Làm sao để doanh nghiệp tiếp cận được vốn?

14:29 | 20/03/2012

512 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Từ ngày 13/3, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chính thức công bố giảm ba loại lãi suất chủ chốt và trần lãi suất tiền gửi thêm 1%. Đây  thực sự là tín hiệu đáng mừng cho doanh nghiệp, song một thực trạng là mặc dù còn rất khó khăn về vốn nhưng nhiều doanh nghiệp lại tỏ thái độ không mặn mà.

Theo VCCI trong năm 2011, đã có 7.611 doanh nghiệp giải thể, bằng gần 10% tổng số doanh nghiệp đã giải thể từ trước đến nay. Đây thực sự là một con số "khủng khiếp” đối với nền kinh tế nước nhà. Một trong những nguyên nhân lớn khiến doanh nghiệp lao đao, đó là vấn đề lãi suất cho vay quá cao của các ngân hàng. Từ ngày 13/3, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chính thức công bố giảm ba loại lãi suất chủ chốt và trần lãi suất tiền gửi thêm 1%. Đây thực sự là tín hiệu đáng mừng cho doanh nghiệp, song một thực trạng là mặc dù còn rất khó khăn về vốn nhưng nhiều doanh nghiệp lại tỏ thái độ không mặn mà.

"Cởi trói” lãi suất

Theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, từ ngày 13/3, lãi suất tái cấp vốn giảm từ 15%/năm xuống 14%/năm, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng từ 16%/năm xuống 15%/năm, lãi suất tái chiết khấu từ 13%/năm xuống 12%/năm. Thống đốc cho biết, đáng lẽ NHNN đã điều chỉnh giảm lãi suất sớm hơn, tức vào ngày 20/2 vừa qua nhưng vì nhà điều hành muốn để thị trường vận động trước và NHNN điều hành sau theo hướng hỗ trợ để tránh việc áp đặt, có thể gây nên những tác dụng phụ không mong muốn.

Trên thực tế, trước khi NHNN đưa ra quyết định trên, rất nhiều ngân hàng thương mại quy mô từ lớn đến nhỏ có tình hình tài chính lành mạnh đều giảm lãi suất đối với những gói tín dụng lớn nằm trong các nhóm ưu tiên cho nông nghiệp, nông thôn; xuất khẩu; công nghiệp hỗ trợ và doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trong trào lưu chung như vậy, kết hợp với đánh giá tình hình vĩ mô đang dần ổn định, thanh khoản hệ thống ngân hàng từng bước chuyển biến tích cực, NHNN coi đó là thời điểm thuận lợi để giảm lãi suất.

NHNN cho rằng, nếu diễn biến thị trường tiếp tục thuận lợi như thời gian vừa qua, sẽ nghiên cứu phương án bỏ trần lãi suất. Cũng theo Thống đốc, việc giảm lãi suất đầu vào sẽ mang lại hiệu ứng tích cực đối với lãi suất tiền vay. Theo đó, khi NHNN thực hiện hạ lãi suất chủ chốt, sẽ tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng có được nguồn vốn giá rẻ và dồi dào hơn để họ hạ lãi suất tiền vay. Nhưng, với điều kiện kinh tế vĩ mô đang theo chiều hướng tốt, cung cầu vốn dồi dào, NHNN cho rằng, mặt bằng lãi suất tiền vay sẽ dao động trong khoảng 14,5-16%/năm. Với mức lãi suất này, thực tế là thấp so với trước đó nhưng so với năng lực “chịu đựng” của doanh nghiệp Việt Nam thì vẫn còn cao.

“Để có thể hạ lãi suất hơn nữa, cả nước cần tiếp tục đồng thuận tìm mọi cách ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát như thời gian qua. Nếu trung bình mỗi quý, lạm phát giảm 1% thì sau vài quý nữa, việc quy định trần lãi suất sẽ không cần thiết nữa. Mọi hoạt động huy động vốn, cho vay đều trên cơ sở thỏa thuận”, Thống đốc nói.

Doanh nghiệp chưa mặn mà

Bởi họ cho rằng, tiếp cận lãi suất cao đã khó, thì đừng nói gì đến lãi suất thấp!

Thực tế cho thấy, khi doanh nghiệp muốn vay vốn, ngân hàng sẽ dựa trên nhiều chỉ tiêu để đánh giá mức tín nhiệm của ngân hàng đối với doanh nghiệp. Những doanh nghiệp nào có vốn lớn, tài sản lớn sẽ rất dễ dàng vay với lãi suất thấp. Thậm chí, sau khi hạ lãi suất nhiều ngân hàng còn hướng đến những công ty xuất nhập khẩu vì ở đó có nguồn thu ngoại tệ.

