố cầu Bản Suối Lâu (làng Chòm), gây ách tắc, chia cắt giao thông các làng Cà Nâu, Cà Bưng, Hà Giao, Kon Lót, Làng Chòm…

P.V