Lạt mềm buộc chặt

07:00 | 21/12/2013

1,250 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Việc lần đầu tiên xác nhận tàu Trung Quốc và tàu USS Cowpens của Mỹ suýt đâm nhau hôm 5/12 ở Biển Đông càng chứng tỏ sự xuống thang của Washington trong vấn đề nhạy cảm này.

Năng lượng Mới số 284

Dư luận quan tâm tới đề xuất của Ủy ban đặc biệt về lãnh thổ thuộc Đảng Dân chủ Tự do Nhật bản về việc thực hiện chương trình “Dự báo thời tiết” tại khu vực tranh chấp lãnh thổ với các nước láng giềng như quần đảo Takeshima/Dokdo, quần đảo Senkaku/Điếu Ngư và 4 đảo phương Bắc, quần đảo Kuril qua các phương tiện truyền thông. Động thái này cho thấy, Nhật Bản quyết không lùi bước trước những bất ổn tại biển Hoa Đông.

Trong khi đó tờ Nhân Dân nhật báo cho biết, trong năm 2013, có 99 tàu cá của tỉnh Quảng Tây xuống đánh bắt trái phép ở ngư trường thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. 99 tàu này đã thu được 11.180 tấn thủy sản, tăng 26,16% so với năm 2013. Hành động kể trên của Trung Quốc rõ ràng vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa.

Trung Quốc được thể lấn tới

Ngày 18/12, Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã bác bỏ thông tin nói về tình huống bất thường giữa tàu USS Cowpens của Mỹ và tàu Trung Quốc hôm 5/12 trên Biển Đông với khẳng định: thời điểm gặp tàu Mỹ, tàu Trung Quốc đang tiến hành tuần tra như thường lệ và khi tiếp cận, họ đã hành động theo đúng các giao thức và áp dụng các biện pháp cần thiết. Trước đó (16/12), tờ Thời báo Hoàn Cầu cho rằng, tàu USS Cowpens của Mỹ đã quấy rối đội hộ tàu tống tàu sân bay Liêu Ninh khi đi vào “lớp bảo vệ vòng trong” và gây mối đe dọa an ninh đối với Trung Quốc. Thời báo Hoàn cầu cho rằng, Washington đã giả vờ ngây thơ sau sự cố kể trên. China News Service còn nói, Mỹ lâu nay luôn dùng cớ hoạt động trên vùng biển quốc tế, nhưng thật ra để theo dõi Trung Quốc.

Tổng thống Philippines Benigno Aquino (phải) có cuộc gặp với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry

Trong khi đó tờ Washington Free Beacon đưa tin, chỉ huy tàu USS Cowpens đã phát tín hiệu cảnh báo đối với một trong những tàu hộ tống tàu sân bay Liêu Ninh, nhưng tàu này vẫn tiếp tục tiến thẳng về phía tàu Mỹ. Khi cách khoảng 460m, thủy thủ tàu USS Cowpens buộc phải bẻ ngoặt tay lái, tránh một cuộc đụng độ nguy hiểm. Theo phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Marie Harf, Chính phủ Mỹ quan tâm đến sự cố này và Washington sẽ bàn vấn đề này với Bắc Kinh ở cấp độ cao hơn. Nhưng phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ, Ðại tá Steve Warren lại hạ thấp mức độ nghiêm trọng của vấn đề này khi cho rằng, vụ việc đã được giải quyết bằng cách thức chuyên nghiệp và đúng thông lệ.

Động thái kể trên của Trung Quốc được coi là nhằm ngăn chặn Mỹ theo dõi hoạt động của tàu sân bay Liêu Ninh tại Biển Đông. Tuy nhiên, giới chuyên môn coi phương pháp xử lý tình huống vừa qua của lãnh đạo hải quân Trung Quốc là một sai lầm. Tờ điện tử The Japan Times của Nhật Bản có bài viết “Hành động của Mỹ khiến Trung Quốc thêm mạnh bạo” của ông Brahma Chellaney, Giáo sư chiến lược thuộc Trung tâm Nghiên cứu chính sách Ấn Độ. Trong đó cảnh báo, Mỹ sẽ gánh chịu hậu quả nếu dung túng cho Trung Quốc thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông. Tờ Yomiuri Shimbun cảnh báo, Trung Quốc đang tiến mạnh trên con đường tăng cường sức mạnh cho lực lượng hải - không quân nước này. Theo đó, trong ADIZ, máy bay cảnh báo sớm KJ-2000 của Trung Quốc có thể theo dõi động thái của các loại máy bay Nhật - Mỹ. Máy bay chiến đấu tàng hình J-20 và J-31 có triển vọng được đưa vào chiến đấu thực tế sau vài năm nữa.