Trong khi đó, đối với nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa, kể cả lãi suất cao hay lãi suất thấp họ cũng khó thể tiếp cận được vì đa số các điều kiện về sổ sách, tài sản, thị trường của các doanh nghiệp này khó đáp ứng được mức tín nhiệm của ngân hàng, vì vậy họ có thể bị “đánh rớt” ngay từ vòng thẩm định dự án. Đại diện một công ty sản xuất kinh doanh các sản phẩm may mặc phân trần: “Với lãi suất cao, doanh nghiệp cũng phải chật vật mãi mới vay được. Giờ một số ngân hàng giảm lãi suất xuống thấp hơn cũng không đến lượt mình. Không chừng đây cũng chỉ là cuộc chạy đua lãi suất giữa các ngân hàng. Thực tế doanh nghiệp có tiếp cận được nguồn vốn lãi suất thấp hay không lại là vấn đề khác”.

Giải thích về thực trạng giảm lãi suất của ngân hàng nhưng chỉ có doanh nghiệp lớn mới tiếp cận được, PGS.TS Trần Hoàng Ngân, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia khẳng định: “Thanh khoản của ngân hàng chưa được cải thiện, nợ xấu gia tăng nên các ngân hàng thương mại phải tăng khả năng kiểm soát tín dụng bằng cách xem xét kỹ những hồ sơ và dự án của doanh nghiệp là quyền của các ngân hàng, Nhà nước không thể can thiệp”.

Giám đốc một số doanh nghiệp cho rằng, dù sao chính sách tiền tệ vẫn là thắt chặt, giảm lãi suất ngân hàng ở mức 1-2% chỉ là biện pháp tình thế, một phần nào đó giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Về thực chất, lãi suất đã tăng quá cao nên việc giảm như trên cũng không đáng kể, nhất là với với thị trường bất động sản. Vấn đề “giải cứu” cho doanh nghiệp hiện nay là làm sao để doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn từ ngân hàng, chứ không phải vấn đề lãi suất là bao nhiêu. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp bất động sản phải “đắp chiếu” các dự án đang thi công dang dở. Với tiền trả lãi ngân hàng ở mức cao, chưa tính chi phí điều hành, họ sẽ ngày càng “khát” vốn trầm trọng và nguy cơ phá sản tiếp tục tăng.

Chính vì thế, ông Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM, cho biết: “Gần đây, nhiều ngân hàng lớn đã công bố hạ lãi suất cho vay, song đây chưa phải là một tín hiệu đáng mừng”, Thứ nhất, theo ông, dù thông báo hạ lãi suất nhưng một số ngân hàng cũng cho biết số khách hàng được hưởng mức lãi suất cho vay thấp chỉ chiếm khoảng 1-1,5% tổng dư nợ của ngân hàng vì họ cho rằng, với mức lãi suất huy động 14%/năm, ngân hàng chỉ cho vay khoảng 16%/năm sẽ không có lợi nhuận. Vì vậy cũng sẽ không có nhiều doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn này.

Thứ hai, vấn đề quan trọng đặt ra là tính thanh khoản của một số ngân hàng hiện nay chưa chắc đáp ứng được nhu cầu vay vốn thực tế của doanh nghiệp. Không thể loại trừ trường hợp một số ngân hàng công bố theo phong trào. Bên cạnh đó, các ngân hàng hiện nay cũng đang rất chọn lọc khách hàng để cho vay.

Như vậy, giải pháp tạm thời trong thời gian này khi tiếp cận vốn vẫn còn khó khăn thì các doanh nghiệp phải tự tái cấu trúc, sử dụng nguồn vốn tiết kiệm và hiệu quả. Trong trường hợp thật cần thiết mới tiến hành vay vốn ngân hàng. Đặc biệt, các doanh nghiệp cần cắt bỏ đầu tư tràn lan, không hiệu quả, tập trung nguồn lực vào lĩnh vực chuyên sâu của mình. Ngoài ra, doanh nghiệp nên sớm niêm yết cổ phiếu mình trên thị trường chứng khoán để huy động vốn trên thị trường này, tránh phụ thuộc hoàn toàn nguồn vốn vào ngân hàng.

Lê Quân