Làm thế nào để tiêu diệt được IS?

07:07 | 21/11/2015

1,867 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Mỹ, Nga, Pháp đang có dấu hiệu hướng tới thành lập một liên minh quân sự chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS), nhưng việc này liệu có tạo nên một bước ngoặt trong cuộc chiến tiêu diệt đội quân khủng bố này không? Làm thế nào để tiêu diệt được IS?  

Vụ thảm sát tại Paris hôm 13/11, cùng với sự leo thang bạo lực và mở rộng tầm hoạt động của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đang khiến các cường quốc thế giới tạm gạt những khác biệt quan điểm đối với cuộc chiến ở Syria, để thực hiện bước đi đầu tiên trong việc thành lập mặt trận thống nhất chống IS.

Mặc dù hiện tại vẫn còn quá sớm để nói về một liên minh toàn cầu chống IS, với sự tham gia của các nước hăng hái nhất hiện nay là Nga, Mỹ, Pháp, nhưng rõ ràng đã có những tín hiệu tốt của việc này, qua một loạt các động thái và tuyên bố dồn dập của các nhà lãnh đạo thế giới.

lam the nao de tieu diet duoc is
Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Pháp François Hollande (trái) sẽ gặp nhau trong tuần tới để bàn về nỗ lực chống IS

Sau cuộc hội đàm với Tổng thống Putin tại Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Thổ Nhĩ Kỳ vừa qua, Thủ tướng Anh David Cameron tuyên bố quan điểm của Nga và Anh về cuộc khủng hoảng Syria đã gần nhau hơn nhiều. Trong khi đó, Tổng thống Pháp François Hollande sẽ có chuyến đi con thoi tới Washington và Moskva vào tuần tới để bàn về nỗ lực chống IS.

Ông François Hollande tuyên bố rằng, liên minh quốc tế rộng lớn với sự tham gia của Nga và Mỹ sẽ giúp giáng đòn tấn công quyết định vào IS. Về phía Nga, Tư lệnh tối cao của các lực lượng vũ trang Nga - Tổng thống Vladimir Putin, đã ủy thác cho Bộ Tổng tham mưu và Bộ Quốc phòng Nga cùng với Hải quân Pháp vạch kế hoạch hành động chung tại Syria cả trên biển và trên không. Ông Vladimir Putin cũng lưu ý rằng quân nhân Nga cần làm việc với các binh sĩ Pháp tới bờ biển Syria trên tàu sân bay Charles de Gaulle như là với các đồng minh.

Nhưng hợp tác quân sự đã là đủ để tiêu diệt đội quân khủng bố này? Nhật báo Pháp La Croix cho rằng, thế là chưa đủ.

Trước hết, cần phải thành lập một liên minh toàn cầu thực sự chống IS dưới sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc. Liên minh chống thánh chiến cần phải vượt qua những bất đồng quan trọng về số phận của Tổng thống Syria và về các mục tiêu không kích. Sau đó, đẩy nhanh việc thương lượng một giải pháp chính trị cho khu vực, mà ưu tiên hàng đầu là Syria. Cuối cùng là triển khai chính sách hỗ trợ phát triển cho cư dân trong vùng.

Có lẽ số phận của ông Assad sẽ không còn được nhắc nhiều nữa ở thời điểm này, nhất là sau cuộc họp hôm 14/11, các cường quốc trong đó có Mỹ, Nga và Liên minh châu Âu, các quốc gia Arập, Iran đã thỏa thuận về lịch trình chuyển đổi chính trị tại Syria để lập ra một chính phủ chuyển tiếp trong vòng 6 tháng tới và tổ chức bầu cử trong vòng 18 tháng. Vấn đề còn lại là mục tiêu không kích.

