Làm từ thiện - Khó hay dễ?

19:00 | 04/06/2021

|
(PetroTimes) - Những ngày qua, người dân cả nước đang gồng mình chống lại sự bùng phát của dịch Covid-19 với bao nhiêu khó khăn vất vả. Đây là thời điểm cần nhất sự đồng lòng, sẻ chia nhưng sự chậm trễ chuyển tiền làm từ thiện của một cá nhân đã gây ra sự phẫn nộ và chia rẽ sâu sắc.

Trước tiên, người viết bài này không có mục đích bàn về chuyện đúng sai của một vài cá nhân mà chỉ mong muốn dưới góc nhìn của mình để làm rõ một vấn đề là niềm tin vào điều thiện.

Có lẽ trên thế giới này không đất nước nào, dân tộc nào lại làm việc thiện nhiều như Việt Nam. Nước chúng ta còn nghèo, mỗi năm lại phải hứng chịu thiên tai, bão lũ, dịch bệnh theo mùa nên việc “nhường cơm sẻ áo”, “lá lành đùm lá rách”… đã thành truyền thống qua nhiều thế hệ. Chính vì vậy, người Việt luôn tin vào điều thiện, tin vào nhân quả vì trong thực tế bất cứ người Việt Nam nào cũng đã, đang và sẽ làm từ thiện bởi nếu không ủng hộ quỹ vì người nghèo thì mỗi năm nhà nhà cũng đều dành một phần tiền của mình hỗ trợ đồng bào bị thiên tai bão lũ. Người Việt cũng lấy chính hành động làm điều thiện, giúp đỡ người cùng khổ để dạy con, dạy cháu.

Làm từ thiện - Khó hay dễ?
Ảnh minh họa

Chính nhờ truyền thống tin vào điều thiện, hành xử hướng thiện đó đã khiến tính tự tôn của người Việt rất cao. Nếu một cá nhân nào đó nhân danh làm từ thiện nhưng chỉ cần cách cho không ân cần, không có sự cảm thông một chút thôi sẽ bị nghĩ ngay là đang “bố thí”, đang “tỏ ra thương hại”. Và rồi lập tức người đó phải “nhận” lại tất cả những gì vừa mới rời tay, và tất nhiên là kèm theo những điều không được tốt đẹp, đặc biệt là sự nghi ngờ về nhân cách.

Với đặc điểm nghề nghiệp của mình, tôi được rất nhiều lần đi làm từ thiện tại nhiều nơi với nhiều người. Trong đó, quy mô lớn thì tới tiền tỉ, quy mô nhỏ có khi chỉ vài triệu đồng. Bởi vậy tôi cũng chứng kiến rất nhiều trường hợp "dở khóc, dở cười" khi làm từ thiện.

Đơn cử như có một lần chúng tôi làm từ thiện cho một nhóm Thanh niên xung phong có hoàn cảnh khó khăn tại Thái Bình. Đồng nghiệp của tôi trong một lần công tác, đã vô tình được chứng kiến những cảnh đời éo le của hơn 30 “thanh niên” xung phong thời chống Mỹ nay đều đã đến tuổi lên ông lên bà. Bởi vậy, anh ấy về viết bài, kêu gọi từ thiện ở cơ quan, các đơn vị trong ngành. Thế là chỉ trong một thời gian ngắn, chúng tôi đã nhận được vài trăm triệu đồng. Phấn khởi, anh em tổ chức ngay một chuyến xe, đem tiền, rồi mua thêm một số bánh trái, sữa cho người già để đem đi tặng. Ấy thế nhưng cảnh đời éo le, khó lường khi chúng tôi đến Thái Bình, nhờ chính quyền địa phương mời các chú, các bác đến nhận quà thì hỡi ôi, có 2-3 người vừa mới… qua đời.

