Liệu có cào bằng tăng trưởng tín dụng năm 2012?

08:27 | 22/12/2011

576 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Như thường lệ, Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam, sự kiện diễn ra trước Hội nghị Nhóm Tư vấn các nhà tài trợ (CG), diễn ra vừa qua đã được các doanh nghiệp trong và ngoài nước tận dụng để kiến nghị những khó khăn trong hoạt động kinh doanh. Lĩnh vực ngân hàng được các doanh nghiệp "quan tâm" nhiều nhất và ý kiến nổi bật là "trụ cột 4" liên quan đến các biện pháp của Nghị quyết 11.

Trên thực tế điều này không có gì là khó hiểu bởi hệ thống ngân hàng là nơi cung cấp vốn gần như là duy nhất đối với nền kinh tế hiện nay đã và đang siết chặt cung ứng tín dụng ra thị trường. Ông Louis Taylor, Tổng giám đốc Ngân hàng TNHH MTV Standard Chartered (Việt Nam), Trưởng nhóm Công tác Ngân hàng (BWG) nhận xét, kiểm soát lạm phát là trọng tâm đúng đắn trong chính sách của Chính phủ từ đầu tháng 3 với việc đưa ra Nghị quyết 11. Chính phủ cũng thể hiện vai trò lãnh đạo rõ ràng trong việc theo đuổi đường lối này thông qua việc triển khai một số các biện pháp khó khăn: mức lãi suất cao; hạn chế tăng trưởng tín dụng; ấn định trần lãi suất huy động; khuyến khích sử dụng tiền đồng thay vì USD và vàng.

“Trên đây là một số biện pháp chính đã được ban hành. Chúng tôi ủng hộ chiến lược mà Chính phủ đang theo đuổi và ủng hộ việc duy trì chiến lược này đủ lâu để bảo đảm rằng việc ổn định cả giá cả và tiền đồng được tái thiết lập. Với đồng tiền và giá cả ổn định, Việt Nam sẽ có một nền tảng vững chắc để có thể đạt tăng trưởng cao trong tương lai”, ông Louis Taylor nói.

Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam năm 2011

Rõ ràng, đứng trước bối cảnh nền kinh tế vĩ mô đầy thách thức của năm 2011, ngành ngân hàng và tài chính đã phải chịu nhiều biện pháp chính sách mạnh mẽ gây ảnh hưởng bất lợi tới các hoạt động của ngành. Đặc biệt, trong một nền kinh tế đã chứng kiến sự tăng tín dụng ngân hàng từ 65% GDP lên khoảng 125% GDP trong 5 năm qua việc tiếp tục tăng trưởng như vậy là không bền vững và cần phải được quản lý. Tuy nhiên, Nghị quyết 11 giới hạn tăng trưởng tín dụng của từng ngân hàng không quá 20% vào năm 2011 và có vẻ như sẽ có một giới hạn tăng trưởng vào năm 2012. Việc áp dụng một tỉ lệ tăng trưởng duy nhất lên tất cả các ngân hàng, bất kể sức mạnh vốn, khả năng quản lý rủi ro, bản chất của việc cho vay đến các khu vực sản xuất của nền kinh tế hoặc các tiêu chí khách quan nào khác, sẽ không mang lại kết quả tốt nhất cho nền kinh tế Việt Nam.

Nó thưởng cho quy mô của một ngân hàng hơn là chất lượng của một ngân hàng. Các ngân hàng lớn được ưu ái và các ngân hàng nhỏ bị phạt NHNN đã khẳng định một cách đúng đắn rằng, NHNN quan tâm tới chất lượng của các ngân hàng mà mình quản lý chứ không phải là quy mô của chúng và giới hạn tăng trưởng tín dụng nên phản ánh điều đó”, một chuyên gia ngân hàng nhận định.

Đồng quan điểm trên, ông Alain Cany, Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu (EuroCham) chia sẻ, việc giới hạn tăng trưởng tín dụng có thể phù hợp trong bối cảnh lạm phát cao nhưng việc áp dụng các giới hạn tăng trưởng tín dụng tương tự với tất cả các ngân hàng lại có vẻ giúp cho các tổ chức lớn và phạt các doanh nghiệp nhỏ. Việc tiếp tục giới hạn tăng trưởng tín dụng có thể phân bổ sự tăng trưởng cho các tổ chức tài chính lớn chứ không đơn giản là các tổ chức lớn nhất. Rất nhiều các ngân hàng nước ngoài thu vốn vào cuối năm 2010 để tuân thủ các quy định về vốn tối thiểu và các giới hạn về người vay đơn lẻ, vì sự hạn chế trong tăng trưởng tín dụng đã loại bỏ khả năng của họ trong huy động vốn một cách hiệu quả.

“Chúng tôi hy vọng rằng, các cơ quan chức năng sẽ nhận ra điều này rõ hơn vào năm 2012 khi những tổ chức có bản cân đối kế toán tốt và quản lý tốt thì họ có thể phân bổ tăng trưởng tín dụng cho các tổ chức vì lợi ích tổng thể của nền kinh tế Việt Nam. Một vài thành tựu trong năm 2011 là rất tích cực nhưng vẫn có sự giới hạn trong nhiều vấn đề chủ yếu là do môi trường kinh tế bất lợi. Chúng tôi hy vọng rằng, tiến trình này có thể được thúc đẩy nhanh hơn trong năm 2012 khi lạm phát được kiềm chế và sự ổn định quay trở lại nền kinh tế”, ông Alain nhấn mạnh.

Một chuyên gia ngân hàng nhận định, giới hạn tăng trưởng tín dụng dưới 20% là không phù hợp với một số NHTM vừa tăng mạnh vốn điều lệ, quy mô vừa mở rộng trong khi dư nợ trong năm 2010 ở mức thấp nên cần một mức tăng trưởng cao hơn để cân đối. Bên cạnh đó, với giới hạn tăng trưởng tín dụng cào bằng như vậy, những ngân hàng có các hệ số an toàn cao, tiềm lực vốn mạnh nhưng không thể đẩy mạnh cho vay dẫn đến hạn chế sự phân bổ nguồn lực vốn trong hệ thống.

“Thực tế thị trường đã chứng minh, nếu tiếp tục hạn chế tăng trưởng tín dụng ngân hàng, nên phân bổ tăng trưởng tín dụng bị giới hạn này cho các ngân hàng có thể sử dụng nó tốt nhất một cách hiệu quả cho nền kinh tế, dựa trên các biện pháp khách quan”, ông Louis gợi ý.

An Thu