Lạm phát giấy khen

15:26 | 29/06/2017

1,191 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Việc phải thu lại tờ giấy khen học sinh lớp 4 với thành tích “vượt trội” ở 7 môn học của Sở GD&ĐT tỉnh Ninh Bình một lần nữa cho thấy cách làm việc dập khuôn, máy móc trong việc khen thưởng học trò.

Giấy khen cẩu thả

Ngay sau khi tờ giấy khen chi chít thành tích của một học sinh lớp 4 được lan truyền trên mạng xã hội đã thu hút sự chú ý của dư luận. Một tờ giấy khen mà ghi thành tích ở tận 7 môn học khiến ai nhìn vào cũng đánh giá quá rườm rà, rối rắm. Cụ thể, trên giấy khen có ghi thành tích của học sinh như sau: "Có thành tích vượt trội về môn tiếng Việt, khoa học, lịch sử, địa lý, tiếng Anh, đạo đức, âm nhạc, thể dục và rèn luyện năng lực phẩm chất" năm học 2016-2017. Với tờ giấy khen này, nhiều phụ huynh không biết con mình khá hay giỏi?!

lam phat giay khen

Được biết, ngay sau khi phát hiện vụ việc xảy ra ở Trường Tiểu học xã Gia Vượng, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình thì Sở GD&ĐT tỉnh Ninh Bình đã chỉ đạo nhà trường gặp gỡ phụ huynh để “xin lại” tờ giấy khen và cũng bày tỏ mong muốn phụ huynh thông cảm, để nhà trường làm lại cho chuẩn hơn. Dẫu vậy, vụ việc vẫn không khỏi khiến các bậc phụ huynh hụt hẫng.

Tình trạng “mưa giấy khen” khiến cứ mỗi dịp cuối năm thì các khu phố, cơ quan đoàn thể không đủ kinh phí để thưởng cho học sinh “vượt trội”.

Còn nhớ 1 năm trước, khi tổng kết năm học 2015-2016, giấy khen cũng là đề tài bàn tán sôi nổi của các bậc phụ huynh khi quá nhiều tờ giấy khen mà con em họ nhận được chẳng khác gì… “đánh đố”. Cũng bởi, việc chưa quy định rõ tiêu chí khen thưởng cho học sinh bậc tiểu học nên, nhiều trường tỏ ra lúng túng. Tờ giấy khen của một học sinh lớp 1 được đưa ra bàn tán có nội dung ghi “Đạt danh hiệu học sinh khen từng mặt”. “Danh hiệu” này đã khiến nhiều phụ huynh cảm thấy khó hiểu, không biết “từng mặt” là mặt gì? Chưa kể tình trạng “trăm hoa đua nở” trên tờ giấy khen, bởi thay vì khen thưởng danh hiệu học sinh tiên tiến, khen thưởng học sinh xuất sắc như trước đây thì có thêm: Học sinh hoàn thành tốt môn Toán, Học sinh hoàn thành 3 nhiệm vụ giáo dục, Học sinh có tinh thần tương thân tương ái… Thậm chí còn rối rắm như: Học sinh hoàn thành tốt nội dung học tập môn Toán, Tiếng Việt, Thủ công, tích cực tham gia hoạt động từ thiện.

Cầm những tờ giấy khen này, phụ huynh cảm thấy không khác gì bị tung hỏa mù, bởi càng không nắm rõ được thành tích học tập của con. Lý giải của các trường là theo chủ trương của Thông tư 30, học sinh học tốt mặt nào thì khen thưởng mặt đó nên mới có kiểu “khen từng mặt”.

Chính một giáo viên của Trường Tiểu học Ứng Hòa, Hà Nội ở thời điểm đó đã tâm sự rằng: “Học sinh đạt kết quả học tập tốt trong các môn, các hoạt động thì chúng tôi ghi “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ học tập, rèn luyện”, còn một số em khác đạt kết quả ở mức thấp hơn một chút, chúng tôi ghi “Hoàn thành tốt nhiệm vụ học tập, rèn luyện”. Cá biệt có khoảng 10 em kết quả học tập đuối hơn nhưng theo Thông tư 30, chúng tôi vẫn khen các em và chỉ chọn một mặt nào các em thật sự tốt để khen, nên có trường hợp em được khen “đá cầu giỏi” là như vậy”.

Trong Thông tư 22 quy định về khen thưởng cho học sinh tiểu học có viết: “Học sinh nổi trội môn nào thì khen môn đó”, thế nhưng vẫn có giấy khen chi chít với 7 môn học. Đồng thời với quy định này, đem đến hiện tượng nhiều lớp 100% học sinh được giấy khen, dẫn đến tình trạng như học sinh đang được “phát chẩn” giấy khen vậy.

