Lời tự bạch của loài rắn

09:12 | 12/02/2013

3,177 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - “Năm rồng, con người đua nhau sinh đẻ, bởi vì rồng là con vật linh thiêng quý phái. Khổ cho thân tôi! Rắn cũng mình dài uốn éo như rồng nhưng sao ai cũng sợ! Nối tiếp năm con rồng, hãy cho rắn tôi vài lời tự bạch. Hiểu nhau rồi, dễ đối xử hơn!”.

Con nhà rắn muôn màu muôn vẻ

Thân mình tôi dài hình trụ, không có chân tay, được bao bọc bằng lớp vảy trơn láng hoặc hình thoi. Đôi mắt tôi không có mí mắt, nhưng được một lớp màng bảo vệ. Mỗi lần lột da, tôi lại có một lớp vảy mới thật tuyệt. Thân dài, đương nhiên các cơ quan nội tạng của tôi cũng có dạng thon dài. Con người cứ tưởng tôi nghe được tiếng họ, nhưng thực ra tôi bị điếc bẩm sinh. Bù lại, tạo hóa đã ban cho tôi khả năng cảm nhận được chấn động. Ai rảnh rỗi đếm thử sẽ thấy tôi có tối thiểu 100 đốt sống. Một số đồng loại của tôi còn có đến 500 đốt sống. Phần lớn loài rắn đã bị thoái hóa lá phổi trái và chỉ còn sử dụng được lá phổi bên phải. Phổi tôi chiếm đến 1/3 chiều dài thân mình: phần phổi trước đảm nhận việc trao đổi khí còn phần phổi sau giữ vai trò cơ học.

Loài rắn chúng tôi thuộc hạng mưu lược đầy mình. Đa số đều có màu “áo” kín đáo phù hợp với môi trường thiên nhiên để tránh bị săn bắt, đồng thời mai phục tấn công con mồi cho dễ. Một số loài như rắn san hô châu Mỹ theo kế đả thảo kinh xà mặc bộ cánh rất hoa hòe nhằm mục đích thông báo cho các loài khác biết ta đây là dân “quậy” nguy hiểm. Nhiều bạn rắn nước hiền lành như bụt lại to lớn kềnh càng, thích phùng mang trợn má và khoác lớp “áo” mang màu nóng như rắn dữ chứ thật ra chỉ là kế giả si bất điên nhằm trốn tránh bọn bất lương. Nếu xét về cách đi đứng thì đồng loại của tôi mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười.

Loài rắn rõ ràng không thể đạt danh hiệu bò nhanh nhất trong các loài bò sát nhưng vận tốc di chuyển cũng không đến nỗi tệ. Loài rắn đen Dendroaspis polylepis có thể phóng đến 20km/giờ đấy! Phần lớn đồng loại của tôi chỉ thích bò dưới đất nhưng cũng có một số loài rắn sống trên cây hoặc dưới đại dương. Có 50 loài không thể sống ở đâu khác ngoài khu vực nước ấm ở Biển Đỏ, Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Họ không bao giờ lên đất liền, quần tụ từ bờ biển ra ngoài đến tối đa 50km và hầu như được xem là động vật sống dưới nước.

Loài rắn có thể sống rất thọ so với các loài động vật khác: 30 tuổi đối với rắn hoang dã và 40 tuổi đối với rắn nuôi. Con người ngưng phát triển ở tuổi 25 còn bọn tôi liên tục phát triển suốt cuộc đời bằng cách lột da nhiều lần trong năm (chính vì vậy mà con người đã dùng thành ngữ “lột da sống đời”) một khi lớp da cũ đã quá chật hẹp. Vài ngày trước khi lột da, theo quy luật của tạo hóa, tôi nhịn ăn nhịn uống chờ cho chất hormone trong người tôi tiết ra. Tôi sẽ cọ mình vào đá hoặc vỏ cây để làm cho lớp da cũ rách thêm lộn ngược ra phía sau đuôi.

Leptotyphlops carlae là loài rắn nhỏ nhất trong thế giới loài rắn

Lột da còn dễ chứ muốn sinh con đẻ cái rất khó khăn, đặc biệt là rắn đực như tôi. Phải tranh giành và đánh nhau thật hăng với nhiều tên tình địch khác mới được “nàng” để mắt tới. Nói thật lòng, tôi gần gũi với “nàng” hết sức tinh tế trong khi nhiều gã mây mưa với rắn cái lồng lộn không khác gì cưỡng bức. Rắn đẻ trứng không tốn sức lo cho trứng như rắn đẻ con, nhưng đặc biệt có loài rắn hổ mang bành hoàng thượng Ophiophagus hannah (rắn lớn nhất trong các loài rắn có nọc độc) biết cách chăm sóc rắn con mới nở rất tốt. Riêng loài trăn sẽ quấn mình chung quanh trứng ấp cho trứng nở rồi sau đó lại bỏ mặc trăn con đi lang bạt kỳ hồ.

