LNG Nga hướng tới chiếm 25% thị phần thế giới vào 2030

10:29 | 12/07/2021

630 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Cục điều tiết năng lượng quốc gia (CDU TEK), Bộ Năng lượng LB Nga mới đây đã có bài viết xoay quanh Chương trình phát triển sản xuất LNG dài hạn đến năm 2035, đã được Chính phủ LB Nga phê duyệt vào tháng 3 vừa qua. Theo CDU TEK, điểm đáng chú ý nhất của Chương trình này là sản lượng LNG của Nga dự kiến sẽ tăng lên 140 triệu tấn vào năm 2035, cao hơn 4 lần so với sản lượng LNG năm 2020 là 30,5 triệu tấn. Chương trình cũng đưa ra các biện pháp nhằm kích thích sản xuất LNG và tăng khả năng cạnh tranh của toàn ngành khí đốt Nga trong dài hạn.
LNG Nga hướng tới chiếm 25% thị phần thế giới vào 2030
Nhà máy LNG của Novatek ở Yamal, LB Nga. Nguồn: Novatek

Yếu tố nhu cầu tiêu thụ

Theo các nhà phân tích, khí đốt thiên nhiên đóng vai trò như một “nhiên liệu chuyển đổi” trong quá trình chuyển đổi năng lượng toàn cầu. Bên cạnh đó, việc sản xuất khí đốt còn đóng vai trò là phương án dự phòng, bổ sung nguồn năng lượng trong phát triển các nguồn NLTT. Theo BP, tổng mức tăng trưởng tiêu thụ năng lượng toàn cầu trong giai đoạn 2009 - 2019 lên tới 20,9% và tăng trưởng sản xuất khí đốt trong giai đoạn này đạt 35,9%, cao hơn so với mức tăng trưởng sản xuất dầu thô (+16,6%) và than đá (+15,2%).

Nhu cầu tiêu thụ khí đốt thiên nhiên toàn cầu dự kiến sẽ tăng trưởng ổn định, từ 3.700 tỷ m3/năm hiện tại lên 4.400 tỷ m3/năm vào năm 2030 và tăng lên 5.500 tỷ m3/năm vào năm 2050. Đồng thời nhu cầu LNG đến năm 2030 sẽ tăng lên 521 triệu tấn và đến năm 2050 sẽ tăng lên 882 triệu tấn. Ở tất cả các khu vực trên thế giới, ngoại trừ châu Âu (nhu cầu tiêu thụ khí đốt tại đây được dự báo giảm nhẹ) sẽ ghi nhập tăng trưởng tiêu thụ khí đốt liên tục. Ở các thị trường tại khu vực châu Á-TBD, tiêu thụ khí đốt vào năm 2030 sẽ tăng 1,6 lần so với năm 2018. Tại châu Phi, tiêu thụ khí đốt vào năm 2050 sẽ tăng 2,8 lần so với hiện nay. Các nhà phân tích từ Viện Nghiên cứu năng lượng, Viện Hàn lâm khoa học liên bang Nga và Trung tâm năng lượng, Trường quản lý Skolkovo dự báo, tổng tiêu thụ khí đốt toàn cầu đến năm 2030 sẽ là 4.600 tỷ m3/năm và đến năm 2050 là 5.100 tỷ m3/năm. Động lực chính cho tăng trưởng tiêu thụ khí đốt là lĩnh vực sản xuất điện.

Các cơ quan phân tích hàng đầu thế giới cũng đã đưa ra hai kịch bản cao và thấp đối với phát triển tiêu thụ khí đốt thiên nhiên. Ở kịch bản cao (tính đến sự chuyển đổi sang tiêu thụ khí đốt nhanh chóng của các quốc gia và các lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế), tiêu thụ LNG toàn cầu đến năm 2030 sẽ tăng gấp hai lần so với năm 2018, đạt mức 718 triệu tấn/năm. Ở kịch bản thấp (giả định hầu hết các nước đang phát triển từ bỏ chương trình nghị sự “xanh”, sự hỗ trợ cho các nguồn NLTT giảm), tiêu thụ LNG toàn cầu đến năm 2030 chỉ đạt 421 triệu tấn/năm.

Theo số liệu của BP, trong hai năm 2018-2019, sản lượng LNG thương mại đã tăng gấp đôi so với mức trước khủng hoảng năm 2008, trong khi thương mại khí đốt đường ống giữa các nước lại giảm 5,3%. Trong năm 2019, sản lượng LNG thương mại và khí đốt đường ống đã tương đương nhau, lần lượt là 499,4 tỷ m3 và 485,1 tỷ m3.

