Lao động xuất khẩu không trở về - vì sao?

06:17 | 08/10/2017

1,166 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Những năm qua, hàng vạn lao động ở các địa phương đi các nước làm việc, cải thiện đời sống cho bản thân và gia đình.

Đó là chính sách của Nhà nước, tạo công ăn việc làm cho số lao động dư thừa, thất nghiệp. Song chính lực lượng này lại gây khó dễ cho công tác xuất khẩu lao động, ảnh hưởng đến quan hệ hợp tác giữa nước ta với một số nước vì hàng nghìn người hết hạn lao động ở nước ngoài nhưng đã lẩn trốn và ở lại.

Hiện nay, Hà Tĩnh đang là tỉnh có nhiều người đi lao động xuất khẩu tại Hàn Quốc nhưng hết thời hạn lao động theo hợp đồng, đã bỏ trốn rồi ở lại lao động tự do. Thậm chí có người chưa làm việc hết thời gian lao động trong hợp đồng cũng đã bỏ trốn.

lao dong xuat khau khong tro ve vi sao

Mấy năm trước, tình trạng lao động xuất khẩu từ Việt Nam sang Hàn Quốc rồi ở lại quá nhiều nên đã bị Hàn Quốc dừng nhận lao động từ Việt Nam sang. Sau nhiều lần đàm phán, cam kết, phía Hàn Quốc mới ký lại chương trình hợp tác lao động xuất khẩu với nước ta trong thời hạn 2 năm. Theo văn bản ký kết này thì còn 7 tháng nữa mới hết hạn, nếu không còn tình trạng lao động Việt Nam trốn lại Hàn Quốc thì chương trình mới được ký tiếp. Vậy mà hiện nay, hàng nghìn lao động Việt Nam vẫn tiếp tục bỏ trốn rồi làm việc “chui” ở Hàn Quốc.

Thời gian 7 tháng nữa sẽ trôi đi rất nhanh, khó có thể triệu hồi được hàng nghìn người đang chui lủi khắp đất nước Hàn Quốc về Việt Nam được. Điều đó cũng có nghĩa là hàng vạn lao động trong nước đã được học nghề, học tiếng Hàn sẽ không được đi lao động bên Hàn Quốc. Những người đi trước đã làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người đi sau. Đây là bài toán nan giải không chỉ với tỉnh Hà Tĩnh mà còn với nhiều địa phương khác và ngành lao động, xã hội.

Vì sao lại có tình trạng nhiều người lao động ở lại Hàn Quốc như vậy? Nguyên nhân có từ hai phía, nhưng chủ yếu vẫn do những người lao động Việt Nam gây nên. Ở trong nước, họ đang là người thất nghiệp, miếng cơm, manh áo hằng ngày còn chưa đủ, nhưng đi xuất khẩu lao động họ có thu nhập cao, có tiền gửi về gia đình. Trung bình mỗi xã hằng năm nhận được hàng chục tỉ đồng của người nhà từ Hàn Quốc chuyển về. Thực tế là nhiều làng xã có người đi lao động ở Hàn Quốc đã thay đổi diện mạo rất nhanh. Nhiều gia đình đang ở nhà tranh, vách đất nay đã có nhà xây 2-3 tầng, tiện nghi đầy đủ, mức sống cao hơn; thậm chí có “của ăn, của để”. Vì thế, người đi lao động muốn ở lại để tiếp tục kiếm thêm lưng vốn, lo cuộc sống lâu dài cho gia đình. Và thế là họ đã ở lại bất hợp pháp.

Còn về phía bạn, có những doanh nghiệp làm ăn không thuận lợi, thu nhập thấp so với kỳ vọng của người lao động nên người lao động bỏ đi, tìm chỗ làm ăn khác khá hơn. Đồng thời, nước bạn cũng có những doanh nghiệp rất cởi mở, thu nhận lao động dễ dãi nên người đang cần việc làm được tiếp nhận dễ dàng mà không qua tuyển chọn khó khăn gì. Đó là điều kiện cho người lao động bất hợp pháp ở lại.

Có một điều kiện ràng buộc đối với người lao động trước khi đi xuất khẩu là phải ký gửi 100 triệu đồng cho cơ quan chức năng, chỉ được hoàn lại khi hết hợp đồng lao động và về nước. Tuy nhiên, với những người có công việc kiếm ăn được ở Hàn Quốc thì họ sẵn sàng chịu mất số tiền đặt cọc đó, vì chỉ bằng thu nhập vài ba tháng của họ. Cho nên 100 triệu không thể trở thành sức ép để kéo họ về.

Hà Tĩnh đang tích cực vào cuộc để vận động các gia đình có con em đang bỏ trốn ở Hàn Quốc kêu gọi họ về. Nhưng như trên đã nói, “ma lực” của đồng tiền đối với vùng quê nghèo khó không thể sớm khiến họ thay đổi ý định hồi hương. Tỉnh cũng đưa ra điều kiện là huyện nào có từ 70 người đang bỏ trốn ở Hàn Quốc thì không được cho người đi xuất khẩu lao động nữa. Với điều kiện ấy thì Hà Tĩnh đang có gần 10 huyện phải chịu thiệt thòi. Mấy nghìn con người đang đứng trước nguy cơ không được đi xuất khẩu lao động vì Hà Tĩnh đang có tới hơn 1.200 người lẩn trốn bên Hàn Quốc.

Hậu quả nhỡn tiền này chắc chắn Hà Tĩnh không khắc phục nổi. Bộ LĐ-TB&XH sẽ cùng vào cuộc, phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc để xử lý. Phía Hàn Quốc cũng đã có những cuộc rà soát, lùng bắt những lao động bất hợp pháp nhưng hiệu quả chưa cao. 7 tháng nữa là khoảng thời gian ngắn ngủi để giải quyết vấn đề nan giải này. Nguy cơ hàng chục người lao động đã qua đào tạo, tuyển chọn và đang chờ đợi sẽ không có cơ hội được sang Hàn Quốc làm việc nữa.

Niềm hy vọng mong manh chỉ còn chờ vào ý thức tự giác của người lao động và sự động viên của gia đình họ để vì lợi ích chung của cộng đồng mà họ sớm trở về.

Linh Trang