Đa số đồng loại của tôi đều ăn thịt. Có bạn chỉ chuyên ăn một vài món ưa thích và cũng có bạn chén nhiều thứ trong các món: chim, cá, côn trùng, trứng, ếch nhái, rắn, động vật có vú... Tôi phát hiện con mồi nhờ chiếc lưỡi chẻ đôi làm nhiệm vụ máy dò các phân tử mùi rồi thông báo cho các tế bào khứu giác ở vòm họng hoặc nhờ các hố ở hai bên đầu giữa mắt và lỗ mũi giữ vai trò như cửa sổ cảm ứng nhiệt. Các hố trên mặt rất nhạy cảm với tia hồng ngoại, có thể dò mức độ dao động cực nhỏ của nhiệt độ (0,10C) do con mồi máu nóng tạo ra khi di chuyển.

Những chuyện rắn tôi không hề muốn

Loài rắn độc giết mồi bằng cách tiết nọc độc từ tuyến nọc tiêm vào con mồi. Nọc độc loài rắn Viper phá hủy huyết cầu và thành mạch máu, gây phù, xuất huyết và cuối cùng tim ngừng đập. Nọc độc của rắn san hô, rắn mamba, rắn mang bành đầu độc thần kinh gần giống như chất hoàng nàn được thổ dân châu Mỹ tẩm vào tên bắn. Con mồi chết do đường hô hấp tắc nghẽn. Nói chung, trừ nọc độc rắn hổ mang bành có đặc tính chống đông máu, nọc độc các loài rắn độc khác đều kích thích máu đông lại.

Rắn hai đầu

Loài rắn Viper có các mấu răng cố định ở hàm trên, nối qua đường dẫn đến tuyến nọc và nhiều mấu răng di động sẽ chĩa ra phía trước khi hàm mở to và gấp lại vào vòm họng khi hàm khép lại. Các mấu răng di động nối với một ống thông nhỏ xíu giữ vai trò như cây kim tiêm nọc độc. Mấu răng càng dài, nọc độc được tiêm càng mạnh. Rắn mang bành dùng chiêu thức “vận nội công” bắp thịt toàn thân có thể phóng ra hỗn hợp nước bọt và nọc độc xa 2m làm mù mắt đối phương.

Vì nhiều nguyên nhân, mỗi năm gần 1 triệu người trên thế giới bị rắn cắn và hơn 30.000 người đã tử vong. Tác dụng của nọc độc và số lượng nọc độc phóng ra thay đổi tùy theo loài rắn. Vết cắn của rắn taipan thuộc loài Oxyuranus ở Australia rất dễ gây tử vong ngay nếu nạn nhân không được tiêm huyết thanh giải độc nhanh chóng. Loài rắn này dài 3-4m, tiết loại nọc độc phá hoại đường máu lẫn hệ thần kinh. May mà loài rắn này chỉ sống ở vùng hoang mạc nên hiếm khi cắn chết người.

Ở Australia còn có một loài rắn khác gọi là rắn viper tử thần sống trong vùng khô cằn và có cát. Bọn này hoạt động về đêm, ban ngày vùi nửa mình dưới cát nên rất khó bị phát hiện. Vì vậy, bầy gia súc rất hay bị chúng cắn. Nghe nói có giả thuyết cho rằng một số loài rắn ở Australia xuất thân từ loài rắn sống dưới nước. Chúng đã an cư lạc nghiệp trên đất liền nhưng nọc độc độc không kém gì rắn biển.

Trăn châu Phi là loài trăn lớn nhất tại lục địa này

Họ rắn nhà tôi thường sống định cư một chỗ và lệ thuộc chặt chẽ với sinh cảnh. Do đó, nếu không đủ khả năng thích ứng nhanh chóng với môi trường, bọn tôi lại là những động vật đầu tiên bị tiêu diệt một khi môi trường bị hủy hoại. Đã có thời dân phương Tây mua trăn về nuôi trong nhà như nuôi chó cảnh. Hiện nay, bọn tôi vẫn lo sợ sẽ bị tuyệt chủng vì rắn độc bị giết mà rắn không độc cũng bị vào nồi, lên chảo làm món nhắm cho các bợm rượu. Cũng may ở nhiều nơi khác trên thế giới, người ta tuy chưa xem rắn như vật nuôi trong nhà nhưng vẫn dung dưỡng cho rắn sống chung để bắt chuột bọ.

Thảo Nguyên