Trong hai thập kỷ qua, tốc độ xây dựng các cơ sở tái hóa khí đã tăng lên. Cuối năm 2019, công suất tái hóa khí toàn cầu đã đạt 920 triệu tấn/năm. Ngoài ra, tổng công suất 131 triệu tấn/năm trong các dự án tái hóa khí đang được xây dựng. Nhu cầu LNG được dự báo sẽ vượt quá sản lượng trong năm 2027. Và đây là cơ hội thực sự cho các dự án LNG của Nga đang trong giai đoạn thiết kế và chưa nhận được quyết định đầu tư cuối cùng (FID).

Những điểm nhấn tăng trưởng

Chương trình phát triển sản xuất LNG dài hạn nhấn mạnh, nguồn khí đốt đường ống và LNG của Nga không đối đầu nhau và không cạnh tranh nhau trên thị trường quốc tế. Hai nguồn năng lượng này phải mang tính bổ trợ cho nhau. Một biện pháp quan trọng để phát triển sản xuất LNG là tự do hóa hơn nữa xuất khẩu LNG, đồng thời tạo cơ chế kiểm soát và loại bỏ những hành vi xâm phạm lợi ích kinh tế của Nga trên thị trường khí đốt toàn cầu. Nội dung này cũng đã được nêu trong Chiến lược năng lượng quốc gia LB Nga. Do đó, khi lập kế hoạch hình thành các cụm sản xuất LNG tại Nga, Chương trình nhấn mạnh sự cần thiết triển khai thành công các dự án khí đốt đường ống gồm North Stream, North Stream 2, Power of Siberia, Power of Siberia 2 nhằm khai thác tối đa các mỏ khí đốt tiềm năng. Các cơ sở tài nguyên khí đốt quy mô lớn chủ yếu nằm ở bán đảo Yamal và Gydan, phần phía bắc của Vùng Krasnoyarsk, khu vực bờ biển Viễn Đông (bao gồm cả Sakhalin) cũng như vùng thềm lục địa tại biển Okhotsk và Bắc Băng Dương.

Theo Chương trình, chi phí sản xuất LNG tại các cơ sở tài nguyên của Nga ở mức 0,2-1 USD/MMBTU. Chi phí vốn (CAPEX) cho các dự án là từ 2-4 USD/MMBTU, chi phí vận chuyển LNG đến người tiêu dùng là từ 1,5-2 USD/MMBTU. Tổng chi phí LNG của Nga tại các thị trường mục tiêu sẽ từ 3,7-7 USD/MMBTU. Các đối thủ cạnh tranh chính của Nga trên thị trường LNG đến năm 2030 sẽ là Qatar, Australia, Mỹ với mức giá LNG tại thị trường châu Á-TBD từ 2,8-11 USD/MMBTU. Việc phát triển sản xuất LNG lên 140 triệu tấn/năm sẽ giúp Nga tăng xuất khẩu nhiên liệu này trong giai đoạn 2021 - 2030, góp phần tạo nguồn thu 150 tỷ USD và thu hút ít nhất 150 tỷ USD đầu tư vào nền kinh tế Nga.

Các nhà máy sản xuất LNG và những dự án triển vọng

Một số dự án LNG hiện đang vận hành gồm:

  • Sakhalin-2 LNG: công suất thiết kế đạt 9,6 triệu tấn/năm. Trong năm 2019, nhà điều hành đã sản xuất 11,2 triệu tấn LNG. Nhà máy dự kiến mở rộng công suất và xây dựng dây chuyền công nghệ thứ 3 với công suất 5,4 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, việc mở rộng dự án đang gặp khó khăn do thiếu cơ sở tài nguyên.

  • Yamal LNG: công suất thiết kế đạt 16,5 triệu tấn/năm. Từ năm 2021, sau khi đưa dây chuyền công nghệ thứ 4 vào hoạt động, công suất của nhà máy sẽ đạt 19 triệu tấn/năm.

  • Vysotsk LNG: dự án được khởi công vào năm 2019 nhằm cung cấp LNG cho khu vực Baltic. Cơ sở tài nguyên là nguồn khí đốt từ Hệ thống cung cấp khí đốt thống nhất toàn Nga. Hiện tại, nhiên liệu LNG đã được phân phối trong khu vực

Một số dự án đang trong giai đoạn xây dựng:

  • Arctic LNG 2: dự án có công suất thiết kế 19,8 triệu tấn/năm, dự kiến vận hành dây chuyền đầu tiên vào năm 2023. Cơ sở tài nguyên của dự án là mỏ Utreneye với trữ lượng khí đốt loại C1+C2 là 2.200 tỷ m3

  • Portovaya LNG: công suất thiết kế đạt 1,5 triệu tấn/năm, dự kiến được Gazprom đưa vào vận hành trong năm 2021. Cơ sở tài nguyên của dự án là Hệ thống cung cấp khí đốt thống nhất toàn Nga.