Mỹ thắt chặt quan hệ với Philippines

Ngày 18/12, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã tới thăm thành phố Tacloban của Philippines với lời hứa về khoản viện trợ nhân đạo mới trị giá 25 triệu USD. Cũng trong ngày 18/12, Tổng thống Philippines Benigno Aquino tuyên bố, Manila sẽ chi 8,17 tỉ USD để tái thiết các khu vực bị siêu bão Haiyan tàn phá trong vòng 4 năm tới. Tổng thống Benigno Aquino cho biết, Manila cần tổng cộng 130 tỉ peso (2,95 tỷ USD) để tái thiết các khu vực ở miền Trung nước này vừa bị siêu bão Haiyan tàn phá.

Trước đó (17/12), ông John Kerry tuyên bố: Hòa bình và ổn định tại Biển Ðông là ưu tiên hàng đầu đối với Mỹ và những quốc gia trong vùng. Mỹ rất quan ngại và cực lực chống lại những chiến thuật cưỡng chế và hung hăng để đạt được chủ quyền. Ngoại trưởng Mỹ cam kết tài trợ 40 triệu USD để giúp Philippines bảo vệ lãnh hãi trong bối cảnh tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc leo thang. Ông John Kerry đã có cuộc gặp với Tổng thống Benigno Aquino và hội đàm với Ngoại trưởng Albert del Rosario để thảo luận cách thức thúc đẩy liên minh hàng hải song phương; đồng thời kêu gọi Manila tham gia “hiệp ước đồng minh quan trọng”; và nhấn mạnh: Mỹ cam kết hợp tác với Philippines để giải quyết những thách thức an ninh cấp bách nhất.

Chánh văn phòng Chính phủ Nhật Bản Yoshihide Suga

An ninh hàng hải, trong đó có vấn đề Biển Đông là một trong những nội dung được đề cập trong cuộc gặp giữa Ngoại trưởng John Kerry với các nhà lãnh đạo Philippines. Chuyến thăm Philippines của ông John Kerry nhằm thúc đẩy thỏa thuận mở rộng sự hiện diện quân sự của Mỹ tại quốc gia này như một phần của chiến lược hướng tới Châu A - Thái Bình Dương của Tổng thống Barack Obama. Học giả Ian Storey, thành viên cao cấp tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore cho rằng, việc gia tăng hỗ trợ nhân đạo và ứng phó với thảm họa cho Manila có thể đem lại thêm nhiều sự hỗ trợ cho hiệp ước quân sự giữa hai nước. Cho tới nay Mỹ là quốc gia đóng góp lớn nhất cho Philippines sau siêu bão Haiyan.

Cũng tại Manila, ông John Kerry đã bày tỏ lo ngại sâu sắc về việc Trung Quốc lập ADIZ trên biển Hoa Đông, đồng thời cảnh báo Bắc Kinh về ý đồ lập ADIZ ở Biển Đông. Philippines từng khuyến cáo về khả năng Trung Quốc sẽ lập ADIZ ở Biển Đông. Ngoại trưởng John Kerry cho biết, Mỹ không ủng hộ các hành động đơn phương, gây khiêu khích, làm tăng sức nóng và các xung đột tiềm tàng; đồng thời nhấn mạnh việc ASEAN phải hành động nhanh chóng và sớm hoàn thành Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) bởi coi COC là chìa khóa để giảm nguy cơ rủi ro hoặc các tính toán sai lầm tại vùng biển tranh chấp.

Tờ Philippine Star vừa dẫn lời Tổng thống Benigno Aquino cho biết, ông đã ký thỏa thuận nhận số tàu trị giá 184 triệu USD theo hình thức vay hỗ trợ và lô hàng đầu tiên có thể về đến Philippines trong năm 2015. Philippines sẽ sớm bổ sung 10 tàu tuần tra hiện đại do Nhật Bản cung cấp nhằm tăng cường khả năng tuần tra biển trong bối cảnh tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc ở Biển Đông ngày càng gia tăng. Trước đó tờ Eleven Myanmar cho biết, Myanmar sẽ sử dụng quyền lãnh đạo của mình trong vai trò Chủ tịch luân phiên ASEAN để cố gắng cải thiện mối quan hệ giữa Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản về vấn đề Biển Đông.