Trong khi Nga, Iran không chỉ nhắm mục tiêu vào các nhóm khủng bố IS và Mặt trận Al Nosra, mà còn nhắm vào các nhóm vũ trang đối lập ở Syria thì Arập Xêút, lại tích cực hỗ trợ các nhóm này nhằm hạ bệ Tổng thống Syria Bashar al-Assad, để nhằm ngăn ngừa chiến thắng của chế độ được Teheran và Hezbollah ở Liban ủng hộ.

Phía Thổ Nhĩ Kỳ lại đặt ưu tiên chính là tránh việc thành lập một định chế tự trị Kurdistan tại Syria dọc theo biên giới nước mình, còn tại Iraq, chính phủ do phái Shia thống trị không muốn chia sẻ quyền lực với thiểu số Sunni theo yêu cầu của phương Tây.

Thứ hai, cần tiến hành các hoạt động vũ trang mãnh liệt hơn để tiêu diệt IS chứ không phải kìm hãm chúng.

Mỹ, phương Tây cũng như Nga đều không muốn can thiệp trên bộ, nhưng cũng không có bất kỳ nước Arập nào sẵn sàng đưa bộ binh đến chiến đấu chống IS. Một chiến dịch trên bộ để tái chiếm các lãnh thổ bị quân thánh chiến chiếm đóng tại Syria và Iraq không thể thực hiện được nếu không có được sự thỏa thuận với Arập Xêút và Iran.

Thứ ba, cần tăng cường hợp tác tình báo. Bởi, để đối phó với một tổ chức khủng bố như IS, trong một cuộc chiến bất cân xứng giữa một Nhà nước với một tổ chức không lãnh thổ lẫn quân đội cụ thể, giới quan sát đều cho rằng tình báo là chìa khóa của mọi thành công hoặc thất bại.

Thứ tư, cần cắt đứt các nguồn tài chính của IS.

Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng vốn được coi là tổ chức khủng bố giàu có nhất từ trước đến nay, vượt trội so với Al-Qaeda. Tuy nhiên, nguồn tài chính của chúng hiện nay chủ yếu vẫn là dầu khí (chiếm 55%). Phi cơ của liên minh chống IS có thể oanh kích các xe bồn chở dầu của chúng để cắt đứt các nguồn tài trợ này. Triệt để hơn, còn một giải pháp nữa là Thổ Nhĩ Kỳ đóng cửa không cho các xe bồn chở dầu chạy qua.

Thứ năm, cần phải giải độc chủ thuyết Hồi giáo cực đoan. Ngoài việc đánh động ý thức về mối nguy của thánh chiến tại các địa điểm cầu nguyện, trường học, câu lạc bộ thanh niên… ở ngay trong lòng mỗi nước châu Âu, cần tăng cường việc giám sát không gian Internet. Bởi, rõ ràng là tuy các trang web cực đoan đã bị đóng, nhưng facebook và Twitter vẫn tiếp tục đưa những thông tin tuyên truyền cho thánh chiến.

Cuối cùng, tiêu diệt IS ở Syria hay Iraq mới chỉ là sự bắt đầu của cuộc chiến này, cần phải ngăn chặn IS cắm rễ và phát triển ở các nơi khác, đặc biệt là ở những nơi tiềm ẩn sẵn nguy cơ bất ổn, đang bị nội chiến hoành hành như Libya hay Yemen.

Nên nhớ rằng, chính nội chiến, bất ổn ở Iraq, Syria đã từng là điều kiện quan trọng nhất để IS hình thành và nay, nội chiến ở Yemen hay Libya cũng đang tạo điều kiện cho IS sinh sôi, nảy nở.

Chính một nhánh của IS, hoạt động ở bán đảo Sinai - khu vực bất ổn nhất của Ai Cập, đã “dày vò” chính quyền Tổng thống Abdel-Fattah al-Sisi nhiều năm qua, đã nhận trách nhiệm về vụ đánh bom khủng bố nhằm vào một máy bay chở khách của Nga ngày 31/10, cướp đi sinh mạng của toàn bộ 224 người có mặt trên máy bay.

Linh Phương

Năng lượng Mới 476