Một số dự án có thể được triển khai trong trung và dài hạn:

  • Obskyi LNG: công suất thiết kế đạt 5-6 triệu tấn/năm. Việc thông qua FID của Novatek đã bị hoãn lại do cuộc khủng hoảng trên thị trường năng lượng.

  • Baltic LNG: dự án có công suất thiết kế đạt 13,3 triệu tấn/năm, là một phần của khu phức hợp xử lý khí giàu etan và sản xuất LNG. Dự án dự kiến vận hành vào năm 2024-2025.

  • Arctic LNG-2: dự án có công suất thiết kế đạt 19,8 triệu tấn/năm, dự kiến được Novatek vận hành sau năm 2027.

  • Yakutsk LNG: dự án có công suất thiết kế đạt 17,7 triệu tấn/năm, dự kiến được vận hành trong giai đoạn 2026 - 2028.

  • Dalnevostochnyi LNG: dự án có công suất thiết kết đạt 6,2 triệu tấn, sử dụng cơ sở tài nguyên của dự án Sakhalin-1.

Các biện pháp hỗ trợ sản xuất LNG

Theo Chương trình, Chính phủ LB Nga đã thực hiện các giải pháp hỗ trợ ngành công nghiệp khí trong nhiều năm qua, giúp nâng cao sức cạnh tranh của Nga trên thị trường LNG thế giới. Tỷ trọng LNG trong cơ cấu nguồn cung khí đốt trong nước tăng từ 5% lên 8%; công nghệ hóa lỏng “Arctic Cascade” đang được phát triển; cơ sở hạ tầng giao thông tại Vịnh Obsk và trên Tuyến hàng hải phương Bắc (NSR) cũng đang được phát triển. Cho đến nay, ngành khí đốt Nga đang thực hiện các biện pháp khuyến khích như: áp dụng thuế xuất khẩu ở mức 0 đối với nhiên liệu LNG; bỏ quy định giá khí bán cho các doanh nghiệp sản xuất LNG để xuất khẩu; bỏ quy định giá bán khí thiên nhiên sử dụng công nghệ hóa lỏng khí để phát triển thị trường khí hóa và thị trường nhiên liệu khí động cơ.

Một số ưu đãi áp dụng cho các dự án LNG ở bán đảo Yamal và Gydan:

  • Áp dụng thuế khai thác khoáng sản 0% đối với sản xuất khí đốt thiên nhiên cho đến khi sản lượng khí lũy kế đạt 250 tỷ m3 và trong thời hạn không quá 12 năm kể từ thời điểm xuất bán lô LNG đầu tiên;

  • Áp dụng thuế suất NDPI 0% đối với khai thác condensate kết hợp khí thiên nhiên cho đến khi sản lượng tích lũy đạt 20 triệu tấn và trong thời hạn không quá 12 năm kể từ thời điểm xuất bán lô LNG đầu tiên;

  • Giảm thuế thu nhập cho các doanh nghiệp có hoạt động sản xuất LNG quy mô lớn tại Khu tự trị Yamalo-Nhenhetsk, ở mức 13,5% trong vòng 12 năm và áp dụng đối với các dự án đã vận hành trước tháng 01/2021. Áp dụng mức thuế 11,5% trong vòng 12 năm đối với các dự án vận hành sau ngày 01/01/2021.

  • Áp dụng thuế xuất khẩu 0% đối với condensate, sản xuất tại mỏ Nam-Tambeiskoye.

Ngoài ra, các chủ thể liên bang còn có quyền: giảm thuế thu nhập doanh nghiệp theo khu vực về mức 0; miễn thuế tài sản đối với loại tài sản phục vụ tổ hợp công nghệ để khai thác và sản xuất LNG ở bán đảo Yamal và Gydan; miễn thuế nhập khẩu hàng hóa vào LB Nga để phục vụ cho xây dựng và vận hành nhà máy LNG tại mỏ khí ngưng tụ Nam-Tambeiskoye; miễn thuế giá trị gia tăng đối với thiết bị và công nghệ nhập khẩu phục vụ các dự án LNG.

Trong trung và dài hạn, Chương trình đưa ra đề xuất cung cấp các hỗ trợ nhà nước cần thiết đối với các dự án sử dụng LNG trên cùng vùng khí hậu; giám sát thường xuyên các cơ sở sản xuất LNG quy mô lớn; khuyến khích hoạt động tìm kiếm, thăm dò tại Bắc Cực. Một lĩnh vực khác trong triển khai Chương trình là xây dựng các dự án LNG quy mô nhỏ, giúp đẩy nhanh quá trình khí hóa khu vực và cung cấp năng lượng cho các khu vực xa xôi, không tiếp cận được với Hệ thống cung cấp khí đốt thống nhất toàn Nga.

Tiến Thắng