Nhật - Trung vẫn không ngừng khẩu chiến

Ngày 17/12, Tokyo thông báo, nội các của Thủ tướng Shinzo Abe đã nhất trí chi 24,7 nghìn tỉ yen (khoảng 240 tỉ USD) cho lực lượng vũ trang trong giai đoạn 2014-2019, tăng 5% của mức 23,5 nghìn tỉ yen trong 5 năm qua. Con số này được cho là còn có thể tăng thêm 700 tỉ yen nếu Bộ Quốc phòng có thể tiết kiệm và tăng cường tính hiệu quả trong sử dụng ngân sách. Số tiền kể trên sẽ dùng để mua sắm nhiều loại vũ khí mới như 17 trực thăng vận tải đa năng cánh xoay MV-22 Osprey, 52 xe đổ bộ AAV-7A1, 44 xe tăng Type 10, 99 xe chiến đấu Maneuver, 3 máy bay vận tải tiếp dầu trên không KC-767 hoặc KC-46, 3 máy bay không người lái Global Hawk Block 40, 4 máy bay trinh sát điện tử, săn ngầm E-737 hoặc E-2D AEW&C, 10 máy bay vận tải Kawasaki C-2, 28 chiếc tiêm kích tàng hình F-35A, 2 tàu khu trục BMD Aegis, 8 tàu chiến ven bờ, 5 tàu ngầm và 23 máy bay săn ngầm Kawasaki P-1 ASW.

Nhật Bản dự kiến mua thêm 17 máy bay vận tải Osprey có khả năng cất cách thẳng đứng

Số vũ khí kể trên sẽ thay thế cho những vũ khí lỗi thời mà Nhật Bản đang sử dụng. Tokyo sẽ xây dựng một hệ thống quốc phòng chung với sự tăng cường liên kết giữa các lực lượng không quân, lục quân và hải quân. Theo kế hoạch, Nhật Bản sẽ chuyển quân từ phía bắc tới những hòn đảo xa ở phía tây nam, thành lập đơn vị đổ bộ có khả năng giành lại các đảo xa như Senkaku/Điếu Ngư, phối hợp với các chiến dịch của Lực lượng Phòng vệ nhằm tăng cường giám sát và phản ứng nhanh trước các biến cố bất ngờ.

Ngày 18/12, Tân Hoa xã có bài viết chỉ trích gay gắt Nhật Bản và Thủ tướng Shinzo Abe khi cho rằng, Tokyo đang ngày một hiếu chiến và đi ngược lại với con đường phát triển hòa bình trước đây. Trước đó (17/12), phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh đã kêu gọi Nhật Bản quan tâm đến những quan ngại “hợp lý và công bằng” về an ninh của các nước trong khu vực. Những phát biểu trên cho thấy, Bắc Kinh thực sự đang lo lắng trước bước đi của Tokyo.

Trong khi đó Chánh văn phòng Chính phủ Nhật Bản Yoshihide Suga đã bảo vệ những phát biểu của Thủ tướng Shinzo Abe vềADIZ mà Trung Quốc thiết lập trên biển Hoa Đông. Ông Yoshihide Suga khẳng định, Nhật Bản và ASEAN đã đồng ý đảm bảo tự do hàng không và an toàn của máy bay thương mại. Ông Yoshihide Suga cũng tuyên bố, Trung Quốc cần chấp nhận việc cộng đồng quốc tế quan ngại về ADIZ mới thiết lập trên biển Hoa Đông, sau khi Bắc Kinh chỉ trích Tokyo là “kẻ vu khống có dã tâm”.

Quan ngại của Ấn Độ, Hàn Quốc và Indonesia

Ngày 18/12, Hãng tin Yonhap (Hàn Quốc) cho biết, Giám đốc Văn phòng Đông Bắc Á của Bộ Ngoại giao Hàn Quốc Park Joon-yong đã triệu Phó đại sứ Nhật Bản tại SeoulTakashi Kurai để phản đối việc Tokyotái tuyên bố chủ quyền tại quần đảo tranh chấp Dokdo/Takeshima. Ông Park Joon-yong đề nghị Tokyo xóa phần tuyên bố chủ quyền quần đảo Dokdo/Takeshima khỏi văn bản về chính sách quốc phòng mới được Nhật Bản thông qua hôm 17/12.