Lúc ấy cả đoàn đã xảy ra tranh cãi kịch liệt, một số người thì cho rằng cứ triển khai, trao tiền, trao quà vì thực tế là đây là những gia đình quá khó khăn, chỉ vài chục triệu nhưng có thể cứu được cả một gia đình… Nhưng một vài người thì rất “lý trí”, bởi căn cứ trên công văn của nhà tài trợ, là phải trao tiền cho đúng người, đúng nơi, đúng số tiền và phải có ký nhận đàng hoàng.

Chúng tôi cũng có trao đổi qua điện thoại về những trường hợp này với nhà tài trợ thì họ yêu cầu nếu người đã mất thì phải có giấy báo tử, người nhận thay phải có chứng minh được quan hệ thân thuộc với người được tài trợ… Đặc biệt là đã trao là phải trao hết tiền, không được phép trao người này lại không trao người khác vì… bất cứ lý do gì. Tóm lại là cái lý của nhà tài trợ là “liên quan đến tiền là phải cực kỳ minh bạch, đầy đủ tính pháp lý…”.

Nói thực lòng là khi đó, rất nhiều anh em trong đoàn đã nản lòng và một số gia đình của những người được trao tiền từ thiện cũng thấy nản. Nhưng chúng tôi vẫn động viên nhau phải làm bằng được, rồi từng người đến thuyết phục từng gia đình của các cô, các bác Thanh niên xung phong, tiếp đến là vận dụng toàn bộ các mối quan hệ tại địa phương để thúc đẩy hoàn thiện các loại giấy tờ thủ tục như giấy chứng nhận Thanh niên xung phong, giấy chứng thương và cả… giấy báo tử. Cuối cùng thì may mắn cho chúng tôi là cũng đâu vào đấy. Chúng tôi đã trao hết quà, trao đủ tiền đến từng người, từng nhà.

Làm từ thiện - Khó hay dễ?
Không tin vào điều thiện thì khó mà hành thiện.

Tôi cũng được chứng kiến những chuyến đi xác minh “hoàn cảnh khó khăn” mà chỉ riêng việc tính tiền đi lại bằng cả đường bộ, đường thủy, đường núi đã hơn cả số tiền từ thiện. Hay những người sẵn sàng bỏ vài trăm triệu đồng tiền túi hỗ trợ mổ tim cho các em nhỏ, để được tặng quà cho những người nghèo tại những vùng quê, miền núi với chỉ một yêu cầu là “ẩn danh”. Vẫn biết “của cho không bằng cách cho”, để làm điều thiện không hề dễ dàng. Tôi nhận thấy có một điểm khá đặc biệt ở những người hay làm từ thiện, đó là họ thực sự cảm thấy mình “may mắn”, cảm thấy mình cần phải chia sẻ với những người không may. Nói đơn giản hơn là người làm việc thiện phải có cái tâm đủ thiện và tin vào điều thiện.

Làm việc thiện một cách âm thầm lặng lẽ, làm thiện để tích đức cho con cháu, cha mẹ hay người có danh, có chức quyền đứng ra làm điều thiện đều chỉ là những phương thức, là quá trình hành thiện. Chúng ta gieo “nhân” bằng sự giúp đỡ, sẻ chia thì sẽ nhận được “quả” là được sinh ra, được chăm sóc, yêu thương, học hành, làm việc…

Tôi tin rằng, điều thiện đã đang và sẽ tiếp tục hiện hữu vì đây là cái gốc, là nền tảng của người Việt. Và sẽ không vì hành động của một vài cá nhân mà đánh mất đi một điều đáng quý mà cha ông đã dày công vun đắp suốt bao đời nay: Truyền thống “yêu nước thương nòi”.

Tùng Dương

Trách nhiệm với đồng tiền từ thiện Trách nhiệm với đồng tiền từ thiện
Phương Thanh bức xúc: Phương Thanh bức xúc: "Chuyện của anh Hoài Linh, đừng ai kéo tôi vào"
"Sự thật về một số ngôi sao đi làm từ thiện" dưới góc nhìn của chuyên gia
"Hoài Linh không thể vin vào Covid-19 bao biện chậm giải ngân 13 tỷ đồng"