Bệnh thành tích tái phát

Mặc dù ông Nguyễn Đức Hữu, Phó vụ trưởng phụ trách, Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ GD&ĐT nói: “Mục đích của việc khen thưởng học sinh ở cấp tiểu học là để động viên, khích lệ sự tiến bộ của học sinh, để các em tự tin, hứng thú hơn trong học tập và rèn luyện, không phải nhằm so sánh, xếp hạng giữa các học sinh…”. Tuy nhiên, cách khen thưởng tràn lan đang làm cho tờ giấy khen bị mất dần giá trị và nhiều người quan tâm đến ngành giáo dục phải nhận xét rằng nó ảnh hưởng từ bệnh thành tích mà từ lâu đã trở thành căn bệnh cố hữu của ngành này.

lam phat giay khen

Tờ giấy khen với thành tích 7 môn vượt trội

Thực tế, Điều 16, Thông tư 22 đã quy định việc khen thưởng cho học sinh tiểu học là có hai nhóm học sinh được khen thưởng. Đó là nhóm học sinh xuất sắc và nhóm học sinh được khen thưởng nổi trội về các môn học hoặc năng lực, phẩm chất. Với nhóm học sinh xuất sắc phải đạt được “…kết quả đánh giá các môn học đạt: hoàn thành tốt, các năng lực, phẩm chất đạt Tốt; bài kiểm tra định kỳ cuối năm học các môn học đạt 9 điểm trở lên”. Bởi thế, có lớp chỉ có 1 em, lớp nhiều cũng chỉ có vài em đạt được tiêu chí này. Nhưng ở nhóm thứ hai là khen thưởng “vượt trội hay tiến bộ vượt bậc về ít nhất một môn học hoặc ít nhất một năng lực, phẩm chất…”. Thành thử, khi giáo viên và nhà trường mắc bệnh thành tích thì sẽ lạm dụng từ “vượt trội” để phóng tay khen thưởng học sinh. Từ đó mới dẫn đến tình trạng có những em học sinh “vượt trội về môn Toán”; “vượt trội về Thể dục”… rồi thậm chí vượt trội đến 7 môn học trong một tờ giấy khen như đã thấy.

Thực tế, nếu khen đúng theo tinh thần của Thông tư chỉ đạo thì một lớp học cùng lắm chỉ chọn được thêm vài em “vượt trội” là nhiều. Thế nhưng ở các trường tiểu học khi xét khen thưởng học sinh vượt trội về các môn học, giáo viên thường căn cứ nhiều vào điểm số khi học sinh kiểm tra cuối năm. Thế mới có chuyện không ít em được khen “vượt trội về môn Toán” nhưng đôi khi làm các bài toán trong sách giáo khoa còn sai. “Vượt trội về môn Tiếng Việt” mà viết đoạn văn chỉ vài ba dòng còn sai cả lỗi chính tả. Chính điều này đã khiến một giáo viên tiểu học phải bức xúc: Do hiểu sai về từ “vượt trội” của thông tư.

Nếu như các thế hệ học sinh trước đây cầm được một tờ giấy khen như một phần thưởng quý báu bởi khen theo tiêu chí “Quý hồ tinh bất quý hồ đa” không chạy theo số lượng thì nay tình trạng “loạn khen” đã làm cho tờ giấy khen trở nên tầm thường. Nói không ngoa, với cách đánh giá, cho điểm học sinh quá “thoáng” như hiện nay thì đương nhiên sẽ dẫn đến tình trạng khen ảo, khen cào bằng. Thế nên, ý nghĩa động viên, khích lệ của tấm giấy khen dường như cũng không còn nữa!.

Điều 16, Thông tư số 22/2016/TT-BGDĐT ngày 22-9-2016 của Bộ GD&ĐT quy định:

1. Hiệu trưởng tặng giấy khen cho học sinh:

a) Khen thưởng cuối năm học:

- Học sinh hoàn thành xuất sắc các nội dung học tập và rèn luyện: kết quả đánh giá các môn học đạt Hoàn thành tốt, các năng lực, phẩm chất đạt Tốt; bài kiểm tra định kỳ cuối năm học các môn học đạt 9 điểm trở lên;

- Học sinh có thành tích vượt trội hay tiến bộ vượt bậc về ít nhất một môn học hoặc ít nhất một năng lực, phẩm chất được giáo viên giới thiệu và tập thể lớp công nhận;

b) Khen thưởng đột xuất: học sinh có thành tích đột xuất trong năm học.

2. Học sinh có thành tích đặc biệt được nhà trường xem xét, đề nghị cấp trên khen thưởng.

Huyền Anh