Cũng trong ngày 17/12, tờ The Korea Herald đưa tin, Seoul đang xem xét khôi phục Ban Thư ký thường trực Hội đồng An ninh Quốc gia. Việc này diễn ra sau khi Trung Quốc lập Ủy ban An ninh quốc gia và Nhật Bản thành lập Hội đồng An ninh quốc gia. Trước đó (14 giờ ngày 15/12), lần đầu tiên Hàn Quốc điều máy bay cảnh báo sớm Peace Eye của không quân đến tuần tra vùng trời phía nam bãi đá ngầm Leodo sau khi ADIZ mở rộng của nước này chính thức có hiệu lực. Trước khi máy bay Peace Eye bay tới bầu trời phía nam bãi đá ngầm Leodo, Hàn Quốc không thông báo cho Trung Quốc.

Ngày 16/12, tờ Press Trust of India cho biết, quân đội Trung Quốc vừa vượt biên bắt 5 du mục của Ấn Độ tìm súc vật lạc đường, sau khi can thiệp, những người này mới được thả. Bộ trưởng Quốc phòng Antony cho biết, sự kiện này đã được giải quyết ổn thỏa, nhưng do tồn tại tranh chấp, xảy ra đối đầu ở biên giới Trung - Ấn là điều có thể. Được biết, Ấn Độ đã mời 4 công ty Larsen & Toubro (L&T), Pipavav Defence, Offshore Engineering và nhà máy đóng tàu ABG4 tham gia gói thầu đóng 4 tàu đổ bộ trị giá 2,6 tỉ USD.Đây là nỗ lực đầu tiên Ấn Độ đóng tàu 20.000 tấn, nhằm nâng cao khả năng tác chiến đổ bộ và khả năng vận chuyển trên biển của hải quân nước này.

Trước đó, khi phát biểu tại cuộc họp các tư lệnh hải - lục - không quân ở thủ đô New Delhi, Thủ tướng Manmohan Singh đã nhấn mạnh tới sự cần thiết phải nâng cấp năng lực của lực lượng vũ trang, đồng thời tán thành sự tham gia của lĩnh vực tư nhân bởi tình hình tại các láng giềng liền kề và tình trạng bất ổn định trong khu vực.

Trong khi đó, Đại tá hải quân Agus Heryana, Chỉ huy trưởng Căn cứ hải quân Tanjung Pinang của Indonesia cho biết, vì quần đảo Natuna không nằm trong phạm vi tuyên bố chủ quyền chồng chéo của các bên liên quan đến Biển Đông nên vẫn an toàn. Tuyên bố này được đưa ra trong bối cảnh hải quân Indonesia đang tích cực tăng cường củng cố, mở rộng các căn cứ hải quân và triển khai 3 tàu chiến ở vùng biển xung quanh Natuna để bảo vệ khu vực này. Đại tá Agus Heryana cũng cho rằng, yêu sách “đường lưỡi bò” trên Biển Đông của Trung Quốc không phải là vấn đề đối với Indonesia, bởi đây là tuyên bố của Bắc Kinh nên không có căn cứ, không được Liên Hiệp Quốc công nhận và Trung Quốc không thể làm bất cứ điều gì họ muốn tại đây.

Ngày 16/12, tờ Thời báo Hoàn Cầu cho biết, nguyên mẫu thứ hai của máy bay vận tải quân dụng cỡ lớn thế hệ mới Y-20 do Trung Quốc tự nghiên cứu phát triển đã bay thử lần đầu tiên thành công ở một trung tâm bay thử ở miền Tây Trung Quốc.

Điều này cho thấy, công nghệ quan trọng của máy bay vận tải cỡ lớn Y-20 ngày càng hoàn thiện, việc chế tạo thuận lợi và lô đầu tiên sẽ được biên chế trong năm 2016. Dự kiến, nhu cầu tối thiểu của quân đội Trung Quốc đối với máy bay Y-20 là trên 300 chiếc và như vậy 2 nhà máy chế tạo máy bay sản xuất hết công suất trong 10 năm mới đáp ứng con số này.

Sáng 13/12, lễ bàn giao, đặt tên tàu hộ vệ tên lửa mới - tàu Tam Á, số hiệu 574 cho Hạm đội Nam Hải đã diễn ra tại quân cảng Tam Á với sự tham dự của Tư lệnh Hạm đội Nam Hải Tưởng Vĩ Liệt, Chỉ huy tàu hộ vệ Tam Á Vương Khải.


Hồng Thất Công - Tuấn Quỳnh